Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trong những năm gần đây, Việt Nam hiện có vài trăm khu đô thị được hình thành trên cả nước. Các chuyên gia cho rằng chỉ khi thị trường bất động sản đi theo xu hướng phát triển xanh và thông minh, nhằm giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu, lấy con người làm trung tâm thì khi đó lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng cư dân mới cùng phát triển một cách hài hòa.
Làm thế nào để Việt Nam có nhiều khu đô thị đáng sống hơn và cần phải làm gì để có nhiều hơn các khu đô thị đáng sống đó là nội dung của tọa đàm "Kiến tạo khu đô thị thông minh và đáng sống: Mô hình cho Việt Nam" diễn ra vào chiều ngày 13/11 tại Hà Nội do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức.
Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ tại tọa đàm "Kiến tạo khu đô thị thông minh và đáng sống: Mô hình cho Việt Nam". (Ảnh: Vân Ly)
Bền vững đã trở thành yêu cầu bắt buộc
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng khư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng công nghệ số đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu, tạo nhiều cơ hội phát triển, song cũng tạo ra không ít thách thức. Cần ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào việc phát triển bất động sản. Trong bối cảnh đó, chỉ khi thị trường bất động sản được vận hành theo quy luật xanh - thông minh nhằm giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu, lấy con người làm trung tâm thì khi đó, mới đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng và cộng đồng, giữa bảo tồn và phát triển.
Hoàn cảnh khó khăn do Covid-19 gây ra đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phải xoay xở thích ứng nhanh và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào quy trình kinh doanh. "Đặc biệt là xu hướng phát triển bền vững hơn bằng cách đầu tư, kiến tạo nên những khu đô thị thông minh và đáng sống”, ông Chiến nêu ý kiến.
Trải qua một năm 2020 đầy những bất thường của tình trạng biến đổi khí hậu, cả nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng đều thấu hiểu rằng, phát triển bền vững không còn là mục tiêu mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Đó là yêu cầu phải phát triển các dự án thông minh và đáng sống để hướng đến sự bền vững trong tương lai. Mọi người giờ đều hiểu một nơi đáng sống không chỉ đẹp mà phải là một đô thị bền vững.
“Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, năm 2020 những sản phẩm bất động sản trong các khu đô thị thông minh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần so với các dự án thông thường và có giá bán cao vượt trội. Ngược lại, các sản phẩm nhỏ lẻ dần vắng bóng và không còn sức hút như dự án lớn được ứng dụng giải pháp thông minh,” ông Chiến cho hay.
Vẫn theo ông Đỗ Viết Chiến, xây dựng đô thị thông minh và đáng sống ngày càng trở nên cấp thiết, là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Mô hình cho phát triển khu đô thị đáng sống
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc enCity – cho biết, một khu đô thị thông minh và đáng sống phải thỏa mãn các tiêu chí như: địa điểm chiến lược; kết nối vùng; phân khu và phân kỳ; đa dạng hóa sản phẩm; tạo ra hệ sinh thái; tập trung tiện ích; môi trường thân thiện; vận hành bền vững; gắn kết cộng đồng.
Mục tiêu của các khu đô thị đáng sống phải là cung cấp tiện ích đa dạng cho cư dân. Do đó, chủ đầu tư cần thu hút nhà đầu tư thứ cấp về dịch vụ xã hội. Ví dụ, cần dành những khu vực có diện tích lớn để có thể xây dựng công trình tiện ích đạt tiêu chuẩn cao và dễ thu hút đầu tư; tập trung nhiều tiện ích vào một khu vực (như câu lạc bộ) để giảm chi phí vận hành và mở rộng đối tượng phục vụ; bố trí nhiều dịch vụ tiện ích trong bán kính đi bộ để mọi gia đình có thể tiếp cận dễ dàng...
Bên cạnh đó, chủ đầu tư có thể phối hợp công trình cao tầng với thấp tầng để tạo môi trường thân thiện với con người, dành một tỷ lệ diện tích lớn cho cây xanh và mặt nước và công viên hóa đất dự trữ phát triển, sử dụng cảnh quan như một phần của hệ thống hạ tầng kỹ thuật... Việc tạo nhiều mặt nước phân tán sẽ làm gia tăng giá trị đất đai đồng đều, khiến giá trị bất động sản gia tăng.
