Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quy hoạch chạy theo nhiệm kỳ

Quy hoạch chạy theo nhiệm kỳ

Viết email In

Tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư gây ra nhiều hệ lụy khó có thể khắc phục.


Người dân phản đối chủ đầu tư nhồi nhà cao tầng vào Khu đô thị kiểu mẫu Ciputra

"Chiều" chủ đầu tư

Theo Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (2013 - 2018), hiện cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến 6 lần, có dự án tới 9 lần. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại... làm tăng mật độ dân số, gây hệ luỵ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Trình bày Báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ: “Hiện tượng tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội, TP HCM là dẫn chứng điển hình cho sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt 9%, tỷ lệ đất bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị dưới 1%...”.

Dẫn ra dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội), ông Thanh cho rằng đây là trường hợp điển hình của việc điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích người dân.

Ngoài ra, tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng diễn biến phức tạp tại một số khu vực như Đầm Bông, Đầm Sòi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được quy hoạch là đất cây xanh, nhưng thực tế lại "mọc" lên các khu dân cư.

Nhiều dự án đô thị chậm tiến độ; một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, trì hoãn bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để chờ đủ điều kiện mới thực hiện hoặc chờ chuyển nhượng dự án.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, thực tế đã có nhiều dự án bị điều chỉnh, bẻ cong theo ý chí của nhà đầu tư. "Việc điều chỉnh dự án này được chính quyền chấp thuận, là nguyên nhân của những hệ luỵ lớn - phá nát quy hoạch về giao thông, không gian công cộng, không gian chung cho người dân ngày càng bị thu hẹp trong khi thành phố ngày càng co cụm khiến giao thông ùn tắc, nhà cao tầng mọc nhau san sát ngay trong nội đô", ông Nhân nói.

Điều chỉnh tùy tiện phá nát quy hoạch

Ông Nhân nêu ví dụ vụ việc ở Thủ Thiêm và cho biết sự thiệt thòi lớn nhất trong trường hợp này cuối cùng vẫn thuộc về người dân. "Người dân chấp hành theo yêu cầu của chính quyền mà sống khổ sở hàng chục năm, xây nhà không dám xây, mỏi mòn chờ đợi hết đời này qua đời khác. Tương lai cũng không ai trả lời cho họ" - ông Nhân nói.

Cũng theo đại biểu Nhân, nghi vấn lớn nhất là trong các dự án được điều chỉnh quy hoạch như thế, có bao nhiêu phần trăm là chính quyền điều chỉnh dựa trên yêu cầu của nhà đầu tư?

"Nhà đầu tư chỉ muốn tối đa hoá lợi nhuận, lấy nhiều lí do để xin điều chỉnh quy hoạch và trong khi đó việc thẩm định điều chỉnh quy hoạch như thế cũng rất lỏng lẻo", ông Nhân đặt vấn đề rằng việc điều chỉnh đã thể hiện nhóm lợi ích, sự móc nối giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, đẩy người dân vào khốn khó.

Tương tự, Đại biểu Đinh Duy Vượt (Đồng Nai) nhấn mạnh tình trạng quy hoạch “chạy theo nhiệm kỳ” làm nát quy hoạch ban đầu. Tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết gây hệ lụy hiệu ứng rất tiêu cực về sau.

“Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng, lợi ích của người sử dụng như tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm mật độ cây xanh... Điều này đã và đang gây bức xúc dư luận, hệ lụy tổn thất kinh tế không nhỏ thậm chí không thể khắc phục được như: ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường , cứ mưa là ngập...” - Đại biểu tỉnh Đồng Nai nói.

Trước thực trạng trên, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân khi ký quyết định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Thậm chí, trong trường hợp chứng minh được việc lập quy hoạch sai quy định gây tác động xấu tới đời sống sinh hoạt, ngoài việc xử lý theo mức phạt người dân hoàn toàn có thể khởi kiện người ký quyết định quy hoạch ra tòa hành chính.

Hồng Hương

(Diễn đàn Doanh nghiệp)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo