Tình hình thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng đã có phản ứng tích cực, Bộ Xây dựng báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề thuộc Bộ phụ trách.
Theo nhận định của Bộ, cơ cấu nguồn cung nhà ở đã bắt đầu có sự điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Niềm tin vào thị trường đang dần được hồi phục. Phân khúc nhà ở xã hội và những căn hộ có diện tích nhỏ được người dân quan tâm và đã có nhiều giao dịch thành công hơn trước. Phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, đã hoàn thiện, vị trí thuận lợi, giá dưới 15 triệu đồng/m2 vẫn có tính thanh khoản cao, giao dịch có chiều hướng tăng.
Báo cáo cũng cho biết, giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006. Đối với các dự án căn hộ cao cấp, nhà thấp tầng, đất nền hầu hết đã giảm từ 10%-30% giá bán.
So sánh với thời điểm hơn 2 năm trước, Bộ Xây dựng nhìn nhận lượng giao dịch trên thị trường nhìn chung vẫn còn thấp. Tuy nhiên, đối với phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, đã hoàn thiện, giá bán hợp lý vẫn có tính thanh khoản cao, giao dịch có chiều hướng tăng.
Báo cáo nêu ví dụ, dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, chủ đầu tư mở bán 144 căn hộ có diện tích từ 47-69 m2, giá bán trung bình 13,8 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì) thì chỉ tính trong nửa tháng đã bán được 118 căn (hơn 80%). Còn tại dự án Ehom4 của Công ty Nam Long, Tp. Hồ Chí Minh, sau khi mở bán được 1 tuần đã bán được 80%-100% các căn hộ.
Đáng chú ý, theo báo cáo, trên phạm vi toàn quốc, giá trị tồn kho bất động sản có xu thế ngày càng giảm. Giá trị tồn kho bất động sản tháng 9/2013 là 101.889 tỷ, đã giảm 4.206 tỷ đồng (giảm 3,96%) so với tháng 8/2013 (106.095 tỷ).
Số lượng tồn kho bất động sản tại hai thành phố lớn nhất cả nước cũng có xu hướng giảm dần. Tại Hà Nội số lượng tồn kho bất động sản của tháng 7/2013 là 14.487 tỷ, đã giảm 2.573 tỷ đồng (15%) so với tháng 6/2013 (17.060 tỷ). Còn ở Tp. HCM số lượng tồn kho của tháng 9/2013 là 21.947 tỷ, đã giảm 4.206 tỷ (16,1%) so với tháng 8/2013.
Theo đánh giá của Bộ, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đã đạt được những kết quả khả quan ban đầu. Tuy nhiên, các chính sách điều tiết thị trường cũng cần phải có thời gian để có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ Xây dựng cũng đã triển khai nhiều công việc nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng; tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh để hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam.
Luật Xây dựng đã được sửa đổi với quan điểm đổi mới mạnh mẽ là: phải phân biệt rõ các nguồn vốn khác nhau để có phương thức quản lý phù hợp; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, nhất là đối với các dự án có sử dụng vốn nhà nước, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình và chi phí xây dựng ngay từ khâu “tiền kiểm”, báo cáo nêu rõ.
(Theo VnEconomy)
- TPHCM: Kiến nghị bít “lỗ hổng” nhà chung cư
- Kinh nghiệm định giá đất từ tiểu bang Queensland (Australia)
- Sự thật giá nhà đất ở Việt Nam
- Bất cập “chung cư cấp 4”
- Thị trường bất động sản: Vận động tự thân
- Tắc gói 30.000 tỷ: Nỗi sợ “Tên tôi là…”
- Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn vào các dự án hạ tầng
- Doanh nghiệp bất động sản: Muốn tồn tại phải thay đổi!
- Thêm nhiều cơ hội lựa chọn nhà chung cư ở Hà Nội
- Thị trường nhà ở: Tăng chất lượng thay vì giảm giá