Ngoài ra, cần phải kết cộng đồng thông qua không gian công cộng và các hoạt động chung. Một đô thị không thể nào bền vững, thành công nếu như người dân không cảm thấy yêu thương và dành thời gian cho vùng đất đó. Khi quy hoạch cần tạo ra các không gian mở như vỉa hè, công viên, vườn hoa... Cần có nhiều không gian công cộng xuyên suốt dự án và được kết nối với nhau. Nếp sinh hoạt của người Việt Nam có sự gắn bó với vỉa hè, do đó không gian công cộng là yếu tố quan trọng trong quy hoạch các khu đô thị thông minh và đáng sống.
Ông Nguyễn Công Hồng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark chia sẻ để phát triển dự án tốt thì yếu tố đầu tiên là phải chọn được nhà tư vấn đúng đắn. Nhà tư vấn giỏi phải là những người, những đơn vị có bản lĩnh và lương tâm. "Nhà tư vấn mà chiều lòng nhà đầu tư, không có sự phản biện và tính toán thì không ổn. Tất nhiên phản biện và bác bỏ của tư vấn thì đều cần phải có căn cứ”, ông Hồng nói.
“Một nhà tư vấn có tầm nhìn có quy hoạch phân khu khác nhau sẽ tạo ra các điểm nhấn, tạo ra sự tích hợp cho dự án. Do đó, làm đô thị đáng sống cần những nhà tư vấn tốt mới giúp được chủ đầu tư. Tuy nhiên, muốn để có tư vấn quy hoạch đúng, làm đúng thì doanh nghiệp cũng phải đối xử đúng với đơn vị tư vấn, phải cho họ một hành lang về các tiêu chuẩn. Nhà đầu tư phải chia sẻ cùng đơn vị tư vấn, đừng bó hẹp họ trong các tiêu chí khắt khe,” ông Hồng chia sẻ.
Phát triển khu đô thị đáng sống thì chủ đầu tư cũng cần phải làm tốt việc thu hút người dân đến ở. Nhưng khi người dân đến ở thì họ sẽ đặt các câu hỏi như con cái học ở đâu, chữa bệnh ra sao, làm việc, vui chơi thế nào? Do đó hạ tầng xã hội phải đi trước.
“Muốn trở thành nơi đáng sống thì cần tạo sự khác biệt. Trong môi trường phát triển đô thị hiện nay, biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn, đô thị hiện đại rất ô nhiễm, các khu đô thị mới phải giải quyết vấn đề này để trở thành nơi đáng sống. Một nơi đáng sống là con người phải gần gũi với thiên nhiên, môi trường. Do đó phải có không gian xanh, không gian mở để tạo sự gần gũi với thiên nhiên”.
Để thực hiện những mục tiêu nói trên, bên cạnh nỗ lực của nhà đầu tư thì còn cần hỗ trợ bệ đỡ chính sách. Ví dụ, khi nhà đầu tư được giao dự án thì cơ quan quản lý phải khuyến khích áp dụng những chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu thiết kế uy tín. Sự khuyến khích này đến từ cơ chế, ví dụ như cơ chế giao đất.
Trên thực tế, có rất nhiều nhà đầu tư muốn làm nhưng gặp vướng mắc. Cũng có không ít nhà đầu tư bất động sản chỉ tập trung làm hạ tầng để bán đất ở,khi bán hết đất nền là coi như đạt mục tiêu đề ra, không quan tâm đến phát triển không gian sống của cộng đồng. Chính vì vậy các ngành chức năng cần khuyến khích bằng cơ chế, để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển dự án mang tính bền vững, từ đó doanh nghiệp mới có thể bán sản phẩm được nhanh và thu hồi vốn nhanh.
Vân Ly
(TBKTSG)
- TP.HCM điều chỉnh quy hoạch nhiều dự án phát triển đô thị trọng điểm
- Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường
- Khơi thông điểm nghẽn hạ tầng vùng kinh tế phát triển nhất cả nước
- TP Hồ Chí Minh thúc tiến độ các dự án phát triển đô thị trọng điểm
- Bức tranh tương phản trong hành trình kiến tạo đô thị Gò Vấp
- Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng công tác lập thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc đô thị
- Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050
- [Phim tài liệu] Châm cứu sinh thái: Biến đổi Kiến trúc và Đô thị ở Châu Á
- Phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh: Vẫn khó di dời nhà ven kênh rạch
- Quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao