Mối quan tâm của giới đầu tư đến thị trường bất động sản đã nhúc nhích trở lại sau một thời gian dài đứng ngoài cuộc.
Mặc dù tâm lý thận trọng vẫn còn bao trùm, nhưng một số khảo sát thị trường tiêu dùng gần đây cho thấy, niềm tin vào thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi phục khi số lượng người quan tâm đầu tư vào thị trường bất động sản bắt đầu tăng lên.
Theo đánh giá của Công ty tư vấn bất động sản CBRE, mối quan tâm chủ yếu đến từ người mua có nhu cầu nhà ở và các nhà đầu tư dài hạn tìm kiếm tiềm năng cho thuê, hơn là tìm kiếm cơ hội tăng giá.
Thị trường bất động sản bắt đầu hưởng lợi khi sức hấp hẫn của các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ, tiền gửi ngân hàng đã không còn nóng như trước.
Thị trường chứng khoán vẫn biến động thất thường và chưa định hình rõ xu hướng.
Giá vàng trong nước đi xuống, giảm từ đỉnh 50 triệu đồng/lượng xuống còn khoảng 38 triệu đồng/lượng và sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước nhằm quản lý thị trường vàng cũng khiến giới đầu tư vàng thận trọng hơn. Lãi suất tiền gửi ngân hàng cũng giảm mạnh từ đỉnh 16-17%/năm xuống còn 7-8%/năm hiện nay.
Trong khi đó, giá bất động sản đã giảm 4 năm liên tiếp, xuống đến mức giá của 5 năm trước đây và cũng bắt đầu xu hướng đi ngang trong thời gian gần đây. Những biến động trên tất cả các thị trường khiến bất động sản đang trở thành kênh đầu tư được cân nhắc trở lại.
Chương trình kích cầu đầu tư của một số doanh nghiệp (DN) bất động sản cũng làm tăng sự tự tin của các nhà đầu tư khi rót tiền trở lại vào thị trường này. Nếu trước đây, phần lớn DN và nhà đầu tư chú trọng vào tiềm năng tăng giá, thì hiện họ quan tâm nhiều hơn đến khả năng tìm kiếm doanh thu từ cho thuê.
Nếu nhà đầu tư còn chần chừ về khả năng cho thuê, một số DN cam kết sẽ trả cho người mua khoản tiền tương đương giá trị tiền thuê, hoặc bù đắp lại khoản thiếu hụt cho người mua nếu như thu từ tiền thuê không đủ bù chi. Với phương thức này, chủ đầu tư chịu toàn bộ rủi ro về tài chính và biến động kinh tế thay cho người mua trong những năm đầu tiên.
Đơn cử, chủ đầu tư dự án căn hộ Watermark đang được xây dựng trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội) cam kết tiền thuê tới 80 triệu đồng/tháng. Nghĩa là, trong năm đầu tiên sau khi nhận bàn giao, chủ đầu tư sẽ trả tiền thuê này cho người mua nhà dù có cho thuê được hay không.
Chủ đầu tư còn tặng gói nội thất được thiết kế dành riêng cho từng loại căn hộ với giá trị lên đến 200 triệu đồng, nên người mua có thể sẵn sàng cho thuê ngay, mà không phải đầu tư thêm. Ngoài ra, người mua còn được miễn một năm phí quản lý, đồng thời được chủ đầu tư hỗ trợ gói dịch vụ cho thuê mà không tính phí. Nhờ đó, nhà đầu tư không phải chịu áp lực tự quản lý tài sản, mà vẫn nhận được tiền thuê, tránh được rủi ro kinh doanh trong năm đầu tiên.
Trong khi đó, khu căn hộ nghỉ dưỡng Fusion Suites tại Đà Nẵng lôi kéo nhà đầu tư bằng cam kết người mua sẽ không bị tổn thất về tài chính trong 3 năm hoạt động đầu tiên. Trên thực tế, thời gian 3 năm đầu hoạt động luôn là thời điểm khó khăn cho tất cả các dự án bất động sản nghỉ dưỡng...
Dù vậy, chủ đầu tư vẫn cam kết, trong thời gian này, khi đưa căn hộ vào vận hành trong chương trình cho thuê, chủ sở hữu không phải đóng thêm bất kỳ phần thiếu hụt nào nếu doanh thu của chương trình cho thuê không đủ trang trải phí quản lý khách hàng phải đóng hàng tháng.
Mặc dù chủ đầu tư sẽ không đảm bảo lợi nhuận bằng con số cụ thể nào, nhưng người mua có thể yên tâm vì không phải chịu rủi ro về kinh doanh do được đảm bảo bù lỗ trong 3 năm đầu tiên nếu khách sạn kinh doanh chưa tốt. Nhờ cam kết này, mà Fusion Suites bán được 15 căn hộ trong lần mở bán mới đây tại Hà Nội.
Một dự án nghỉ dưỡng khác tại Đà Nẵng là Hyatt Regency Residences thì lại cam kết với khách hàng bằng con số cụ thể. Theo đó, chủ đầu tư đưa ra chương trình đảm bảo tỷ suất thu hồi vốn mỗi năm là 5% và cam kết này kéo dài trong 2 năm. Chẳng hạn, nếu khách hàng mua căn hộ trị giá 8 tỷ đồng (chưa có thuế VAT), thì 2 năm đầu, chủ đầu tư sẽ đảm bảo lợi nhuận 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chủ sở hữu còn được sử dụng căn hộ để nghỉ dưỡng miễn phí cùng gia đình và bạn bè trong 90 ngày/năm.
Những cam kết này không những là cách để DN chia sẻ lợi nhuận và khó khăn với khách hàng, mà còn là hướng đi mới trong thị trường bất động sản. Nhưng không phải chủ đầu tư nào cũng mạnh dạn đưa ra những cam kết như vậy, bởi nếu dự án kinh doanh không tốt, số tiền DN phải bỏ ra để trả cho khách hàng cũng không hề nhỏ.
Thực tế, chỉ những chủ đầu tư sở hữu những dự án có vị trí đắc địa, đủ tiềm lực tài chính để hoàn thành xây dựng đúng hạn, tự tin vào chất lượng dự án khi hoàn thành, cũng như có đội ngũ giàu kinh nghiệm biết cách tạo giá trị từ cho thuê, thì mới dám mạo hiểm đưa ra những cam kết chắc nịch, nhằm lôi kéo nhà đầu tư trở lại thị trường bất động sản.
Hà Linh
- Kiểm soát, hạn chế hình thành các “khu phố ngoại”
- Chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội: Hạ tầng phải đồng bộ
- Môi giới, tư vấn ngoại sống bằng gì?
- Doanh nghiệp Nhật ngại thị trường bất động sản Việt Nam
- Phí quản lý chung cư, làm sao minh bạch?
- Bỏ đống tiền mua nhà ở 49 năm: Ai dám?
- Những mối lo về nhà ở xã hội
- Thị trường căn hộ phổ thông: Hồi phục hay chỉ là cơn hưng phấn?
- Sửa đổi luật, lập lại trật tự cho thị trường bất động sản
- Cho người nước ngoài mua nhà: Rộng cửa, khách có đông?