Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Kiến trúc Bảo tàng Marta Herford

Bảo tàng Marta Herford

Viết email In

Cùng là công trình cải tạo và mở rộng như bảo tàng Kolumba – Cologne hay Caixa Forum – Madrid, công trình bảo tàng Marta tại Herford, CHLB Đức có ý đồ kiến trúc hoàn toàn khác, độc đáo theo ngôn ngữ riêng - “ngôn ngữ kiến trúc Frank Gehry”.


Tổng thể công trình Marta Herford như một khối điêu khắc mềm mại.



Herford là một thành phố nhỏ chỉ với hơn 60.000 dân. Những công trình ở đây hầu hết có quy mô nhỏ với đặc điểm là sự pha trộn của kiến trúc cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 và kiến trúc sau chiến tranh thế giới thứ hai. Sau khi được hoàn thành năm 2005, bảo tàng nghệ thuật và design Marta là công trình có quy mô lớn nhất và đã trở thành biểu tượng của thành phố này.

Bảo tàng MARTA HERFORD
- Thiết kế: Gehry Partners LLP, Los Angeles
- Thời gian xây dựng: 2001 - 2005
- Diện tích khu đất: 7.993m²
- Diện tích xây dựng: 3.444m²
- Tổng diện tích mặt bằng: 7.200m²
- Kết cấu: Tường bêtông cốt thép chịu lực (500m³), lớp bọc mặt tiền bằng gạch nung, Mái kết cấu thép (400 tấn), tấm lợp thép không gỉ (5.000m²).
- Vật liệu hoàn thiện: Tường gạch nung: 3.120m² (180.000 viên), Thạch cao: 6.050m². 

Tồn tại trên khu đất của Marta là toà nhà Lippoldbau - nằm trong danh sách công trình bảo tồn của thành phố, trước kia là kho và phân xưởng sản xuất quần áo của hãng Ahlers. Ý tưởng thiết kế của KTS Frank Gehry là một khối công trình mở rộng hoàn toàn mới, bao trọn toàn bộ toà nhà vốn có, tương phản tuyệt đối về ngôn ngữ kiến trúc với các công trình lân cận. Đây cũng là cách tiếp cận thường thấy ở những công trình công cộng khác của ông. Quan sát từ phía ngoài, công trình xuất hiện là một khối mới hoàn toàn, không có dấu tích nào về sự tồn tại của Lippoldbau. Ở đây chúng ta nhận thấy ngôn ngữ đặc trưng của Gehry: hình khối tự do với những đường cong ở cả ba chiều như được hình thành chỉ từ hứng thú bất chợt, tuy nhiên tổng khối vẫn chặt chẽ và chắc chắn. Địa thế công trình Marta nằm bên con suối Aa uốn lượn cũng là một yếu tố “ủng hộ” ý đồ kiến trúc hữu cơ này.


Cửa chính vào bảo tàng.

“Tôi luôn rất nghiêm túc với những gì mình làm và sẽ điên lên khi một thứ gì đó thiếu chính xác… Tuy nhiên, tôi luôn muốn công trình thân thiện, nhìn thật nhẹ nhàng. Khi một công trình của tôi đã hoàn thành, có người quan sát nó và cho rằng đó là sự ngẫu nhiên: ông ấy đã thiết kế trên không trung và hạ cánh một cách may mắn. Tuy nhiên, tôi không thể có may mắn ở mọi lần như thế!”, kiến trúc sư Gehry đã nói về những thiết kế của mình. Mỗi thiết kế luôn là một cuộc chơi không có giới hạn với vật liệu, ánh sáng và hình khối. Tấm kim loại là vật liệu thường thấy ở các công trình của ông, tuy nhiên, ở Marta chúng ta thấy sự kết hợp thú vị giữa tấm lợp thép cho mái và vật liệu truyền thống - gạch nung. Mặt tiền với gạch nung để trần là hình ảnh truyền thống ở những công trình công cộng tại Herford, ngược lại nhà ở thường được trát vữa và sơn. Với sự lựa chọn vật liệu này, Gehry muốn đánh dấu công năng của công trình trong quy hoạch thành phố một cách rõ nét. Chúng ta vẫn thường quen hình ảnh mặt tiền từ gạch nung vốn vững chắc và cảm giác nặng nề, ở đây lại được sử dụng cho những hình khối có tính động rất cao. Để tạo ra bề mặt uốn lượn với vật liệu này là điều rất khó và xa xỉ trong kỹ thuật thi công, do giới hạn bởi bán kính cong đối với việc ghép gạch nung. Tuy nhiên, chính khe ghép giãn nở chống nứt mặt tiền đã giải quyết được khó khăn bán kính cong này. Cùng với thủ pháp đồng nhất vật liệu sàn vỉa hè và không gian bao quanh, tổng thể công trình Marta như một khối điêu khắc mềm mại vươn lên giữa lòng Herford. Lớp mái thép mỏng nhẹ nhàng tạo nên sự tương tác ánh sáng độc đáo càng làm trọn vẹn hơn ý đồ hình khối bay nhảy tự do.

  • Ảnh bên: Sảnh đón với vật liệu gỗ tông ấm, liên kết không gian cũ/mới. 

Đặc điểm của hệ mái này đặc biệt rõ nét ở lối vào, nó bao trùm và bọc lấy khối nhà Lippoldbau, liên kết khối mở rộng và khối nhà cũ. Thủ pháp kiến trúc sử dụng một hành lang lấy sáng phía trước khối nhà Lippoldbau giúp cân bằng tương quan ánh sáng giữa phía trong sảnh đón và lối vào phía bên ngoài. Mặt bằng công trình được chia thành bốn phân khu rõ rệt: khu nhà Lippoldbau với quầy lễ tân, shop lưu niệm, không gian phụ; phòng hội thảo; khu vực không gian trưng bày với năm phòng trưng bày và một nhà hàng.

Ở sảnh đón, veneer gỗ với tông màu ấm nóng liên kết không gian cũ và mới. Các phòng trưng bày còn lại đồng nhất với tông màu lạnh của tường thạch cao sơn trắng. Tất cả các phòng trưng bày này đều không lấy ánh sáng thiên nhiên qua cửa sổ mà qua ô sáng trần. Đây cũng là cách lấy sáng tốt nhất, tránh bóng đổ cho các tác phẩm trưng bày, qua đó tạo ra một mặt tiền đồng nhất không có ô mở. Khu vực nhà hàng là phòng duy nhất trong khối công trình mở rộng có cửa lấy sáng hướng về phía dòng suối Aa.

Mọi bức tường đều bị uốn cong, không có góc vuông hay nét thẳng, ô lấy sáng không đối xứng và xoay theo các trục khác nhau. Nội thất và ngoại thất của Marta mang cùng một “ngôn ngữ kiến trúc Gehry”, qua đó bản thân công trình đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật, đem lại những góc nhìn mới và cả những đột phá trong kỹ thuật xây dựng.


Cuộc chơi của hình khối, ánh sáng và vật liệu.


Phòng trưng bày nhỏ với ô lấy sáng trên cao. Phòng trưng bày trung tâm có chiều cao 22m.


Phòng trưng bày nhỏ với ô lấy sáng trên cao. Phòng trưng bày trung tâm có chiều cao 22m / Nội thất nhà hàng với tầng lửng bọc đồng hướng tầm nhìn về phía dòng suối Aa.


Hình khối công trình tạo ra không gian nội thất mới lạ và sáng tạo liên tục.


Phòng hội thảo, đồng thời được sử dụng với chức năng triển lãm ảnh.


Sơ đồ mặt bằng nhà triển lãm

KTS Lê Anh Đức - Đại học Khoa học ứng dụng và nghệ thuật Dortmund, CHLB Đức

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo