Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Phát triển đô thị thông minh: Cần đặt ra đầu bài rõ ràng

Phát triển đô thị thông minh: Cần đặt ra đầu bài rõ ràng

Viết email In

Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM là 3 trong nhiều địa phương đang tập trung phát triển đô thị thông minh, với đầu bài khá rõ ràng.  

Đảng, Chính phủ quan tâm phát triển đô thị thông minh

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Đối với lĩnh vực đô thị, Nghị quyết số 52-NQ/TW đề ra mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất ba đô thị thông minh (ĐTTM) tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; đến năm 2030, hình thành một số chuỗi ĐTTM tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới ĐTTM trong khu vực và thế giới.

Trước đó, ngày 01/8/2018, tại Quyết định 950/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950).

Theo đó, để phát triển ĐTTM, sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển ĐTTM dựa trên thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, ứng dụng các công nghệ hiện đại, đồng bộ, có khả năng tương thích với nhiều nền tảng; đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân của người dân; đảm bảo sự đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ và phi công nghệ; đảm bảo tính thống nhất, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng ICT hiện có dựa trên Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM, các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo khả năng tương tác, hoạt động đồng bộ của ĐTTM cũng như giữa các ĐTTM.

ĐTTM lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý ĐTTM, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các Mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.

Trong giai đoạn 2018 - 2025, ưu tiên xây dựng các nội dung cơ bản bao gồm: Quy hoạch ĐTTM; Xây dựng và quản lý ĐTTM; Cung cấp các tiện ích ĐTTM cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT…

Đô thị thông minh lấy con người làm trung tâm

TS Phạm Khánh Toàn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Xây dựng) cho biết: Trên nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh và liên thông, hiện nay nhiều đô thị ở Việt Nam, trong đó có Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đã có những thành công bước đầu trong việc cung cấp các tiện ích thông minh trong các lĩnh vực, từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị.

Trong khi Hà Nội phát triển đô thị thông minh tập trung vào 4 lĩnh vực là y tế, giáo dục, giao thông và du lịch thì TP.HCM chú trọng xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu lớn, trung tâm điều khiển dữ liệu, trung tâm điều khiển an ninh và hệ thống dữ liệu mở…

TP.HCM cũng đang lập kế hoạch để xây dựng các giải pháp thông minh cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, an toàn thực phẩm, giáo dục, quản lý giao thông, kiểm soát ngập úng…

Còn Đà Nẵng luôn đứng đầu cả nước về chỉ số chỉ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (Viet Nam ICT Index) trong suốt thời gian qua và đạt điểm tối đa về ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan Nhà nước.

Chia sẻ về những định hướng chiến lược triển khai Đề án phát triển ĐTTM tại Việt Nam, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết: Đề án 950 đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện khá đồng bộ. Là một trong những Bộ chính chịu trách nhiệm về việc xây dựng và triển khai thành phố thông minh tại Việt Nam... Bộ TT&TT đã xây dựng khung tham chiếu làm cơ sở xây dựng kiến trúc tổng thể triển khai phát triển ĐTTM đồng bộ hiệu quả.

Theo ông Phúc, trong giai đoạn 2019 - 2020, các địa phương cần đặt ra đầu bài rõ ràng: Phát triển ĐTTM bắt đầu từ dịch vụ, ứng dụng gì? Chọn ứng dụng hiệu quả ngay, nếu chọn nhầm ứng dụng sẽ khó thực hiện trong dài hạn.

Trong phát triển ĐTTM phải trả lời được câu hỏi người dân được lợi ích gì? Người dân phải thấy hay, thấy hiệu quả, khi đó người dân mới hào hứng cùng tham gia vào quản lý đô thị.

Đồng thời, cũng phải trả lời được câu hỏi chính quyền lợi ích gì khi phát triển ĐTTM? Chẳng hạn, chính quyền giám sát bộ máy, cán bộ có thực hiện đúng thời hạn các dịch vụ công. Khi các sở ban, ngành liên quan liên thông dữ liệu, chia sẻ thông tin qua hệ thống camera giám sát đô thị..., hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền lên cao.

Ông Phúc cho rằng nên có một số địa phương triển khai trước, rút kinh nghiệm và cho các địa phương khác tham khảo về việc triển khai nền tảng, lựa chọn ứng dụng, sử dụng dữ liệu dùng chung, điều hành tập trung…

Quý Anh

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo