Ashui.com

Saturday
Nov 23rd
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quy hoạch và… 3 cái khó

Quy hoạch và… 3 cái khó

Viết email In

Hà Nội đã trải qua 7, 8 lần quy hoạch tính từ khi 1954 đến nay, với những tầm nhìn và chiến lược phát triển khác nhau, xuất phát từ yêu cầu khác nhau. Nhìn chung lần quy hoạch nào cũng đáp ứng được một số nhu cầu cấp bách của cuộc sống, sản xuất đang phát triển.


Phương án C2 trong Báo cáo lần 3 Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (ảnh : Ashui.com)

Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến quy hoạch đô thị Hà Nội luôn bị động trong điều chỉnh. Với mong muốn Hà Nội sẽ có được một đồ án quy hoạch xứng tầm và có tính khả thi cao, KTS Lê Vũ Phàm đã chỉ ra ba cái khó mà quy hoạch Hà Nội đã phải "chứng kiến" trong những lần điều chỉnh quy hoạch trước đây.

Thứ nhất, tầm nhìn tại các thời điểm làm quy hoạch bị hạn chế do không lường trước được những biến động của tình hình kinh tế xã hội thời chiến tranh cũng như thời hội nhập.

Khi làm quy hoạch 1998, đặt tầm nhìn đến năm 2020 về dân số, kinh tế, xã hội và nhiều thông tin khác cần cho sự tính toán quy hoạch đất đai, song thực tế mới qua 5 năm thực hiện (2003), nhiều con số được tính toán theo tầm nhìn đã bị lạc hậu trước thực tế cuộc sống.

Thứ hai, công tác quản lý còn nhiều yếu kém, do trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý không hoặc chưa được đào tạo để quản lý đô thị, bên cạnh đó còn không loại trừ cả ảnh hưởng của "tư duy nhiệm kỳ" và những sức ép mang tính thị trường.

Những diễn biến khách quan của cuộc sống thời hội nhập buộc nhà quản lý phải điều chỉnh lại quy hoạch để phù hợp với tiến trình phát triển là đương nhiên, song chính sự quản lý yếu kém, hoặc tư duy "ăn sổi" đối với quy hoạch khiến quy hoach bị méo mó mới là điều đáng trách. Quy hoạch vạch rõ từ đường vành đai 2 trở vào trung tâm là khu hạn chế phát triển, tuy nhiên quá trình quản lý sau quy hoạch, ngoảnh đi ngoảnh lại lại thấy các công trình cao tầng được "ấn" vào các ô đất trống nhỏ hẹp nhưng sinh lời cao trong khu vực được quy hoạch cảnh báo. Điều đó không chỉ làm tăng mật độ dân số trong khu hạn chế phát triển mà còn khiến hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũ bị quá tải. Những ví dụ như vậy về sự "gậm nhấm" trong quá trình quản lý xây dựng sau quy hoạch có thể còn liệt kê thêm nữa, nó làm cho mọi quy hoạch dù được tính toán khoa học, kỹ lưỡng, chi ly bao nhiêu cũng sẽ bị phá sản.

Thứ ba, làm quy hoạch khó và tốn nhiều thời gian, trí lực bao nhiêu thì việc đưa quy hoạch vào cuộc sống và khớp nối các quy hoạch chi tiết của các dự án với nhau và với quy hoạch chung còn khó hơn gấp nhiều lần.

Mọi bản vẽ quy hoạch sau khi được phê duyệt đều được "cân đong đo đếm" chi ly mảng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Song thực tế hai mảng rất quan trọng cho hoạt động của đô thị này lại thường được thực hiện sau các mảng sinh lời tức thì của các dự án. Sự chậm chễ thực hiện hai mảng quy hoạch "xương sống" của đô thị này được cho là vì thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước, nhiều thủ tục và đôi khi còn khó kiếm ra nguồn vốn đầu tư. Mặt khác các chủ đầu tư không mấy mặn mà với các công trình hạ tầng nên thường để xây dựng sau, thậm chí "bỏ quên". Trong khi đó các công trình nhà ở để kinh doanh lại mọc lên rất nhanh. Vì thế thực tế là càng nhiều khu đô thị với dáng dấp hiện đại được đầu tư xây dựng thì mảng hạ tầng kỹ thuật càng rối, càng "đói" các công trình công cộng dịch vụ xã hội.

Minh Thu (ghi) 

[ Chuyên đề : Quy hoạch Hà Nội mở rộng ]

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...