Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Kiến trúc Khai thác không gian từ những bản vỏ cong

Khai thác không gian từ những bản vỏ cong

Viết email In

Vào thập niên 50 những kiến trúc sư như Oscar Niemeyer (Brasil, người đi đầu trong phong trào kiến trúc hiện đại của nước này), Jorn Utzon (Đan Mạch, người thiết kế nhà hát Sydney) và Felix Candela (Tây Ban Nha) đã tìm tòi khai thác vật liệu bêtông để tạo ra những hình thái mới cho kiến trúc. Họ là những người muốn thoát khỏi sự “kìm kẹp” của chủ nghĩa “chức năng” (functionalism) và chủ nghĩa “duy lý” (rationalism) mà kiến trúc hiện đại đưa ra ở đầu thế kỷ 20. Kiến trúc của họ sử dụng các lớp vỏ bằng bêtông để tạo ra các không gian lớn từ những khối hình học đồ sộ.


Mái nhà thử nghiệm cho nhà máy Raul Fernandez, thành phố San Bartolo, Mexico, 1950. (Ảnh: N. Bleecker Green)

Felix Candela có lẽ là người được biết đến ít hơn cả, có thể là hầu hết các công trình của ông được xây dựng tại đất nước Mexico hay vào thời điểm đó người ta không biết gọi ông là kiến trúc sư hay kỹ sư xây dựng. Felix Candela sinh năm 1910 tại Madrid thủ đô của Tây Ban Nha. Năm 1935 ông tốt nghiệp đại học kiến trúc tại thành phố này. Vì đứng về phía đảng cộng hoà chống lại chủ nghĩa độc tài Franco cho nên năm 1939 ông phải chạy sang nước Mexico sống lưu vong. Nhưng chính nhờ nơi đây đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho ông thử nghiệm các tác phẩm của mình. Tư tưởng thiết kế của ông xuất phát từ sự hiểu biết về kỹ thuật. Các hình khối công trình chỉ có được từ “hệ quả” của một sự tính toán chuẩn xác về kết cấu. Ông dùng toán học để tính toán các bản vỏ cong theo hai chiều và theo dõi chúng phát triển như thế nào trong không gian. Đặc biệt các bản vỏ này phải có độ dày ít nhất để tránh đi sự lãng phí của vật liệu. Ông luôn nghiên cứu để tìm ra các khả năng chịu lực mới của bêtông để từ đó sáng tác ra những hình thái mới cho kiến trúc. Đó có lẽ cũng là tư tưởng ngược lại với thói quen của người kiến trúc sư. Chính bản thân ông đã chỉ trích kiến trúc sư Jorn Utzon khi thiết kế nhà hát Sydney, công trình thiên về hình khối nhưng gây rất nhiều khó khăn cho việc tính toán kết cấu của những kỹ sư sau này.

Với những chiếc mái cong uốn xuống sàn biến thành cột chịu lực, kiến trúc của ông đã mở ra một định nghĩa mới về phần tử kiến trúc để rồi từ đó tạo ra một cảm nhận khác trong không gian.


Khu nhà tổ hợp chức năng trường đại học Bách khoa Laussanne, Thuỵ Sĩ, 2010. Công trình được mang tên “ý nghĩa trên và dưới”. (Ảnh: Iwan Baan)



Vẫn cùng một xu hướng khai thác không gian như vậy, khu nhà tổ hợp chức năng của trường đại học Bách khoa thành phố Lausanne ở Thuỵ Sĩ được thiết kế bởi văn phòng kiến trúc SANNA Nhật Bản cũng xoá bỏ những “quy tắc” thường gặp của kiến trúc. Các phần tử chịu lực theo phương đứng như tường và cột đã bị mất đi sự quan trọng của nó, công trình được tổ hợp bởi hai bản sàn “uốn lượn” trong không gian. Hai bản sàn này vừa là phần tử chịu lực cũng vừa là phần tử phân chia không gian. Công trình khai thác không gian theo chiều đứng theo sự lên cao xuống thấp của bản sàn nhưng đồng thời vẫn tạo được khả năng xuyên suốt theo chiều ngang. Điều đặc biệt ở đây với sự uốn cong của bản sàn đã tạo ra những không gian trên và dưới hoàn toàn khác nhau, dẫn đến ý nghĩa hoàn toàn khác nhau của những không gian này.

 
Ảnh trái: Nhà hàng Los Manantiales, thành phố Xochimilco, Mexico, 1958. Sự ứng dụng bản vỏ mỏng của KTS Felix Candela. (Ảnh: Erwin Lang) / Ảnh phải: Mô hình phần cơi nới ngôi nhà Galvani. Tấm bản sàn tầng một uốn cong cũng vừa là mái và là tường xác định không gian nhà để xe.

Chung quy lại nhờ tính linh hoạt của vật liệu bêtông đã mở ra những cách nhìn nhận mới về phần tử cấu tạo kiến trúc và đặc biệt tạo ra những cảm nhận mới trong không gian.

KTS Vũ Hoàng Sơn

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo