Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ đề nghị phê duyệt đề án về quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở.
Bộ Xây dựng cho biết, trên cơ sở nghiên cứu thực trạng nhà ở và tài chính về nhà ở tại Việt Nam hiện nay và kết hợp với việc phân tích các mô hình tiết kiệm nhà ở tại một số nước trên thế giới, Bộ nhận thấy rằng, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng hai mô hình tiết kiệm nhà ở để phục vụ nhu cầu vốn vay tạo lập nhà ở cho hai loại đối tượng có thu nhập thấp và các đối tượng cá nhân, hộ gia đình khác có nhu cầu mua nhà ở thương mại.
Theo đó, mô hình thứ nhất sẽ thành lập mô hình tiết kiệm nhà ở mang tên "Quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội" để cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị được vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, để cải tạo, sửa chữa nhà ở và cho doanh nghiệp trong nước vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Mô hình thứ hai có tên "Quỹ tiết kiệm nhà ở" sẽ dành cho các cá nhân, hộ gia đình trong nước vay mua nhà ở thương mại, trong đó chủ yếu tập trung cho các đối tượng có thu nhập từ trung bình trở lên.
Theo tờ trình, nguồn vốn để hình thành quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội được huy động từ các nguồn như: nguồn vốn hiện có của quỹ phát triển nhà ở (bao gồm tối thiểu 10% tiền thu được từ chuyển quyền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới; ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm cho quỹ; tiền huy động từ các nguồn hợp pháp khác); nguồn đóng tiết kiệm và trả nợ của các đối tượng có nhu cầu tham gia đóng vào quỹ trên địa bàn; nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cấp một lần ban đầu cho từng quỹ tại địa phương; 30% lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc toàn bộ lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số nhà ở do công ty xổ số địa phương phát hành.
Bên cạnh đó, nguồn vốn từ mua trái phiếu nhà ở bắt buộc do quỹ trực tiếp phát hành nhưng được Chính phủ bảo lãnh thanh toán áp dụng đối với một số hoạt động liên quan đến bất động sản gồm: cấp phép xây dựng nhà ở, công trình xây dựng; thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản; đăng ký kinh doanh bất động sản và kinh doanh dịch vụ bất động sản.
Ngoài ra, quỹ cũng sẽ huy động nguồn vốn vay từ quỹ bảo hiểm xã hội. Trên cơ sở được Thủ tướng Chính phủ cho phép trong quyết định phê duyệt đề án này, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể về nguồn vốn vay từ quỹ bảo hiểm xã hội.
Cũng theo Bộ Xây dựng, hình thức tham gia quỹ là tự nguyện, không bắt buộc, Nhà nước khuyến khích mọi đối tượng trong xã hội tham tham gia. Đối tượng tham gia quỹ là những người có nhu cầu đóng tiết kiệm vào quỹ vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở và chỉ những người tham gia mới được vay tiền từ quỹ để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Đối với quỹ tiết kiệm nhà ở, đối tượng tham gia quỹ là các hộ gia đình, cá nhân trong nước tự nguyện đóng góp tiết kiệm. Việc huy động vốn, cơ chế cho vay, tính lãi suất huy động, lãi suất cho vay, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính, nguyên tắc hoạt động của quỹ tiết kiệm nhà ở này sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trên cơ sở quyết định phê duyệt đề án này, Bộ Xây dựng cho biết sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy chế hoạt động, cơ chế huy động và cho vay, nguyên tắc hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ tiết kiệm này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 1/2013.
Hà Anh
- Bất động sản: Vào dễ, ra mới khó
- Trump Tower, New York
- Sự vận hành của thị trường bất động sản Việt Nam
- Sự thật nợ bất động sản: Rùng mình những con số
- Nghịch lý giao dịch đất nền TP.HCM
- Sửa Luật Đất đai vì mục tiêu ổn định
- Chỉ số thị trường bất động sản: số liệu tù mù, tiêu chí bất cập...
- Bất động sản và mối quan hệ hữu cơ
- Cuộc đổi chủ ấn tượng của Khách sạn Daewoo Hà Nội
- Nhiều vướng mắc trong xây dựng chỉ số giá bất động sản