Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Kiến trúc Thiên nhiên và nhân tạo

Thiên nhiên và nhân tạo

Viết email In

Với sự phát triển của đô thị hiện nay những khoảng không xanh dần dần bị thay thế bởi những khu nhà mới mọc lên. Những thành phố lớn hoàn toàn bị bêtông hoá, cùng với sự tăng trưởng của giao thông mang đến đủ loại ô nhiễm, đó là một vấn đề rất nan giải của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việc đưa cây xanh vào trong thành phố là một sự thách thức của thế kỷ 21. Vườn theo chiều đứng là một trong những giải pháp rất ấn tượng. Nó không chỉ còn là hình thức trang trí mà trở thành một phần tử quan trọng trong kiến trúc, cái sẽ cải thiện cuộc sống mới cho con người.


Sân thượng ngôi nhà Jalan Elok, đây là không gian hoàn toàn có thể mang đến chất lượng thực sự của cuộc sống. Những chiếc nan thép có thể xoay để tránh những tia nắng chiếu trực tiếp

Vườn và quy luật thẳng đứng

Khi nói đến vườn ta nghĩ đến một thửa đất ở bên trong hay bên ngoài trải rộng trên bề mặt đất được giới hạn bởi những tường rào hay những khu đất phân định. Chúng thường được tạo nên bởi hai mục đích: trang trí như vườn hoa cây cảnh hoặc thu hoạch như vườn rau, cây ăn quả. Sự tác động của con người vào thiên nhiên đã tạo cho vườn là một nhân tố đặc trưng cho văn hoá mà nổi bật là các khu vườn của vua chúa. Mỗi quốc gia dân tộc đều tạo cho khu vườn của mình có những nét riêng biệt cùng với những loại cây phù hợp với khí hậu từng vùng.

Ở châu Âu nổi lên có ba loại vườn, vườn của Ý, của Anh và của Pháp. Trong đó, vườn của Pháp có sự tác động của con người rõ nhất. Đó là nghệ thuật thay đổi thiên nhiên hoang dã để áp đặt vào đó sự đối xứng, sự trật tự. Ở đó, ta thấy được sự chiến thắng của ý thức con người trên sự tự phát của thiên nhiên. Khu vườn Versailles ở Paris được xây dựng cho vua Louis thứ XIV là nơi có nhiều sự thử nghiệm nhất được biểu tượng cho vườn của Pháp.

  • Ảnh bên : Đồ án “High Rise of Home, 1981”, điểm nhấn chung liên kết của toàn bộ khu nhà là thảm thực vật xanh xung quanh các ngôi nhà riêng lẻ.

Ở châu Á có hai loại vườn tiêu biểu, vườn của Nhật và vườn của Trung Quốc. Cả hai loại vườn này đều có một điểm chung quan trọng là việc thu nhỏ thiên nhiên vào trong một không gian nhất định để từ đó tạo nên một hình ảnh thiên nhiên lý tưởng mang đầy hình tượng. Nhưng có một điều khác biệt là vườn của Nhật chủ yếu mang tính phong cảnh và có mối liên hệ khăng khít với những không gian kiến trúc xung quanh. Điều đó có thể thấy rõ nhất ở các khu vườn “khô” được tổ hợp bởi đá và sỏi. Ở vườn Trung Quốc, ngoài tính phong cảnh ra nơi đây cũng là chỗ để tản bộ, vui chơi. Nhiều vua chúa tìm đến đây để có được ngẫu hứng viết văn và làm thơ. Vườn Trung Quốc luôn mang hình tượng thiên đường của nhân loại. Theo truyền thuyết cổ Trung Quốc thì thiên đường này trú ngụ ở trên ngọn núi cao và ở các hòn đảo rất xa giữa biển cả, nơi có thể đạt tới sự bất tử. Núi non sông nước là các phần tử quan trọng biểu tượng của vườn Trung Quốc và từ đó cũng giải thích tại sao “hòn non bộ” được nhiều người làm vật trang trí trong nhà.

