Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Playa Vista - 10 năm cho một đô thị

Playa Vista - 10 năm cho một đô thị

Viết email In

Los Angeles, bang California (Mỹ), nhìn từ máy bay như lọt giữa một bàn cờ khổng lồ với những ô vuông tít tắp, thỉnh thoảng lại chọc lên trời với các downtown gồm vài cao ốc. Cái cảm giác đơn điệu và mệt mỏi của thành phố rộng lớn với 10 triệu dân này làm du khách như mất phương hướng. Nhưng khi đến thăm thành phố vệ tinh Playa Vista cách Los Angeles vài chục kilomet, cảm giác mệt mỏi ấy như mất hẳn bởi thiên nhiên phong phú, những quảng trường, những khu nhà thấp thoáng trong cây xanh và sự hiền hòa thơ mộng của nó...



Playa Vista được xem là chuẩn mực về môi trường sống và là một đô thị trên cánh đồng kiểu mẫu của Mỹ, bởi nó đã cống hiến cho cư dân ở đây sự độc lập và nhạy cảm về sinh thái cho người đi bộ, nó chống lại tiếng ồn và ô nhiễm do các phương tiện giao thông cá nhân gây ra vốn đang làm Los Angeles lên cơn sốt, và nhất là nó hài hòa giữa quyền lợi của chính quyền, nhà đầu tư và các thành phần cư dân tại chỗ, khi bắt đầu được qui hoạch vào năm 1989 và hoàn thành 10 năm sau đó.

Playa Vista nằm ở vị trí gần sân bay Howard và khu công nghiệp giữa Venice và Marina Del Rey. Khi qui hoạch thành phố mới này, các nhà thiết kế đô thị hẳn đã đứng trước nhiều vấn đề khó khăn thậm chí là nan giải về kinh tế - xã hội: dân cư hỗn độn bao gồm nhiều thành phần khác nhau, tính cục bộ địa phương thể hiện qua các ranh giới hành chánh, những mâu thuẫn về lợi ích của của đa số người nghèo và một thiểu nông gia nhiều quyền lợi, các ông chủ giàu có nắm giữ các khu thương mại lớn...



Như nhiều vùng khác của California, những cư dân mới đã làm xáo trộn cấu trúc xã hội hiện tại, tình trạng nghèo khổ trầm trọng hơn do hậu quả của hai cuộc suy thoái kinh tế. Những thực tế trên đã khiến sự gắn bó về mặt xã hội của đông đảo cư dân bị sút giảm.

Mức độ tham gia của người dân vào công việc chung của đô thị là rất khác nhau giữa các thành phố của Mỹ. Tại một vài thành phố, sự tham gia đó phát triển tốt, nhưng trong một số trường hợp khác nó được che giấu dưới cái bề ngoài của một hệ thống đại diện dân chủ mang tính hình thức và ít đại diện nhất cho quyền lợi của số đông.

Sự diễn đạt các quyền lợi của người dân với những nhu cầu, ý nguyện của họ, đặc biệt liên quan đến các vấn đề tác động đến đời sống hằng ngày và đến chất lượng của môi trường tại địa phương là hạn hẹp. Chính quyền trong trường hợp này thường xa lạ với người dân. Chính vì thế, công việc đầu tiên trong qui hoạch đô thị là phải xác định đó là công việc của người dân chứ không phải chỉ là của một nhóm chuyên gia qui hoạch hay của những người đại diện dân một cách hình thức.

Nghĩa là đưa công việc qui hoạch đô thị tiếp cận hơn với người dân. Những cải tiến nhằm thúc đẩy sự tham gia của người dân được đưa ra và tiến hành ngay từ cấp thấp nhất. Đó không chỉ là huy động sự tham gia tích cực của người dân mà thực chất là trao quyền quyết định cho người dân vào công việc chung của đô thị, cụ thể là về qui hoạch.



Chính quyền địa phương và các nhà qui hoạch đã ý thức đặc biệt đến các nhóm người có thu nhập thấp, những người chịu thiệt thòi nhất trong xã hội bởi vì họ không có tiếng nói riêng của họ. Các chính sách được hoạch định có ưu tiên nhắm đến nhu cầu của những đối tượng ấy, tầng lớp ấy trong xã hội. Playa Vista đã đi theo hướng này.

Ở những giai đoạn khác nhau, chính quyền đã mời những nhóm cộng đồng dân cư khác nhau tham gia và có ý kiến, thậm chí cả những nhóm đã từng chống đối kế hoạch qui hoạch thành phố trước đây. Mỗi nhóm đều có những mối quan tâm riêng song cũng đều đồng ý với nhau về những điều cơ bản về qui hoạch. Những phiên họp như thế cũng giúp cho những bận tâm của người dân được giải quyết nhanh và trực tiếp ngay từ đầu khi bắt đầu dự án.

Bằng việc "xã hội hóa" này, trong kế hoạch Playa Vista, các nhà thiết kế đô thị tương lai đã xác định xây dựng một cộng đồng cân bằng giữa những tòa nhà từ thấp đến trung tầng, tập trung trọng tâm vào việc cung cấp một khu vực công cộng lớn giống như nhiều thành phố và thị trấn được ngưỡng mộ nhất miền nam California, sử dụng một hệ thống cấp bậc đường phố rõ ràng và những kiểu không gian mở để hình thành những khu lân cận của nó. 



Thành phố cung cấp nhiều sự lựa chọn cho di chuyển bên trong và ngoài cộng đồng. Những con đường được thiết kế an toàn cho cả người đi bộ lẫn xe hơi, những phương tiện vận tải công cộng tuyến đường ngắn bên trong và nối mạng với hệ thống vùng.

Ngoài những quận đặc biệt như khu văn phòng, trung tâm đô thị và bến cảng, những khu hỗn hợp như thương mại, giải trí văn hóa, giáo dục và hành chính, mỗi khu dân cư được thiết kế có bản sắc riêng, có những khoảng cách đi bộ thoải mái...

Hơn nửa diện tích đất của Playa Vista là bao cảnh xung quanh với các không gian mở khác nhau như công viên chính và sân chơi, những quảng trường và đường dành cho xe đạp và đi bộ, một dốc đứng bảo tồn khu đầm lầy và hành lang ven sông sử dụng như những vành đai xanh của cộng đồng.

Đến nay nó đã xây dựng gần xong, đáp ứng nhiều yêu cầu cho một thành phố hiện đại nhưng không tốn kém, đồ sộ, cảnh quan lại thơ mộng, hiền hòa, nhiều thành phần khác nhau sống hòa hợp trong một môi trường an toàn và không ô nhiễm.



Chuyến thăm Playa Vista gợi lên trong tôi một suy nghĩ: liệu Việt Nam có thể xây dựng được những thành phố như vậy? Thời gian đang trôi qua còn chúng ta lại vẫn cứ loay hoay với bao vấn đề vụn vặt như định hướng cục bộ, sự phân chia ranh giới hành chính và các ngành các cấp trong lĩnh vực qui hoạch. 

Trong thế kỷ 21, dự báo có 2/3 dân số sẽ sống ở đô thị. Điều đó cũng có nghĩa là trong 10 năm tới, khoảng 50 triệu người Việt Nam sẽ sống trong đô thị. Sự dịch chuyển từ nông thôn lên thành thị là tất yếu, và làn sóng di dân này sẽ đẩy các thành phố lớn đứng trước nguy cơ quá tải, ách tắc và rối loạn.

Nếu ngay bây giờ ta không xây dựng thêm các thành phố mới ở các địa phương, hay hiện đại hóa nông thôn với các đô thị vừa và nhỏ, phân bố công việc kiếm sống đồng đều cho mọi vùng đô thị tùy theo địa lý kinh tế từng vùng, thì tương lai thế hệ tiếp nối sẽ gánh lấy hậu quả không sao bù đắp nổi do sự chậm trễ hôm nay của chúng ta.

Hiện nay, những thành phố chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật có các dịch vụ đô thị đi kèm đang dần chiếm ưu thế. Một số nước đã chuyển từ đại đô thị (big city) sang phát triển vùng đô thị (urban area) với nhiều thành phố vệ tinh đơn chức năng hay đa chức năng có qui mô vừa và nhỏ được nối kết trong một không gian rộng lớn.

Tương tự như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, nếu không nhìn thấy trước và có kế hoạch ngay từ bây giờ thì nguồn lực phát triển của Nhà nước và của dân sẽ cứ bị đổ dồn mãi cho đền bù, giải tỏa, tái định cư manh mún và lan tỏa mãi... Đường cứ mở rộng mãi, nhưng sẽ không bao giờ đủ rộng, lập thêm nhiều quận mới nhưng sẽ không bao giờ đủ đất.

Thời gian không chờ đợi và sự mong muốn đột phá trong qui hoạch và quản lý đô thị của người dân đang ngày càng trở nên cấp bách. Trung Quốc đã đề ra kế hoạch trong 15 năm tới các thành phố vừa và nhỏ sẽ tăng từ 48 lên 400, các đô thị rất nhỏ ở nông thôn 20.000-50.000 dân sẽ tăng từ 205 lên 2.126 (mỗi năm có 23 triệu người dân nông thôn đổ về đô thị). Âu đó cũng là một thông tin thúc ép để Việt Nam có kế hoạch ngay từ bây giờ.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng - "Lang Thang Phố Thị" (ảnh minh họa: Ashui.com)

>> Quy hoạch phát triển các Business Park: Mô hình tất yếu cho đô thị hiện đại 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo