Người Hà Nội đang sống trong những “chiếc hộp” nhà cao tầng, chung cư hiện đại. Còn công viên, bờ hồ - các khoảng không gian quan trọng dành cho sinh hoạt cộng đồng – nơi lưu giữ những ký ức, cảm xúc “về một Hà Nội đáng sống” vốn dĩ đã hiếm hoi nay đang dần có nguy cơ biến mất nếu không được chú ý và giữ gìn.
Đó là thông điệp được nhấn mạnh tại triển lãm ảnh “Vì một Hà Nội đáng sống” do Đại sứ quán Đan Mạch, Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân PPWG, Nhóm ảnh 9194 và doanh nghiệp xã hội ECUE phối hợp tổ chức, từ ngày 6/9 đến ngày 8/9/2019 tại Nhà Bát Giác, phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tác phẩm trong Triển lãm: “Trong nắng xuân” - Tác giả Nguyễn Linh Giang. Tập thể dục, một hình ảnh thường thấy vào các buổi chiều, trên những khu phố ở Hà Nội.
Buổi triển lãm trưng bày hơn 40 tác phẩm nhiếp ảnh về không gian công cộng và cuộc sống thường ngày của người dân Hà Nội, từ đó gợi ra câu hỏi cho người xem: Điều gì làm nên một Hà Nội đáng sống?
Hóa ra, những ký ức, khoảnh khắc đáng nhớ về Hà Nội chủ yếu là những điều giản dị, thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày gắn với những không gian công cộng, có thể là những quán hàng ăn quen, vườn hoa công viên, con ngõ nhỏ…cho đến những xóm “nổi” của dân ngụ cư. Điều đặc biệt là những tác phẩm này đều được kể từ góc nhìn của chính người trong cuộc - những người đã sinh ra và lớn lên tại mảnh đất thủ đô, nhằm thực hiện “mong muốn cùng người dân nhìn lại tầm quan trọng của không gian công cộng trong cuộc sống đô thị” ông Lê Quang Bình – Chủ tịch PPWG chia sẻ tại buổi khai mạc Triển lãm.
“Tôi rất tâm đắc với so sánh cho rằng không gian công cộng của một thành phố cũng giống như không gian phòng khách của một ngôi nhà. Chúng ta cần không gian công cộng để giao lưu, kết nối, thực hành các hoạt động tập thể, đón tiếp khách thập phương, trình diễn nghệ thuật và quan trọng nữa là thực hành các lối sống khỏe mạnh như chạy bộ, tập thể dục”, ông Lê Quang Bình nói.
Một góc Triển lãm. (Ảnh: Mỹ Hạnh)
Triển lãm được chia làm 3 chủ đề chính: tuyến thứ nhất là những hình ảnh đẹp về không gian kiến trúc, văn hóa, tự nhiên; tuyến thứ hai là nhịp sống thường ngày của người dân trên đường phố, quán ăn, khu chợ; và tuyến cuối cùng là sự kết nối giữa con người với con người dựa trên tinh thần bình đẳng, khoan dung và thấu hiểu.
Một điểm nhấn gây ấn tượng với người xem tại triển lãm là tác phẩm sắp đặt làm từ những chiếc hộp lớn, nhỏ khác nhau, mô phỏng lại hình dáng và cấu trúc của các “khối hộp” trong thành phố như trung tâm thương mại, quán cafe, rạp chiếu phim hay chính ngôi nhà chúng ta trú ngụ. Và len lỏi trong mê cung những chiếc hộp ấy là công viên, bờ hồ - các khoảng không gian trống rất quan trọng - những nơi sinh hoạt cộng đồng vốn dĩ đã khan hiếm nay còn đang dần có nguy cơ biến mất nếu không được chú ý và giữ gìn.
Người xem Triển lãm đầy suy tư trước những "chiếc hộp" của đời sống hiện đại trong đô thị. Ảnh: Mỹ Hạnh.
Bên trong một chiếc hộp. Ảnh: Mỹ Hạnh.
