Những giải pháp do các bộ ngành đưa ra nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản trên tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ đến nay vẫn chưa thu được nhiều kết quả. Tuy nhiên, không vì vậy mà không tiếp tục có những nỗ lực từ phía các ngành chức năng cũng như doanh nghiệp để hướng tới một sự phát triển ổn định…
Cần kiểm soát chặt chẽ hơn
Đúng như những gì người ta từng lo ngại về gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỉ đồng, càng triển khai thì những bất cập của chương trình càng thể hiện rõ. Điều người ta quan tâm nhất là số vốn hỗ trợ lãi suất ấy có đến được đúng nơi cần, để giải quyết được khó khăn cho thị trường bất động sản hay không.
Sau hơn bốn tháng triển khai, không có nhiều người mua tiếp cận được với gói hỗ trợ, nên sự hào hứng của những người có nhu cầu vay cũng giảm dần theo những khó khăn của thủ tục hành chính.
- Ảnh bên: Các dự án ở quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư
Tuy nhiên, dù gì thì số tiền dành cho một đối tượng vay mua nhà cũng không lớn, không lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng nếu cho doanh nghiệp vay. Nhưng khi các doanh nghiệp được vay vốn, liệu nguồn vốn ưu đãi lãi suất ấy có được doanh nghiệp sử dụng để xây dựng dự án nhà ở xã hội không?
Đã có những dẫn chứng đầu tiên: Có dự án nhà ở xã hội vay vốn của chương trình ưu đãi lãi suất rầm rộ khởi công từ ba tháng trước, nay vẫn chưa hề xây dựng. Tương tự là một số dự án thuộc nhóm các dự án thương mại chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội. Điều này chứng tỏ khâu “hậu kiểm” cần được coi trọng hơn nữa để những nguồn lực phải được rót đúng nơi, đúng chỗ và thực sự giúp được thị trường…
Trong một diễn tiến khác, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa được Bộ Xây dựng công bố đã bổ sung nhiều quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh các dự án bất động sản.
Theo đó, chủ đầu tư các dự án bất động sản chỉ được phép ký hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai khi đã có bảo lãnh của tổ chức tài chính hoặc ngân hàng về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ đầu tư nếu chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình trong hợp đồng hai bên đã ký kết.
Chính sách này sẽ khiến nhiều chủ đầu tư tiềm lực kém bị loại khỏi cuộc chơi, bởi họ khó thể được bảo lãnh để tiến hành bán sản phẩm. Những vi phạm quy định về huy động vốn hoặc mua bán theo hình thức ứng tiền trước trong đầu tư xây dựng đối với dự án phát triển nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản cũng sẽ bị xử phạt.
Sở dĩ cơ quan chủ quản phải “siết” các dự án là vì nguồn cung sản phẩm địa ốc vẫn cần được kiểm soát gắt gao. Con số tồn kho căn hộ trên cả nước nếu chỉ tính số đã hoàn thiện là khoảng 23 ngàn căn, đa phần có diện tích lớn. Chưa kể nhà thấp tầng còn tồn kho khoảng 15 ngàn căn, cùng với hàng chục triệu mét vuông đất nền nhà ở và đất nền thương mại.
Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có trên bốn ngàn dự án căn hộ đang triển khai nhưng số vốn thực sự đầu tư mới đạt 17,26% so với tổng mức đăng ký, rất nhiều dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật...
Các địa phương trên cả nước vẫn đang tích cực rà soát để xem một dự án sẽ được tiếp tục, tạm dừng hay phải chuyển đổi quy mô công trình cho phù hợp với tình hình thực tế. Nếu chỉ xét số dự án cần điều chỉnh thì trong số 455 dự án loại này, Hà Nội chiếm đến hơn nửa (285 dự án).
Số dự án cần dừng triển khai còn nhiều hơn, 524 dự án và TP. Hồ Chí Minh là địa phương nhiều nhất, với 322 dự án phải tạm ngưng. Điều này phù hợp với mục tiêu của thành phố này là giảm mạnh tồn kho bất động sản. Ngừng những dự án không khả thi, tập trung nguồn lực vào các dự án đang hoàn thiện, tình hình sẽ khả quan hơn, khi tỷ lệ đăng ký mua ở các dự án này là tương đối cao.
