Sau 3 năm UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2007-2010”, đến nay TP đã và đang triển khai được 8 dự án với gần 7.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 22.436 người.
Để thực hiện tiếp các dự án đầu tư xây dựng nhà thu nhập thấp, các nhà đầu tư đang đề xuất vốn vay ưu đãi của năm 2012 khoảng 868 tỉ đồng.
Bàn giao 3.000 căn hộ thu nhập thấp
Theo Sở Xây dựng, UBND TP đã phê duyệt 8 dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và hiện các chủ đầu tư đã ký hợp đồng, bàn giao khoảng 3.000 căn hộ cho các đối tượng thuộc diện được mua.
- Ảnh bên: Các dự án đầu tư xây dựng nhà thu nhập thấp đang chờ vốn vay ưu đãi (Ảnh: Bình An)
Ngoài ra, TP đã xây dựng thí điểm nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách theo hình thức cho thuê tại ô đất CT19 và thuê mua tại ô đất CT21 (bằng nguồn vốn của DN, TP hỗ trợ lãi suất) thuộc KĐT mới Việt Hưng (quận Long Biên) với khoảng 815 căn hộ đáp ứng nhu cầu về nhà ở của khoảng hơn 3.200 người và đã ký hợp đồng thuê nhà, bàn giao 269 hộ gia đình đủ điều kiện thuê nhà ở xã hội tại CT19 và phê duyệt danh sách thuê mua gồm 178 hộ tại CT21.
Đối với dự án xây nhà ở cho công nhân KCN, TP.Hà Nội đã đầu tư vốn ngân sách cho dự án đầu tư xây nhà cho công nhân thuê tại Kim Chung, huyện Đông Anh. Trên diện tích đất 20ha bên cạnh KCN Bắc Thăng Long, TP đã quy hoạch 24 đơn nguyên nhà 5 tầng phục vụ khoảng 10.000 công nhân. Dự án này còn 2 đơn nguyên (DN1, DN5) được điều chỉnh thành 3 khối nhà 15 tầng. Dự án nhà cho KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ do DN đầu tư và được TP hỗ trợ lãi suất với khoảng 1.144 căn hộ. Hiện chủ đầu tư đã xây xong nhà B (5 tầng) đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 9.2010, cung cấp 1.000 chỗ ở cho công nhân.
Hầu hết các dự án đều đang chờ vốn vay ưu đãi
Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, hầu hết các dự án đều đang chờ vốn vay ưu đãi. Theo đó, nhóm các nhà đầu tư nhà thu nhập thấp đề xuất vốn vay ưu đãi của năm 2012 khoảng 868 tỉ đồng, các nhà đầu tư dự án nhà ở cho công nhân cũng đề xuất khoảng 180 tỉ đồng vốn ưu đãi lãi suất. TP cũng đang sốt sắng tìm khoảng 200 tỉ đồng để tiếp tục đầu tư cho dự án xây dựng nhà ở công nhân tại KCN Bắc Thăng Long.
Trong khi đó, một nghịch lý khác là theo Quyết định 67/2009/QĐ-TTg thì chủ đầu tư được áp thuế GTGT bằng 0%, được miễn thuế thu nhập DN, hỗ trợ tín dụng đầu tư từ ngân hàng đầu tư. Tuy nhiên, đến nay các chính sách này đều chưa được áp dụng. Chỉ có 1 dự án nhà ở thu nhập thấp tại Đặng Xá, huyện Gia Lâm được vay của Ngân hàng Đầu tư - Phát triển, nhưng tiến độ giải ngân rất chậm. Do không được hỗ trợ tín dụng nên giá thành của nhà thu nhập thấp tương đương so với nhà thương mại (chỉ giảm chút ít do được miễn tiền sử dụng đất).
Để tháo gỡ vướng mắc, Sở Xây dựng đề nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng được hưởng ưu đãi theo quy định tại Quyết định 67QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để giảm giá bán căn hộ.
Ngoài ra, do chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, công nghệ, quy mô tòa nhà đối với nhà ở cho người thu nhập thấp (trừ căn hộ không quá 70m2), vì vậy, mỗi doanh nghiệp đầu tư với mức độ khác nhau dẫn tới giá bán khác nhau.
Hà Nội cũng đề nghị nghiên cứu ban hành chế tài bắt buộc các chủ sử dụng lao động có trách nhiệm, nghĩa vụ về nơi ở của người lao động tại DN cũng như cho phép các DN không nằm trong KCN có nhu cầu xây dựng nhà ở cho người lao động cũng được áp dụng cơ chế, chính sách như đầu tư xây nhà ở cho công nhân KCN.
Xuân Thu
- Kỳ vọng thị trường bất động sản bắt đầu chu kỳ phục hồi
- Bài toán định giá bất động sản
- Hấp lực từ bất động sản xanh
- Thị trường biệt thự, nhà liền kề ở Hà Nội: "Của để dành" nhiều năm
- Bất động sản chưa thoát thế giằng co
- Bất động sản Hà Nội: xu hướng dịch chuyển về gần trung tâm
- Giải pháp tổng thể cho thị trường bất động sản 2012
- Cơ cấu lại thị trường bất động sản
- Nhà nước mua lại nhà ế: Quà dành cho ai?
- Thị trường bất động sản: Những rào cản gây tắc thị trường