Khi nói đến vườn theo chiều đứng ta tưởng như có gì đó đảo lộn tự nhiên, thực ra đó chỉ là sự sử dụng một số kỹ thuật mới cho vườn chứ định luật của thiên nhiên hoàn toàn không thay đổi. Mọi cây cối đều mọc vươn lên theo chiều đứng, đó là lẽ tự nhiên khi chúng tìm tới ánh sáng để quang hợp. Đó cũng là định luật của tạo hoá, con người khi còn là loài vượn sử dụng tứ chi để di chuyển nhưng khi trí tuệ phát triển thì đã vươn thẳng lưng đi bằng hai chân. Sự vươn lên theo chiều đứng đã đưa loài người tạo được tất cả mọi tiềm năng và đạt tới đỉnh cao của chu kỳ phát triển.

Vườn và kiến trúc

Nghệ thuật trồng vườn đã bắt đầu xuất hiện từ thời cổ đại. Khu vườn treo Babylon (Iraq), một trong bảy kỳ quan thế giới, được vua Nabuchodonosor II xây dựng lên từ thế kỷ thứ VI trước công nguyên cho người vợ yêu quý của mình là Amytis đến đây thưởng ngoạn với mục đích để bà đỡ nhớ quê nhà (Iran). Từ thời điểm đó chúng ta đã thấy được rằng việc con người sử dụng thực vật trên lãnh thổ hoàn toàn không phải thiên nhiên để đề cao nhu cầu văn hoá. Trồng một khu vườn cách xa đất tự nhiên, đó đã đánh dấu vị trí quan trọng của con người trên tiến trình phát triển của thiên nhiên, chúng ta có thể coi đó là một sự tái tạo.


Khu vườn treo Babylon, tranh vẽ của Maarten Van Heemskerck, thế kỷ XVI.

Với sự tái tạo đó, ở những năm 70 nhóm kiến trúc sư SITE mà đại diện là James Wines và Emilio Ambasz đã đưa ra chủ trương “green architecture” với hai mục đích, kiến trúc phải có vai trò quan trọng trong môi trường sinh thái và từ đó thay đổi cách thể hiện hình thái kiến trúc không dựa theo quy luật truyền thống của kiến trúc nữa. Đồ án “High Rise of Home” có ý tưởng mang thiên nhiên vào các khu nhà cao tầng trong thành phố. Mỗi căn hộ là một ngôi nhà riêng lẻ với khu vườn xung quanh. Các ngôi nhà có thể được xây dựng với hình thái hoàn toàn khác nhau nhưng điểm nhấn chung liên kết của toàn bộ khu nhà là thảm thực vật xanh xung quanh các ngôi nhà đó.

Hơn 20 năm sau, ý tưởng này được ứng dụng bởi Edouard François, một trong những kiến trúc sư “xanh” đương đại, cho khu nhà “Tower Flower” ở Paris. Khu nhà chín tầng cho 30 căn hộ được bao bọc bởi một “mặt tiền” của hơn 350 chậu cây. Ý tưởng xuất phát khi ông thấy ở bancông mỗi nhà có các chậu cây hoa trang trí, ông cho rằng chúng có thể trở thành phần tử quan trọng của kiến trúc và chúng sẽ đem lại một hình thái kiến trúc mới, nơi mà màu “xanh” được tôn vinh.


Ảnh trái : Khu nhà “Tower Flower, 2004”, phần tử chính của mặt tiền là 350 chậu cây tre. Ngoài ra còn 30 chậu cho 30 căn hộ, mỗi gia đình được trồng một loại cây mà mình yêu thích. Tất cả được tưới bởi một hệ thống nước tự động (ảnh của Mario Ciampi).
Ảnh phải : Toà nhà dành cho văn phòng làm việc và thương mại “EX DUCATI, 2007”, nó trở thành một thực vật sống thay đổi cùng thời gian (ảnh của Daniele Domenicali).

