Ashui.com

Sunday
Nov 24th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Giao thông không gian trong đô thị văn minh

Giao thông không gian trong đô thị văn minh

Viết email In

Giao thông đô thị của các nước văn minh có điều kiện tách biệt được các dòng xe, trong đó đặc biệt dòng bộ hành được coi trọng. Hiện giao thông đô thị (GTĐT) nước ta là giao thông hỗn hợp các dòng xe lẫn khách bộ hành. Thực trạng này đang là một phức hợp giao thông, tích chứa tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT), gây bất ổn đến an sinh xã hội. Khi đời sống đất nước đi lên, người ta tăng dùng thang máy cho khách ở siêu thị, ở nhà cao tầng. Việc xây gara cao tầng cho ô tô, xe máy đang dần dần khởi sắc ở đô thị lớn. Đồng thời, đô thị lớn có đường giao thông ngầm, có đường sắt và đường bộ đi trên cao tách biệt các luồng, chiều, hướng, tuyến không gian. Giao thông không gian trở thành thước đo và tiêu chí vươn lên của đô thị hiện đại, văn minh. Theo đó, cần bổ sung dần kiến trúc cầu, đường trên cao.


Một ngã tư ở thủ đô Berlin (CHLB Đức) 

Ngày nay, quy hoạch đô thị hợp lý, về cơ bản, người ta rút ra quỹ thời gian của cư dân sử dụng vào đi  bộ sẽ gần bằng với quỹ thời gian sử dụng để đi bằng phương tiện cơ giới (xe tư nhân hoặc xe công cộng). Người ta có xu hướng khuyến khích đi bộ, đi xe công cộng (buýt, tàu điện…), giảm phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy, xe đạp…). Bởi vậy, xu hướng làm cầu mới, đường mới tăng thêm cho bộ hành trong giao thông không gian đô thị ngày càng được chú trọng. Từ đó, có thể góp phần làm giảm TNGT từng bước ở đô thị.

Quy hoạch hợp lý chỗ để xe ô tô, xe máy ở đô thị là cấp thiết chung

Nếu khảo sát sơ bộ ở các đô thị lớn đông dân nước ta như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng…, ai cũng có thể thấy tình trạng vỉa hè tốt để đi bộ chỉ khoảng 30-40% ở các khu vực trung tâm. Vấn đề nóng bỏng hiện nay là sự gia tăng đột biến về số lượng phương tiện cơ giới về xe máy, xe con lưu hành ở các đô thị lớn trong vòng dăm năm qua; nhưng rất thiếu nơi đỗ, dừng, bãi đỗ xe, gara ngầm, gara tầng, trạm gửi xe (có dịch vụ sửa chữa sự cố hỏng xe). Từ đó, xe máy, xe con đỗ tràn lan, chiếm dụng vỉa hè, đường, ngõ, khiến thiếu diện tích hè, đường dành cho người đi bộ. Việc quy hoạch hợp lý, sát thực, quy định địa điểm đỗ xe máy tạm thời và lâu dài ở một số quận huyện trong thời gian qua có tiến bộ nhất định. Riêng về chỗ gửi xe máy ở một số tuyến phố có vỉa hè hẹp còn lúng túng do thiếu địa điểm quy hoạch sắp xếp chỗ gửi xe. Chúng tôi cho rằng đối với tiêu chí xây dựng đô thị văn minh thì cần khuyến khích cư dân đi bộ và sử dụng xe công cộng. Các đô thị văn minh là các đô thị có dịch vụ du lịch tốt, lắm khuyến mại, khuyến khích đi bộ, đi xe buýt để tăng thu hút khách du lịch từ các nơi đổ về, tăng nguồn thu nhập cho đô thị ấy một cách mau chóng.

Nay xe máy, xe con gia tăng quá mức trong đô thị. Nhưng nếu thiếu vắng chỗ đỗ gửi xe hợp lý, dẫn đến đỗ xe tùy tiện chiếm dụng vỉa hè, cản trở khách bộ hành và du khách lại là mặt trái của văn minh đô thị khiến cư dân phải đi bộ tràn ra cả lòng lề đường dễ gặp TNGT. Về quy hoạch nơi để ô tô, xe máy ở đô thị lớn, rất cần có sự bổ sung về cầu và đường dẫn hướng đến công trình cất giữ xe cơ giới. Trước mắt, nên có quy định bắt buộc đối với trụ sở cơ quan  cao tầng phải xây thêm nhà hầm cất giữ xe phù hợp. 

