Động thái giảm lãi suất mới đây được nhiều người xem như một liều doping xốc lại tinh thần cho thị trường bất động sản.
Với chủ đầu tư, giảm lãi suất cũng đồng nghĩa với chi phí vốn vay sẽ giảm, qua đó có thể tiếp tục thực hiện dự án. Còn ở đầu ra, lãi suất giảm cũng mang đến cơ hội vay vốn mua nhà của cho không ít người dân, từ đó giúp thanh khoản trên thị trường ít nhiều cải thiện. Song kỳ vọng của giới đầu tư bất động sản có thành hiện thực và độ trễ của chính sách tiền tệ sẽ dài hay ngắn, tất cả vẫn còn là ẩn số.
Doanh nghiệp nói gì?
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố hạ trần lãi suất huy động xuống 12%, qua đó người ta hình dung lãi suất cho vay sớm muộn cũng giảm tương ứng. Phản hồi trước động thái này, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều đồng thuận với chủ trương này, thậm chí có doanh nghiệp ví “như nắng hạn gặp mưa rào” bởi tín hiệu nới lỏng tiền tệ, đặc biệt với lĩnh vực bất động sản đã hiện hữu trước mắt họ.
Ông Trịnh Huy Tuấn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Quang Minh chia sẻ, động thái giảm lãi suất của ngân hàng cùng với nới lỏng cho lĩnh vực bất động sản ít nhiều cũng cho thấy, Chính phủ và cơ quan quản lý thấy được khó khăn của bất động sản hiện nay.
Theo ông, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang dần đi vào ổn định, lạm phát giảm tốc dần thì không có lý gì lãi suất không giảm. Song, trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản cụ thể cũng chưa thể mừng ngay được mà phải tùy vào thực tế của từng dự án đang triển khai. Nếu là dự án “treo” hoặc mới khởi công, chắc chắn vẫn sẽ khó tiếp cận vốn. Chỉ những dự án gần với giai đoạn hoàn thiện thì mới có cơ hội được rót vốn thêm.
Hơn nữa, trong mấy ngày qua, ngay sau khi trần lãi suất huy động được “niêm yết” 12%, song trong dư luận vẫn truyền tai nhau không ít ngân hàng gửi tin nhắn, email đến khách hàng chào gửi tiền với lãi suất lên tới 14 – 16%. Điều này cũng có nghĩa, một khi ngân hàng phải đi vay với lãi suất như vậy thì doanh nghiệp cũng khó mà tiếp cận vốn ở mức dưới 19%.
Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường cho rằng, thị trường bất động sản trầm lắng gần hai năm nay, do đó để có thể cầm cự trong cơn bĩ cực nhiều chủ đầu tư đã phải mang tài sản là các dự án của mình đi thế chấp tại ngân hàng hoặc bán một lượng cổ phần cho các đối tác. Hiện giờ, khi lãi suất đang dần hạ nhiệt thì các doanh nghiệp không đủ tài sản để thế chấp vay nữa, khiến không ít doanh nghiệp buộc phải đứng ngoài cuộc chơi.
Do vậy, theo ông Cường, giảm lãi suất hiện nay không phải là vấn đề quan trọng đối với các chủ đầu tư. Thay vào đó, việc cần giải quyết trước đó là các doanh nghiệp bất động sản đang có khoản vay, nhưng do chưa trả được nên họ không thể vay tiếp. Trong trường hợp này, ngân hàng hoặc cơ quản quản lý cần phải có giải pháp tháo gỡ, cho vay tiếp nếu như doanh nghiệp đó có sản phẩm cung ứng đúng nhu cầu thị trường, tính thanh khoản cao.
Một doanh nghiệp địa ốc có dự án đang rao bán trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) nói: “Hạ lãi suất huy động 1% thực chất cũng chỉ có tác động tâm lý đối với giới đầu tư đang có tiền gửi ngân hàng. Nếu tính toán thấy gửi ngân hàng không còn hấp dẫn, họ có thể chuyển qua các kênh khác, trong đó có thể bất động sản sẽ được cân nhắc. Còn với chủ đầu tư, ngay cả khi có vay được tiền để tiếp tục dự án thì cũng chưa chắc đã bán được hàng, nên chuyện đổ xô đi vay là khó xảy ra”.
Theo chuyên gia này, câu chuyện giảm lãi suất và thị trường bất động sản ấm lại không đơn giản như phép toán “một cộng một bằng hai”. Ngân hàng dù có mở rộng hầu bao thì mục tiêu lợi nhuận của họ vẫn phải đạt được, trong khi chủ đầu tư, nhà đầu cơ bất động sản cũng phải nhắm đến mục tiêu này, do vậy bất động sản ấm lại trong nay mai vẫn chỉ là những dự báo mang đầy cảm tính.
Đã nên mua nhà?
Mấy ngày qua, thông tin người dân “rút tiền ngân hàng, mua bất động sản” đâu đó được dư luận bàn tán, đồn thổi. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tình hình mua bán nhà đất trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa có nhiều chuyển biến, đặc biệt là phân khúc nhà, đất dự án đang giai đoạn đầu xây dựng.
Không ít người đang có tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng hoặc người đang có nhu cầu tìm mua nhà cũng tỏ ra khá thận trọng. Cả 3 khách hàng có mặt tại sàn giao dịch bất động sản Hacinco chiều 16/4 khi tiếp xúc với người viết đều khẳng định “chưa có quyết định mua, bán gì hết, phải tiếp tục chờ xem thế nào đã”.
Một nhà đầu tư thì cho hay, “lãi suất huy động giảm còn 12% cũng không đồng nghĩa với việc gửi tiết kiệm hết hấp dẫn. Cả bất động sản, chứng khoán hiện vẫn chưa có tín hiệu tích cực rõ ràng, do vậy chuyện ồ ạt đổ xô rút tiền gửi để mua bất động sản như một số báo đưa tin là không có thật”.
Theo vị này, thị trường hiện vẫn đang diễn ra thế giằng co giữa khách hàng và chủ đầu tư về một mức giá hợp lý. Trong khi giới chủ đầu tư đồng loạt khẳng định giá đã “chạm đáy” thì khách hàng vẫn chưa tin vào điều đó. Ở góc độ người mua, vị này cho rằng vẫn nên chờ thêm một thời gian nữa.
Cũng thừa nhận thị trường đang ở thế giằng co, song theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC Group, nếu tính từ giữa năm 2011 đến nay, giá bất động sản trên cả nước đã giảm trung bình 30 - 40% so với đỉnh điểm, thậm chí có một số dự án còn giảm sâu hơn. Tuy nhiên, đặt trong tổng thể các yếu tố tác động đến thị trường thì giá nhà đất sẽ khó giảm sâu hơn nữa.
Theo ông Quyết, mức giá tại các dự án hiện nay đã tiệm cận với chi phí mà chủ đầu tư phải bỏ ra, trong đó đã bao gồm một tỷ lệ lợi nhuận khiêm tốn. Hầu hết các dự án không còn siêu lợi nhuận như mấy năm trở về trước. Nếu giá bán tiếp tục giảm nữa thì hoặc là chủ đầu tư phải chấp nhận lỗ, thậm chí lỗ nặng, hoặc là phải cắt giảm chi phí và chấp nhận để dự án “rớt hạng” về chất lượng. Cả hai khả năng này, theo ông đều khó xảy ra.
Hơn nữa, sau một thời gian chống chọi với cơn bão khung hoảng, đến thời điểm này, các chủ đầu tư đã có những giải pháp để cầm cự. Giải pháp phổ biến nhất là giãn tiến độ, thậm chí tạm dừng triển khai dự án để cắt giảm chi phí và cắt lỗ, chờ những tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế.
“Với tình hình thị trường như hiện nay, ngay cả các dự án đã triển khai đúng tiến độ thì cũng gặp khó khăn trong khâu bán hàng, thời hạn thu hồi vốn sẽ dài hơn, đồng nghĩa với chi phí đầu tư sẽ tăng lên và chi phí dự phòng cũng phải được đẩy lên cao. Trong bối cảnh đó, các chủ đầu tư không thể mạo hiểm giảm giá bán để phải chịu thua lỗ nặng nề”, ông Quyết nói.
Theo nhìn nhận của doanh nhân này, ngoại trừ những diễn biến thực sự tích cực đối với thị trường (như lãi suất cho vay giảm mạnh, CPI giảm xuống dưới 10%, nhà nước có chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư hoặc tung ra những gói cứu trợ mới…) thì giá bất động sản thời gian tới được dự báo là sẽ vẫn dao động quanh mốc như hiện nay.
Trang Anh
- Đất đai là điểm nghẽn tái cơ cấu?
- Kỳ vọng thị trường bất động sản bắt đầu chu kỳ phục hồi
- Bài toán định giá bất động sản
- Hấp lực từ bất động sản xanh
- Thị trường biệt thự, nhà liền kề ở Hà Nội: "Của để dành" nhiều năm
- Xây dựng nhà ở xã hội: chờ vốn vay ưu đãi
- Bất động sản Hà Nội: xu hướng dịch chuyển về gần trung tâm
- Giải pháp tổng thể cho thị trường bất động sản 2012
- Cơ cấu lại thị trường bất động sản
- Nhà nước mua lại nhà ế: Quà dành cho ai?