Khi nói đến sự vươn cao của cây cối ta không thể không nhắc tới các loại cây leo mà con người đã biết tận dụng để biến chúng thành những phần tử kiến trúc quan trọng. Từ thời cổ đại người ta đã biết sử dụng các loại cây to để làm thân cho những cây leo mang tính thu hoạch mà thường thấy là cây nho. Phương pháp này được thay thế nhanh chóng bởi một cấu trúc xây dựng. Perola là một cấu trúc được tổ hợp bởi cột và xà, nó tạo nên một không gian riêng biệt thường được đặt ở lối đi hay ngoài terrace. Ở nước ta có giàn hoa thiên lý, mướp hay gấc được dựng lên bởi các nan bằng gỗ, tre hay dây thép. Chúng nhiều khi trở thành những mái hiên để tránh nắng nhưng vẫn giữ mục đích thu hoạch. Những phần tử kiến trúc thiên nhiên luôn tạo cho chúng ta cảm giác gần gũi và thân thiện.

Toà nhà dành cho văn phòng làm việc và thương mại tại tỉnh Rimini ở Ý (KTS Mario Cucinella) được bao bọc bởi một hệ nan bằng inox 60 x 60cm. Hệ nan này chỉ là giá đỡ cho rất nhiều cây leo tổ hợp lên mặt tiền của khu nhà. Loại cây được chọn chỉ ra lá và nở hoa vào mùa hè nên nhờ thế mà tránh được ánh nắng chiếu trực tiếp vào không gian bên trong. Ngược lại khi mùa đông đến, ánh nắng không còn nữa, lúc đó hoa lá rụng hết thì cũng là cơ hội để lấy được nhiều ánh sáng từ ngoài vào. Ngôi nhà trở thành một thực vật sống thay đổi cùng thời gian.


Ảnh trái : Toà nhà công viên “MFO Park, 2002”, vẫn theo tư tưởng của Pergola truyền thống, nơi đây đã trở thành không gian lý tưởng cho toàn bộ người dân sống trong khu vực (ảnh: Mario Ciampi).
Ảnh phải : Pergola của Ý, hình vẽ của Nicolas Forestier, 1920.


Việc đưa thiên nhiên vào các khu sinh hoạt công cộng luôn là một đề tài hấp dẫn các kiến trúc sư. Vào cuối những năm 90 trong công cuộc chuyển đổi khu công nghiệp của hãng Maschinenfabrik Oerlinkon thành khu dân cư tại phía bắc thành phố Zurich (Thuỵ Sĩ), mặt bằng quy hoạch tổng thể được thiết kế chỉ ra các khu nhà ở, trung tâm thương mại và dịch vụ. Ngoài ra đồ án còn chú trọng tới những không gian mở dành cho cộng đồng. Văn phòng kiến trúc Burckardt đã có ý tưởng xây dựng một công viên theo chiều đứng ở một trong những khoảng sân rộng giữa những khu nhà. Đây được coi như một “toà nhà công viên” hay một pergola lớn nhất thế giới với hệ kết cấu bằng thép 100 x 35m và chiều cao 17m. Các kiến trúc sư sử dụng kết cấu thép để nhắc lại lịch sử công nghiệp của khu vực, và cũng nhờ đó tạo được những không gian thoáng và nhẹ nhàng đối lập với những toà nhà nặng nề xung quanh. Có 1.200 cây leo với hơn 100 loại khác nhau, công trình là một kiệt tác hoà trộn thiên nhiên với nhân tạo. Mọi người đến đây có thể đi tản bộ trên những hành lang hay cây cầu ở những độ cao khác nhau, để có những tầm nhìn khác nhau trong khu vực rồi từ đó được sống với những cảm giác mới lạ. Còn trẻ em không ai không mơ ước có một ngày được bay bổng trên đỉnh những ngọn cây.

Vũ Hoàng Sơn - Giảng viên khoa kiến trúc - nội thất, Đại học Mỹ thuật và Thiết kế Geneva, Thuỵ Sĩ  

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo