Kiến trúc góp phần tạo lập môi trường sống bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc ưu tiên nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số trong kiến trúc, các công nghệ kỹ thuật xây dựng theo xu hướng bền vững, công trình xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng là những nội dung quan trọng nhằm phát triển kiến trúc trong công nghiệp văn hóa Việt Nam.
(Ảnh minh họa)
Kiến trúc xanh
Trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và môi trường đến điều kiện sống con người, phát triển kiến trúc xanh là xu hướng phát triển kiến trúc trong thế kỷ XXI. Ở mức độ cao hơn, một số nước đã đưa ra những mô hình công trình “super-low energy building” hay “zero energy building” là công trình ít tiêu hao hoặc không tiêu hao năng lượng.
Các giải pháp cụ thể được đề cập khi nghiên cứu tạo lập đô thị xanh, hoặc thiết kế công trình kiến trúc xanh, là sự tận dụng tối đa yếu tố tự nhiên, đáp ứng điều kiện vận hành của đô thị và công trình kiến trúc.
Vấn đề “Kiến trúc xanh” với bất cứ tiêu chuẩn nào, tiêu chí nào cũng đều bắt đầu từ nhận thức khi đầu tư, bắt đầu từ khâu thiết kế và quá trình vận hành công trình. Đối với phương án thiết kế xanh, việc trước tiên là nghiên cứu hiện trạng, lập được quy hoạch tổng thể bền vững cho khu đất, cho dự án.
Với tiêu chí kiến trúc xanh, phải đặt ra sự kết hợp giữa công nghệ và những giải pháp thông minh, kinh nghiệm truyền thống, hướng về thiên nhiên. Cần phải có sự quan tâm của nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, vật liệu xanh, nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển kiến trúc xanh ở Việt Nam cần đề ra chiến lược, chính sách, các giải pháp quy hoạch, thiết kế xây dựng phù hợp với từng vùng, từng địa phương và nhất thiết phải quy định thành luật. Cần xây dựng hoặc áp dụng hệ thống tiêu chí công trình xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Kiến trúc thích ứng với biến đổi khí hậu
Với tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng, các đô thị lớn ở Việt Nam đang đối mặt với sự bê tông hoá, mật độ xây dựng lớn, không gian công cộng dành cho giao thông và mảng xanh ngày càng bị thu hẹp, kéo theo đó là nguy cơ ngập lụt ngày càng tăng.
Vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu là thách thức lớn nhất của thời đại và đề cao vai trò quan trọng của kiến trúc sư đối với công tác thiết kế kiến trúc trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Đô thị cần được tạo dựng tính thích ứng để có thể phát triển bền vững. Các công nghệ mới cần được áp dụng hiệu quả để dự đoán, mô phỏng các kịch bản rủi ro này, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ gây thiệt hại.
Trên cơ sở các quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, cần nghiên cứu áp dụng thiết kế kiến trúc khu dân cư có tính thích ứng cao với các hiện tượng thiên tai tại từng khu vực vùng miền như gió bão, ngập lụt, sạt lở đất…
Đối với vùng sông nước, có thể sử dụng mô hình nhà nổi, nhà trên sông; có giải pháp phù hợp trong đầu tư xây dựng công trình cộng đồng có khả năng thích ứng và chống chịu bền vững trước thiên tai. Tại các địa điểm có nguy cơ sạt lở đất và lũ lụt, căn cứ vào đặc điểm công trình, tùy vào mức độ, cần xây dựng quy chuẩn riêng đối với quy hoạch xây dựng và yêu cầu thiết kế kết cấu của tòa nhà như: Kết cấu móng, độ dày của tường, vật liệu xây dựng, quy định mật độ xây dựng, các loại công trình xây dựng và mật độ dân cư cho phù hợp...
Để giảm thiểu thảm họa thiên tai, cần tiếp cận theo cách thích ứng với môi trường hơn là tìm cách chống lại. Thay vì tăng cường bảo vệ chống lại lũ lụt, cần chấp nhận thực tế mực nước biển dâng và đưa vào thiết kế. Công trình sẽ được thiết kế xây dựng trong khu vực an toàn, trong khi các khu vực dễ bị tổn thương trở thành vùng đệm.
Công nghiệp 4.0 với nền kiến trúc bền vững
Thách thức chính của việc thiết kế kiến trúc và hiện đại hóa những không gian hiện có nằm ở nhu cầu thay đổi nhanh chóng của nhân loại và các công nghệ. Sự kết hợp của nhu cầu và công nghệ giúp chúng ta thiết kế một thành phố bền vững trong tương lai.
Hội nghị Kiến trúc sư tương lai, được tổ chức vào ngày 09 -11/10/2019, tại Kyiv, Ukraine đã nhấn mạnh chủ đề: “The Inevitable: Disruptive Technologies”, thảo luận về sự đột phá của công nghệ đang định hình tương lai của kiến trúc.
