Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Hà Nội: Thiếu quy hoạch đường giao thông trong phát triển đô thị

Hà Nội: Thiếu quy hoạch đường giao thông trong phát triển đô thị

Viết email In

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường đã và đang đòi hỏi TP Hà Nội không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, việc quy hoạch đô thị lại không đi đôi với hạ tầng giao thông, chưa tương xứng với sự phát triển nhanh của dân số Thủ đô. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến giao thông ùn tắc như hiện nay.  


Phát triển đường sá đáp ứng nhu cầu người dân là vẫn đề cần được ưu tiên để giảm ùn tác giao thông. 

Theo thống kê, mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200 nghìn người, trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm. Điều này cho thấy, hạ tầng cơ sở giao thông còn nhiều yếu kém, bất cập. 

Có thể liệt kê một số tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm như đường Minh Khai, Trương Định, Tây Sơn – Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy – Cầu Giấy, Lê Văn Lương – Tố Hữu…

Đây hầu hết là những tuyến đường có mật độ xe di chuyển rất lớn, có nhiều nhà cao tầng, nhiều đường đang bị xuống cấp, mặt đường nhiều ổ gà cộng với lòng đường hẹp, vỉa hè cho người đi bộ rất nhỏ có chỗ bị chiếm dụng hoàn toàn, có thể gọi là những “tuyến đường đau khổ” cho người dân mỗi khi đi qua…

Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng: Tại những khu chung cư cao tầng, khu dân cư ở trong nội thành Hà Nội, mật độ dân cư vượt quá quy hoạch cho phép. 

Mật độ dân cư tập trung quá lớn như thế, việc giải quyết vấn đề giao thông công cộng của các TP lớn như TP HCM, Hà Nội lại đang ở bước đầu. Về lâu dài, Hà Nội cần phải đầu tư mở rộng xây dựng hạ tầng giao thông tốt hơn nữa.

Nếu TP có hệ thống giao thông công cộng, hệ thống hạ tầng lạc hậu thì quản lý khó khăn, dẫn đến sự chồng chéo giữa các công trình kiến trúc và dòng xe tham gia giao thông…

Một vấn đề đáng chú ý mà theo các chuyên gia quy hoạch nhấn mạnh chính là, dù Hà Nội đã nỗ lực trong việc di dời trường học, nhà máy ra ngoài nội đô nhưng nhiều công trình nhà cao tầng lại mọc lên khắp nơi, thậm chí đúng chỗ công trình trước đây bị di dời.

Việc phát triển nhà cao tầng tại nội đô ở Hà Nội chưa được kiểm soát chặt chẽ, bài bản đã gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông. Chưa kể, việc triển khai xây dựng đường sắt đô thị quá chậm gây cản trở không nhỏ đến việc đi lại của người dân khi đi qua những nơi thi công các công trình…

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế giao thông, Hà Nội muốn đảm bảo được từ 30 – 40% người dân đi xe công cộng thì ít nhất phải có khoảng 15 đến 20 nghìn xe buýt.

Thế nhưng, nếu xe buýt nhiều như vậy thì làm sao có đường để đi. Cho nên, hạ tầng giao thông cần được thiết kế đường trên cao, đường phía dưới như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao… để tận dụng không gian đô thị.

Hiện, Hà Nội mới chỉ có hơn 1.000 xe buýt mỗi năm chỉ đáp ứng được 8 – 10% nhu cầu đi lại, 90% còn lại người dân bắt buộc phải đi ô tô, xe máy nên tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng cao là điều đương nhiên…

Cùng với việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, phát triển giao thông công cộng của thủ đô theo quy hoạch giao thông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì phát triển đường xá đáp ứng nhu cầu người dân là những vấn đề cần được ưu tiên để giảm ùn tắc đô thị. Trong đó, Hà Nội cần phải hoàn thành được quy hoạch không gian ngầm trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời, cần sự chung tay, tư duy đổi mới của các cấp lãnh đạo, quản lý và các bộ, ngành liên quan để cùng đưa ra lời giải về hạ tầng cơ sơ giao thông, về quản lý giao thông nhằm tổ chức giao thông ngày càng thuận lợi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân thủ đô…”, ông Trần Ngọc Chính cho biết. 

Linh Đan 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo