“Thiết kế đô thị – một lĩnh vực động và linh hoạt. Nó không giống như thiết kế cơ khí hay những hạng mục công trình xây dựng để có thể dễ dàng chuẩn hóa, nó rất đa dạng và khác nhau, tùy thuộc vào từng nơi chốn với những không gian cụ thể và tại các vùng miền khác nhau. Sự khác nhau còn là nhân tố khuyến khích để tạo nên những đô thị có bản sắc. Nếu có thêm các tiêu chuẩn quy phạm hay hướng dẫn thiết kế cũng chỉ nên là những yêu cầu cơ bản và dừng lại ở những nguyên tắc chung”.
Thực trạng quy hoạch thiết kế đô thị
Ngay sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công cuộc xây dựng trên khắp các đô thị ở nước ta có cơ hội được phát triển với một tốc độ nhanh, quy mô rộng lớn và khá toàn diện trên hầu hết các khía cạnh của không gian đô thị. Một số năm sau đó, vẫn chưa thấy đô thị của chúng ta đẹp hơn mặc dù sự “thay da đổi thịt” là có, từ các khu đô thị mới đến các khu phố cũ cũng đều được chỉnh trang hoàn thiện…
Trước vấn đề này, nhiều hội thảo về thiết kế đô thị đã được mở ra. Có ý kiến cho rằng, chúng ta đã một thời hiểu không đúng về thiết kế đô thị, xem thiết kế chi tiết của đồ án quy hoạch là bước cuối cùng để hình thành việc thực thi mọi yếu tố kỹ thuật và cảnh quan đô thị. Đây là những ý kiến có những phát hiện đúng.
Thiết kế đô thị là một lĩnh vực chuyên sâu. Nó cần được xác định một cách chủ động ngay từ bước ý tưởng quy hoạch chung của đồ án quy hoạch. Không thể chỉ là sự định hướng bằng những chi tiết thiết kế điển hình của bước quy hoạch chi tiết. Đây phải là bước cụ thể hóa một cách toàn diện từ các vấn đề của không gian tổng thể, của hệ thống hạ tầng đô thị đến các chi tiết của cảnh quan đô thị. Đây là bước phải hình thành đầy đủ một hệ thống hồ sơ, đáp ứng một trình tự kế hoạch xây dựng và dự toán chi tiết của khu vực thiết kế.
Sự đồng thuận về nhận thức, trong sự thiếu hụt và kém sâu sắc về thiết kế đô thị, từng bước đã đưa các vấn đề chuyên môn này, vào Luật Quy hoạch đô thị, vào Quy chuẩn quy hoạch xây dựng, vào các Nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn về thiết kế đô thị của Bộ Xây dựng. Như vậy có thể thấy rằng, về khung pháp lý, thiết kế đô thị đã được chỉ rõ để giới chuyên môn, các nhà quản lý có căn cứ để vận dụng thi hành.
Chúng ta đều biết rằng, thiết kế đô thị không thuần túy chỉ là những gì mà người ta nhìn thấy hàng ngày. Nếu được xem xét một cách bài bản, thiết kế đô thị còn được bắt nguồn từ những luận cứ vĩ mô và sâu xa như kinh tế đô thị, xã hội học đô thị… Song cái kết quả cuối cùng của thiết kế đô thị lại chính là cái mà người ta cảm thụ được, nó hiện hữu hàng ngày trong môi trường sống của đô thị. Nó tác động vào con người trong mọi khoảng không gian và thời gian, chính vì vậy nó là vấn đề hết sức nhạy cảm. Đâu có những con đường trải dài nối tiếp nhau, cả khi thay chiều đổi hướng, với những hàng cây thảm cỏ được chăm chút, chọn lựa kỹ càng. Gạch lát vỉa hè bằng phẳng với những hàng gạch đồng nhất thẳng tắp, lâu lâu lại thấy một nắp hố ga ép mặt ngay ngắn trên mặt vỉa hè. Lại thấy một thùng rác được bố trí tiện dụng đúng chỗ, lại thấy những biển báo, ký hiệu thông tin hướng dẫn cho người đi bộ, và còn những chiếc ghế cho những người già mỏi chân ngồi nghỉ… Chỉ đi trên vỉa hè của những con đường này thôi đã cho người ta cảm nhận ấn tượng về nơi chốn, con người cảm thấy được nâng niu, chăm sóc và trân trọng.
Trong các đô thị của chúng ta, những điều này còn hiếm lắm, hầu hết là hình ảnh của sự vội vàng cho xong, đôi khi còn là sự cẩu thả vô trách nhiệm, phi chuyên môn nghề nghiệp. Và chính chúng đã là nguyên nhân gây nên những tai nạn trên đường đối với cư dân đô thị. Đâu có những quảng trường rộng rãi, với cảnh quan tất cả các góc nhìn đều hấp dẫn, với các công trình điểm nhấn, bố trí xung quanh đều thỏa đáng, đứng ở bất cứ vị trí nào, chỉ cần đưa ống kính lên là có ngay một bức ảnh ưng ý. Chỉ cần nhìn thoáng qua không gian quảng trường, đã có thể hiểu ngay ý đồ của nhà thiết kế, biết rằng họ đã dự tính cho nơi đây những hoạt động của cộng đồng như thế nào, trong các khoảng thời gian trong ngày và hàng tuần, cũng như trong các dịp lễ hội cần thiết. Những điều này, trong các đô thị của chúng ta, cũng còn hiếm lắm, nó dường như là một sự xa xỉ nên rất ít được quan tâm.
Một số khu vực có quảng trường, nhưng nó giống như một khoảng đất kẹt trong phần lưu không của đô thị. Quảng trường phải là một mạng lưới phân bố chủ động trong quy hoạch chung của không gian đô thị. Nó là một khoảng nghỉ, để điều tiết chuyển hóa không gian, làm cho “bản nhạc đô thị” được sinh động và hấp dẫn. “Bản nhạc đô thị” không có các quảng trường khác gì chỉ là một giai điệu buồn tẻ và nhàm chán.
Hình ảnh trong các đô thị của chúng ta, cho thấy công tác quản lý thiết kế đô thị còn rất nhiều bất cập. Hầu hết hình ảnh các tuyến phố, kể cả khu phố cũ và mới, kiến trúc mặt phố giống như một cuộc đại triển lãm về đồ họa quảng cáo. Không còn thấy đâu là kiến trúc, nói gì đến ngôn ngữ kiến trúc và bản sắc địa phương. Phố còn như vậy, nói gì đến kiến trúc ven hồ nước và các dòng kênh trong đô thị. Làm sao để có được những bờ kè được chăm chút ngay ngắn, với những ta luy cỏ mượt mà đẹp mắt. Tất cả những tiểu kiến trúc, những chi tiết kiến trúc ở nơi đây, phải có bàn tay và tâm hồn của các kiến trúc sư chuyên nghiệp. Để kè hồ, kè kênh không chỉ là chức năng thủy lợi. Để cây cầu qua kênh, qua sông không chỉ là chức năng giao thông, để chân cầu, mố cầu không chỉ là bệ đỡ của nhịp cầu, không phải là điểm hẹn để đổ rác xung quanh, phải là những thiết kế có tính thẩm mỹ, có giá trị văn hóa nghệ thuật, thơ mộng và là điểm hẹn của tình yêu.
Có rất nhiều những tồn tại trong thiết kế và quản lý đô thị của chúng ta không thể kể hết được. Đó chính là nguyên nhân mà đa số người dân không thấy đô thị của chúng ta đẹp là như vậy. Câu chuyện về những tồn tại này không chỉ là những vấn đề trong hệ thống các văn bản pháp quy về thiết kế đô thị, mà còn do tính hệ thống của nhiều nguyên nhân sâu xa khác, cần được phân tích lý giải.
Không gian quảng trường và trung tâm dịch vụ khu đô thị Times City, Hà Nội
Quy chuẩn trong quy hoạch và thiết kế đô thị hiện nay
Khi bàn về những bất cập như đã nói trên, có nhà chuyên môn cho rằng, Nhà nước cần phải ban hành đầy đủ hơn về các văn bản quy phạm và tiêu chuẩn thiết kế đô thị. Song, tôi cho rằng, cái gốc của vấn đề không phải là sự thiếu hụt các văn bản hướng dẫn. Chúng ta đều biết rằng, thiết kế đô thị là một lĩnh vực động và linh hoạt, nó không giống như thiết kế cơ khí hay những hạng mục công trình xây dựng để có thể dễ dàng chuẩn hóa. Nó rất đa dạng và khác nhau, tùy thuộc vào từng nơi chốn với những không gian cụ thể và tại các vùng miền khác nhau. Sự khác nhau còn là nhân tố khuyến khích để tạo nên những đô thị có bản sắc. Nếu có thêm các tiêu chuẩn quy phạm, hướng dẫn thiết kế thì cũng chỉ nên là những yêu cầu cơ bản và dừng lại ở những nguyên tắc chung mà thôi.
Trong Thông tư “Hướng dẫn về nội dung thiết kế đô thị – số 06/2013/TT-BXD – ngày 13/5/2013” của Bộ Xây Dựng – là một hướng dẫn khá đầy đủ và rõ ràng. Từ “yêu cầu chung về thiết kế đô thị”, từ “thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chung”, “thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chi tiết” đến “thiết kế đô thị trong đồ án thiết kế đô thị riêng”. Đây là một thông tư với những nội dung hướng dẫn rất mở, không có gì là ràng buộc, làm khó cho các nhà chuyên môn. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của những người trong cuộc.
Trong Quy hoạch xây dựng nói chung, không riêng gì ở Việt Nam mà ở đâu cũng vậy, đều phải trải qua các giai đoạn, các bước thiết kế, từ tổng thể đến chi tiết, từ định hướng đến cụ thể hóa. Đây là một nguyên tắc kinh điển trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng. Với chuỗi hệ thống các bước công việc này sẽ dẫn đến kết quả cuối cùng là chất lượng của thiết kế đô thị. Bởi tính dây chuyền của hệ thống thiết kế – Bước sau là sự kế thừa các nghiên cứu của bước trước. Chính vì vậy, nên chất lượng nghiên cứu của các bước đều cần được đầu tư chuyên môn một cách thỏa đáng. Tránh tình trạng khi bước sau phát hiện ra những sai lầm của bước trước (ở Việt Nam) cũng không dễ dàng được thay đổi, bởi đồ án quy hoạch ở bước trước trở thành pháp lý.
Kinh nghiệm thực tế về công tác quy hoạch xây dựng trong giai đoạn vừa qua, có một số vấn đề cần được trao đổi như sau:
– Chính quyền ở một số địa phương, đôi khi còn quá cứng nhắc, khi có những kiến nghị điều chỉnh quy hoạch (tất nhiên, phải là những kiến nghị đúng đắn về học thuật, mang lại lợi ích cho xã hội đô thị). Chúng ta đều biết, quy hoạch là một phạm trù động, tầm nhìn ở mỗi một thời điểm có thể có những nhận thức khác nhau. Nên cần có trách nhiệm xem xét một cách cẩn trọng;
– Rất nhiều các đồ án quy hoạch chung còn chưa thỏa mãn được đầy đủ các yêu cầu tự thực hiện. Cho dù là bước tổng thể, song cũng rất cần một sự đầu tư nghiên cứu kỹ càng và có chiều sâu. Ngay từ bước đầu này, đã cần một đội ngũ chuyên gia giỏi về các lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt rất cần sự tham gia của các kiến trúc sư giỏi về thiết kế công trình đối với các đồ án quy hoạch chung;
– Do đặc thù của các bước thẩm duyệt sản phẩm của đồ án quy hoạch. Bước sau thường được thực hiện bởi các cá nhân và tổ chức tư vấn khác, nên đôi khi cũng không hiểu hết được ý đồ của nhà tư vấn trước. Trong giai đoạn vừa qua, rất nhiều địa phương chuộng tư vấn nước ngoài làm quy hoạch, mặc dù họ không phải là những người hiểu Việt Nam và địa phương lắm. Họ thường thuê các tổ chức tư vấn của Việt Nam triển khai tiếp phần thiết kế ý tưởng (concept) mà họ đã được chính quyền địa phương phê duyệt. Là người làm thuê lại, nên các tư vấn Việt Nam cũng chỉ triển khai một cách thụ động tất cả những gì mà đồ án ý tưởng đã nêu. Chính vì vậy thiếu chiều sâu và dù là tư vấn nước ngoài thiết kế, song cũng không mấy thành công;
– Cần khuyến khích và coi trọng các dự án quy hoạch, tất cả các bước nghiên cứu, từ bước ý tưởng ban đầu, đến bước khả thi cuối cùng của dự án là cùng một tác giả, để đề cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm tính chuyên sâu và đồng nhất về phong cách. Đối với các dự án có quy mô lớn, được triển khai bởi nhiều tổ chức tư vấn, song vai trò của tổ chức tư vấn có đồ án ý tưởng được phê duyệt phải có trách nhiệm đến cùng trong quá trình triển khai các bước tiếp theo. Trên thực tế, các cơ quan quản lý của chính quyền địa phương cũng không thể làm tốt sự kết nối này được. Chỉ có tác giả của nó mới giữ được cái hồn của dự án;
– Trong một giới hạn không gian đô thị nào cũng vậy, đều có 2 loại đất: đất có chủ (đối tượng sử dụng đất này thuộc về chủ đất) và đất thuộc về cộng đồng. Nếu không có một nhận thức đúng đắn và tinh thần trách nhiệm vì tương lai của đô thị, 2 loại đất này thường rơi vào 2 tình trạng như sau: trong phạm vi đất có chủ, thường là hình ảnh thực dụng và ích kỷ, kém về kết nối với môi trường xung quanh. Trong phạm vi đất thuộc về cộng đồng, thường là hình ảnh sơ sài và thiếu chu đáo kỹ càng, có thể dễ dàng nhận thấy, các sản phẩn đô thị trong phạm vi đất này, kinh phí dành cho nó đã không được dự trù và đầu tư một cách thỏa đáng. Do vậy, với cả 2 tình trạng này làm sao đô thị của chúng ta đẹp được;
Trong đô thị của chúng ta hiện nay (như Hà Nội), cụ thể là câu chuyện về những ngôi nhà xấu, ngôi nhà siêu mỏng – là hệ lụy của việc mở đường qua các khu dân cư. Các dự án này, hầu như chỉ mới làm được một việc là có con đường giao thông, còn hình ảnh về kiến trúc hai bên của tuyến đường này như thế nào, xử lý những ngôi nhà siêu mỏng ra sao thì vẫn chưa được quan tâm giải quyết. Tất nhiên, không phải không có cách giải quyết. Rõ ràng cần nhìn nhận đúng đắn cũng như cách làm mang tính khoa học của những người trong cuộc của dự án này. Họ thi hành công vụ làm đường như một cái máy, không hề có sự rung động gì về thiết kế đô thị;
– Trong các cơ sở đào tạo, chương trình giảng dạy chuyên sâu về thiết kế đô thị cũng chưa được quan tâm một cách thấu đáo. Phần lớn các môn học và các đồ án trải nghiệm với sinh viên mới chỉ đạt tới ngưỡng của những khái niệm. Trong khi, thiết kế đô thị lại là một phạm trù vừa cần có một tầm nhìn chiến lược, lại vừa phải rất cụ thể đến từng viên gạch của hệ đường đô thị. Vậy làm sao đây! Khi đội ngũ những con người này là lực lượng cốt lõi để tạo nên hình ảnh đô thị của chúng ta. Kinh phí dành cho những chuyến trải nghiệm, học hỏi kinh nghiệm trong các đô thị ở nước ngoài, cũng không đến lượt những người hàng ngày phải trực tiếp làm tư vấn thiết kế, hay trực tiếp thụ lý hồ sơ thẩm duyệt. Phần lớn dành cho chuyến đi của các lãnh đạo – những người không trực tiếp với những công việc này! kết quả là, cảm xúc và kiến thức của người được trải nghiệm, không thể chuyển hóa được vào trong các đồ án quy hoạch đô thị của chúng ta.
Thiết kế đô thị khu công viên Marina Bay Sands, Singapore
Thiết kế đô thị giữa những công trình kiến trúc
Trong không gian đô thị, cái mà người ta nhìn thấy, quan sát thấy sẽ vô cùng lớn, lớn hơn rất nhiều trong một giới hạn không gian mà con người có thể tiếp cận được, di chuyển được bằng chính sự vận động của cơ thể mình. Song, khái niệm về tiếp cận chính là bao hàm cả những cảm nhận của con người thông qua thị giác. Chính vì vậy, cảnh quan đô thị xấu hay đẹp, cảm xúc hay không đã bao trùm lên tất cả trong ý thức của cư dân đô thị hay du khách viếng thăm. Điều này cho thấy, người ta có thể nhận biết được kết quả của thiết kế đô thị mọi lúc, mọi nơi và đồng thời từ các chi tiết kiến trúc nhỏ, đến tất cả các phương chiều của không gian đô thị đó, có chăng chỉ còn bị giới hạn bởi bên trong – nội thất của những ngôi nhà có chủ.
Trong cuốn sách nổi tiếng của tác giả JAN GEHL “Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc”, cho thấy cư dân đô thị, cuộc sống hạnh phúc của họ không chỉ giới hạn trong ngôi nhà riêng, mà còn chính là khoảng không gian công cộng bên ngoài, giữa những công trình kiến trúc. Bao gồm cả ba loại hoạt động: hoạt động thiết yếu, hoạt động tự chọn và những hoạt động xã hội. Tất cả các hoạt động này kết hợp với nhau để tạo thành các không gian cộng đồng ở thành phố, các khu dân cư đầy ý nghĩa và có sức hấp dẫn. Đối với thói quen sống mở của người Việt Nam, vấn đề này càng trở nên thiết thực và có ý nghĩa quan trọng. Trên các mặt phố của đô thị, không chỉ có các hoạt động xã hội, mà kể cả những sinh hoạt riêng hàng ngày đều dễ dàng phô bày trên đường phố. Nhiều du khách và học giả nước ngoài cho rằng đây cũng là nét hay, đặc sắc và thú vị khi họ cùng được trải nghiệm, hòa nhập vào cuộc sống đời thường của cư dân bản địa và cuộc sống giữa những công trình kiến trúc. Tôi lấy vấn đề này để đặt tên tiêu mục “thiết kế đô thị giữa những công trình” với mong muốn rằng, chúng ta hãy coi trọng và đầu tư thích đáng cho thiết kế đô thị.
Thiết kế đô thị ở nước ta còn chưa có bề dày kinh nghiệm, nên người làm cần giữ tâm và trách nhiệm nghề cao. Từ quy hoạch chính sách chiến lược, từ ý tưởng thiết kế quy hoạch chung đến việc triển khai từng chi tiết nhỏ của đô thị. Từ công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác tư vấn thiết kế, công tác quản lý, thẩm tra phê duyệt và điều hành triển khai thực hiện dự án đến việc xây dựng thi công của các nhà thầu, tất cả đều phải được nghiêm túc thực hiện trong một khung pháp lý đầy đủ, chặt chẽ và chuyên nghiệp. Sự tác thành nên một không gian đô thị là một quá trình, với sự tham gia của rất nhhiều yếu tố con người với nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Nếu có sự sai lầm thì hậu quả của nó là khôn lường và không dễ dàng sửa chữa.
Không ở đâu hình ảnh đô thị lại giống như ở đất nước chúng ta. Sản phẩm đô thị là kết quả của nơi gặp gỡ giữa tư duy của những tư vấn nghiệp dư được thực hiện bởi bàn tay của những nhà thầu chưa chuyên nghiệp. Có thể nói, bất cứ một người công nhân xây dựng nào (thậm chí là nông dân xây dựng) cũng có thể được điều đến để hoàn thiện các sản phẩm của hè đường đô thị. Đa số các nhà thầu còn quan niệm quá dễ dãi, họ cho rằng, những tiểu kiến trúc trên các đường phố là những công việc nhỏ, đơn giản. Nhưng họ không biết rằng, đây lại là những công việc rất tinh tế và nhạy cảm, rất cần thực hiện bởi những người công nhân có kỹ năng và có mắt thẩm mỹ. Chính vì quan niệm thiếu trách nhiệm như vậy nên hầu như chúng ta không có những cơ sở đào tạo tay nghề chuyên sâu cho các loại hình công việc xây dựng trên các hè phố. Tuy chỉ là những bó vỉa bờ hè đường phố, là những viền bờ hàng cây, bồn hoa, bậc cấp, đường dốc lên xuống… tất cả đều tưởng chừng như đơn giản, nhưng không hề dễ chút nào! Nếu vẫn còn cách tư duy, đây là những khối lượng công việc thuộc về “nước sông công lính” thì không thể chấp nhận được, ứng xử như vậy là không có văn hóa.
Trên các tuyến đường, hè phố, rất phổ biến trong các đô thị ở ta, công tác hoàn thiện vừa mới làm xong, lại thấy bật lên đào bới để bổ sung, chỉnh trang, nâng cấp một hệ thống kỹ thuật hạ tầng nào đó. Không rõ công tác kế hoạch, quản lý, phối hợp liên ngành của chính quyền địa phương như thế nào, song hiện tượng này là thường xuyên và khá phổ biến. Đây là những việc làm tùy tiện, gây rất nhiều trở ngại cho cư dân đô thị. Đã như thế lại còn không thể chấp nhận được khi dễ dàng nhận thấy dấu vết của từng đợt thi công này. Đợt làm sau không bao giờ có ý thức hoàn trả lại hè, đường phố như hình ảnh ban đầu của nó. Kết quả là, hình ảnh của những hè đường phố chắp vá, không nhất quán dẫn đến xập xệ, hư hỏng, bong lở, chất liệu hàn gắn tùy tiện. Đây là một cách ứng xử thiếu văn hóa một cách tồi tệ. Trong khi chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở nước ngoài, chỉ thay thế vài ba viên gạch lát hè đường, người ta đã phải quây diện tích hè đó lại, có biển báo công trường và xin lỗi đã làm phiền cộng đồng, có những người công nhân ăn mặc bảo hộ lao động với những dụng cụ chuyên nghiệp, một cách nhanh chóng thay thế và hoàn trả lại hình ảnh ban đầu, không phân biệt được đâu là mới, đâu là cũ.
Cũng không ở đâu như đô thị ở Việt Nam chúng ta (đặc biệt ở Hà Nội). Một hiện tượng khó có thể chấp nhận được: Hè đường phố vừa mới hoàn thiện xong, chỉ vài ba ngày sau, trước cửa các ngôi nhà mặt phố, hàng loạt các mặt vát nghiêng nối từ mặt đường lên hè đủ các kiểu cách khác nhau, tùy tiện tạo dựng để dễ dàng cho xe lên xuống. Hiện tượng này là tự ý của người dân nhưng không mấy ai nhắc nhở ngăn cấm. Với hình ảnh nham nhở, lủng củng như vậy, đường phố làm sao đẹp được, mặt khác chức năng chênh cao độ giữa hè và đường còn là nơi thoát nước, dẫn vào các hố ga. Chính những việc làm này đã làm cho nước bị ứ đọng, rác bẩn gây mất vệ sinh công cộng. Đây là hình ảnh hiện tại có thể thấy ở bất cứ đường phố nào có dân cư ở Thủ đô Hà Nội.
Trên các hè phố, sự lủng củng cao thấp, thò thụt của các bậc cấp lên xuống trước cửa các nhà dân mặt phố cũng cho thấy sự thiếu quản lý, thiếu thẩm mỹ một cách tệ hại. Điều này ở phố cổ trước đây thời Pháp thuộc không có, còn nay phổ biến ở các khu phố mới. Nguyên nhân do khi cấp phép xây dựng đã không quản lý tốt về cốt nền đô thị, các nhà dân tự ý xác định nền nhà của mình, đề phòng Nhà nước làm đường nâng cốt, những dự phòng khác nhau của người dân đã dẫn đến thảm cảnh này. Mặc dù đây là hiện tượng vi phạm Quy chuẩn xây dựng Việt Nam nhưng chính quyền địa phương trước sau cũng phải bàn với người dân để cải tạo xử lý hiện tượng này.
Kết luận
Ngày nay, cùng với việc hoàn thiện các vấn đề Quy chuẩn Tiêu chuẩn cũng như trong thiết kế quy hoạch xây dựng, xu hướng phát triển đô thị khuyến khích nhiều tới sự tham gia của cộng đồng, có như vậy mới hướng tới được đô thị bền vững. Trong thiết kế đô thị, thi công xây dựng đô thị, với việc gìn giữ tài sản vật chất và tinh thần của đô thị, không thể như những hiện tượng nghịch lý đã nêu ở trên đây.
Một đô thị văn minh và thân thiện là trách nhiệm của tất cả chúng ta, phải là truyền thống của hôm nay và mãi mãi về sau. Cư dân đô thị có thể tự hào về thành phố của mình, khi họ biết chắc chắn trong con mắt của du khách đã cảm nhận được rằng, người dân ở địa phương đã biết ứng xử đầy trách nhiệm với thành phố của mình./.
TS.KTS Nguyễn Tiến Thuận, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)
- Quy hoạch TP.HCM - Từ quá khứ đến tầm nhìn tương lai
- Quy hoạch Hà Nội đã đi những bước mới
- Không gian công cộng trong đô thị - Từ lý luận đến thiết kế
- Ranh giới đô thị và quản lý phát triển mở rộng vùng ven đô
- Phát triển “đô thị Xanh” tại Việt Nam?
- Thế nào là một dự án được quy hoạch "tốt" trong điều kiện Việt Nam
- Kinh nghiệm & thực tiễn phát triển đô thị mới
- Phát triển đô thị bền vững từ góc độ quản lý phát triển đô thị
- Đổi mới công tác quy hoạch xây dựng đô thị hướng tới phát triển bền vững
- Khả năng hồi phục của Đô thị: Kinh nghiệm giảm thiểu rủi ro ngập lụt