Quá trình thực hiện các dự án có tính quyết định đến sự phát triển của đô thị đã từng “cướp đi” một vài mảng xanh của khu trung tâm TPHCM. Tuy nhiên, không vì thế mà viễn cảnh về mảng xanh của khu vực này kém tươi mát. Bởi vì, mảng xanh trong đồ án quy hoạch khu trung tâm luôn được đề cao, cả về bảo tồn và phát triển.
Mảng xanh khu vực Công viên 30-4, đường Lê Duẩn, quận 1, TPHCM. (Nguồn: wikimapia.org)
Bờ Tây xanh mướt
Trước đây, bờ sông Sài Gòn - đoạn đi qua trung tâm thành phố - chủ yếu được dùng làm cơ sở đóng tàu, cảng biển, nhà kho (để phục vụ cho nền kinh tế) nên người dân khó tiếp xúc với dòng sông. Tuy nhiên, với đồ án quy hoạch phân khu khu trung tâm hiện hữu 930 héc ta, chính quyền thành phố quyết định mở rộng không gian đô thị về phía sông Sài Gòn (đã và đang di dời hệ thống cảng biển trên sông này).
Thực hiện quy hoạch này, một số cây xanh trên đường Lê Lợi và Tôn Đức Thắng đã và sẽ bị đốn hay bứng đi; nhưng lại mở ra cơ hội hình thành một dãy không gian xanh rộng lớn. Đó là trục không gian công cộng, mảng xanh sắp được tổ chức liên hoàn dọc bờ Tây sông Sài Gòn, từ cầu Tân Thuận đến cầu Sài Gòn (có thể kéo dài đến bán đảo Bình Quới - Thanh Đa).
Theo đó, cùng với công viên bờ sông đã được quy hoạch ở Thủ Thiêm (bờ Đông sông Sài Gòn), tới đây chính quyển thành phố sẽ cung cấp cho người dân và du khách một không gian công cộng, mảng xanh hai bên dòng sông Sài Gòn rộng lớn - có chiều rộng trung bình 450 mét (bờ Tây 50 mét, lòng sông 300 mét, bờ Đông 100 mét) và kéo dài khoảng tám cây số.
Cụ thể, tại khu vực trung tâm sẽ dành phần mặt đất đường Tôn Đức Thắng (từ Hàm Nghi đến công trường Mê Linh) cho không gian đi bộ và xe điện - chuyển giao thông cơ giới ngầm xuống lòng đất, đồng thời kết hợp với bãi đậu xe ngầm. Các công viên bờ sông cũng đang dần hình thành vì một số dự án bất động sản tại các khu đất Tân Cảng, Ba Son, Nhà Rồng - Khánh Hội (bờ Tây) đang và sắp triển khai.
Theo Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM, trong quá trình thực hiện các dự án tại Tân Cảng, Ba Son, Nhà Rồng - Khánh Hội công viên công cộng là thành phần ưu tiên thực hiện trước. Các công viên bờ sông nằm trong phần đất giao cho chủ đầu tư tư nhân thực hiện nhưng sẽ đảm bảo người dân và du khách tiếp cận khắp nơi và liên tục. (Dự kiến, một quy chế quản lý công viên này sẽ được xây dựng để đảm bảo sự tiếp cận của người dân).
Quy hoạch cũng kết nối vật thể giữa đô thị lịch sử với bờ sông Sài Gòn thông qua các hành lang xanh như đường đi bộ Nguyễn Huệ kết nối từ khu vực tòa nhà UBND thành phố ra công viên Bến Bạch Đằng; kéo dài đường Lê Lợi từ Nhà hát thành phố qua khu Ba Son để hình thành đại lộ Lê Lợi tiếp cận về phía bờ sông; giữ lại toàn bộ khu vực công viên 23-9 làm mảng xanh,...
Theo đó, mạng lưới đi bộ nối các trục hành lang xanh với các nhà ga vận tải công cộng (trạm xe bus, metro, BMRT) cũng sẽ được phát triển. Khi mạng lưới đi bộ tăng lên thì không gian xanh cũng sẽ có điều kiện để phát triển song hành. Các thiết kế công trình hai bên đường hướng đến phục vụ đi bộ như có mái che mưa, nắng ở tầng trệt, bố trí cây xanh tiểu cảnh... sẽ được khuyến khích.
(Ảnh: Hồng Thái /SGTT)
Bờ Đông sông nước
Hiện nay, thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án Quảng trường trung tâm - công viên bờ sông (công viên Vầng Trăng) phía bờ Đông sông Sài Gòn trị giá khoảng 1.800 tỉ đồng đang được triển khai dưới hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất giữa chính quyền thành phố và Công ty Đại Quang Minh.
Ông, Nguyên Tất Thắng, cán bộ Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho rằng không gian công cộng của Quảng trường trung tâm - công viên bờ sông là “sáng tạo nổi bật nhất trong quy hoạch Thủ Thiêm”. Đây là một khoảng không gian mở rộng lớn để công chúng hội tụ (khoảng 37 héc ta, rộng 80-200 mét, dài 700 mét) được nối trực tiếp với quảng trường Mê Linh (phía bờ Tây) bằng cầu đi bộ được thiết kế có tính mỹ thuật cao và là một trong những biểu tượng kiến trúc của thành phố.
Một điểm cũng đáng chú ý, đó là trong quá trình phát triển Thủ Thiêm, “lá phổi” của bán đảo này sẽ được bảo vệ bằng dự án công viên rừng ngập nước. Theo đó, vùng châu thổ phía nam Thủ Thiêm sẽ được bảo tồn như là một công viên mang đặc trưng sinh thái rừng ngập nước rộng 150 héc ta và nằm trong lòng thành phố mới. Với ý tưởng khôi phục rừng bần, rừng tràm, rừng đước... và gìn giữ thiên nhiên động thực vật như là một phần di sản văn hóa của vùng đất Thủ Thiêm và TPHCM.
Theo dự án xây dựng, chăm sóc và quản lý công viên này trong 50 năm thì đây là công viên cấp trung tâm thành phố, với cảnh quan chủ đạo là công viên rừng ngập nước - nơi tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục ngoài trời - nơi thực hành lối sống thân thiện môi trường; đồng thời tham quan, du lịch, học tập, nghiên cứu...
Ngoài ra, công viên rừng ngập nước còn có một số chức năng rất quan trọng như: cải thiện môi trường thiên nhiên (không khí, động thực vật) - là lá phổi xanh cho cả Thủ Thiêm và khu trung tâm hiện hữu của đô thị; quản lý nước mưa và ngập lụt - có vai trò điều tiết, giúp khu vực trung tâm thành phố hạn chế nguy cơ ngập lụt; và cải thiện chất lượng nước khu vực Thủ Thiêm.
Chưa hết, ở Thủ Thiêm còn có một không gian xanh có giá trị khác cũng sắp được xây dựng. Đó là công trình Hồ trung tâm. Có diện tích 14 héc ta, đường kính 350 mét, hồ được đào nối vào kệ thống kênh đô thị với sông Sài Gòn về phía bắc và vùng châu thổ phía nam.
Hồ trung tâm cũng có chức năng tích trữ nước để chống ngập, điều hòa thủy triều, nâng cao chất lượng nước và thải lọc chất độc cho nguồn nước sông chảy về thượng nguồn. Nhưng cũng không kém phần quan trọng là, quanh hồ trung tâm là công viên nhiều cây, cỏ.
Và, quản lý không gian xanh
Theo quy hoạch và các dự án đang triển khai thì khu trung tâm hiện hữu mở rộng 930 héc ta và đô thị Thủ Thiêm thì nhiều mảng xanh, không gian công cộng xanh đã, đang và sẽ hình thành trong tương lai gần (năm 2020). Nhưng không phải vì vậy mà chính quyền thành phố “lơ là” trong việc bảo tồn các mảng xanh hiện hữu. Một vị lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc cho biết chỉ những dự án đặc biệt phục vụ cho sự phát triển của đô thị, mà không còn giải pháp để bảo vệ thì mới chấp nhận “hy sinh” cây xanh.
Ngay trong quy hoạch của khu trung tâm hiện hữu 930 héc ta (phân khu 2, khu vực quận 3), thì các công trình biệt thự thấp tầng được xác định phải bảo tồn, duy trì mảng xanh. Chưa hết, trong các giải pháp thiết kế đô thị, Sở quy hoạch kiến trúc cho biết luôn ưu tiên tận dụng không gian để phát triển mảng xanh trong các khu dân cư, công trình (như phát triển hệ thống cây xanh xen cài đất trống chưa xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật...; trồng cây xanh trên sân thượng chung cư, trường học...).
Thực tế, trong Quy chế quản lý khu trung tâm hiện hữu 930 héc ta và khu đô thị mới Thủ Thiêm của thành phố cũng đã đặt vấn đề về thiết kế thân thiện với môi trường - khi xem đây là một trong các điều kiện ưu đãi về hệ số sử dụng đất.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tất Thắng, để phát triển không gian xanh khu trung tâm thành phố bền vững, ngoài việc bảo tồn, phát triển không gian xanh, chính quyền thành phố cần phải hoàn thiện hơn nữa các quy định, chính sách về quản lý quy hoạch - kiến trúc, phát triển cây xanh cảnh quan...
Quang Chung
(TBKTSG)
- Từ chiến lược phát triển các làng quê tại Pháp đến mô hình “Làng đô thị Xanh” Đà Lạt
- Sài Gòn thương cảng - Trăm năm nhìn lại
- Tầm nhìn thiết kế đô thị và Thể chế hóa quy hoạch Khu trung tâm hiện hữu mở rộng TPHCM
- Kế thừa đặc trưng văn hóa Sài Gòn cho đô thị mới Thủ Thiêm
- Đổi mới phương pháp tiếp cận phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam
- Người Pháp biến Sài Gòn thành "Hòn ngọc Viễn Đông" ra sao?
- Nhân lực - yếu tố then chốt quyết định chất lượng quy hoạch
- Kiến tạo không gian đô thị trong quá trình chuyển đổi: Các khu đô thị mới ở Hà Nội
- Quy hoạch TP.HCM - Từ quá khứ đến tầm nhìn tương lai
- Quy hoạch Hà Nội đã đi những bước mới