Nếu có dịp đến Paris, bạn hãy dành ít nhất một buổi chiều dạo chơi ở Parc de la Villette, một công viên “giải trí” có không gian hoàn toàn mở với một cụm kiến trúc đương đại phức hợp. Toạ lạc tại vùng ngoại vi phía đông bắc thành phố, công viên tuyệt đẹp rộng đến 55 ha này, ngay từ khi mở cửa vào tháng 10/1987 đã nổi danh là một trong những công trình mang đậm phong cách kiến trúc, thực hiện bởi kiến trúc sư Bernard Tschumi.
Trung tâm của quảng trường lớn đài phun nước mang tên “Fontaine aux Lions”, được cải tạo từ khu vực chứa nước cho đàn gia súc uống lần cuối cùng và rạp chiếu phim Géode trông giống như một quả cầu pha lê.
Trước năm 1974, nơi đây là khu chợ gia súc và khu giết mổ lớn nhất ở Paris, thiết kế bởi Baltard từ năm 1865, theo lệnh của Hoàng đế Napoleon Đệ Tam. Dự án Parc de la Villette bao gồm nhiều công trình lớn, thi công trong 13 năm, thuộc chương trình “Grands Projets Culturels” khởi xướng bởi cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand. Mở đầu là cung hòa nhạc pop/rock Zenith, thiết kế bởi Philippe Chaix và Jean-Paul Morel năm 1984. Đây là một trong những khán phòng lớn nhất ở Paris, với khoảng 6.300 chỗ ngồi và dự định ban đầu chỉ mang tính “tạm thời”, giống như tháp Eiffel. Thế nhưng cho đến ngày nay, căn lều bằng nhựa tổng hợp vẫn còn đó, thậm chí còn được phát triển thành một chuỗi nhà hát mang tên Zenith trên khắp nước Pháp.
Một năm sau, công trình cải tạo tòa nhà chính La Grande Halle, thực hiện bởi hai kiến trúc sư Bernard Reichen và Philippe Robert hoàn thành. Chuồng gia súc cũ do Jules de Merindoi xây năm 1867 được chuyển thành một không gian hiện đại, thích hợp làm nơi diễn ra các liên hoan nghệ thuật trình diễn (âm nhạc, múa, xiếc…) hay các hội chợ triển lãm quốc tế. Trước toà nhà là một quảng trường lớn mà phần trung tâm có đài phun nước mang tên “Fontaine aux Lions”, vốn là nơi cho đàn gia súc uống nước lần cuối cùng. Năm 1986 đánh dấu sự hoàn thành của rạp chiếu phim Géode, do Gérard Chamayou và Adrien Fainsilber thiết kế. Trông giống như một quả cầu pha lê, toà nhà trở thành một tấm gương phản chiếu phong cảnh phố xá, trời mây. Không chỉ là rạp chiếu phim hình bán nguyệt lớn nhất ở Paris với sức chứa 400 ghế ngồi, nơi đây còn tự hào với một màn hình IMAX khổng lồ có diện tích hơn 1.000m2. Từ năm 2007 nhờ hệ thống Géode 3D và Géode HD, khán giả đã có thể thưởng thức những bộ phim ba chiều trên màn hình HD khổng lồ. Ngoài ra, tại đây cũng thường phát sóng “trực tiếp” các buổi trình diễn VJ, các sự kiện thể thao hay văn hoá lớn.
Toà nhà chính La Grande Halle.
Công trình Bảo tàng khoa học và công nghiệp (Cité des Sciences et de l’Industrie) kế bên, được hoàn thành một năm sau đó. Adrien Fainsilber đã hoán chuyển hệ kết cấu vì kèo thép khổng lồ đang được thi công dang dở, thành một bảo tàng khoa học hiện đại. Ánh sáng, “nguồn năng lượng của thế giới” đã được sử dụng làm yếu tố căn cốt trong thiết kế của ông. Nổi bật nhất ở khu vực này là “mặt tiền sinh thái” Les Serres, ba khu nhà kính có kích thước 8x20m và cao đến 20 mét. Đây là những bức tường kính đầu tiên được dựng mà không dùng đến khung hay sườn chống. Khu trưng bày của bảo tàng rộng đến 30.000 m2. Phần đặc sắc nhất hẳn là chiếc tàu ngầm danh tiếng Argonaut từng thực hiện mười hải trình vòng quanh trái đất.
Khu vườn chủ đề đầu tiên ở La Villette mở cửa đón khách vào tháng 10/1987. Hiện nay, công viên có mười khu vườn chủ đề rất đặc biệt, phần lớn đều do chính Bernard Tschumi thiết kế. Có thể kể đến vườn gương, với 28 tấm gương lớn đặt giữa vườn trồng toàn cây thông và cây thích. Hay khu vườn tre, ở cốt thấp hơn công viên đến 6m, với vô số kể các loài tre trúc. Không gian thực sự thanh bình với tiếng tre xào xạc trong gió hoà cùng tiếng nước róc rách từ đài phun nước hình trụ thẳng đứng do Bernhard Leitner thiết kế. Ở khu vườn cân bằng, những cánh diều kim loại lơ lửng như những con chim khổng lồ đang sà xuống thảm thực vật. Lấy cảm hứng từ các công viên giải trí chủ đề kiểu Mỹ, các khu vườn ở La Villette được thiết kế với khá nhiều khu trò chơi vận động dành cho trẻ em, chẳng hạn như vườn đồi, vườn đảo, vườn nho, vườn vận động, vườn bóng đổ, vườn của rồng và vườn của nỗi sợ trẻ thơ. Ngoài ra, cổng tháp của lò mổ cũ Maison de la Villette, cũng được tu sửa bởi nhóm KTS Pierre du Besset, Dominique Lyon và Kazuroshi Morita.
Cận cảnh toà nhà chính La Grande Halle, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động nghệ thuật trình diễn. Lối dạo bộ với rất nhiều cầu, cầu thang dẫn qua các toà nhà, khu vườn hay các điểm vui chơi giải trí, thiết kế theo trục bắc – nam và đông – tây.
Công viên được thiết kế theo ba tuyến độc lập: điểm, đường và bề mặt. Công trình như bừng sáng với hệ “điểm” tạo nên bởi 26 khối lập phương đỏ thẫm, với hình dạng và chức năng riêng biệt. Dòng kênh lịch sử Ourcq, vốn là nguồn nước chính của thành Paris, chia công viên La Villette thành hai nửa. Hệ “đường” là lối dạo bộ với rất nhiều cầu, cầu thang dẫn qua các tòa nhà, khu vườn hay các điểm vui chơi giải trí, thiết kế theo trục bắc – nam và đông – tây. Trên đường đi, bạn sẽ gặp những ngạc nhiên nho nhỏ, chẳng hạn chi tiết của một chiếc xe đạp khổng lồ nổi lên trên mặt đất, một tác phẩm điêu khắc của Claes Oldenburg, thực hiện năm 1990. Hệ “bề mặt” bao gồm hai thảm cỏ hình tam giác và hình tròn, với tổng diện tích là 7 hecta.
Cụm kiến trúc được hoàn thành sau cùng là Thành phố Âm nhạc (Cite de la Musique), năm 1997, với ba công trình riêng biệt, thiết kế bởi KTS Christian de Portzamparc (giải thưởng Pritzker 1994). Nằm ở phía nam của công viên, đây là một trong những toà nhà đương đại đẹp nhất thành phố Paris, với một sân khấu lớn; khán phòng hoà nhạc với sức chứa 800 – 1.000 khán giả; Bảo tàng Âm nhạc với bộ sưu tập hơn 900 nhạc cụ có niên đại từ thế kỷ 15 và một hành trình xuyên qua lịch sử âm nhạc được thiết kế đặc biệt dành cho khách thăm quan; trường Nhạc và múa Quốc gia Pháp cùng nhiều không gian trưng bày, hội thảo và thư viện…
Nhìn tổng thể, quy hoạch của La Villette đề cao tính đối lập thay vì hài hoà, tính rời rạc thay vì thống nhất, quá trớn và phá cách thay vì cẩn trọng chỉn chu. Cho đến nay, nó được coi là một trong những kiến trúc lớn nhất từng được xây dựng – một “toà nhà” tuy không liên tục nhưng có cấu trúc đơn nhất. Chính sự hoà quyện mang hơi thở đương đại giữa các yếu tố hữu cơ và công nghiệp đã biến nó thành một địa điểm nổi tiếng với các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học và âm nhạc, phục vụ hơn 8 triệu lượt khách mỗi năm.
Địa điểm : 211 Avenue Jean-Jaurás và 30 Avenue Corentin-Cariou, 19e, Paris. Diện tích : 55 hecta Thể loại : Công viên công cộng Phong cách kiến trúc : Giải cấu trúc Cuộc thi đồ án kiến trúc : 1982 Thời gian thi công : 1986 – 1991 Chi phí xây dựng : 130.000.000 USD Kiến trúc sư trưởng : Bernard Tschumi Kiến trúc sư dự án Bảo tàng Khoa học và công nghiệp : Adrien Fainsilber Các lối dạo bộ : Peter Rice Thành phố Âm nhạc : Christian de Portzamparc Pavilion Tusquets : Oscar Tusquets Géode : Gérard Chamayou và Adrien Fainsilber Phòng hòa nhạc : Zenith Philippe Chaix và Jean-Paul Morel Grande Halle (cải tạo) : Bernard Reichen và Philippe Robert Maison de la Villette (cải tạo) : Pierre du Besset, Dominique Lyon và Kazuroshi Morita Kiến trúc phong cảnh : Philippe Starck |
3 trong 26 “khối lập phương đỏ” trong cảnh quan tổng thể công trình được sử dụng làm nhà hát Zenith, khu bán đồ lưu niệm và bán vé cho khách tham quan.
Cụm kiến trúc thuộc Cite de la Musique.
Cafe restaurant của cụm kiến trúc, là nơi tụ tập của các sinh viên nghệ thuật và khách tham quan vì tầm nhìn rộng lớn và bao quát toàn bộ toà nhà chính La Grande Halle cùng quảng trường có đài phun nước Fontaine aux Lions.
Cụm kiến trúc thuộc Cite de la Musique với chức năng: thư viện, phòng học, giảng đường cho sinh viên trường Nhạc và múa Quốc gia
Mặt bên của Cite de la Musique
Dương Cầm - ảnh: Tường Huy
- Nhà Lá Mái ở miền Trung - kiến trúc sinh thái
- Trụ sở công ty KNOCK, TP Minneapolis, Mỹ
- Công trình One Jackson Square, New York
- Khu nhà ở xã hội 30-32 Práter Street tại thủ đô Budapest
- Thiên nhiên và nhân tạo
- Ngôi nhà Hezelia
- Ngôi nhà ViGi ở Jakarta (Indonesia)
- Trường đại học Nordjvlland (UCN) ở Aalborg, Đan Mạch
- Khách sạn Bandung Hilton ở Indonesia
- Thiết kế khu Trung tâm thương mại hành chính tại TP Ôn Châu (Trung Quốc)