Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Bất động sản Bất động sản Đà Nẵng đang bị "thổi giá"?

Bất động sản Đà Nẵng đang bị "thổi giá"?

Viết email In

Hơn 5 năm qua, Đà Nẵng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, khu nghỉ dưỡng, du lịch, nhà ở cao cấp. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Đà Nẵng hiện đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Những ngày cuối năm ngoái, giới kinh doanh bất động sản Đà Nẵng rộ lên thông tin các lô đất dọc tuyến Phạm Văn Đồng - con đường chính ra bờ biển Sơn Trà - tăng giá đến 40%. Nhiều môi giới đưa ra hẳn những hợp đồng ký kết giao dịch làm chứng, có hợp đồng ghi rõ giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở tuyến này đến 45 triệu đồng/m2, vượt xa mức giá cũ là 25 - 35 triệu đồng/m2. Thị trường đất ven tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc theo đó rục rịch tăng giá. Giá đất nội thị Đà Nẵng cũng bắt đầu biến động nhích lên…

Thổi giá?

Tuy nhiên, với nhiều người trong cuộc, động thái này được cho là có “hiện tượng thổi giá”. Ông Văn Quang, một chủ cơ sở môi giới tại Sơn Trà tiết lộ, các hợp đồng, giấy tờ đưa ra đều thuộc dạng thỏa thuận đặt cọc, chỉ có giá trị từ 15 - 30 ngày. “Việc này cũng như tôi và anh thỏa ước ký hợp đồng giao dịch, nhưng anh sẽ không thực hiện chuyển tiền đúng hạn. Hợp đồng trở nên vô hiệu, tôi chỉ dùng để làm thông tin, nếu có thể đưa lên báo lại càng tốt”, ông Quang lý giải.

Những năm qua, Đà Nẵng đã nổi lên là một nơi có hạ tầng đô thị khá đồng bộ, thuận tiện cho giao thông, lưu trú. Nhiều nhà đầu tư từ Hà Nội, TP.HCM đến Đà Nẵng gần như bị thuyết phục ngay bởi đường phố trật tự, cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ, đa dạng như bờ biển, đèo núi… Tiếp đó, kể từ năm 2007, Đà Nẵng đã vận động, thu hút hàng loạt dự án đầu tư vào vùng ven biển, gồm các resort nghỉ dưỡng, khu biệt thự, nhà ở cao cấp. Các chủ dự án quy mô như tập đoàn VinaCapital, Vincom Land sẵn sàng chào bán các căn hộ ở đây đến 1 triệu USD. Những khu đất cận kề các dự án cao cấp này cũng được khởi động, dự báo làn sóng phát triển các dự án nhà ở kéo dài từ vịnh Đà Nẵng sang bờ đông bán đảo Sơn Trà.

Tất cả đã góp phần tạo tâm lý tin tưởng về cơ hội tốt khi tham gia khai thác nguồn quỹ đất ven biển Đà Nẵng. Dựa vào đây, giới kinh doanh bất động sản Đà Nẵng không ngừng đưa ra những thông tin kiểu “sốt đất”, để vừa giữ vững các mức giá “kịch trần”, vừa tìm kiếm sự đồng thuận trong dư luận nhằm dễ bề tìm kiếm lợi nhuận.

Trở ngại từ hạ tầng dịch vụ xã hội

Theo dự báo của các công ty tư vấn bất động sản Savills và CBRE, trong vòng 5 năm tới, sẽ có hơn 9.000 căn hộ cao cấp và biệt thự ven biển ở Đà Nẵng được đưa vào khai thác. Quỹ nhà ở chất lượng cao tại trung tâm Đà Nẵng đến nay cũng đã tăng đáng kể, với nhiều dự án cao tầng như Indochine Riverside Tower, Đà Nẵng Plaza. Một số cao ốc thương mại như ACB Tower, Vĩnh Trung Plaza… cũng được đưa vào khai thác.

  • Ảnh bên : Các dự án nhà ở cao cấp, biệt thự độc lập tách biệt khỏi cộng đồng dường như ngoài “tầm ngắm” của đa số cư dân Đà Nẵng

Song trên thực tế, giới kinh doanh vẫn còn những lo ngại không phải không có cơ sở. Đó là việc chưa cân đối được nguồn cung và cầu tại chỗ và hạ tầng dịch vụ xã hội còn hạn chế.

Ông Lê Minh Phúc, Giám đốc VinaCapital Đà Nẵng nhận định, dù đã là đô thị loại 1 lớn nhất miền Trung, đến nay thành phố này mới có xấp xỉ 1 triệu dân, kể cả số dân tạm trú. Phần lớn cư dân lâu năm của Đà Nẵng đã có nhà ở và không sẵn sàng chấp nhận những dạng nhà ở mới như căn hộ chung cư, nhà cao cấp biệt lập… Do đó, để khai thác được hết lượng nhà ở mới sẽ xây dựng thêm, thành phố này cần gia tăng thêm dân số, chú ý đến các nhóm dân di cư và có điều kiện thu nhập, công việc ổn định. Nhưng xung quanh Đà Nẵng đều là các địa phương nghèo, dân cư thu nhập thấp. Thậm chí, bản thân nhiều người dân Đà Nẵng cũng chưa đủ thu nhập để sở hữu những căn hộ giá trị cao.

Trong khi đó, các nhóm dân cư đến từ các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn chưa mặn mà với bất động sản ở Đà Nẵng. Theo kiến trúc sư Nguyễn Xuân Tiến, cán bộ dự án Trung Nam Land (Đà Nẵng), hạ tầng dịch vụ xã hội của Đà Nẵng chưa đáp ứng được yêu cầu “sống và làm việc” của những nhóm cư dân này. Nhiều người đến từ Hà Nội bày tỏ, họ có thể ở cả tháng trời nghỉ ngơi tại Đà Nẵng, song định cư hẳn thì phải tính lại. Bởi cơ hội kiếm việc làm và thu nhập tại Hà Nội vượt xa ở Đà Nẵng. Thói quen sống và thụ hưởng các tiện ích xã hội của người dân, nhất là giới trẻ Hà Nội, TP.HCM cũng khác với người Đà Nẵng. Nhiều bạn trẻ Hà Nội khi được hỏi đã tỏ ra không mấy thích thú với thành phố có các quán café và tụ điểm vui chơi đóng cửa lúc 22 giờ đêm.

Nhiều dự án nhà ở ven bờ biển Đà Nẵng chỉ gồm những căn nhà lộng lẫy trên cát, xung quanh thưa thớt dân cư, không có trường học, bệnh viện tương xứng. 

Quan trọng hơn, trong hơn 5 năm gần đây, Đà Nẵng đã tập trung khai thác, phát triển các hạ tầng nhà ở, khu lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp, song lại không đồng đều. Nhiều nhân viên marketing ở các dự án bất động sản ven biển Đà Nẵng đã lúng túng trước câu hỏi “liệu có bao nhiêu người có thu nhập cao chấp nhận mua nhà ở cho gia đình tại một nơi chưa có bệnh viện chất lượng cao, trường học chất lượng cao?”. Không ít dự án nhà ở ven bờ biển Đà Nẵng chỉ gồm… những căn nhà lộng lẫy trên cát, xung quanh thưa thớt khu dân cư, làm giảm đi rất nhiều cơ hội giao tiếp xã hội của cư dân nơi này.

Cần thay đổi hướng đầu tư

Chính những hạn chế này đã khiến người mua không mấy mặn mà với các dự án bất động sản tại Đà Nẵng. Đa số người đăng ký sở hữu những căn hộ, biệt thự ở Đà Nẵng hiện chỉ là đầu cơ, mua để mong bán lại kiếm lợi nhuận. Hậu quả là số dự án nhà ở càng tăng thì áp lực bán hàng lại càng đè nặng lên vai những nhà đầu tư. Nhìn thấy trước điều này, các đầu mối khai thác bất động sản đã cố gắng tổ chức những sự kiện mời gọi, như CBRE với ngày hội bất động sản hàng tháng tại Đà Nẵng, hay Savills với các hoạt động truyền thông tại Hà Nội và TP.HCM. Cuối năm 2010, chính quyền thành phố Đà Nẵng còn tổ chức triển lãm bất động sản, quảng bá hình ảnh các dự án nhà ở cao cấp trên địa bàn. Nhưng tất cả nỗ lực này vẫn chưa thể tạo ra những thay đổi đáng kể. 

Chị Khuất Thu Thùy, cán bộ truyền thông Công ty cổ phần Trường tư thục quốc tế Kinderworld Việt Nam nhận định: “Nếu chỉ dừng lại ở các dự án địa ốc thuần túy mà không đổi mới hướng đầu tư, đáp ứng đồng bộ những nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ của người dân thì các dự án bất động sản Đà Nẵng sẽ khó có cơ hội phát triển hơn nữa”.

Đức Nguyễn

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo