Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Bảo tồn di tích Kiến trúc thuộc khu vực lịch sử trong quá trình phát triển đô thị

Bảo tồn di tích Kiến trúc thuộc khu vực lịch sử trong quá trình phát triển đô thị

Viết email In

Từ nửa sau thế kỷ XIX, cùng với những tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử nghệ thuật và khoa học khảo cổ, hoạt động bảo tồn đạt đến bước ngoặt căn bản sau một thời gian dài được tiến hành hầu như không theo một cơ sở khoa học nào cả kể từ thời kỳ Phục Hưng.

1. TIẾN TRÌNH MỞ RÔNG KHÁI NIỆM DI TÍCH CÓ GIÁ TRỊ BẢO TỒN

Viollet le Duc, nhà lãnh đạo của phong trào Duy lý lãng mạn ở Pháp, là người xây dựng cơ sở phương pháp luận vững chắc cho hoạt động mà trước đó vốn chỉ dựa vào những sáng kiến cá nhân không vững vàng, biến thứ lao động hỗn loạn và thiếu khoa học thành một ngành khoa học thực sự: khoa học Trùng tu.


Phố Tràng Tiền, Hà Nội (nguồn: hpgrumpe.de)

Quá trình phát triển liên tục của khoa học Trùng tu - Bảo tồn, được kiểm chứng qua hàng loạt các thành tựu lý thuyết lẫn thực tiễn, đã làm hình thành nên những nguyên tắc có tính chất kinh điển - được đúc kết qua Hiến chương Athens năm 1931, và Venice năm 1964.

Tuy nhiên, từ những năm 1970, việc định nghĩa và nhận dạng di tích, đặc biệt là ở phạm vi đô thị, đã được xem xét bằng những tiêu chí rộng mở hơn. Giá trị di tích không còn đóng khung trong những chuẩn mực lịch sử và nghệ thuật chính thống mang tính hàn lâm. Khái niệm di tích bắt đầu được nhìn nhận trên một góc độ nhận thức toàn diện, vượt ra khỏi giới hạn của những sản phẩm mỹ thuật hay lịch sử đơn lẻ để tích tụ thêm hàng loạt các yếu tố mới, vốn “được nhận dạng từ những hình thái và chức năng mà đô thị được thừa hưởng từ quá khứ, đóng vai trò làm chỗ dựa cho cuộc sống hàng ngày và cho toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội của môt đô thị đương đại” (Hội thảo Quốc tế Québec năm 1991)

Từ đây, trong tập hợp các đối tượng được thừa nhận là di sản đã xuất hiện thêm một thực thể mới, chúng ta đang đề cập đến khái niệm khu vực lịch sử (historic district). Đó là những khu vực vẫn còn lưu giữ được sự tập trung, liên kết và tiếp nối có ý nghĩa của các hình thái, cơ cấu và công trình đô thị có giá trị nghệ thuật, hoặc được hợp nhất bởi các biến cố quá khứ có giá trị lịch sử.

Giá trị của một khu vực lịch sử phụ thuộc vào mức độ tập hợp các công trình, không gian, khoảng trống, vật thể, đường phô... phản ánh được sự nguyên vẹn về vị trí, phong cách, vật liệu, phương pháp xây dựng và mối liên hê với bối cảnh xã hội, khung cảnh lịch sử của quá khứ đô thị. Tất cả các yếu tố này đan xen và phối hợp để tạo nên một quần thể có giá trị bảo tồn.

Với cách nhìn nhận như vậy, nội dung bảo tồn các khu vực lịch sử không chỉ dừng lại ở từng công trình hay tập hợp công trình, mà còn phải gìn giữ trạng thái nối kết của nó: “Viên ngọc có giá trị, một xâu chuỗi ngọc cũng có giá trị, và giá trị này vượt quá giá trị của từng viên ngọc tạo nên nó”.


2. PHƯƠNG PHÁP LUẬN MỚI CHO PHƯƠNG THỨC BẢO TỒN VỚI KHÁI NIỆM DI TÍCH MỞ RỘNG

Với khái niệm di tích mở rộng, phương thức bảo tồn khó có thể đóng khung trong một quá trình hoàn chỉnh và thuần nhất như phương pháp luận truyền thống. Việc những gì được công nhận là di tích và những ai là người tham dự vào quá trình bảo tồn di tích trong bối cảnh đô thị phát triển đã mở ra một tình thế hoàn toàn mới.

Phương thức bảo tồn công trình theo kiểu “hiện vật bảo tàng”, dù có tạo cảm giác liền lạc với quá khứ tới đâu đi nữa, vẫn có xu hướng cô lập công trình trong thế giới thời gian đóng băng. Nó làm cho di tích vừa tách biệt với cuộc sống thực tại, vừa xa lạ với chính cả bối cảnh lịch sử mà chúng từng tồn tại, điều vốn từ rất lâu đã vĩnh viễn lùi hẳn về quá khứ.

  • Ảnh bên : thành phố Mardin, Thổ Nhĩ Kỳ

Để đáp ứng linh họat và khả thi hơn, người ta bắt đầu chấp nhận hoạt động bảo tồn tại các khu vực lịch sử đô thị, có thể là một tiến trình đứt đoạn và ngắt quãng. Tiến trình này cho phép có sự phối hợp đồng bộ và nhuần nhuyễn những cấp độ thực hiện khác nhau về bản chất.

Chúng ta đang đề cập đến phương thức bảo tồn dưới dạng Hồi phục (rehabilitation). Đây là một quá trình hai mặt. Một mặt bảo vệ những yếu tố có ý nghĩa lịch sử, kiến trúc và văn hóa. Mặt khác cho phép điều chỉnh cấu trúc công trình ở một mức độ nhất định để xác lập cho công trình chức năng mới, phù hợp với quy mô và bản chất mà nó đã từng có trong quá khứ, tạo điều kiện cho chức năng đó hòa nhập vào cơ cấu chức năng hoàn chỉnh của đô thị đương đại.

Về phương pháp luận, có thể xem Hồi phục là phương thức lý giải một cách uyển chuyển mối liên hệ bảo tồn và phát triển. Thông qua tiến trình này, di tích có khả năng hội nhập một cách tự nhiên với môi trường đô thị phát triển. Các giá trị vật chất của nó được điều chỉnh tương thích với biểu hiện đa sắc mà sự năng động của xã hội đô thị hiện đại tạo ra.

Để có thể mau chóng hoàn trả công năng sử dụng cho công trình, đồng thời duy trì được sinh họat đô thị trong thời gian hồi phục, người ta thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo một tiến trình ngắt quãng, phân đoạn. Trong đó đan xen linh hoạt nhiều cấp độ kỹ thuật khác nhau về quy mô và tính chất (bảo tồn nguyên trạng, trùng tu, tái tạo, cải tạo tái sử dụng thích nghi (adaptive reuse)...

Với mục tiêu đảm bảo cho việc xử trí một thực thể sống của đô thị với các biện pháp kỹ thuật đa dạng như vậy không bị rơi vào trạng thái hỗn loạn, cần thiết phải xác lập được nguyên tắc định hướng phù hợp.

Để xác định định hướng trong quá trình hồi phục một khu vực lịch sử, các bước đánh giá đối tượng di tích mở rộng này có những bước phát triển hơn so với cách đánh giá một đối tượng di tích riêng lẻ.

Đánh giá tiềm lực phát triển, dự báo các nhu cầu xã hội để xác định chức năng mới cho từng công trình, từng cụm công trình trong tổng thể khu vực lịch sử.

Đánh giá hiện trạng kỹ thuật, khả năng duy trì của công trình dựa theo các tiêu chuẩn thiết kế - xây dựng đương đại để xác định mức độ sử dụng hợp lý so với quy mô, công năng gốc và công năng sử dụng mới của nó.

Thiết lập tiêu chí để phân loại và đánh giá ý nghĩa nhiều mặt của công trình.


Downtown của thành phố San Francisco

Chúng tôi thử minh họa cụ thể hơn qua hệ thống tiêu chí phân loại và đánh giá di tích thuộc khu vực lịch sử (downtown) của thành phố San Francisco, Hoa Kỳ. Xin lưu ý rằng các tiêu chí nêu trên đều được thiết lập cùng với thang điểm cụ thể. Vì vậy mà việc phân loại và đánh giá di tích có thể được tiến hành một cách khách quan và được hệ thống hóa một cách có phương pháp luận.

Trong bối cảnh hoạt động bảo tồn không còn là một lĩnh vực khu biệt của một số ít chuyên gia, việc phổ biến rộng rãi các biểu kiểm kê và đánh giá di tích cho công chúng có thể được xem là con đường ngắn nhất giúp họ nhận thức được giá trị của khu vực lịch sử. Đó là phương thức hàn gắn mối quan hệ gắn bó đang có nguy cơ biến mất giữa con người với môi trường sống của chính họ.

Mặt khác, khi công tác bảo tồn trở thành một bộ phận của hoạt động quy hoạch đô thị thì bảng đánh giá di tích chính là một công cụ quản lý kiến trúc đô thị có hiệu quả. Công cụ này có tác dụng ngăn ngừa và giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của những dự án đầu tư xây dựng đối với môi trường. Đây là cơ sở cho một quy chế phát triển đô thị có thái độ tôn trọng hơn đối với hiện trạng đô thị và những nguồn tài nguyên lịch sử.

ThS.KTS Phạm Phú Cường - ảnh : Ashui.com (st)

>> Di sản đô thị: Xung đột giữa phát triển và bảo tồn 

[ Chuyên đề : Bảo tồn di tích

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo