Đi lên từ tỉnh thuần nông, đến nay, Bình Dương là một trong những tỉnh dẫn đầu về phát triển công nghiệp và đô thị trên cả nước. Bình Dương có 34 khu công nghiệp (KCN) được phê duyệt, với tổng diện tích quy hoạch 14.790 ha, đã có 27 KCN đi vào hoạt động, tổng diện tích 10.962 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 87,4%. Đô thị phát triển mạnh, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh lên đến 84%, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được chú trọng đầu tư.
Công nghiệp là nền tảng cho đô thị phát triển
Sau Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) và vận dụng các cơ chế mới sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, tỉnh Sông Bé đã quy hoạch 15 KCN, với tổng diện tích trên 6.000 ha. Sau khi tách tỉnh vào tháng 01/1997, Bình Dương còn 13 KCN, với tổng diện tích 4.033 ha. KCN Sóng Thần 1 là KCN đầu tiên của Bình Dương được thành lập, với diện tích trên 180 ha vào năm 1995.
Bình quân 1 KCN ở Bình Dương rộng khoảng 438 ha/khu, trong đó KCN Bàu Bàng có diện tích lớn nhất 1.998 ha, nhỏ nhất là KCN Bình Đường rộng 16,5 ha. So với cả nước, Bình Dương chiếm 9% về số lượng và 13% về diện tích KCN.
Bình Dương không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư hạ tầng KCN, mà huy động nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, trong đó khu vực kinh tế có vốn Nhà nước là chủ yếu.
Với chính sách ưu đãi, điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng và thủ tục hành chính công khai, minh bạch, các KCN của Bình Dương thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa Bình Dương trở thành tỉnh công nghiệp.
Theo Ban quản lý KCN tỉnh Bình Dương, công nghiệp phát triển đã giải quyết việc làm mới cho hơn 20.000 lao động, nâng số lao động đang làm việc trong các KCN trên 482.000 lao động, chiếm 40% tổng số lao động toàn tỉnh. Trong đó, lao động ngoài tỉnh chiếm trên 90%.
Thách thức trong phát triển đô thị
Từ nền tảng phát triển KCN kéo theo sự phát triển đô thị, đến nay, Bình Dương có tỷ lệ đô thị hóa rất cao (84%). Cả tỉnh có 4 thành phố trực thuộc gồm: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, 1 thị xã Bến Cát với 1 đô thị loại I (Thủ Dầu Một), 1 đô thị loại II (Dĩ An), 3 đô thị loại III (Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên) và 5 đô thị loại V thuộc huyện (gồm thị trấn: Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành, Tân Bình).
Mặc dù có tỷ lệ đô thị hóa khá cao nhưng Bình Dương vẫn đặt mục tiêu quản lý quá trình đô thị theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng đô thị. Các đô thị giữ vai trò chủ động trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đổi mới sáng tạo trong quản lý đô thị, môi trường sống lành mạnh, thân thiện, có bản sắc riêng. Mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại, là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI (10/2020) xác định: “Phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, ổn định tốc độ tăng trưởng và giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; hình thành KCN - đô thị khoa học công nghệ”.
Đô thị thông minh với trung tâm hành chính tập trung giúp giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, gọn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tổ chức và người dân.
Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn 2030, phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Bình Dương đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN; đồng thời, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Đại học Thủ Dầu Một cho biết, thành tựu rất quan trọng của Bình Dương trong thực hiện mục tiêu đô thị hóa gắn với hiện đại hóa là xây dựng thành phố thông minh: Binh Duong New city (thành phố mới Bình Dương). Bình Dương hợp tác với thành phố Eindhoven (Hà Lan) để triển khai ý tưởng phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng mô hình “3 nhà”, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - DN, trong đó Nhà nước giữ vai trò lãnh đạo, DN và các trường đại học nhận trách nhiệm trên mỗi lĩnh vực.
Mặc dù, trong quản lý phát triển đô thị, tỉnh đã chủ động phê duyệt các loại quy hoạch xây dựng, chương trình phát triển đô thị của tỉnh và các đô thị trực thuộc; nhưng với tốc độ đô thị hóa cao, sự gia tăng dân số nhanh, đã ảnh hưởng đến khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị (đặc biệt khó khăn trong tạo lập quỹ đất sạch, để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình giáo dục, y tế, văn hóa).
Theo TS Trần Du Lịch (Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia), Bình Dương không thể tự đứng, đi một mình, mà muốn đi xa phải đi cùng nhau. Theo đó, cần có cơ chế liên kết vùng để tạo một cộng đồng phát triển năng động nhất của cả nước, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Bình Dương cần thực hiện ngay việc xây dựng, kết nối đường vành đai 3 và 4 với TP.HCM, đẩy nhanh xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tạo “đường băng” cho “cuộc đua” giúp Bình Dương tăng tốc phát triển.
Trong phát triển đô thị, Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo. Đến năm 2045, Bình Dương là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Hệ thống đô thị tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; môi trường và chất lượng sống tốt; có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; có kiến trúc đô thị tiên tiến, bản sắc…
Bình Dương phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 85%, đến năm 2030 đạt trên 85%. 100% các đô thị có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang; có chương trình, kế hoạch cải tạo chỉnh trang tái thiết và phát triển đô thị…
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh - Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết 6 giải pháp để phát triển đô thị theo hướng thông minh và đổi mới sáng tạo, gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị; Phát triển kinh tế khu vực đô thị, đổi mới cơ chế và đầu tư phát triển đô thị…
Cao Cường
(Báo Xây dựng)
- Phát triển bền vững quá trình đô thị hóa
- Quy hoạch các tỉnh: Nhiều địa phương muốn trở thành trung tâm, “hạt nhân” của vùng, quốc gia
- Phát triển đô thị biển bền vững
- Thiếu mảng xanh trầm trọng, TP.HCM tăng cường các dự án công viên và cây xanh công cộng
- Nâng cao chất lượng đô thị để phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ
- Cân bằng giữa phát triển đô thị và nông thôn
- Phát triển đô thị xa trung tâm: xu hướng và thách thức
- Đô thị thông minh: Mô hình nào cho TP.HCM?
- Đi tìm thành phố đáng sống
- Tăng cường năng lực quản lý dự án đầu tư công để phát triển thành phố có khả năng chống chịu