Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) của Nhật Bản vẫn tỏ ra thận trọng khi quyết định rót vốn vào thị trường Việt Nam do còn tồn tại những khó khăn và môi trường kinh doanh chưa như mong đợi.
Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành của Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM chia sẻ với báo chí thông tin này sau hội thảo xúc tiến vốn đầu tư Nhật Bản - Cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam diễn ra chiều ngày 19/9 tại TPHCM.
Dù đánh giá thị trường nhiều tiềm năng, nhưng doanh nghiệp bất động sản Nhật Bản vẫn còn e dè khi quyết định đầu tư vào Việt Nam (Ảnh minh họa: Hùng Lê)
Theo ông Hirotaka, Việt Nam với tiềm năng phát triển trong tương lai là rất cao đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp bất động sản Nhật Bản. Tuy nhiên khác với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn e ngại về môi trường đầu tư, những vấn đề liên quan đến thuế và những chi phí không chính thức còn nhiều.
Nhìn chung so với thị trường các nước như Singapore, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn thấy nhiều rủi ro khi đầu tư vào Việt Nam. Theo ông Hirotaka, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản không có nhiều bí quyết về công nghệ và kỹ thuật giống như các doanh nghiệp hoạt động sản xuất và chế biến, do đó họ chỉ đầu tư khi thấy môi trường kinh doanh thật tốt, ổn định và rõ ràng.
Đề cập đến cơ hội mua những dự án bất động sản với giá thấp do thị trường bất động sản trong nước đang khó khăn, ông Hirotaka cho rằng doanh nghiệp Nhật Bản rất thận trọng khi quyết định đầu tư và chọn lọc rất kỹ càng. Do đó dù thời điểm này tốt về giá nhưng môi trường đầu tư chưa được cải thiện thì họ vẫn không thể mạo hiểm để rót vốn vào, nhất là đồng yen của Nhật đang bị mất giá.
Mặc dù vậy, vẫn có một số doanh nghiệp bất động sản Nhật trong hai năm qua đã rót vốn vào thị trường Việt Nam như Tập đoàn Tokyu với dự án phát triển khu đô thị có vốn đầu tư lên đến 1,2 tỉ đô la Mỹ tại trung tâm thành phố mới Bình Dương ở tỉnh Bình Dương, thông qua việc liên doanh hợp tác với Tập đoàn Becamex IDC. Ông Hirotaka cho rằng với dự án này, Tokyu đã tìm thấy một đối tác tin cậy và có tiềm lực để cùng đầu tư nhất là sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Bình Dương.
Sở thích ăn chắc mặc bền của các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn thể hiện ở cách thức chọn đối tác và triển khai dự án bất động sản. Do đó, nếu tìm thấy dự án tiềm năng và có đối tác tin cậy thì nhà đầu tư Nhật cũng sẽ rót vốn vào như gần đây Quỹ đầu tư EXS Capital của Nhật Bản cũng đã đầu tư 37 triệu đô la Mỹ vào công ty bất động sản Sơn Kim Land...
Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, nói trong một thông cáo báo chí rằng đại diện của Savills Việt Nam đã có mặt tại thị trường Nhật Bản liên tục trong thời gian qua và cùng với Savills Nhật Bản tổ chức những hội thảo về cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại thị trường Việt Nam, nhằm giới thiệu tiềm năng của thị trường Việt Nam. Các nhà đầu tư Nhật rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và kỳ vọng thị trường bất động sản Việt Nam là điểm đến đầu tư trung và dài hạn. |
Hùng Lê
- Thêm nhiều cơ hội lựa chọn nhà chung cư ở Hà Nội
- Thị trường nhà ở: Tăng chất lượng thay vì giảm giá
- Kiểm soát, hạn chế hình thành các “khu phố ngoại”
- Chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội: Hạ tầng phải đồng bộ
- Môi giới, tư vấn ngoại sống bằng gì?
- Phí quản lý chung cư, làm sao minh bạch?
- Kéo nhà đầu tư trở lại thị trường địa ốc
- Bỏ đống tiền mua nhà ở 49 năm: Ai dám?
- Những mối lo về nhà ở xã hội
- Thị trường căn hộ phổ thông: Hồi phục hay chỉ là cơn hưng phấn?