Việc khuyến khích “xã hội hóa” xây dựng địa điểm trông giữ xe nên phát triển nhanh để trả lại sự phong quang sạch đẹp cho môi trường đường phố ở đô thị cũ đông dân và đang phát triển mở rộng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Trả lại diện tích vỉa hè, bổ sung thoát nước, sơn vạch làn đường cho người đi bộ

Tại Hà Nội, qua điều tra sơ bộ, chúng ta thấy rất nhiều đường phố không có đủ vỉa hè  hoặc vỉa hè hẹp là phổ biến, chưa kể các vỉa hè bị chiếm dụng… Từ đó, người đi bộ phải đi dưới lòng đường, tạo ra sự hỗn độn với các dòng xe qua lại, dễ gặp TNGT. Tại một số tuyến phố, khi mở rộng lòng đường để tăng lưu thông cơ giới, đã xén bớt vỉa hè. Theo chúng tôi, nên kẻ thêm sơn vạch màu trắng nơi mép hè ra đường khoảng 0,8-1,2m dự phòng ở nơi người đi bộ có thể đi xuống lòng đường (trả bù diện tích hè cần) để tăng thêm ranh giới an toàn, dồn tạo hướng các phương tiện cơ giới đi tập trung vào giữa lòng đường nhiều hơn.

Gần 60% đường phố thủ đô, còn thiếu cống ngầm, rãnh thoát nước ở lề đường, chưa có tổ chức mặt bằng hè đường (bằng phẳng, ít dốc, ít giao cắt…) cho người khuyết tật đi xe lăn. Chúng tôi thấy cần làm ngay hệ cống rãnh này.

Tại khu vực trung tâm, tỷ lệ vỉa hè lát tốt (ít gồ ghề vấp ngã) chỉ đạt khoảng 40%. Còn lại, gần 10% số vỉa hè chật hẹp, gập ghềnh, vướng cột điện, cống rãnh hở…, thiếu tu bổ nên không thể đi lại được, khách bộ hành buộc phải đi xuống lòng đường. Gần 70% tuyến phố trung tâm chưa có công trình hạ tầng vỉa hè đảm bảo cho người khuyết tật dễ dàng đi lại.

Khu vực phố cổ hiện có gần 30% tuyến phố có vỉa hè nhỏ hẹp, bề mặt vỉa hè loang bẩn, khấp khểnh khiến khách bộ hành không thể đi được, buộc phải đi xuống lòng đường. Số vỉa hè bằng phẳng ở đây chỉ khoảng trên 10%. Gần 50% tuyến phố cổ do tuyến phố ngắn, lắm giao cắt, vỉa hè nhỏ hẹp khó đi lại, đang tồn tại nguy cơ gây nguy hiểm đến khách bộ hành. Đó là dễ vấp ngã ngay trên vỉa hè do cống rãnh hở, dễ va chạm xung đột với bờ mép hè đường khi viên bê tông bó vỉa cao thấp không vát cạnh…


Mạng lướí đường cao tốc chay ra bên ngoài Seoul men theo sông Hàn 

Khu vực lân cận khu phố cổ và ở quanh khu trung tâm Hà Nội, tình trạng vỉa hè bị vấy bẩn hoặc gây trở ngại cho khách bộ hành khoảng 60%.

Diện tích chỗ sang đường đủ rộng khoảng 15m2 cho 20 người chỉ chiếm khoảng 15% ở các địa điểm có nút giao thông ở thủ đô.

Các khu vực trung tâm, khu phố cổ, khu vực lân cận với 2 khu này, có hè đường nói chung khoảng 60% cần cải tạo hệ thống thoát nước kết hợp cải tạo mặt đường, vỉa hè, chỗ giáp ranh để tạo thuận tiện cho khách bộ hành và người khuyết tật đi lại có thể băng vượt qua cống rãnh, bờ mép hè.

Hà Nội dự kiến thực hiện dự án tăng năng lực cho người đi bộ, triển khai ngay trong năm 2007, khởi công vào giữa năm và hoàn thành dự án sau vài năm. Dự án nhằm tập trung cải thiện điều kiện đi lại cho khách bộ hành, người khuyết tật và xe đạp để hạn chế TNGT. Hướng triển khai trên một số tuyến phố như sau:

  • Các lòng phố nhỏ hơn 4m mà không có vỉa hè sẽ được vạch sơn giảm tốc với độ dài 100m để xe máy, xe đạp, người đi bộ có thể đi song hành và đảm bảo an toàn hơn trước.
  • Các tuyến phố rộng trên 4m, không có vỉa  hè sẽ được sơn vạch ở 2 bên lề đường một khoảng chừa ra rộng 1m về mỗi bên đủ tối thiểu cho khách bộ hành đi lại, ngừa xe máy đi lấn vào làn đường người đi bộ.
  • Ngoài ra, ở các nút giao thông, việc sơn kẻ lại cho rõ ràng, tăng thêm đèn tín hiệu và chiếu sáng là cần thiết để tránh xung đột va chạm xe cộ.

Dự án sẽ thực hiện trước mắt ở một số tuyến phố theo vốn đầu tư:

  • Một số tuyến ở khu phố cổ, tuyến Bờ Hồ - Phố Huế, đường Đại Cồ Việt, khu vực hành lang đường Giải Phóng.
  • Trục Tây Sơn - Tôn Đức Thắng, đường Nguyễn Trãi.

Theo chúng tôi cần bổ sung sơn vạch ở vị trí xét thấy cần tại những nơi đã xén vỉa hè (để trả bù diện tích hè) và tại nơi có hè cũ quá chật hẹp cần nới ra (ngoài việc sơn vạch làn đường cho khách bộ hành ở đoạn đường của dự án đề ra).


Đường Láng - Hoà Lạc (Hà Nội) 

Xây dựng cầu vượt, đường chui hoặc hầm bộ hành

Ở các nước có giao thông phát triển, việc xây dựng đồng bộ cầu vượt, đường chui hoặc hầm cho khách bộ hành đã trở nên thông dụng. Riêng ở nước ta, vấn đề giao cắt đường bộ trở nên bức bách. Đặc biệt là dòng khách bộ hành chưa được chú trọng đúng mức ở các đô thị lớn nên dễ có TNGT khi lưu thông hỗn hợp. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu vốn đầu tư dành cho dòng khách bộ hành ở đô thị lớn đông dân. Trong đô thị hóa, người ta chú trọng nhiều đến xây dựng nhà ở. Trong xây dựng các khu đô thị mới, người ta tập trung vào xây dựng chung cư, mà chưa chú ý tới hoạt động đi bộ của cư dân (thường chiếm 2-3 giờ bình quân môi ngày), dễ dẫn đến TNGT tiềm ẩn đang rình rập. Mục  tiêu xây dựng đô thị văn minh phải đảm bảo an sinh xã hội, trong đó giao thông đi bộ phải đảm bảo an toàn nhất rồi mới đến giao thông công cộng. ở các thành phố lớn, đi một quãng đường ngắn, nhiều người đã sử dụng xe máy. Họ cho rằng đi xe máy an toàn hơn đi bộ với lý do thiếu diện tích hè cho khách bộ hành và ngần ngại chuyện đi sang đường ở các đường phố nước ta. Điều đó khiến gia tăng phương tiện cá nhân nhiều lên (ngoài lý do về thiếu hụt số xe công cộng cần thiết đến các khu dân cư).

Việc hội  nhập chính thức vào WTO sẽ thôi thúc chúng ta phải đẩy nhanh xây dựng các cầu vượt, đường chui hoặc hầm bộ hành một cách thuận tiện ở các quận, huyện trong đô thị. Chính các công trình hạ tầng này sẽ là các công trình kiến trúc giao thông đẹp đẽ, điểm xuyết cho các tiểu khu trong đô thị. Chúng tôi cho rằng nên cho phép các tập đoàn, các công ty lớn được phép quảng cáo với thời hạn dài có thể góp vốn hoặc tự bỏ vốn đầu tư xây dựng cầu vượt bộ hành kết hợp cấu trúc khung dàn quảng cáo có sự kiểm duyệt của ngành văn hóa, sự kiểm định kết cấu của ngành GTVT sự quản lý, giám sát vị trí của TP, Quận, huyện sở tại. Hai bên đường chui và hầm bộ hành, nên tận dụng thu tiền quảng cáo panô bảng, biển, biểu tượng của các công ty tư nhân, cửa hiệu lớn đã đóng góp vào công trình. Ngoài ra, có thể tận dụng các cầu vượt làm các cổng trào; đường chui và hầm bộ hành có thể treo panô, áp phích, biểu ngữ phục vụ các chiến dịch vận động về chính trị, văn hóa - xã hội. Chính các địa điểm công trình hạ tầng cho bộ hành nêu trên sẽ thu hút các biển quảng cáo hiện đang tràn lan trên đường phố về các địa điểm đáng treo để quảng bá. Người dân đô thị có thể đến các địa điểm này để tìm hiểu các thông tin đích đáng về thương mại, dịch vụ. Nơi đấy, mỹ thuật kiến trúc được phát huy.

Trương Quang Học - ảnh minh họa : Ashui.com

>> Giao thông công cộng trong thành phố: một số vấn đề chính 

>> Bàn về ý tưởng làm đường trên cao để chống kẹt xe 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...