Chưa bao giờ các đô thị lại đứng trước nhiều thách thức như lúc này. Những đợt đe dọa của mưa lũ, bão lớn, triều cường… tất cả, đang đòi hỏi cần một nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế cho các đô thị Việt Nam.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) được nhận định là thách thức mới của phát triển đô thị. Tuy vậy, công tác đánh giá khả năng chống chịu của các đô thị vẫn chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đây là yếu tố quan trọng để lồng ghép được yếu tố BĐKH vào xây dựng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị trên cả nước.
(Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước dễ bị ảnh hưởng nhất bởi rủi ro ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Chỉ số rủi ro khí hậu gần đây đã xếp Việt Nam vào 10 nước đầu tiên bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các sự kiện thời tiết cực đoan trong 20 năm qua. Hơn 70% dân số và sinh kế của các quốc gia bị đặt vào tình thế dễ bị rủi ro bởi các mối nguy hiểm tự nhiên. Với BĐKH, tần suất và cường độ của các sự kiện thời tiết như vậy, dự kiến sẽ còn tăng thêm. Thích ứng với BĐKH là hết sức quan trọng để ngăn ngừa các tác động này với khả năng tần suất và cường độ rủi ro còn gia tăng.
Đánh giá của các chuyên gia đô thị cũng cho thấy, công tác ứng phó với BĐKH tại hầu hết các đô thị chưa thực sự gắn kết với các chính sách, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch. BĐKH là vấn đề rất mới, những ảnh hưởng thời tiết, thiên tai khó dự đoán và gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, Việt Nam lại thiếu các công cụ pháp luật, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, hệ thống dữ liệu, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị ứng phó với BĐKH.
Ở địa phương, khi xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp thích ứng, người dân và chính quyền rất hạn chế về nguồn dữ liệu, thông tin và nghiên cứu cấp địa phương. Họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận hoặc nắm bắt một cách đầy đủ những nội dung mà các cơ quan chuyên môn cung cấp. Nguyên nhân do dữ liệu, thông tin chỉ được công bố trên một số ít kênh/phương tiện thông tin. Bên cạnh đó, tuy Chính phủ đã đầu tư nhiều cho hệ thống quan trắc và phân tích số liệu phục vụ ứng phó BĐKH, nhưng mức độ chi tiết số liệu cả về không gian và thời gian chỉ dừng ở cấp vùng, khó dùng trong công tác ứng phó cấp cộng đồng.
Thực tế trên cũng có nghĩa là, Việt Nam cần có những “chuyên gia” cho tương lai, chứ không phải cho hiện tại. Những chuyên gia này sẽ tạo ra những kịch bản với tầm nhìn dài hạn, dựa trên các động thái: Phân tích và nắm bắt tình hình trong nước và thế giới về BĐKH; Chẩn đoán, xác định những vấn đề then chốt được đặt ra cho Chính phủ trong việc chống lại tác hại của BĐKH; Xác định nhiệm vụ cơ bản của Chính phủ trong chống BĐKH; Dự đoán viễn cảnh xảy ra; Triển khai một chiến lược thực hiện viễn cảnh và mục tiêu nhằm tối thiểu hóa rủi ro mà các viễn cảnh mang lại; Đề ra thời gian biểu thực hiện chiến lược chống BĐKH để giám sát, kiểm định; điều chỉnh; Đánh giá kết quả, so sánh mục tiêu để tiếp tục một chiến lược tiếp theo.
Chuẩn bị ngay từ hôm nay trước các rủi ro đến từ thiên tai. Bởi lẽ, sự thờ ơ là một thách thức lớn nhất trong cuộc chiến ứng phó với BĐKH. Phải nghĩ đến trường hợp BĐKH dìm hàng triệu héc-ta đất, đất nhiễm mặn khắp nơi… thì dân mình sẽ phải sống ra sao?!
Ngọc Lý
(Báo Xây dựng)
- 3 xu hướng phát triển của đô thị Việt Nam
- Luật Quy hoạch đòi hỏi cải cách thể chế
- Cần không gian công cộng cho một Hà Nội đáng sống
- Nghiên cứu ý tưởng phát triển đô thị sân bay cho Đà Nẵng
- TPHCM đang bị lún trên diện rộng
- Đà Nẵng với tham vọng trở thành trung tâm du lịch trên biển và hậu cần
- Đề xuất định hướng chiến lược về phát triển đô thị & kiến trúc cảnh quan tuyến đô thị kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè
- Quy hoạch Giao thông: Thách thức trong phát triển đô thị
- Khu đô thị mới ở Việt Nam: xây thành phố vì người dân hay vì lợi nhuận?
- Học thành phố thông minh: Cứ bắt đầu từ Singapore!