Khu nghỉ mát Ba Vì được xây dựng như thế nào trong thế kỷ 20 đã trở nên rõ ràng hơn khi mới đây chúng tôi được tiếp cận với bài viết của G.Tucat, Công sứ Pháp tại Sơn Tây đăng trên Tạp chí Đông Dương ngày 11/5/1944. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Sơ đồ khu nghỉ mát Ba Vì. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)
Sự tích dân dã
Sự xa xôi, chật hẹp của các khu nghỉ mát trên cao có từ trước như Sa Pa, Tam Đảo và Mẫu Sơn ở Bắc Kỳ đã buộc chính quyền phải xây dựng, ngay từ đầu năm 1942, một khu nghỉ mát mới ở núi Ba Vì thuộc tỉnh Sơn Tây.
Mới cách đây 2 năm (tức năm 1942), nhiều người Bắc Kỳ, người Pháp và người An Nam còn chưa biết có một địa điểm như vậy chỉ cách Hà Nội 55km và có đường theo sườn bắc lên tới độ cao 400- 500m ngay từ năm 1924.
Vậy, vì sao trước đây người ta dừng lại ở độ cao 400m? Sao không lên cao hơn nữa? Đường phân thủy không dùng được hay sao? Địa hình của nó thế nào? Bí mật của ngọn núi thần đáng gờm đối với những người không bao giờ thỏa mãn như Jules Boissière là gì? Là những hang động hay các khu rừng của nó? Ảo ảnh nào trong các hang tối đã được những người am tường cảnh báo đang chờ đợi du khách ưa mạo hiểm? Vì sao không một khu nghỉ mát quan trọng nào được thiết lập tại dãy núi này?
Đó là một loạt câu hỏi được báo chí, tạp chí tranh luận trong thời gian gần đây. Dù là vì bất kỳ lý do gì đi chăng nữa, tình trạng đó là kết quả của các văn bản cho thấy chính quyền bảo hộ hoàn toàn chưa muốn rót tiền vào Ba Vì trước khi hoàn thành các khu nghỉ dưỡng Sa Pa và Tam Đảo.
Ba Vì, tên thường gọi của núi Tản Viên, có sự tích rất dân dã. Theo đó, núi là nơi ở của Sơn Tinh. Trong cuộc sống nơi trần thế, vị thần này là một tiều phu tên là Nguyễn Trung ở làng Giáp Thượng dưới chân núi. Nhờ vào sự đức độ, Sơn Tinh được phú cho những phép thuật siêu phàm. Để chinh phục con gái vua Hùng Vương, vị vua sống vào khoảng năm 350 trước công nguyên và có kinh đô ở vị trí Việt Trì (Phú Thọ) hiện nay, Sơn Tinh và Thủy Tinh đã tham gia thách đấu nhưng Thủy Tinh đã thất bại. Để phục thù, Thủy Tinh vây hãm núi Tản Viên bằng nhiều con sông: Sông Đáy ở phía đông, sông Đà ở phía tây và ở phía bắc là sông Hồng rất lớn với những dòng nước khôn lường. Từ đó, năm nào vào các tháng 6, 7, Sơn Tinh cũng phải chống chọi với sự hận thù khôn nguôi của Thủy Tinh.
Nguyễn Trung làm nhiều việc tốt cho nhân dân. Ông đem tới sự thanh bình cho những nơi bị tàn phá. Nhằm bố trí các trạm trong khu vực của mình, ông lệnh cho xây dựng ba ngôi đền ở núi Tản Viên: Đền Thượng ở trên đỉnh núi (nhưng đến nay không còn); Đền Trung trên sườn phía Tây và Đền Hạ dưới chân núi (thuộc địa phận làng Thủ Pháp). Ông còn cho xây bốn đền khác quanh núi nằm theo bốn hướng: Đền Và ở phía đông trong làng Yên Vệ, đền Yên Cư ở phía tây, đền Yên Lạc ở phía bắc tại địa phận tỉnh Vĩnh Yên, đền Vật Lại ở phía nam thuộc địa phận phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây.
Năm 31 tuổi, vào tháng 5 năm Đinh Hợi, Nguyễn Trung biến mất trong vùng rừng núi thanh lãng. Ngọc hoàng xếp Nguyễn Trung vào hàng bất tử và cho làm thần núi Tản Viên. Từ đó, thỉnh thoảng, thần lại xuống trần để làm vơi bớt nỗi khổ ải của đồng bào, khi thần tới núi Ba Vì, hổ báo và các thần khác ngoan ngoãn đi theo hầu. Năm 618, quan đô hộ của nhà Đường là Cao Biền (giỏi thuật phong thủy), lên núi Tản Viên tìm cách đuổi thần đi nhưng mọi cố gắng của ông ta đều bị thất bại.
Người thiểu số trên núi Ba Vì. Trang Gallica của Thư viện Quốc gia Pháp
Nơi thờ thần Tản Viên
Tương truyền rằng xưa kia trên núi Ba Vì có một cây tên là vô phong độc giao thảo có thể tự di chuyển không cần tác động của gió. Lá của cây này có hai phiến có thể mở ra khép lại theo ý.
Năm 1072, vua Lý Nhân Tôn cho xây trên đỉnh núi một cái tháp 20 tầng.
Năm 1136, tức năm Minh Mạng thứ 17, nhà vua ra lệnh khắc hình núi Tản Viên vào cửa đình thờ vua Thuận Tôn.
Thần Tản Viên là một trong Tứ Bất Tử của An Nam, ba vị kia là Phù Đổng Thiên Vương thờ ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), Chử Đồng Tử thờ ở Khoái Châu (Hưng Yên), Từ Đạo Hạnh thờ ở chùa Sài Sơn (phủ Quốc Oai, Sơn Tây). Tản Viên là thần của các tỉnh Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phú Thọ. Theo địa bạ thời Gia Long, làng Giáp Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây đã dâng 278 mẫu ruộng để thờ thần Tản Viên.
Trong thời kỳ hiện đại, vào năm 1902, lần đầu tiên Muselier - Công sứ Pháp tại Sơn Tây - đã xâm nhập vào vùng núi này. Bia khắc tại chùa Vị Thủy (Tông) cho thấy, ông này đã cho trùng tu lại Đền Thượng ở trên đỉnh núi tại một khu đất bằng phẳng rộng khoảng 2.000m2 và cho làm một con đường lên đó. Con đường này được ghi trên bản đồ tỉ lệ 1/100.000. Xuất phát từ một con đường của trại binh, con đường này phát triển theo sườn phía sông Đà lên tới một cái đèo nằm giữa đỉnh Bắc và đỉnh Giữa, sau đó theo đường phân thủy lên tới đỉnh cao nhất. Được tu tạo vào năm 1942, con đường tạo ra một lối đi dạo trong rừng cây. Năm 1942, ngôi chùa trùng tu năm 1902 không còn nữa. Ngày nay (năm 1944), tại vị trí đó, người ta vẫn còn thấy khung nhà và những mảnh gạch ngói.
Lần xây cất đầu tiên
Phải tới năm 1914 - thời điểm xảy ra chiến tranh, người ta mới thực hiện việc xây cất đầu tiên. Lúc đó, đã có đường lên tới độ cao 400m. Ở độ cao này, ông Marius Borel - người có đồn điền ở chân núi - nhận được 15 hecta đất chuyển nhượng vào năm 1916. Tại đây, ông xây dựng một trại chăn nuôi và một khu nhà nghỉ hè. Đây được coi là nhà nghỉ mát đầu tiên ở Ba Vì. Năm 1923, ông Lachaud - Công sứ Pháp tại Sơn Tây - đã tiến hành xây dựng con đường như hiện nay bằng cách nối thêm 6km từ các trại chăn nuôi của ông Borel tới độ cao 400m. Con đường được Công sứ Wintrebert hoàn thành vào năm sau. Sau đó, ông này gợi ý nên xây dựng một khu nghỉ mát ở độ cao 800m, vị trí Trại Thanh niên hiện nay. Nhưng chính quyền bảo hộ vẫn không chịu cấp kinh phí để xây dựng khu nghỉ mát Ba Vì vì những lý do nêu trên, do đó con đường được giữ nguyên như vậy cho tới năm 1937. Vào năm này, tại độ cao 400m chỉ có 4 biệt thự ngoài biệt thự của ông Borel có từ trước, nay có thêm biệt thự của Tòa Công sứ Sơn Tây, của ông Demolle (1929) và của bác sĩ Joyeux (1935). Từ năm 1935-1939, khu nghỉ mát nhỏ bé này phát triển thêm một khách sạn 12 phòng và 12 biệt thự nữa.
Năm 1942, khu vực này được cấp điện chiếu sáng và một đường dây điện thoại. Nhưng việc dẫn nước chưa thực hiện được do thiếu vật tư cần thiết. Ngay lập tức, người ta cho lập một đồ án quy hoạch khu nghỉ mát, theo đó sẽ có 1 trạm bưu điện, 1 chợ và 1 sân thể thao. Một tuyến đường mới xuất phát từ khách sạn và kết thúc tại con đường hiện nay, xuyên qua "đồng cỏ Borel", sẽ khai thông cho các xe có trọng tải lớn tới thẳng khu nghỉ.
Mặc dù ở độ cao khá thấp chỉ 400m, phải cạnh tranh với khu nghỉ mát kế bên cao 1.000m, và đang phát triển rất chậm do thiếu điện, nước, điện thoại, dịch vụ giao thông... - những thứ không thể thiếu đối với một khu nghỉ mát. Trên thực tế, khu nghỉ mát Ba Vì nằm trên những chỏm tròn đầy gió và không có sương mù vây hãm. Ở đây, người ta không cảm thấy những cú đau xé vì độ cao nhưng nhiệt độ hạ đáng kể vào ban đêm giúp ta dễ dàng chìm vào giấc ngủ êm ái. Khu nghỉ có những khách tin cẩn và vô tư tới tìm sự yên tĩnh mà không cần quá cầu kỳ.
Trung tâm nghỉ mát của quân đội
Bắt đầu từ năm 1937, núi Ba Vì ghi nhận thêm một sự phát triển mới với việc xây dựng Trung tâm nghỉ mát của quân đội ở chỏm phía Bắc, tại độ cao 600m.
Ban đầu, giới chức quân sự tìm một lối đi riêng xuất phát từ sông Đà tới chỏm đó. Nhưng những khó khăn trong việc thi công như: Địa hình phức tạp và khí hậu tại khu vực này không mấy trong lành khiến họ phải từ bỏ dự án và chuyển sang làm tiếp vào con đường có điểm cuối ở độ cao 400m. Con đường này do đại úy Lagarrigue và đại đội lính Lê dương của ông ta xây dựng từ tháng 5.1937 tới tháng 3.1938 thì hoàn thành. Tính đến năm 1944, trung tâm nghỉ mát này gồm có 15 ngôi nhà kiên cố và 2 nhà ăn, chuyên tiếp nhận các đơn vị quân đội Châu Âu. Bất chấp những khó khăn hiện nay, các công trình xây dựng vẫn được triển khai.
Trại Thanh niên
Năm 1937, ông Regimbaud - chủ khách sạn Tông, xây dựng một nhà sàn nhỏ làm nơi nghỉ hè ở giữa rừng tại độ cao 600m trên sườn bắc và trồng thử các loại rau màu, cây trái.
Vào mùa hè năm 1940, khoảng 60 thiếu niên Pháp và An Nam, dưới sự hướng dẫn của ông R.P.Seitz, tới cắm trại trong rừng ở độ cao 800m trên sườn bắc, tại "cao nguyên Rimbaud”. Đó chính là nguồn gốc của Trại Thanh niên ngày nay. Năm 1941, tại đây, ông Seitz đã cho xây dựng 2 ngôi nhà, trong đó một ngôi dài tới 30m. Năm 1942, với sự giúp đỡ của chính quyền, 3 ngôi nhà mới nữa được dựng lên. Được thiết kế để tiếp nhận 400 thiếu niên, trại này nằm ở sườn bắc, trải dài từ đông sang tây trên diện tích khoảng 10 hécta. Trại có 2 căn nhà lớn (nhà ăn tập thể và nhà ngủ), hàng chục căn nhà gỗ nhỏ kiểu Kanak, 1 nhà lớn dành cho phòng làm việc và phòng quản trị, các khu nhà phụ trợ (xưởng giặt, xưởng cơ khí, cửa hàng...), 1 nhà bếp rộng rãi có quầy bán bánh mỳ, 1 tòa nhà nhỏ và 1 nhà thờ với những hàng ghế đơn giản. Giữa nhà thờ và ngôi nhà chính nằm bên đỉnh bắc có sân khá rộng. Vào ban đêm, khối núi hùng vĩ này gây ấn tượng mạnh trong ánh lửa trại.
Khu vực này chỉ đủ chỗ để xây dựng các công trình cần thiết của Trại Thanh niên. Chỉ có nhà bếp được đánh giá là “đầy đủ tiện nghi”. Các nơi khác đều đòi hỏi sự nỗ lực của các trại viên. Dưới sự chỉ đạo của ông Seitz - một nhà giáo dục xuất sắc và nhiệt tình - với sự trợ giúp của các sĩ quan và tu sĩ tận tụy, khoảng 250 - 350 thiếu niên Pháp - An Nam bó mình trong những bài rèn luyện thân thể và kỷ luật tinh thần, những bài chỉ tạo ra những con người rắn chắc và lành mạnh trong suốt 2 tháng.
Con đường lên độ cao 1.000m được khởi công vào ngày 26.2.1942. 2km đầu lên tới độ cao 600m được hoàn thành sau 2 tháng thi công và cho phép lên tới Trại Thanh niên vào ngày 1.5. Các công trình khác tiếp tục được thực hiện sau khi hoàn thành việc nghiên cứu tuyến đường vào ngày 18.11.1942: Lô số 1 ở độ cao 1.000m hoàn thành ngày 23.4.1943. Hiện nay, con đường đã lên tới độ cao 500m của lô thứ 2. Tuyến đường dài 6km từ đường quân sự tới đỉnh đèo, đã được các tù nhân thi công dưới sự giám sát của 2 thanh tra lính cơ là Méchard và Grimaud. Ông Grimaud, vốn là thành phần ưu tú, chết vì lao lực vào tháng 1.1944. Cần phải san phẳng những khối đá lớn, xây một bức tường chống sạt lở dài khoảng 200m. Tuyến đường này có 3 chỗ chỗ ngoặt, độ nghiêng không quá 10%.
Đúng như tên gọi, núi Ba Vì có ba đỉnh: Dãy núi chạy theo hướng tây bắc-đông nam dạng vòng cung có mặt lồi hướng về phía tây nam. Đỉnh cao nhất là đỉnh đông nam: 1.284m. Đỉnh giữa: 1.160m và đỉnh tây bắc: 1.140m.
Tiềm năng của khu nghỉ mát mới này là gì? Nó mang lại lợi ích gì khác so với những khu ra đời sớm hơn như Sa Pa, Tam Đảo?
Nước
Từ 20 năm nay, nhiều người cho rằng Ba Vì không thể là một khu nghỉ mát vì không có nước. Điều này đã được khẳng định trong các công văn trao đổi chính thức cách đây 15 năm. Đúng là ở Ba Vì không có những thác nước lớn như ở Tam Đảo. Tuy nhiên, thác nước đầu tiên được phát hiện ở trên đỉnh khi người ta tiến hành thám sát bằng máy bay. Nhưng thác này lại đổ xuống sườn phía sông Đà và đường dẫn tới dòng thác lại không mấy thuận lợi. Điều chứng minh cho khẳng định này chính là tại cao nguyên tọa lạc ở lô số 1, lô dễ vào và dễ khai thác nhất, quả thực không có một con suối nào. Nhưng những cuộc thăm dò thực hiện trong năm 1942 từ đỉnh Giữa tới đỉnh nam, tại khu vực lô thứ 2, người ta phát hiện thấy các nguồn nước đủ cung ứng cho nhu cầu hàng ngày của 4.000 người. Những nguồn nước này cách lô số 1 khoảng 1,5km. Do đó có thể dẫn nước về lô này. Hệ thống dẫn nước hiện đang được thi công.
Diện tích sử dụng được còn lớn hơn ở Tam Đảo
Ngay cả khi phát triển hết cỡ, khu nghỉ mát Ba Vì cũng không thể so được với Sa Pa. Nó sẽ phát triển theo chiều dài và khi phát triển hết mức cũng chỉ được 4km. Nhưng khu này sẽ lớn hơn khu Tam Đảo và có thể chứa được số biệt thự nhiều gấp đôi Tam Đảo. Chỉ riêng lô số 1 đã có số biệt thự bằng một nửa con số biệt thự của Tam Đảo (có khoảng 50 lô trong đó lô nhỏ nhất có diện tích 1.200m2, Tam Đảo hiện nay có 105 biệt thự).
Tại độ cao 600m cũng có thể xây dựng được nhiều lô nữa đến mức mà người ta có thể nói về nhiều khu nghỉ mát tại Ba Vì.
Những thông số khí hậu thu thập trong 2 năm qua cho phép khẳng định Ba Vì không ẩm ướt như Tam Đảo. Đường phân thủy luôn luôn thông thoáng gió và không có sương mù vào mùa hè. Nhiệt độ thấp nhất và cao nhất tại khu vực này là 17,8oC và 29,6oC. Về mưa, vũ lượng ở đây bằng vũ lượng ở Sơn Tây.
Khu nghỉ mát Ba Vì sẽ được nhiều người quan tâm hơn do gần Hà Nội và dễ tới hơn so với những khu khác. Chẳng cần vượt cầu Doumer (nay là cầu Long Biên) hay cầu Rapides (cầu Đuống). Quãng đường chỉ có 65km (40km từ Hà Nội tới Sơn Tây, 19km từ Sơn Tây tới độ cao 400 và 6km từ độ cao 400 tới độ cao 1.000 rồi tới đỉnh đèo), trong đó có 11km đường đèo.
Khu đồng bằng dưới chân núi chính là nơi cung cấp thực phẩm. Sơn Tây - Tông là một khu dân cư quan trọng, điểm dân cư có số lượng người Âu xếp thứ 2 hiện nay ở Bắc Kỳ. Ở Tông có một khách sạn kiểu Âu. Việc cung ứng bơ sữa do trang trại của ông Michaud đảm nhiệm.
Hơn mọi nơi khác, Ba Vì là xứ sở của trẻ em. Chúng tôi đã nói qua về Trại Thanh niên, nơi chỉ nhận trẻ lớn nhất là 10 tuổi. Hiện nay, các em nhỏ tuổi hơn ở trong biệt thự Borel tại độ cao 400 dưới sự quản lý của các nữ tu Dòng Đức Mẹ. Cơ sở này được đưa ra thử nghiệm lần đầu tiên vào mùa hè năm 1942 và được chứng minh là rất cần thiết. Số trẻ em tới đây tăng từ 40 trẻ vào năm 1942 lên 70 trẻ vào năm 1943. Cũng vào năm đó, một con số tương đương như vậy đã bị từ chối vì không còn chỗ. Tại đây chỉ tiếp nhận trẻ em Pháp từ 5 đến 10 tuổi. Vào mùa hè năm 1944, ở độ cao 600 trên "Cao nguyên Regimbaud", một nhà trẻ với sức chứa 100 trẻ đang được xây dựng. Với 7 tòa nhà (3 nhà nghỉ, nhà ăn, bếp, bệnh xá, nhà sinh hoạt cộng đồng), nhà trẻ này được trang bị đầy đủ các tiện nghi thiết yếu nhằm giảm bớt căng thẳng cho các nữ tu. Liên minh Quân đoàn Chiến binh địa phương đã hỗ trợ rất hiệu quả cho những công trình này.
Ba Vì lôi cuốn các em bởi sự huyền bí. Đây là địa điểm lý tưởng cho những cuộc "thám hiểm"; đường mòn hầu như không có. Ai sẽ là người đầu tiên tìm ra Hồ Gấu (Lac-aux-Ours) và khe đá có dầu? Thật khó mà tin rằng cả bọn trẻ dưới 10 tuổi cũng đủ sức thực hiện những chuyến vui chơi mạo hiểm như vậy. Nhưng núi rừng chở che cho chúng.
Như vậy, Ba Vì đang có một đồ án quy hoạch chắc chắn đầy đủ cho nhiều năm. Những khó khăn về giao thông, đang ngày càng trở nên tồi tệ, đã cản trở việc xây dựng của tư nhân và chính quyền. Khi điều kiện cho phép, việc phát triển các khu nghỉ mát này sẽ được thực hiện một cách trình tự và có phương pháp theo đồ án sẵn có. Không tránh khỏi một chút ngoan cố không mấy chính đáng và sự ngờ vực cố hữu của những lợi ích cá nhân - không hòa hợp với lợi ích chung hay đồ án thiết lập từ trước.
Trình tự các sự việc phản ánh trình tự trong tư tưởng. Sự tồn tại của trình tự này không gây ít kinh ngạc theo cách nói của Charles Maurras và chúng ta phải mang ơn Ngài Đô đốc - Toàn quyền vì đã cho chúng ta khái niệm rõ ràng về trình tự này.
Hoàng Hằng - Minh Phúc
(Lao Động)
- Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050
- [Phim tài liệu] Châm cứu sinh thái: Biến đổi Kiến trúc và Đô thị ở Châu Á
- Phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh: Vẫn khó di dời nhà ven kênh rạch
- Quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao
- Phát triển đô thị thông minh: Cần đặt ra đầu bài rõ ràng
- Thành phố Cần Thơ sẽ là thành phố sông nước đáng sống
- TPHCM: tái tổ chức không gian, phân bổ lại dân cư để phát triển
- Phát triển đô thị: Từ bất cập luẩn quẩn đến cơ hội bứt phá
- TPHCM trên đường cụ thể hóa giấc mơ "thành phố phía Đông"
- Quản lý đầu tư phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu