Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Chuyên mục Kiến trúc Thư viện Alexandria - kỳ quan văn hóa hiện đại

Thư viện Alexandria - kỳ quan văn hóa hiện đại

Viết email In

Thư viện Hoàng gia Alexandria hay còn gọi là Đại thư viện tọa lạc tại thành phố Alexandria, Ai Cập, từng một thời là thư viện lớn nhất trên thế giới. Được xây dựng từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, đây là thư viện phổ cập đầu tiên trong lịch sử nhân loại, thu hút rất nhiều nhà tư tưởng và bác học nổi tiếng nghiên cứu, tham khảo.


Toàn cảnh Đại thư viện Alexandrina

Sau này mặc dù bị xóa sổ trong chiến tranh, thư viện Alexandria vẫn luôn được coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại.

Với ý tưởng khôi phục thời hoàng kim của thư viện Alexandria, một thư viện mới mang tên Alexandrina đã được xây dựng cách khuôn viên thư viện lừng danh ngày trước 200m. Nằm sát bên bờ Địa Trung Hải, khu phức hợp thư viện và trung tâm văn hóa Alexandrina được xem như là một sự hồi sinh ngoạn mục.

Năm 1974, khi Trường đại học Alexandria quyết định chọn khu đất để xây dựng thư viện mới gần sát bên thư viện cổ, dự án “tái sinh” thư viện Alexandria đã hình thành và lập tức nhận ngay sự ủng hộ của đông đảo mạnh thường quân và các tổ chức trên toàn thế giới. Một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho dự án này chính là ông Hosni Mubarak - đương kim tổng thống Ai Cập. Tổ chức Văn hóa - giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cũng rất quan tâm dự án này bởi họ nhận ra rằng đây sẽ là một dự án hết sức lý tưởng để tôn vinh văn hóa và khoa học, một biểu tượng di sản văn hóa mới của cả nhân loại.

Được xây dựng trên tổng diện tích có quy mô lên đến 70.000m2, đại thư viện Alexandrina là một khối cấu trúc gồm 11 tầng, có thể đón tiếp hơn 2.000 độc giả cùng một lúc. Ngoài ra, bên trong thư viện còn có các công trình phụ như 200 phòng nhỏ dành cho các học giả và những người nghiên cứu, trung tâm hội nghị sức chứa 3.500 chỗ ngồi, thư viện dành cho người khiếm thị, thư viện cho trẻ em, ba viện bảo tàng, các phòng trưng bày nghệ thuật nhỏ, cung thiên văn dành cho việc nghiên cứu và khám phá thiên văn học, khu nghiên cứu lịch sử…


Mái vòm nghiêng đồng thời là mặt trước của kiến trúc


Với đường kính 160m, mái vòm được chia thành những ô vuông với những khối tam giác lõm lắp kính lấy ánh sáng


Mái vòm với ánh đèn đêm


Cầu treo dẫn vào lối chính của thư viện

Năm 1988, UNESCO tổ chức cuộc thi nhằm vận động những thiết kế độc đáo cho thư viện mới. Vượt qua 1.400 đề án, cuối cùng Tập đoàn kiến trúc danh tiếng của Na Uy Snøhetta giành được chiến thắng.

Dù chưa chính thức khởi công, nhưng chỉ sau năm năm phát động quyên góp xây dựng thư viện mới, tổng số tiền các nhà tài trợ với tư cách cá nhân đã góp vào quỹ là 65 triệu USD. Phần còn lại thư viện được xây dựng chủ yếu bằng ngân sách của Chính phủ Ai Cập, UNESCO, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc cùng sự đóng góp của một số nước Ả Rập và châu Âu.

Năm 1995, dự án thi công thư viện Alexandrina chính thức bắt đầu. Mất bảy năm ròng, ngày 16-10-2002, nhân loại tự hào có thêm một “kỳ quan văn hóa hiện đại” mang tên đại thư viện Alexandrina, với tổng kinh phí xây dựng 220 triệu USD.

Tổng thể của toàn bộ kiến trúc được xây dựng theo một ý tưởng hợp nhất, đó chính là sự giao thoa giữa nét cổ kính và phong cách hiện đại.


Những ký tự cổ được chạm khắc trên bức tường bằng đá granite xám bao quanh mặt sau của thư viện

Ngay từ hình dáng bên ngoài, thư viện đã “bộc lộ phong thái của một nhà triết học mang đẳng cấp siêu phàm”. Mặt trước của thư viện là một mái vòm hình tròn rộng lớn với đường kính lên đến 160m. Mái vòm tròn mang biểu tượng của mặt trời - vốn là ký hiệu nền văn minh cổ đại sông Nile - nằm chếch nghiêng hướng mặt ra Địa Trung Hải.

Mái vòm được thiết kế nghiêng nên vừa có công năng như một mái nhà vừa là mặt tiền của cả khối kiến trúc. Bên trên mái vòm là lớp kính được chia thành các ô vuông cắt xéo tạo thành những mảng tam giác lõm. Ánh nắng mặt trời đi qua những khoảng tam giác lõm này tạo thành “khối ánh sáng thiên nhiên đồ sộ” cho cả khu thư viện ngay bên dưới.

Mặt sau là một bức tường cao dựng đứng, được bao phủ bằng đá granite xám xuất xứ từ vùng Aswan, một thành phố phía nam Ai Cập. Trên tường là những bức chạm trổ hoành tráng hết sức tinh vi ghi lại các dạng chữ viết cổ của 120 tộc người trên trái đất.




Phòng đọc chính; Ánh sáng tự nhiên phản chiếu từ những tấm kính bên trên mái vòm

Phòng đọc chính được bố trí ngay trung tâm thư viện, ngay bên dưới mái vòm có chiều cao 32m. Có tất cả bảy tầng được bố trí dùng làm nơi đọc và lưu trữ sách với tổng diện tích lên đến 11.000m2, trong đó bốn tầng nằm dưới mực nước biển. Đại thư viện có khả năng lưu giữ 8 triệu đầu sách. Với tốc độ cập nhật sách như hiện nay, ước tính cần phải mất thêm 80 năm nữa mới lấp đầy tất cả kệ sách của thư viện.

Với mục tiêu trở thành một cửa sổ mở ra thế giới cho người Ai Cập, mở đường vào Ai Cập cho du khách bốn phương, thư viện Alexandrina thật sự là trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong thời đại kỹ thuật số. Nơi đây được trang bị hệ thống kỹ thuật hiện đại nhất từ thiết bị nghe nhìn, phòng truyền thông đa phương tiện đến phòng xem văn bản dạng thu nhỏ (microform) và hệ thống Internet hoàn hảo.

Là trung tâm học tập, trao đổi, nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trên thế giới, thư viện Alexandrina khẳng định tinh thần nguyên bản của thư viện Alexandria cổ xưa là hướng tới sự hiểu biết và hòa nhập giữa các nền văn hóa và giữa các dân tộc. Chính vì ý nghĩa cao cả đó, nơi đây luôn thu hút khoảng 800.000 du khách mỗi năm, trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách năm châu khi tới thăm đất nước Ai Cập.

BẠCH NGỌC (tổng hợp từ Sacred Destinations, GuardianWikipedia)

>> Snøhetta AS và công trình Oslo Opera - Na Uy 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...