Trong khi các nhà khoa học cho rằng tình hình thiên tai ngày càng tăng có liên quan đến biến đổi khí hậu, và phương tiện truyền thông giúp cho những thảm họa thiên nhiên ngày càng hữu hình hơn, một thế hệ mới các kiến trúc sư và nhà thiết kế đang hướng đến trào lưu nhân đạo chủ nghĩa. Liệu khát vọng của họ có làm nên sự khác biệt?
Vào một buổi chiều hè oi bức vừa qua, trên đường ra sân bay sau chuyến đi tường thuật ở New York, tôi đã dừng chân tại Trung tâm PS1, một chi nhánh tại khu Queens của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) để xem một triển lãm sắp đặt của các kiến trúc sư từ công ty Interboro Partners. "Chờ" (Holding Pattern) là tác phẩm đoạt giải Chương trình Kiến trúc sư trẻ (YAP) thường niên lần thứ 12 của PS1 năm nay - một cuộc thi cho phép mỗi năm một đơn vị có cơ hội bài trí sân bảo tàng trong nhiều tuần bằng một ngân sách eo hẹp.
Tác phẩm của Interboro Partners như lời bác bỏ thẳng thắn chủ nghĩa hình thức táo bạo và tự-tán-dương của những đơn vị thắng giải YAP gần đây. Thay vào đó, họ châm biếm sự lãng phí, tính phù phiếm, và bối cảnh địa phương. Interboro Partners muốn phá vỡ hàng rào ngăn cách những tương tác có ý nghĩa với khu vực lân cận bên ngoài bốn bức tường bao quanh sân PS1. Interboro Partners đã bắt đầu thực hiện tác phẩm dự thi bằng cách gặp gỡ cư dân và các tổ chức cộng đồng trong khu vực chung quanh bảo tàng, gồm trường học, một khu chợ nông sản, tổ chức phi lợi nhuận YMCA, và một trung tâm chăm sóc người cao tuổi để tìm hiểu cụ thể những nguồn lực, cơ sở vật chất mà cộng đồng cần nhất.
Cây cối, những băng ghế, bàn bóng lắc, và những vật dụng khác mà nhóm người được phỏng vấn yêu cầu đã tạo thành cấu trúc vật thể cho tác phẩm "Chờ" và làm nền cho các sự kiện diễn ra tại PS1. Được thiết kế từ quan điểm đó, giống như những tác phẩm đoạt giải YAP trước kia, mô hình của Interboro thúc đẩy sự tương tác xã hội trong không gian sân bảo tàng. Tuy nhiên, tất cả các vật thể được đánh dấu riêng để đem tặng cho những người đã yêu cầu chúng khi cuộc triển lãm kết thúc vào cuối mùa hè, cũng chính là lý do cho tên gọi của tác phẩm. Mục đích của việc này không chỉ nhằm tái sử dụng những đồ vật triển lãm, mà còn biến chúng thành một cách tiếp cận cộng đồng mang tính chiến lược. Dự án đã sử dụng mục đích xã hội như là phương tiện của kiến trúc.
Trên tinh thần đó, "Chờ" rõ ràng là người bạn đồng minh của trào lưu thiết kế mang tính nhân bản ngày càng trở nên phổ biến trong ngành kiến trúc năm năm trở lại đây. Còn được gọi là "kiến trúc của kết quả" hay "kiến trúc của sự tham gia” (của cộng đồng), thiết kế mang tính nhân bản là một trường phái rộng, chưa định hình rõ ràng. Nó bao gồm các nỗ lực cứu trợ thiên tai, xây trường học và nhà ở cho người nghèo, một số khía cạnh của kiến trúc bền vững, nông nghiệp đô thị, và những dự án hướng đến cộng đồng như "Chờ". Với thời tiết ngày một khắc nghiệt và sự bất ổn kinh tế leo thang, cộng với chủ nghĩa khủng bố và thiên tai, động đất liên tục là mối đe dọa, trào lưu thiết kế nhân đạo là một cách ứng xử rõ ràng trong một thế giới đầy âu lo.
Trong khi đó, bên ngoài cổng trường đại học và viện bảo tàng, những nỗ lực tái thiết hậu thảm họa như cuộc tấn công khủng bố 11/9 và cơn đại hồng thủy Katrina bị thỏa hiệp sâu sắc cho thấy các kiến trúc sư cần phải học cách tiếp cận nhạy bén hơn, sâu sát hơn và hiểu biết về chính trị hơn. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại các nền kinh tế ở Mỹ và châu Âu là lời cảnh tỉnh về sự vô ích của những công trình xây dựng lắm tiền, thay vào đó cần nhiều hơn các khu chung cư ở những nơi như Las Vegas hoặc Madrid. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các kiến trúc sư có nhiều thời gian để suy nghĩ và viết về các ưu tiên lớn hơn của họ, và bắt đầu hướng tài năng của mình đến nơi có tác động xã hội đáng kể hơn.
Không khó hiểu lý do tại sao sự phổ biến của trào lưu thiết kế nhân đạo chủ nghĩa mang lại cảm giác biến đổi lớn cho ngành kiến trúc. Trải qua Chủ nghĩa hiện đại và rồi hậu hiện đại, kiến trúc tách rời cuộc sống cả về mặt xã hội lẫn chính trị. Trong bối cảnh đó, thiết kế mang tính nhân bản ra đời như liều thuốc kịp thời và làn gió mới, dù phải đối mặt với không ít thách thức, đáng kể nhất là lĩnh vực chưa được trang bị đầy đủ để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của chính mình. Một điều rõ ràng là nhân vật và các tổ chức làm nên ngành kiến trúc - chủ yếu là bảo tàng, các nhà phê bình, trường đại học, và những khách hàng rộng hầu bao – đánh đồng hình thức táo bạo, mạnh mẽ với thực hành kiến trúc sáng tạo. Khi một tác phẩm thiết kế có các ưu tiên khác nhau, họ thường thiếu chuẩn bị để đánh giá nó một cách hợp lý. Chẳng hạn, khi nhìn một loạt các ngôi nhà được xây dựng cho một khu phố bị lụt do sóng thần, họ hy vọng tìm thấy một trường hợp sinh động và bóng bẩy điển hình để có thể đăng trên tạp chí thiết kế như một ngôi nhà phố ở London của David Adjaya. [David Adjaya là một kiến trúc sư ngôi sao ở nước Anh với những công trình đắt giá và sang trọng.]
"Chờ" là một trường hợp đặc biệt. Dự án, với phần giới thiệu ấn tượng, là một phản ứng thông minh với chủ nghĩa hình thức tách rời cuộc sống của những tác phẩm đoạt giải YAP trước đó và sự một nhượng bộ khéo léo với điều kiện kinh tế hiện nay. Tuy vậy, hình thức xây dựng của dự án, gồm băng ghế, giường ngồi, một bàn chơi bi lắc, trạm sửa xe đạp, và các vật dụng khác đặt rải rác trên khoảng sân rộng rãi của PS1 trông rời rạc. Không gian trống trải khiến cho ngay cả việc ngắm người, thường là phần hay nhất của các tác phẩm YAP, không được đáp ứng. Nếu xét về mặt kiến trúc xây dựng - các không gian để đi qua và vật thể để ngồi hoặc sờ ngắm – thì tác phẩm là một sự thất vọng.
Việc tìm kiếm dự án thiếu sót chỗ nào - hoặc có thiếu sót hay không – dẫn đến câu hỏi về một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà thiết kế mang tính nhân bản hiện đang phải đối mặt. Điều gì sẽ xảy ra khi một công trình hay tác phẩm sắp đặt tập trung vào tác động xã hội hơn là hình thức, hoặc có hiệu ứng tốt khi nhìn gần nhưng thiếu thẩm mỹ về bài trí và hình ảnh? Những dự án như thế có xu hướng thất bại tại một nền văn hóa kiến trúc thiếu trang bị để có thể đánh giá và thể hiện chúng một cách tối ưu.
Các kiến trúc sư làm việc ở quy mô lớn hơn như cấp thành phố, đặc biệt trong việc giúp lên kế hoạch tái thiết sau thiên tai, đối mặt với nhiều trở ngại hơn. Khó khăn lớn nhất là quy hoạch đô thị thực sự hướng đến cộng đồng, với tư cách là một ngành nghề, và là một hàng hóa xã hội mà chính phủ sẵn sàng chi trả - đang ngày càng thu hẹp tại Hoa Kỳ.
Những nỗ lực xây dựng lại Ground Zero, nơi tòa tháp đôi từng tọa lạc trước sự kiện ngày 11/9, và New Orleans đã cho thấy chân dung đáng buồn của một quốc gia đã bác bỏ nhu cầu hoặc cho rằng mình không đủ ngân sách cho quy hoạch thực sự - và do đó đã khiến công việc của các kiến trúc sư nhiệt huyết hướng đến quy mô đô thị hết sức khó khăn. Ví như tại khu vực Hạ Manhattan của New York, liệu có khôn ngoan khi gom hơn hơn 900.000 mét vuông không gian văn phòng vào một khu vực hầu như chẳng có nhu cầu cho chúng? Đây thực chất là sự lặp lại sai lầm của những nhà thầu xây dựng khu Trung Tâm Thương Mại Thế Giới trước kia cách đây 40 năm. Có hợp lý không khi để cho nhà phát triển thực hiện công trình này như một thương vụ giữa bao thương vụ khác, tìm kiếm mánh khóe bất cứ chỗ nào có thể, thậm chí khi người New York và cả đất nước nhận thấy các công trình chẳng khác gì một dự án bất động sản chắp vá điển hình?
Tại New Orleans, vấn đề ngay từ khi bắt đầu quá trình khôi phục sau cơn bão Katrina nằm ở sự thiếu vắng một sườn quy hoạch tổng thể với sự hậu thuẫn của chính sách công và chính phủ. Trong những tháng sau cơn bão, hàng loạt tài năng kiến trúc, một số được tài trợ bởi các quỹ từ thiện và một số dùng kinh phí riêng - đổ vào thành phố. Những gì chờ đón họ là một cơ quan quy hoạch cấp thành phố, và một bộ máy lập kế hoạch cấp khu vực, do quá sốc bởi thảm họa và bị cắt giảm ngân sách nhiều lần, trở nên gần như bất lực hoàn toàn.
