Năm 2010 đầy lận đận vẫn chưa đủ, bất động sản TP HCM tiếp tục bị nghi ngại sẽ bước vào giai đoạn căng thẳng chưa từng thấy khi năm 2011 gõ cửa vì doanh nghiệp thiếu vốn, lãi suất lại cao và ít có giao dịch thành công.
Trao đổi với phóng viên ngày 23/12, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức nhận định: "Thị trường bất động sản năm 2011 có thể sẽ rất ảm đạm trong quý đầu tiên. Bởi lẽ mức lãi suất 14% một năm không chỉ gây khó cho doanh nghiệp phát triển bất động sản mà khách hàng cũng chẳng dám vay để mua nhà".
Theo ông Đức, thực tế là khi mua căn hộ, đa phần người dân không có đủ tiền mà đều phải vay từ các ngân hàng. Lãi suất cao không ai dám vay sẽ khiến cho đầu ra bị nghẽn lại. Do đó, khó có viễn cảnh một thị trường tươi sáng vào quý I năm sau. Tuy nhiên, ông Đức vẫn kỳ vọng cuối quý II đầu III, khung lãi suất sẽ được điều chỉnh hợp lý hơn và bất động sản sẽ đổi sắc.
Dù đánh giá thị trường còn nhiều bất ổn và ảm đạm trong năm 2011, doanh nghiệp này vẫn lên kế hoạch tung ra 3 dự án bất động sản có giá không vượt ngưỡng 21 triệu đồng mỗi m2 vào quý I.
Tại cuộc họp đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn HAGL cuối tháng 12, ông Đức cho hay, mục tiêu lợi nhuận thu về từ bất động sản dự kiến khoảng 1.800 tỷ đồng, chiếm 50% tổng lợi nhuận trước thuế của tập đoàn. Đây là kịch bản xấu nhất cho thị trường bất động sản trong năm tới.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhà Việt Nam, Trần Văn Thành cũng không mấy lạc quan khi dự báo thị trường bất động sản năm 2011. Ông Thành cho biết: "Tôi không có kỳ vọng gì cho thị trường bất động sản vào năm tới. Có thể giá nhà đất sẽ tiếp tục đi ngang, trừ một số khu vực có hạ tầng kết nối hoàn thiện tăng chút ít. Giao dịch khá ảm đạm nếu lãi suất vẫn cao như hiện nay".
Quan điểm của ông Thành, giai đoạn giao thoa giữa năm 2010 và 2011 là thời điểm cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp địa ốc. Nếu tình trạng lạm phát tăng cao thì chắc chắn giá bất động sản cũng sẽ đội lên. Việc tăng giá này nhằm bù đắp sự thiếu hụt chi phí đầu vào chứ không phải tăng giá do thị trường có nhiều giao dịch.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa nhận định: "Năm 2011 là thời điểm khắc nghiệt và căng thẳng nhất của thị trường bất động sản TP HCM".
Ông Nghĩa phân tích, bài toán làm đau đầu các doanh nghiệp địa ốc hiện nay là vốn thực của chủ đầu tư chiếm tỷ trọng ít hơn vốn vay ngân hàng. Hiện thị trường có đến 60-70% dự án bị đình trệ, rơi vào trạng thái chờ hoặc kéo giãn tiến độ. Sản phẩm nhà đất khó bán, giới đầu tư thận trọng hơn trước đây khiến việc tiêu thụ sản phẩm bị ách tắc. Điều này làm cho dòng vốn của doanh nghiệp bị đình trệ, lãi suất lại cao, khả năng các doanh nghiệp bất động sản thoái vốn là rất lớn.
- Ảnh bên : Một trong số ít dự án bất động sản được triển khai đúng tiến độ tại thị trường TP HCM. (Ảnh: Vũ Lê)
Theo dự báo của ông Nghĩa, nhiều khả năng năm 2011 sẽ xảy ra hiện tượng: sang nhượng dự án, đình trệ việc khởi công xây dựng hoặc mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Để vượt qua khó khăn, theo chuyên gia này, các doanh nghiệp địa ốc cần phải tái cấu trúc lại nguồn vốn. "Khi thị trường tốt, có 30% vốn, doanh nghiệp vay thêm đến 70% cũng không sao. Thế nhưng với thời điểm hiện tại, dù có 50% vốn thực và chỉ vay thêm 50% còn lại cũng cực kỳ ngột ngạt", ông Nghĩa nhận định.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển Nhà Thủ Đức, Lê Chí Hiếu cho rằng, do hạ tầng cơ sở đang trong quá trình xây dựng, năm 2011, thị trường bất động sản vẫn phải tiếp tục thời gian thử thách. Các thách thức trong thời gian tới là: tăng dân số cơ học, hạ tầng kỹ thuật, giao thông huyết mạch còn yếu, nguồn vốn hạn chế, quy hoạch, điều hành vĩ mô quản lý đô thị vẫn chưa hoàn thiện, tính minh bạch chưa cao, tính thanh khỏan còn kém do thị trường chưa phát triển thông suốt.
Trái với cái nhìn khá bi quan của các doanh nghiệp địa ốc, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản TP HCM Đỗ Thị Loan nhận định, dù có xảy ra tình huống khó khăn đến đâu, dòng sản phẩm căn hộ giá trung bình dành cho các đối tượng: công chức, gia đình trẻ vẫn tìm được đầu ra trong thời gian tới. Bà Loan cũng cho rằng điểm sáng này của thị trường đang được nhiều doanh nghiệp vận dụng ở các quận huyện nằm ngoài khu trung tâm TP HCM.
Bà Loan phân tích, bên cạnh việc sử dụng nguồn tài chính tự tích lũy được, người mua nhà còn có thể tranh thủ tình cảm của người thân trong gia đình để tận dụng nguồn vốn nhà rỗi trong thời điểm lãi suất tăng cao.
Còn Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn thương tín (Sacomreal) Đặng Hồng Anh có cái nhìn lạc quan hơn. Ông kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ trở lại từ quý III, chậm nhất là quý IV/2011. Theo ông Anh, Chính phủ đã có nhiều kinh nghiệm khắc phục khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng 2008-2010 nên mức lãi suất của năm 2011 sẽ ổn định dần. "Các dòng vốn từ nước ngoài đổ vào Việt Nam cũng như động thái đầu tư hoàn thiện hạ tầng của Nhà nước sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường bất động sản TP HCM trong năm 2011", ông nói.
Vũ Lê
- Thị trường bất động sản “thách thức” nhà quản lý?
- Tiếp thị bất động sản: Doanh nghiệp “nội” đang lớn
- Phác họa thị trường bất động sản 2011
- Năm 2011: Phấn đấu 70.000 hộ thu nhập thấp có nhà ở
- Bất động sản tại Đà Nẵng: Doanh nghiệp địa phương “thua trên sân nhà”
- 8 vấn đề và sự kiện bất động sản Việt Nam năm 2010
- Bất động sản 2011: Cạnh tranh về giá
- Bất động sản và chuyện “củ cà rốt” của nhà đầu tư
- Bất động sản 2010: 'Chóng mặt' và 'toát mồ hôi'
- Mỗi tháng đóng 2% lương vào quỹ tiết kiệm nhà ở?