Ashui.com

Wednesday
Dec 04th
Home Chuyên mục Kiến trúc Kiến trúc Sài Gòn xưa qua lời kể

Kiến trúc Sài Gòn xưa qua lời kể

Viết email In

Là người thầy của nhiều thế hệ kiến trúc sư thành phố, chứng kiến từng giai đoạn phát triển của ngành kiến trúc đô thị, KTS Cổ Văn Hậu đã có những cảm nhận và chia sẻ về các giai đoạn kiến trúc của Sài Gòn xưa từ 1975 trở về trước.

Kiến trúc Sài Gòn trước 1954


Nhà chú Hỏa (ảnh: Trần Việt Đức)

Thời tôi học ở Pétrus Ký (1948), kiến trúc Sài Gòn khi ấy còn rất thưa thớt, và hầu hết đều là các kiến trúc Pháp, do người Pháp xây dựng theo luật lệ nhà phố Decoux. Kiến trúc Sài Gòn được quy hoạch đô thị cho khoảng 2,5 triệu người, theo luật xây cất, vệ sinh, thẩm mỹ rất chặt chẽ nên bộ mặt Sài Gòn khi ấy khang trang, mang những nét đặc trưng rất riêng, là sự phối hợp giữa không gian nhiệt đới và kiến trúc kiểu Pháp.

Có mặt ở Việt Nam từ cả trăm năm, nên người Pháp nghiên cứu khí hậu, môi trường, thông hiểu nắng – gió – mưa nên khi xây dựng họ đã đưa ra hình thái kiến trúc tối ưu dành cho xứ nhiệt đới, dù rằng vật liệu để kiến thiết và xây dựng khi ấy không có nhiều chủng loại để lựa chọn (chủ yếu là gạch, đá và gỗ – PV).

Những đặc trưng kiến trúc trước 1954 rất dễ nhận dạng, với những điểm chung gồm cửa gỗ, nhiều cửa sổ lá sách, trần cao thoáng có lỗ thông hơi, có hành lang tạo không gian ngăn cách với tường chính của nhà, mái rộng che ra khoảng hành lang để tránh nắng gió và tạo độ thông thoáng. Những ngôi nhà còn lại ở giai đoạn kiến trúc này như toà Giám mục trên đường Nguyễn Đình Chiểu, nhà chú Hoả nay là bảo tàng Mỹ thuật ở Phó Đức Chính, các công trình công cộng khác có thể kể đến như trường Lê Hồng Phong (Pétrus Ký cũ), trường Lê Quý Đôn…

  • Ảnh bên: KTS Cổ Văn Hậu 

Từ 1954 – 1960

Kiến trúc Sài Gòn xưa quy hoạch khá rõ, với các khu vực nhà phố, nhà biệt thự, khu buôn bán… rất rõ rệt, cơ quan thẩm quyền cứ dựa vào những quy hoạch đó để xét duyệt và cấp phép xây dựng, không có chuyện xây dựng bừa bãi và tràn lan. Trong thời kỳ này, các kiến trúc Pháp do người Pháp thiết kế và xây dựng xuất hiện ít dần đi, thay vào đó là một thế hệ các kiến trúc sư người Việt được Pháp đào tạo chuyên ngành, tham gia vào xây dựng bộ mặt kiến trúc Sài Gòn như Phạm Văn Thân, Nguyễn Quang Nhạc, Trần Văn Đường, Phạm Gia Hiến… với các công trình theo trường phái Pháp, tuy không nhiều nhưng cũng dần hình thành nên những tên tuổi kiến trúc sư bản địa, làm nền tảng cho sự phát triển của kiến trúc sau này.

Cũng trong thời kỳ này, dân số Sài Gòn tăng nhanh do có một bộ phận di cư từ miền Bắc vào, và các luật lệ trong xây dựng và quy hoạch đô thị bớt khắt khe hơn so với thời trước 1954, do vậy việc xây dựng và quy hoạch diễn ra không đồng bộ, nảy sinh những phức tạp và tính mỹ quan của kiến trúc dần bị xem nhẹ.

Giai đoạn 1960 – 1975

Giai đoạn người Mỹ vào Sài Gòn, cũng là giai đoạn phát triển của vật liệu trong xây dựng, các loại hình kiến trúc bêtông đá rửa, nhà mái bằng, vuông thành thẳng cạnh trở nên một trào lưu kiến trúc của những năm 1960 – 1970. Thế hệ kiến trúc sư được đào tạo tại Việt Nam và cả ở nước ngoài bắt đầu góp phần hình thành nên các trào lưu kiến trúc mới.

Có nhiều ý kiến cho rằng nhà mái bằng, vật liệu đá rửa của thời kỳ này là do ảnh hưởng Mỹ. Nhưng tôi cho rằng không phải vậy, bởi người Mỹ chỉ tham gia vào xây dựng cầu đường, lo về quân sự, không tham gia trong quy hoạch kiến trúc của Sài Gòn, và cũng không có kiến trúc sư Mỹ nào xây dựng các công trình dân sự ở Sài Gòn.

Bộ mặt kiến trúc Sài Gòn thời điểm này thay đổi vì những lý do các kiến trúc sư trong nước tốt nghiệp, các kiến trúc sư học nước ngoài khi về nước mong muốn đưa một nét mới vào kiến trúc xây dựng, tạo một phong cách kiến trúc lạ so với kiến trúc cũ. Cái mới này được học từ giáo trình, hình ảnh, sách báo ở các nước trên thế giới. Và kiến trúc mái bằng và phong trào dùng vật liệu đá rửa hình thành. Các kiến trúc sư tiêu biểu giai đoạn này có thể kể đến như Vũ Bá Đính, Tô Công Văn…

Không biết chính xác việc sử dụng vật liệu đá rửa vào kiến trúc Sài Gòn cũ bắt đầu từ khi nào, nhưng trong thời gian học tại đại học Kiến trúc Sài Gòn, giảng viên có giới thiệu với chúng tôi ngôi nhà được xây vào năm 1960 ở ngã tư bây giờ là đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Đình Chiểu, sử dụng chất liệu đá rửa để sinh viên tham khảo và nghiên cứu. Đó là kiến trúc dùng đá rửa đầu tiên ở Sài Gòn mà tôi biết được.

Kiến trúc mái bằng trở thành phong trào cũng có nhiều lý do, phần vì là khác lạ so với kiến trúc kiểu Pháp, phần vì mái bằng để chủ nhân có thể dễ dàng cơi nới, tăng thêm tầng khi có điều kiện, còn kiến trúc nhà kiểu Pháp dùng vật liệu chủ yếu bằng gỗ, mà gỗ hiếm dần nên việc thay thế vật liệu mới cho phù hợp là điều tất yếu. Các nhà kiểu Pháp tường quét vôi chỉ sau vài năm bị cũ, xuống màu, vật liệu đá rửa khi ấy đem lại nét mới lạ, bền lâu nên được ưa chuộng.

Nếu bỏ qua yếu tố phù hợp với môi trường và điều kiện thực tế ở xứ nhiệt đới, chính là những khiếm khuyết của nhà mái bằng như việc thoát nước không tốt, dễ ngấm nước vì chưa có vật liệu chống thấm tốt, đá rửa bền nhưng dễ bám bụi, gây rêu mốc… thì kiến trúc mái bằng và trang trí đá rửa là một sự thay đổi, cập nhật cái mới trong trào lưu kiến trúc của Sài Gòn xưa những năm 1960 – 1970.

Nguyễn Đình (theo lời kể của KTS Cổ Văn Hậu)

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...