Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Bất động sản Phí quản lý chung cư, làm sao minh bạch?

Phí quản lý chung cư, làm sao minh bạch?

Viết email In

Liên tiếp nhiều năm qua, mâu thuẫn giữa cư dân sống tại các chung cư với ban quản lý nhà đã luôn là điểm nóng. Mấu chốt vẫn là bất đồng về mức phí quá cao, trong khi chất lượng dịch vụ thấp và không tương xứng. 

Làm sao để “chuẩn hóa” mức phí quản lý theo từng cấp độ chung cư và khiến người dân cảm thấy thỏa đáng là một bài toán muôn đời khó giải. Và cái “khó” ở đây lại không nằm ở vấn đề con số.  


Các chung cư cao tầng “mọc lên như nấm” đang từng bước thay đổi cục diện cảnh quan thành phố và nâng cao đời sống người dân.
(ảnh minh họa) 
 

Phí cao ngất ngưởng, dịch vụ bình thường 

Đầu năm 2013, Sở Xây dựng Tp.HCM đã có dự thảo Quyết định cơ chế quản lý nhà chung cư. Theo dự thảo này, không nhất thiết phải ban hành khung phí dịch vụ cứng nhắc tại các căn hộ mà nên căn cứ theo thỏa thuận giữa các bên. 

Trước đây phí dịch vụ nhà chung cư được phân theo 4 khung (xếp từ 1 đến 4 tương ứng mức phí trần cho hạng cao cấp và mức sàn cho căn hộ bình dân), do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành. Tuy nhiên, sau những ồn ào, tranh chấp về phí dịch vụ của nhiều tòa nhà trên địa bàn Tp.HCM, cơ chế quản lý nhà chung cư đang hướng đến việc thả nổi mức phí này. 

Việc thả nổi này không làm cho mọi sự dễ dàng hơn mà dường như mở đường cho các thể loại phí tăng cao và, bên cạnh đó, tạo nên một làn sóng tranh cãi dai dẳng vì sự không minh bạch trong việc thu - chi của ban quản lý. Thực tế tại nhiều dự án chung cư cho thấy, mặc dù dịch vụ không hơn nhau là bao, nhưng phí dịch vụ lại chênh lệch rất lớn. Sự chênh lệch này là mầm mống khiến tranh chấp giữa người dân và ban quản lý chung cư dễ xảy ra. 
 

Đã đến lúc đưa vào luật 

Tổng kết kinh nghiệm trong quá trình lấy ý kiến Dự thảo Luật Đầu tư kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó phòng Quản lý nhà (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng) cho biết, phần lớn những khiếu kiện tại các chung cư vừa qua là do Ban quản lý không minh bạch trong thu - chi và không giải thích rõ cho cư dân. Nếu được giải thích rõ và ở mức giá phù hợp, minh bạch, thì hầu hết người dân đều chấp thuận.

Chẳng hạn, chung cư Thái An (Tp.HCM) hiện đang thu phí quản lý chung cư từ 4.000 - 5.000 đồng/m2, phí xe máy 60.000 đồng/tháng, phí ô tô 500.000 đồng/tháng. Mọi thứ đều rõ ràng và thỏa đáng, và theo ý kiến nhiều cư dân sống tại đây thì mức phí này không cao, thậm chí là tốt hơn so với các chung cư khác bởi hoạt động dịch vụ tại đây làm khá tốt.

Nhưng thực tế cho thấy không phải ban quản lý chung cư nào cũng thích sự minh bạch mà phần lớn chỉ chăm chăm vào việc lạm thu kiếm lời trước mắt. Các ý kiến cho rằng chung cư cũng như các cụm dân cư, phố phường... cũng cần có những quy định về phí đổ rác, trông giữ xe, phí quản lý... Chính vì thế, để không còn tranh cãi phí quản lý chung cư thì cần phải có quy định về các loại phí, lệ phí và cả phương thức quản lý chứ không thể “thả nổi” như thế này mãi được.

Tại Việt Nam, các chung cư là một quần thể dân cư đang và sẽ tồn tại, phát triển trong tương lai. Trước đây, Bộ Xây dựng từng có ý định can thiệp bằng cách ban hành thông tư và có sở xây dựng địa phương từng có dự thảo quyết định về giá trần phí quản lý chung cư.

Đây được xem là cơ sở pháp lý, đáp ứng kỳ vọng của cư dân chung cư, đồng thời đưa việc quản lý chung cư vào hệ thống với quy tắc chi phối theo kiểu “giá trần” phí và lệ phí. Tuy nhiên cho đến nay, kỳ vọng vẫn chỉ là... kỳ vọng.

Thiết nghĩ, để giải quyết bài toán khó xung quanh những tranh cãi về phí chung cư, Bộ Xây dựng và địa phương cần vào cuộc để ban hành mức trần phí, lệ phí áp dụng cho từng địa phương, khu vực, tránh để xảy ra những mâu thuẫn, tranh chấp và xung đột lợi ích trong tương lai. 

Trọng Hoàng 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo