Khi nhận xét về một đô thị nào đó, người ta thường nói tới bản sắc, thí dụ như thành phố này to, rộng hiện đại nhưng không có bản sắc; đô thị kia nhỏ bé nhưng lại rất có bản sắc.
Vậy bản sắc đô thị là gì? Có nhiều định nghĩa nhưng có thể hiểu đơn giản, bản sắc đô thị là tổng hòa của nhiều thuộc tính thể hiện qua vật thể và văn hóa phi vật thể. Trong đó, thuộc tính căn bản nhất là đặc điểm cảnh quan, địa hình thiên nhiên, nơi tạo lập đô thị.
Phố Tràng Tiền, Hà Nội (nguồn: hpgrumpe.de)
Để đô thị không vô danh
Ở Việt Nam Khi nói đến Hà Nội là nói đến sông Hồng thành phố trong sông với cây xanh mặt nước. Nói đến Đà Lạt là nói đến thành phố cao nguyên mù sương thành phố ngàn thông, ngàn hoa với Thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở. Nói đến Huế là nói đến sông Hương núi Ngự…
Điều này cũng tương tự như Paris hoa lệ của nước Pháp gắn với sông Seine hay dòng sông Thames huyền thoại thủ đô Luân Đôn là biểu tượng của nước Anh... Có thể nói, một đô thị không bản sắc là đô thị vô danh như một cá thể người sinh ra không tên không thẻ căn cước vậy.
Bản sắc đô thị được tạo nên bởi cả một quá trình cọ xát, vận động từ nhiều phía khách quan và chủ quan trong suốt chặng đường hình thành và phát triển. Bản sắc đô thị không bất biến mà luôn thay đổi theo hướng sâu sắc hơn nếu được các thế hệ cư dân đô thị giữ gìn bồi đắp. Nhưng bản sắc đô thị sẽ thay đổi thậm chí nhạt nhòa dần khi lối sống, chức năng đô thị thay đổi.
Đây là một thực tế đã và đang diễn ra ở Việt Nam theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến 2025 tầm nhìn 2050 của Chính phủ. Theo đó, năm 2020 dân số đô thị là 44 triệu người (chiếm 45% dân số cả nước) và đến 2025 là 52 triệu người (chiếm 50% dân số cả nước), tỷ lệ đô thị hóa chiếm hơn 35% với hệ thống gần 900 đô thị.
Đô thị hóa nhanh làm thay đổi cơ bản bản đồ phân bố dân cư và địa điểm cư trú. Các vùng nông thôn trù phú dần thu hẹp để nhường đất cho phát triển đô thị, dẫn đến việc di chuyển ồ ạt cư dân từ nông thôn ra thành thị. Và tất nhiên, cùng với đó là sự chuyển dịch lối sống, tập quán thói quen của văn hóa làng truyền thống để thích nghi với văn hóa văn minh đô thị.
Nhìn về Hà Nội
Khi nói về Hà Nội, giáo sư người Mỹ William Logan (trường đại học Daikin Australia) đã cho rằng: “Cái cần bảo tồn nơi đây không phải là bảo tồn những ngôi nhà mà là lối sống”. Lịch sử hàng ngàn năm Thăng Long - Hà Nội đã tạo nên một Văn Hóa Thăng Long một lối sống thanh lịch của người Tràng An. Nếp sống đẹp này được bắt đầu từ khi hình thành khu phố cổ với những phố Hàng nối tiếng. Nó thể hiện từ cách ăn, nếp ở, lời nói thường ngày của người dân.
Lối sống thanh lịch được các thế hệ cư dân nơi Phố Cổ giữ gìn bồi đắp qua rất nhiều thập kỷ. Cảnh quan Hà Nội, lối sống, nếp sống đó cho đến tận hôm nay dù phải chịu biết bao tác động của chiến tranh của đô thị hóa hiện đại hóa nhưng về cơ bản vẫn còn đó, vẫn ảnh hưởng sâu đậm đến sự hình thành nhân cách của một lớp cư dân Hà Nội thời hiện đại, trở thành một thứ di sản văn hóa hằn sâu trong ký ức của người dân Hà Thành.
Khi các khu đô thị mới xuất hiện vào những năm 90 khởi đầu cho sự phát triển của thị trường bất động sản, người ta đã kỳ vọng về một sự đổi thay từ kiến trúc cho đến lối sống mới, văn hóa mới phù hợp với văn minh đô thị. Thế nhưng, thực tế đã cho thấy ngoại trừ một vài khu đô thị cao cấp, siêu cao cấp đầy đủ tiện nghi tiện ích có khuôn viên xinh đẹp, rực rỡ sắc hoa thì rất nhiều các khu đô thị mới đã không trở thành nơi có không gian sống hiện đại như mong muốn.
Sự xuống cấp về kiến trúc tỉ lệ thuận với lối sống pha tạp của cư dân đô thị mới. Có chung cư, cầu thang thoát hiểm trở thành kho chứa đồ; hành lang chung cư trở thành nơi đốt vàng mã, hoặc là nơi ăn nhậu mỗi khi nhà ai có sinh nhật, tiệc tùng…
Lưu ý, bản sắc đô thị thời 4.0 sắp tới dù thế nào đi nữa chắc chắn đô thị đó vẫn phải là đô thị Việt Nam, mang bản sắc văn hóa đô thị Việt Nam.
KTS Phạm Thanh Tùng
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
- Học thành phố thông minh: Cứ bắt đầu từ Singapore!
- Những bài học từ thông điệp thành phố vị nhân sinh của giáo sư Jan Gehl
- Quy hoạch chạy theo nhiệm kỳ
- Hà Nội: Khoảng 15-20% người dân sẽ chuyển từ xe cá nhân đi đường sắt đô thị
- Kế hoạch phát triển đô thị ngầm tại hai thành phố lớn nhất nước
- “Đô thị vị nhân sinh” và 4 tiêu chí của một đô thị “đáng sống”
- Người dân Đà Lạt nói gì về quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình
- Thiết kế đô thị tại 3 tuyến đường ở TP Huế: Tổ chức lại không gian kiến trúc ở các trục đường
- Thành phố Hồ Chí Minh gỡ bỏ ''chiếc áo'' đô thị chật hẹp
- Thủ Thiêm và 3 lần quy hoạch dang dở