Ngày 13/01, tại Hà Nội, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh - mặt nước TP Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị”. Nhân dịp này, Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam nhằm tìm kiếm các giải pháp quản lý hiệu quả cây xanh, mặt nước đô thị Hà Nội.
Thưa ông, cây xanh, mặt nước có ý nghĩa như thế nào đối với đô thị nói chung, với Hà Nội nói riêng?
KTS Trần Ngọc Chính (ảnh bên): - Theo nghiên cứu, cây xanh đô thị có tác dụng hấp thụ bức xạ nhiệt của mặt trời, làm giảm các “đảo nhiệt”, hấp thụ CO2 và cải tạo vi khí hậu, bảo vệ môi trường sống đô thị, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan và là một bộ phận không thể thiếu trong hệ sinh thái tự nhiên.
Cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3 - 3,90 C khi diện tích đất cây xanh đạt 20 - 50% diện tích đất đô thị. Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm đi 17 - 57% năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40 - 50% cường độ bức xạ mặt trời. Cây sinh trưởng càng nhanh, nhất là đối với những cây lâu năm, thì công suất quang hợp và hấp thụ carbon càng gia tăng.
Ngoài ra cây xanh còn có khả năng hấp thụ tiếng ồn, hấp thụ các khí độc hại và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với cảnh quan tuyến đường, hệ thống cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan đô thị, tôn cao giá trị thẩm mỹ của các công trình kiến trúc xung quanh. Chính vì vậy trong chiến lược tăng trưởng xanh, chỉ tiêu diện tích cây xanh đô thị được coi là một trong những chỉ tiêu chính để bảo vệ môi trường và đánh giá chất lượng sống của người dân đô thị.
Đối với người dân Hà Nội, cây xanh đô thị càng có ý nghĩa vì hệ thống cây xanh trên các tuyến phố và các hồ trong đô thị còn là một biểu tượng, ký ức không thể dễ quên cho những ai đã từng sống nơi đây.
Đóng góp vào kiến trúc cảnh quan đô thị cũng không thể không nói đến mặt nước. Yếu tố mặt nước thường đi kèm với cây xanh trong quy hoạch và kiến trúc đô thị. Các nghiên cứu đều cho thấy yếu tố mặt nước có vai trò và tác dụng rất to lớn trong đô thị. Các hồ, ao có tác dụng điều hòa, hỗ trợ hệ thống thoát nước trong đô thị, tránh cho đô thị khỏi úng ngập cục bộ và tham gia vào quá trình tự làm sạch tự nhiên môi trường nước. Đồng thời, các hồ trong khu vực nội đô khi gắn kết với không gian kiến trúc xung quanh đã tạo nên một bản sắc riêng cho Hà Nội.
Vậy ông đánh giá như thế nào về thực trạng phát triển cây xanh, mặt nước ở Hà Nội?
- Thời gian qua, lãnh đạo TP Hà Nội đã có những chỉ đạo tích cực về mục tiêu phát triển 1 triệu cây xanh vào năm 2020. Trong quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, TP luôn đặt mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Điều này làm cho Thủ đô Hà Nội đã có những thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị và cải thiện môi trường. Việc thống nhất về chủng loại, mỗi khu phố khác nhau có một loài cây hay nhóm loài cây khác nhau để tạo nét đặc trưng, tạo lập hệ thống cây xanh đồng bộ, đa dạng sinh học đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện với mục tiêu xây dựng Thủ đô là một TP xanh - sạch - đẹp.
Tuy nhiên, diện tích cây xanh đô thị của Hà Nội, trong đó bao gồm chỉ tiêu đất cây xanh, tổng diện tích đất cây xanh cho toàn đô thị, từng khu vực đô thị, diện tích đất để phát triển công viên - vườn hoa lại chưa được quan tâm và đầu tư thích đáng. Tỷ lệ đất cây xanh, công viên so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đạt rất thấp. Các khu đô thị mới thiếu vắng các không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên, cây xanh…, đã làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm.
Về mặt nước, Hà Nội đứng đầu trong cả nước về số lượng sông hồ như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang, hồ Linh Đàm, hồ Giảng Võ, Thành Công, hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Nghĩa Tân… và có tới 13 con sông chảy qua Hà Nội. Tuy nhiên việc khai thác sử dụng quỹ mặt nước này phục vụ cảnh quan và đời sống đô thị vẫn còn nhiều điều chưa hợp lý.
Vài năm trở lại đây, nhiều ao, hồ ở Hà Nội bị lấp, lấn chiếm làm giảm đáng kể diện tích mặt nước, gây ra hiện tượng ngập úng vào mùa mưa. Ở các khu vực mới phát triển như Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm..., tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng, đã kéo theo nhiều ao, hồ bị san lấp bởi đất cát, rác thải và lấn chiếm để dành đất cho các công trình mọc lên.
5 năm gần đây, khi nhu cầu của người dân đô thị có xu hướng tiêu dùng ổn định và xanh hóa đời sống thì nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản đã chú trọng đầu tư vào cảnh quan như Khu đô thị Vinhomes Central Park, Vinhomes Golden River, Vinhomes Riverside, Ecopark… Các dự án bất động sản này đều có mật độ xây dựng thấp và dành phần lớn quỹ đất để phát triển các không gian xanh, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống trong một xã hội xanh.
Tuy nhiên cũng ngay trong lòng Thủ đô Hà Nội, ở nhiều khu chung cư, nhà ở cao tầng, diện tích đất dành cho cây xanh hầu như chỉ tồn tại trên bản vẽ. Thực tế các chủ đầu tư chỉ chú trọng tận dụng diện tích đất để xây dựng các hạng mục công trình mà ít quan tâm tới hạ tầng nói chung. Thậm chí, nhiều dự án thường tận dụng hạ tầng cây xanh có sẵn để hợp thức hóa thực trạng thiếu cây xanh tại dự án của mình.