“Rượt đuổi” - Tác giả Phạm Quốc Trung. Tập thể Thành Công được xây cách đây đã 40 năm, nay đã xuống cấp, chật chội. Trong sân chơi chung vốn không rộng rãi ấy giờ được sử dụng làm nơi trông xe, phơi phóng, bán cơm, bán nước chè, ngày càng ít chỗ cho trẻ con chạy nhảy. Bức ảnh được chụp vào thời điểm giữa sáng, cô bé được nghỉ học đang chơi đuổi bắt với chú chó tinh nghịch. Chỉ sau đó khoảng 1 tiếng, đến 11h trưa chỗ sân chơi này sẽ kín bàn ghế của một quán cơm bình dân.
“Khu tập thể Văn Chương” - Tác giả Phan Đức Long. Đây là một trong những khu tập thể cũ 2 tầng, vẫn giữ nếp sinh hoạt “như thời bao cấp”, còn sót lại ở Hà Nội. Ngoài phòng ở riêng, mọi sinh hoạt đều chung. Mỗi một dãy nhà đều có khu vệ sinh chung, buổi chiều đến tất cả cư dân cùng sinh hoạt trong những khoảng sân chung: người tắm giặt, người chuẩn bị cơm, người nói chuyện…
“Nhịp sống trên cầu Long Biên” - Tác giả Nguyễn Việt Dũng. Một cây cầu quá đỗi quen thuộc đối với mỗi người dân Hà Nội, nơi ta có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh sinh hoạt đời thường đẹp đẽ và thân thương.
“Xưa vậy, giờ vẫn vậy” - Tác giả Đinh Quốc Cường. Công viên Bách Thảo, không gian công cộng rợp bóng mát cho người dân.
“Xóm ven sống” - Ảnh: Vũ Quang Huy. Vài năm trước, cách Bờ Hồ chưa đầy 1 km là xóm chài ven sông. Để ra được “xóm”, phải đi qua nhiều con ngõ nhỏ hun hút, ngóc ngách. Nơi đây các ngôi "nhà" đều ở trạng thái nửa nổi nửa chìm để phòng mỗi năm đến mùa lũ về xóm lại bập bềnh bên mép nước. Xóm chỉ có khoảng hơn chục nóc nhà với cư dân là lao động nghèo các tỉnh về Hà Nội làm thuê. Mùa nước lên cũng là lúc các cư dân nơi đây vất vả nhất, "nhà" đã được neo lại và nổi trên sông để tránh...trôi đi, tuy vậy việc đi lại cũng không hề dễ dàng mà hoàn toàn phụ thuộc vào những con thuyền nhỏ hoặc trên các phao nổi được neo giữa bờ và "nhà". Theo thời gian, các "ngôi nhà" này cũng đã dần biến mất bởi sự bất tiện và phần vì nước sông ngày càng cạn. Đa phần họ cũng đã di chuyển lên bờ hay tìm cho mình những nơi cư ngụ ổn định hơn. Những hình ảnh này giờ đây lưu lại ký ức về một thời “ngụ cư” của những thân phận trôi dạt.
“Đón mặt trời” - Tác giả Nguyễn Quốc Vượng. Bãi giữa sông Hồng, nơi người dân thường đến rất sớm tập thể dục, đón bình minh và ngụp lặn trong dòng nước phù sa, bất kể Đông hay Hè. Một góc không gian công cộng hiếm hoi cho con người hoàn toàn về với tự nhiên.
Mỹ Hạnh
(Tia Sáng)
- TP.HCM chỉ có hơn 8% đất dành cho giao thông
- Di dời nhà máy ô nhiễm: Để 'đất vàng' phục vụ cộng đồng?
- Nước biển dâng, sẽ có hàng tá thành phố nổi như trong phim Hollywood
- 3 xu hướng phát triển của đô thị Việt Nam
- Luật Quy hoạch đòi hỏi cải cách thể chế
- Nghiên cứu ý tưởng phát triển đô thị sân bay cho Đà Nẵng
- TPHCM đang bị lún trên diện rộng
- Đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu
- Đà Nẵng với tham vọng trở thành trung tâm du lịch trên biển và hậu cần
- Đề xuất định hướng chiến lược về phát triển đô thị & kiến trúc cảnh quan tuyến đô thị kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè