Một tuần sau khi được thảo luận tại phiên họp UB Thường vụ QH, đề án tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ tiếp tục được đông đảo ĐBQH “mổ xẻ”.
Góp ý cho đề án "mênh mông" này tại hội nghị trực tuyến của UB Thường vụ QH ngày 27/4, các ĐB khó lòng bàn sâu, nói kỹ về một vấn đề nào để có thể đưa ra những kiến nghị cụ thể. Nghe tất cả các ý kiến trong một buổi chiều, ông Lê Mạnh Hà, phó Chủ tịch UBND TP.HCM thấy đề án phải chọn ra những điểm cần đột phá, trọng tâm, ưu tiên thì mới tìm được giải pháp hiệu quả.
Theo ông Hà, "điểm vướng nhất trong tái cơ cấu hiện nay" là gì thì đề án chưa nêu được.
"Vấn đề này liên quan đến tất cả, từ đầu tư công, doanh nghiệp đến hệ thống tiền tệ", ông Hà nói. "Đó chính là đất đai, trong đó có giá đất và các quy định về đất đai".
Ông Hà khẳng định đây là điểm nghẽn lớn nhất về kinh tế hiện nay, và cả về sau.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phân tích: Thống kê cho thấy 80% các vụ khiếu kiện là về đất đai, bất ổn xã hội cũng có một phần nguồn gốc từ đất đai.
Tỉ trọng rất lớn trong chi phí đầu tư cũng là chi cho đất đai, ví dụ xây một con đường, chi phí cho bồi thường lấy đất là lớn nhất chứ không phải chi phí xây dựng.
"Với giá đất hiện nay, ta không thể xây dựng đường, cầu, trường học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất với giá rẻ được, nền kinh tế vì thế tắc nghẽn", ông Hà nói.
Theo ông Lê Mạnh Hà, cần tập trung vào việc giảm giá đất và sửa đổi Luật Đất đai. "Tái cấu trúc doanh nghiệp cũng nên tập trung vào các doanh nghiệp địa ốc, để giảm giá đất trên thị trường xuống mức thấp nhất, đến mức nền kinh tế có thể tích luỹ được", ông Hà nói thêm.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: Cứ tập trung vào đất đai mà làm sẽ giải quyết được tất cả các điểm nghẽn, kể cả cải cách hành chính, cải cách thể chế, phân bố lại nguồn lực...
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đồng tình rằng đất đai đang là một điểm nghẽn quan trọng và bao trùm, rất lớn và rất khó giải quyết.
"Sửa Luật Đất đai sắp tới không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội", ông Vinh nói. "Tuy vậy, đất đai không phải là tất cả vấn đề".
Dù vậy, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết sẽ tiếp thu ý kiến này để hoàn thiện đề án, vì ông đồng tình với kiến nghị "cần có những lĩnh vực đột phá và điểm nhấn trong tái cơ cấu" của ông Lê Mạnh Hà.
Đề án tái cơ cấu nền kinh tế sẽ còn được đem ra tham khảo ý kiến của các đối tác phát triển quốc tế trước khi hoàn chỉnh đề trình QH vào kỳ họp tháng 5 tới.
Chung Hoàng
- Văn Giang và viễn cảnh nông dân “góp cổ phần”
- Giải bài toán nhà tái định cư
- Các chủ đầu tư không mặn mà với nhà ở xã hội
- Giải pháp vốn cho thị trường bất động sản
- Bất động sản TP.HCM: Tiềm năng & Thách thức
- Kỳ vọng thị trường bất động sản bắt đầu chu kỳ phục hồi
- Bài toán định giá bất động sản
- Hấp lực từ bất động sản xanh
- Thị trường biệt thự, nhà liền kề ở Hà Nội: "Của để dành" nhiều năm
- Bất động sản chưa thoát thế giằng co