Khu đô thị Ecopark giáp với Hà Nội
Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Hà Nội trong việc phát triển cây xanh, mặt nước?
- Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, việc phát triển và bảo tồn không gian xanh và mặt nước đã được chú trọng. Việc khai thác và duy trì hành lang xanh kết hợp với hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị đã được nhấn mạnh trong đồ án.
Trong khu vực nội đô, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch ưu tiên xây dựng mới và hoàn thiện các công viên, vườn hoa như công viên lịch sử Cổ Loa, công viên văn hóa giải trí Hồ Tây, vườn thú, công viên Thống Nhất, Yên Sở, Mễ Trì… Các công viên sinh thái được kết nối liên hoàn với hệ thống cây xanh tự nhiên tại các khu vực Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Tích và hệ thống sông hồ, mặt nước khu vực Cổ Loa, sông Thiếp, đầm Vân Trì, Suối Hai, Đồng Mô… tạo thành một hành lang xanh mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Việc giữ gìn và khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước không những để cân bằng môi trường sinh thái mà còn tăng cường khả năng tiêu thoát nước đô thị, phát huy giao thông thủy và hoạt động du lịch, vui chơi giải trí.
Việc quy hoạch không gian cảnh quan sinh thái bảo vệ môi trường dọc các tuyến sông nối kết với các không gian xanh, các trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội lớn của TP và khu vực nội đô lịch sử là yếu tố cơ bản để tạo ra các đặc trưng, một bản sắc riêng của đô thị Hà Nội.
Tuy nhiên công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng cây xanh - mặt nước vẫn còn có một số vấn đề chưa được giải quyết. Mặc dù UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn TP Hà Nội nhưng việc chồng chéo trong quản lý giữa các ban ngành và lĩnh vực liên quan, cũng như việc thiếu kiểm soát các chỉ tiêu diện tích đất cây xanh, mật độ xây dựng và mật độ cây xanh theo quy chuẩn quốc gia về quy hoạch trong nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình.
Có thể nhận định, trong thời gian qua, Hà Nội quy hoạch lại hệ thống cây xanh, chăm sóc, cải tạo hệ thống cây xanh trên đường phố, thay thế, chặt tỉa… là những hoạt động tích cực trong kế hoạch bảo vệ, phục hồi, bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh, phù hợp với quy hoạch và tạo bản sắc đô thị như mong muốn của các cấp chính quyền và người dân Hà Nội.
Vậy theo ông, để phát triển cây xanh, mặt nước, trong thời gian tới, Hà Nội cần phải làm gì?
- Đề cập đến giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh - mặt nước TP Hà Nội, theo tôi, cần đánh giá lại công tác quy hoạch cây xanh trong đô thị nhằm tìm kiếm các giải pháp nhằm hạn chế những yếu kém quản lý cây xanh đô thị.
Quy hoạch cây xanh phải được xem là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị. Cần gắn thiết kế cây xanh đô thị với công tác thiết kế đô thị để tạo nét đặc trưng tại các tuyến phố đô thị trung tâm hoặc trục đường giao thông hoặc các đô thị mới. Các giải pháp quy hoạch cây xanh cần được xem xét kỹ hơn về các yếu tố thiên nhiên và làm rõ vai trò điểm nhấn để tạo bản sắc trong đô thị.
Hệ thống hồ cần được nghiên cứu theo định hướng tạo cảnh quan và điều hòa thoát nước, đặc biệt là sự kết nối điều hòa giữa các hồ thuộc đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái.
Bên cạnh đó, Hà Nội phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái rừng và làng nghề gắn với bảo vệ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan sinh thái núi, sông, hồ, đầm, nông - lâm nghiệp…, tạo sự kết nối giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực đô thị mở rộng, bảo tồn và tạo thêm nhiều không gian mặt nước nhằm gìn giữ và duy trì nét đặc trưng của Hà Nội xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần chú trọng đến công tác quản lý cây xanh đô thị, trong đó tập trung làm rõ quy trình quản lý, duy trì, bảo tồn cây xanh và phân cấp trong quản lý cây xanh đô thị, phân định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Phát triển cây xanh đô thị là một hoạt động bảo vệ môi trường đô thị, vì vậy cần phải xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội. Công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh - mặt nước cần có sự tham gia của cộng đồng; Phải hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hồ và cây xanh, xây dựng Luật về cây xanh đô thị.
Với những hoạt động đồng bộ, hy vọng rằng Thủ đô Hà Nội sẽ thực sự là một đô thị xanh, thân thiện cùng với sự phát triển của các đô thị Việt Nam.
Quý Anh - Đào Hà thực hiện
(Báo Xây dựng)
- Xây dựng đặc khu kinh tế: Tránh chạy trước chính sách để trục lợi
- Đã đến thời của “hạ tầng xanh”
- “Chưa có dẫn chứng cụ thể về thanh khoản của condotel”
- Đột phá mạnh mẽ trong hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính ngành Xây dựng
- Căn hộ nhỏ: Vấn đề là công tác quản lý
- "Khu nhà giàu Thảo Điền ở Sài Gòn không ngập và lún mới lạ"
- Kiến trúc đô thị Xanh nhìn từ chợ thực phẩm - Gợi ý cho Việt Nam
- Bảo tồn di sản trong thời đại làm kinh tế và phát triển du lịch
- Nguy cơ tạm dừng dự án Metro số 1 TP.HCM: Hậu quả khôn lường!
- Để “đất vàng” không bị hoang phí