Có thể dễ dàng dự đoán mọi thứ sẽ đi về đâu nếu những nỗ lực quy hoạch phức tạp nhất được tài trợ và giám sát bởi giới từ thiện tư nhân, chứ không phải là sự điều phối của nhà nước. Nhiều mô hình mẫu cho nhà ở thân thiện với môi trường và nhà chống lũ xuất hiện. Trong một số trường hợp, các kiến trúc sư và nhà quy hoạch cố gắng giải quyết những vấn đề tương tự ở quy mô lớn hơn, như công viên hoặc bến cảng. Nhưng rốt cuộc tất cả những nỗ lực này cũng trôi nổi trong biển cả thờ ơ - một ma trận đô thị phi kế hoạch – và hạn chế nghiêm trọng tác động và ý nghĩa của chúng.
Khi nói đến những thảm họa có cường độ như bão Katrina theo nhiều nghĩa, có rất nhiều điều kiến trúc có thể làm được. Không một bản vẽ bóng bảy nào có thể bù đắp cho việc thiếu một kế hoạch chiến lược cho các khu vực hoàn toàn bị tàn phá bởi một cơn bão, một cuộc khủng bố, hoặc hàng thập kỷ nghèo đói. Không một công trình xây dựng, bất kể hoành tráng thế nào, có thể khỏa lấp sự thiếu phối hợp giữa các mục tiêu kiến trúc và mục tiêu kinh tế, chính trị.
Các kiến trúc sư chắc chắn có thể tự mài sắc kỹ năng của họ trong việc tổ chức cộng đồng và vận động hành lang. Nhưng để thực sự tạo cú hích cho trào lưu thiết kế nhân đạo chủ nghĩa sẽ đòi hỏi những thay đổi nằm ngoại yếu tố tự thân. Các trường kiến trúc sẽ cần giúp sinh viên lèo lái tốt hơn qua các mê cung gây quỹ và chính trị, cũng như tư duy một cách chiến lược hơn về mối liến kết giữa thiết kế và chính sách xã hội. Các nhà quy hoạch sẽ phải tái lập nghề nghiệp của mình hoặc nhường lại một số trách nhiệm cho người khác, như kiến trúc sư. Các nhà báo và blogger sẽ cần nghĩ cách mô tả và đánh giá các dự án kiến trúc có liên quan đến phát triển cộng đồng toàn diện hơn chứ không chỉ thẩm mỹ thuần túy.
Trào lưu kiến trúc hiện đại đã tái tạo thế giới, cả tích cực và tiêu cực hơn, bằng triết lý kiến trúc giống như một lưỡi dao: đơn giản, sắc bén, nhưng không mấy khi được tận dụng hết tính năng. Những nhà thiết kế cổ súy trường phái nhân đạo chủ nghĩa đang cố gắng thay đổi điều này bằng cách xắn tay áo và trực tiếp nhúng tay vào đống rác, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, hoặc thường là đống hỗn độn của một địa điểm bị lũ lụt hoặc thiên tai làm cho tan tác. Các kết quả có khuynh hướng hỗn độn hơn và khó đo lường hơn. Đồng thời, khi chúng ta đang bước vào một thời đại thảm họa không thể tránh khỏi, phần thưởng cho các kiến trúc sư có thể lớn hơn, nhưng với những phần rạn vỡ của hành tinh mà họ sẽ dấn thân vào hàn gắn thì không thể nghi ngờ.
Christopher Hawthorne (Tạp chí Architect, Mỹ) - Nguyễn Phương Anh (lược dịch)
Tác giả bài viết, Christopher Hawthorne, hiện là nhà phê bình kiến trúc của Thời báo Los Angeles. Ông từng phụ trách chuyên trang kiến trúc và cộng tác với nhiều tờ báo danh tiếng và giảng dạy tại Đại học Columbia và Đại học California tại Berkeley. Ông tốt nghiệp Đại học Yale, nơi ông nghiên cứu lịch sử kiến trúc và triết lý chính trị. |
(Bài viết này được đăng trong số Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 7+8 phát hành hôm nay 4/1/2012)
- Kiến trúc nào để diễn tả một vẻ đẹp gồ ghề?
- Dinh Độc Lập qua câu chuyện ngôi nhà ba gian hai chái
- Phare Tower ở La Défense, Paris
- Nhà lắp ghép hiện đại Sunset Breezehouse
- Thuỷ trong nhà chú Hoả
- Nhà ống: Mối liên hệ không gian theo mặt bằng tự do
- Công trình Dinh Thống sứ Bắc Kỳ (Hà Nội)
- Mới trên nền cũ
- Vườn trong ngôi nhà ống Jalan Elok
- Công trình Caixa Forum ở Madrid