Nạn kẹt xe bùng phát dữ dội tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang là nỗi kinh hoàng của người dân. Số lượng phương tiện cá nhân tăng chóng mặt, trong khi đầu tư cho cơ sở hạ tầng lại quá chậm.
Đường và giao lộ chật hẹp, thiếu chỗ để xe, thiếu phương tiện giao thông công cộng, nhiều công trình giao thông, công trình công cộng thi công trên mặt đường với tốc độ rùa... đang là những nguyên nhân gây ra vấn nạn này.
Một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng đó là việc quy hoạch các khu chung cư, cao ốc văn phòng, khu đô thị mới trong nội thành 2 đô thị này với mật độ dày đặc. Bên cạnh đó, chủ trương di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất, các công sở, trường học, BV lớn ra ngoại ô lại được triển khai quá chậm. Những nguyên nhân này đang làm trầm trọng thêm tình trạng ách tắc giao thông tại 2 đô thị đặc biệt này.
Trong vòng 3 năm qua, khu vực nội thành TPHCM và Hà Nội đang bùng nổ xây dựng cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp, khách sạn. Tình trạng này đã biến khu vực trung tâm của 2 TP thành những khu trung tâm thương mại mật độ cao (CBD). Trong khi đó, phương án tổ chức lại giao thông cho một khu CBD của 2 TP vẫn chưa làm được, khiến giao thông ở khu vực trung tâm ngày càng tồi tệ.
Đua nhau xây cao ốc
Tại TPHCM, mặc dù số lượng hồ sơ được cấp phép xây dựng cao ốc trong vòng 1 năm qua hầu như không tăng do phải chờ hoàn tất thiết kế đô thị khu trung tâm (bao gồm quận 1, một phần quận 3 và một phần quận Bình Thạnh với tổng diện tích 930ha) thế nhưng những cao ốc đã xây dựng trước đó cũng đã khiến khu trung tâm TP trở nên ngột ngạt bởi sự gia tăng các phương tiện giao thông. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng trên địa bàn quận 1, năm 2007 đã có thêm hơn 60.000m2 văn phòng được đưa vào sử dụng với một loạt các cao ốc như IWA Square, Royal Building, Capital Palace, Miss áo dài, Starview...
Nếu như quận 1 là nơi đắc địa để xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê thì các quận lân cận lại trở thành vùng đất màu mỡ cho việc kinh doanh các chung cư cao cấp. Chỉ tính riêng tuyến đường Hoàng Diệu, quận 4 đã có đến 3 chung cư mà mỗi chung cư có đến cả vài trăm căn hộ. Tương tự, đường Pasteur (quận 3), đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) thành nơi tập trung các chung cư cao cấp.
Tại Hà Nội, hàng loạt chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng mọc lên tại khu vực nội thành như tại các đường Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải, Tây Sơn, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Nguyễn Chí Thanh... Các khu đô thị mới thì mật độ dày đặc, mới xây giao thông đã ách tắc như Bắc Linh Đàm, Trung Hoà - Nhân Chính... Bên cạnh đó, Hà Nội còn bùng nổ việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ. Chung cư cũ chỉ 5 tầng, nhưng khi xây lại là thành 10 - 15 tầng. Cứ tình trạng này, dân ngày càng đổ về trung tâm sinh sống thì không tắc đường mới lạ.
Không giảm mà thêm chen chúc
Trong đề án giải quyết ùn tắc giao thông (UTGT) và giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2007-2010, một trong những giải pháp được TP đặt ra là di dời các trường ĐH, BV, nhà máy, xí nghiệp ra khu vực ngoại thành. Thế nhưng diễn biến trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Chẳng hạn như 2 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và ĐH Bách khoa chẳng những không thu hẹp di dời, mà còn mở rộng. Đối với hệ thống các BV đâu vẫn hoàn đấy. BV Sài Gòn (trước đây là Trung tâm cấp cứu Sài Gòn) sẽ được di dời, nhưng trên khu đất của BV sẽ mọc lên một cao ốc...
Tại Hà Nội, chủ trương di dời công sở, BV, trường học lớn ra ngoại ô để giảm UTGT cũng đã được đặt ra. Thế nhưng, di dời chưa thấy đâu mà chỉ thấy đầu tư thêm. Trong ngành y tế, chưa tính khối các BV T.Ư, Hà Nội hiện có 40 BV và các trung tâm chuyên khoa công lập và 10 ngoài công lập. Theo kế hoạch chuyển tiếp các dự án xây dựng cải tạo BV tới năm 2010, vẫn đầu tư tới 620 tỉ đồng, để đầu tư cải tạo BV Y học cổ truyền, xây dựng khu điều trị nội trú BV Lao phổi... Rồi hơn 300 tỉ đồng cho các dự án mới tại BV Đa khoa Đống Đa, BV Phụ sản giai đoạn 3...
Với đà này, mật độ dân cư tại các khu trung tâm nội thành 2 TP lớn sẽ càng ngày càng tăng cao, kéo theo sự gia tăng các phương tiện giao thông trong khi phương án giao thông vẫn chẳng có gì thay đổi. Với một thực trạng như vậy, việc UTGT ngày càng trầm trọng là điều dễ hiểu.
[ Diễn đàn: "TP.HCM: "nén chặt" trung tâm bằng cao ốc!" ]
Đổi ô nhiễm lấy quá tải dân số và ùn tắc giao thông Một thực trạng đáng buồn ở Hà Nội là, khi các nhà máy, cơ sở sản xuất dời đi, khu vực đó thoát được ô nhiễm tiếng ồn, khí, thải... thì lại đối mặt với sự quá tải về dân cư và ùn tắc giao thông (UTGT) khi các cao ốc mới hình thành... Theo số liệu thống kê của Sở TNMT, 4 quận nội thành của Hà Nội có khoảng 153 nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc không phù hợp với quy hoạch phải di dời ra ngoại thành. Sau 5 năm, đến nay (9.2008) mới có 34 đơn vị thực hiện việc di chuyển, đạt 22,2%. Từ năm 2003, UBND TP.Hà Nội đã ra quyết định nêu rõ diện tích đất của các đơn vị sau khi di chuyển được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng (trường học, vườn hoa...) và một phần sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu của TP đặt ra đã không đạt được hiệu quả. Mặc dù chưa biết bao giờ các đơn vị mới di dời đi, nhưng danh sách các nhà đầu tư đăng ký thế chỗ đã khá dài. Điển hình là khu Nhà máy cồn rượu tại 94 Lò Đúc (Hai Bà Trưng) với những mặt tiền đắc địa trải dài nhiều phố trung tâm, như: Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc... từng được lên kế hoạch thay thế bằng Khu liên cơ quan hành chính TP và nhiều nhà vườn. Tương tự, UBND TP.Hà Nội cũng thống nhất về chủ trương để Cty TNHH Nhà nước một thành viên Cơ khí Hà Nội di dời cơ sở sản xuất tại 74 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) ra khỏi khu dân cư, nhưng lại ... hợp tác với các DN khác lập dự án đầu tư xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, căn hộ cao cấp... Như vậy, để thoát ô nhiễm, nội thành Hà Nội lại phải “gánh” quá tải dân số và UTGT. Phát biểu trong một buổi làm việc với lãnh đạo TP.Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh: “Giá trị sinh lời hiện nay của đất đai ở Hà Nội rất cao, nhưng không phải vì thế mà xây quá nhiều nhà cao tầng, chung cư, cao ốc văn phòng tại trung tâm, kéo dân về, không còn chỗ nào cho giao thông”. |
- Để các đô thị phát triển bền vững: Cần bổ sung thêm tiêu chí
- Về phương pháp quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng
- Giảm ùn tắc giao thông bằng đầu tư mạnh hạ tầng cơ sở
- Tổ chức phố đi bộ tại Trung tâm lịch sử đô thị TPHCM
- Tư vấn quy hoạch: Câu hỏi bên trong sáng kiến ngoại nhập
- Đô thị xanh ở Hà Nội và việc dịch cư theo chiều đứng
- Một không gian công cộng ấn tượng cho Thủ Thiêm