Sự phát triển của đô thị tại Việt Nam mới bắt đầu diễn ra từ năm 1990, và kể từ đó đến nay, tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Nếu như vào đầu thập niên 1990, tỷ lệ đô thị hóa hằng năm chỉ đạt khoảng 17-18% thì hiện nay đã tăng lên 23%. Tính đến nay, cả nước có khoảng 700 đô thị, trong đó có 5 thành phố trực thuộc trung ương, 44 thành phố trực thuộc tỉnh, 45 thị xã và hơn 500 thị trấn.
Như vậy, với tỷ lệ đô thị hóa 40% vào năm 2020 theo dự báo của Bộ Xây dựng, tính trung bình, mỗi người dân cần một diện tích 100m2, tương đương với khoảng 450.000ha đất đô thị. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích đất đô thị chỉ có 105.000ha, nghĩa là chỉ chiếm 25% so với yêu cầu.
Chính vì vậy, vấn đề đô thị hóa đang gây ra nhiều vấn đề nhức đầu cho cả các cơ quan quản lý nhà nước đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính người dân: nhà ở, giải quyết công ăn việc làm, quản lý trật tự an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước...
Cũng chính vì tốc độ đô thị hóa nhanh chóng nên nhu cầu sản xuất, giao thông tại các thành phố đã gây ra ô nhiễm không khí, tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân. Văn hóa nhà ống và xe máy với những dòng người bịt khăn kín mít trong mưa nắng vẫn là những hình ảnh quen thuộc diễn ra hàng ngày mà muốn hay không chúng ta đều phải chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác.
Trong cuốn “Thiên nga đen” (The Black Swan), tác giả Nassim Taleb đã chỉ ra rằng “hàng ngày có nhiều người chết vì ung thư hơn số lượng nạn nhân của cơn bão Katrina”, nhưng dường như chúng ta không mấy để ý đến tình trạng bệnh tật này vì đa phần chúng ta cứ nghĩ rằng hiểm họa bệnh tật đang xảy ra đâu đó chứ không phải với mình. Ít ai hiểu được rằng, vị bác sĩ tốt nhất của chính bạn chính là môi trường xanh và sạch.
Đô thị hóa thay thế là khái niệm liên quan đến quá trình đô thị hóa diễn ra ngay chính trong đô thị, theo đó, người dân “di cư” từ trung tâm ra ngoại thành hoặc vùng ven đô, khá phổ biến ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, gọi là xu hướng “di cư ngược”.
Nhiều “thượng đế” đã tìm đến với các dự án đô thị vùng ven ngoại thành, thậm chí là xa hơn nữa để an cư. Đương nhiên, con số các cư dân theo “trào lưu ngược” này là không nhiều, song cho thấy một xu hướng mới trong lĩnh vực bất động sản. Đó là ý thức của con người về môi trường sống, không gian sống và sức khỏe của chính họ cũng như người thân.
Cũng do nhu cầu này mà các nhà đầu tư đã chú trọng đến các khu vực ngoại thành, nơi mà quỹ đất vẫn đang còn dồi dào, hệ sinh thái vẫn đang còn nguyên sơ. Các dự án sinh thái mới như Sanctuary Hồ Tràm, Casalle’ Hills Phan Thiết, Laguna Long Hải, Evason Hideaway Côn Đảo, Long Thành Golf, Saigon-Mekong E.City hay Đảo Kim Cương – đã chứng minh cho xu hướng “di cư ngược” này.
Nó cho thấy sự hình thành và phát triển của một tầng lớp trung lưu mới ở Việt Nam - những người có khả năng tài chính để tìm cho mình một nơi ở lý tưởng, đảm bảo sức khỏe. Họ là những người có ý thức rõ ràng về giá trị cuộc sống, ý nghĩa của sự hưởng thụ và giá trị của sức khỏe, rời bỏ chốn thị thành chật hẹp để về với những khu đô thị sinh thái ngoại thành đầy gió nước.
- Hình ảnh minh họa: Dự án Diamond Island / Đảo Kim Cương (nguồn: diamondisland.com.vn)
Mạnh Hà
- Hậu trường buôn đất dự án và biệt thự
- Thị trường bất động sản phản ứng trước sức ép
- Vốn cho thị trường bất động sản: Tháo gỡ cách nào?
- Bất động sản Đà Nẵng đang bị "thổi giá"?
- Bình Dương và Thủ Thiêm
- Thị trường nhà đất trong các khu đô thị luôn “hấp dẫn”
- Thị trường căn hộ Hà Nội: Gió đã đổi chiều
- Bất động sản cần “nghệ thuật tiếp thị”
- Cách làm giàu nhờ địa ốc - tư vấn của Charles Trần
- Chung cư giá trung bình khó có chuyện giảm giá