Sự xuất hiện của công nghiệp 4.0 sẽ là công cụ để tạo ra thành phố trong tương lai mà các kiến trúc sư mong muốn. Biết được những dự báo về khí hậu trong tương lai, các kiến trúc sư lập kế hoạch cho những ngôi nhà, để thích ứng với từng kịch bản khí hậu có thể xảy ra, có ngôi nhà an toàn hơn. Các công nghệ mới trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến nhiều lợi thế, tiềm năng về hiệu quả và chất lượng, làm thay đổi cơ bản trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị.
Việc làm chủ, vận dụng linh hoạt, hợp lý các công cụ, công nghệ sẽ cho phép xử lý rất nhiều vấn đề phức tạp của dự án, từ bước thiết kế cho đến khâu triển khai, xây dựng và quản lý, vận hành sử dụng một cách hiệu quả, tối ưu.
Hình ảnh các công trình, tòa tháp chọc trời ở Việt Nam, tạo thành điểm nhấn của đô thị, điển hình như tòa nhà Landmark 81 tại TP.HCM là minh chứng rõ ràng nhất trong việc sử dụng công nghệ BIM và hệ thống quản lý tòa nhà cao tầng BMS để thiết kế, xây dựng và quản lý các công trình có quy mô lớn.
Trong thời đại công nghiệp 4.0, việc áp dụng một cách linh hoạt, đúng đắn các yếu tố công nghệ mới trong điều kiện đặc thù rất cụ thể của Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu của thời đại như: Đảm bảo tính chính xác, sự chặt chẽ về kỹ thuật và tính kinh tế của dự án…
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, trong tương lai xa, cần thận trọng khi ứng dụng công nghệ hiện đại. Thực tế cho thấy việc áp dụng công nghệ mới sẽ tạo ra hiệu quả tức thời về mặt hình ảnh (hiệu ứng thị giác) - đôi khi đặt cao hơn các yếu tố công năng, khí hậu trong kiến trúc.
Trong khi đó, khí hậu đóng vai trò quan trọng trong kiến trúc, quyết định sự lựa chọn về giải pháp không gian, ánh sáng, vật liệu, giải pháp kết cấu, để tạo ra hiệu quả về nhiệt độ, thông gió, chiếu sáng, tiện nghi vi khí hậu trong công trình… Thay vào đó là các giải pháp, công nghệ và hình ảnh thiết kế đơn điệu, thiếu kết nối với môi trường thực, từ đó dần dần đánh mất bản sắc kiến trúc mang yếu tố vùng miền…
Mặt khác, công nghệ mới sẽ đòi hỏi lượng tài nguyên khổng lồ, từ đó làm trầm trọng sự cạn kiệt tài nguyên và gia tăng lượng khí thải. Vì vậy, kiến trúc sư phải học cách cân bằng giữa hiện tại và tương lai. Kiến trúc xanh và vấn đề toàn cầu là thách thức lớn nhất của thời đại và vai trò hết sức quan trọng của kiến trúc sư đối với công tác thiết kế kiến trúc.
Phát triển kiến trúc xanh vừa phù hợp với mục tiêu phát triển của kiến trúc Việt Nam, vừa phù hợp với truyền thống văn hóa - kiến trúc dân tộc; đáp ứng nếp sống của người Việt và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường sống của đất nước hiện tại và tương lai; phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chủ đề “Tương lai bền vững - Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đại hội Kiến trúc sư Thế giới UIA 2023 diễn ra tại Copenhagen từ ngày 02-06/7/2023 vừa qua đã đưa ra nhiều giải pháp về vấn đề biến đổi khí hậu, thúc đẩy đa dạng sinh học và thúc đẩy sự hòa nhập xã hội.
Một trong những bài học lớn được nêu ra tại Đại hội lần này, đó là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau phải được hỗ trợ chỗ ở trước tiên, khi chúng ta xây dựng, lập kế hoạch và phát triển môi trường xây dựng. Khi phát triển, quy hoạch và xây dựng môi trường xây dựng, mọi hoạt động phải tác động tích cực đến hệ sinh thái nước và cung cấp nước sạch.
Và như vậy chủ đề “Kiến trúc, xây dựng, khí hậu - Trách nhiệm và giải pháp” của Hiệp hội Kiến trúc sư Thế giới (UIA) lựa chọn nhân ngày kiến trúc thế giới năm 2015 vẫn còn nguyên giá trị và cần được phát huy trong bối cảnh mới.
Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam
(Báo Xây dựng)
- Trụ sở Liên hợp quốc ở gần thủ đô Dakar, Senegal
- National Biodiversity Pavilion: Chiếc cầu nối giữa con người và các loài sinh vật trên trái đất
- Nhà ống và những nốt thăng trầm của đô thị
- Những công trình cao tầng với vẻ ngoài ấn tượng của BIG
- Olive House (Singapore) / thiết kế: Guz Architects
- Sky Vessel House (Nhật Bản) / thiết kế: NKS2 Architects
- Thiết kế Bảo tàng Văn học Quốc gia Hàn Quốc của STL Architects
- Gilder Center (New York) / thiết kế: Studio Gang
- Nhà vệ sinh công cộng Amoeba / thiết kế: People's Architecture Office
- Ngôi nhà kết hợp nhà hàng phủ đầy bùn dưới mặt đất ở Nhật Bản / thiết kế: Junya Ishigami