Cả Bắc - Nam cùng nỗ lực
Tại TP. Hồ Chí Minh, so với thời điểm đầu năm, thị trường bất động sản có vài tín hiệu tốt, người mua đã bắt đầu tiến hành giao dịch nếu tìm được sản phẩm phù hợp. Còn ở Hà Nội, không khí trầm lắng hơn, nên các doanh nghiệp phải tổ chức những hoạt động mang tính “hội chợ” để khuyến khích
người mua tìm đến với mình.
Sau thành công tương đối trong lần đầu tiên tổ chức vào cuối năm ngoái, từ 18 đến 20/10 vừa qua, Phiên giao dịch Bất động sản lần II với tên gọi “Nhà ở xã hội và Nhà cho nhu cầu thực” đã diễn ra tại Cung Triển lãm quy hoạch Quốc gia (Từ Liêm, Hà Nội).
Hàng ngàn sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại đủ các phân khúc được các doanh nghiệp giới thiệu và đã thu hút hàng ngàn lượt người có nhu cầu đăng ký tham dự.
Theo các nhà tổ chức, mục đích chính của phiên giao dịch là mang đến một góc nhìn khách quan về thị trường vào thời điểm hiện tại, cho các cơ quan quản lý nhà nước một bức tranh chân thực về nhu cầu nhà ở, tình hình triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, phiên giao dịch cũng đã giới thiệu tới người có nhu cầu các chủ đầu tư có năng lực, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, các ngân hàng có chính sách hỗ trợ tốt, các đơn vị cung ứng dịch vụ bất động sản chuyên nghiệp và uy tín… Xét theo mục đích ấy, có thể nói phiên giao dịch đã thành công, đem lại chút sinh khí cho hoạt động mua bán bất động sản ở Hà Nội vốn khá yên ắng thời gian qua.
Như đã nói, ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, sự khởi sắc mang tính “nền tảng” và căn cơ hơn, đặc biệt là những vùng đất có cơ sở hạ tầng hoàn thiện và ngày càng “gần hơn” với khu vực trung tâm. Chẳng hạn là khu vực quận 2. Việc Cầu Sài Gòn 2, được xây dựng theo chiến lược phát triển ra hướng đông của thành phố, chính thức hoạt động vào ngày 15/10, là một tin vui với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở khu vực này.
Như vậy, cùng với cầu Sài Gòn 2, đường hầm Thủ Thiêm nối bán đảo Thủ Thiêm với quận 1, cầu Thủ Thiêm nối với quận Bình Thạnh, cầu Phú Mỹ nối khu Nam với khu Đông đã tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh về giao thông, khiến quận 2 trở thành một không gian sống tốt.
Có lẽ vì vậy mà riêng quận này đã có gần 300 dự án bất động sản, tập trung nhiều nhất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, nơi theo định hướng phát triển sẽ là khu đô thị văn minh được quy hoạch đồng bộ với trung tâm thương mại, ngân hàng - tài chính…
Cơ sở hạ tầng phát triển trong khi giá cả lại rẻ hơn so với khu Nam Sài Gòn hay khu vực cửa ngõ phía tây nên các dự án tại đây hy vọng sẽ hút khách, đặc biệt là những nhà đầu tư thứ cấp. Từ những dự án căn hộ cao cấp trong vùng tiếp giáp với trung tâm thành phố phù hợp với người có tiền, doanh nhân, người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, cho đến những dự án tầm trung, diện tích vừa phải, phù hợp với những người trẻ trung lưu…
Các nhà kinh doanh bất động sản của TP. Hồ Chí Minh hy vọng “sức bật” từ khu vực này sẽ dẫn tới sự phục hồi của thị trường trong một tương lai không xa./.
Phi Yến
- Tiếp tục cuộc chơi với bất động sản hạng sang
- TPHCM: Kiến nghị bít “lỗ hổng” nhà chung cư
- Kinh nghiệm định giá đất từ tiểu bang Queensland (Australia)
- Sự thật giá nhà đất ở Việt Nam
- Bất cập “chung cư cấp 4”
- Giá trị tồn kho bất động sản giảm thêm 4.206 tỷ đồng
- Tắc gói 30.000 tỷ: Nỗi sợ “Tên tôi là…”
- Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn vào các dự án hạ tầng
- Doanh nghiệp bất động sản: Muốn tồn tại phải thay đổi!
- Thêm nhiều cơ hội lựa chọn nhà chung cư ở Hà Nội