Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Vỉa hè - không gian đa năng của Đà Nẵng

Vỉa hè - không gian đa năng của Đà Nẵng

Viết email In

Đà Nẵng - tâm điểm kinh tế của khu vực miền Trung đang trong giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ. Trong bối cảnh ấy, tổ chức không gian công cộng đô thị, trong đó có vỉa hè, như là không gian kinh tế và giao tiếp xã hội trở thành đề tài được quan tâm. Vỉa hè là phần không gian chuyển tiếp từ không gian riêng ra không gian chung của đô thị. Theo quy định, vỉa hè là không gian công cộng và chịu sự quản lý chung thành phố. Tuy nhiên, thực tế thì vỉa hè bị chiếm dụng như là không gian riêng cho các mục đích,chức năng khác nhau. Tính phức hợp này sẽ là tích cực hay tiêu cực trong quá trình phát triển đô thị Đà Nẵng?  

Vỉa hè với tư cách là không gian giao tiếp cộng đồng, tham gia định dạng đặc điểm hình thái đô thị và đặc tính xã hội trong quá trình chuyển đổi của Đà Nẵng. So sánh với khái niệm không gian công cộng chung, vỉa hè mang những đặc điểm riêng biệt. Vậy phải hiểu như thế nào đối với loại không gian này trong bối cảnh đô thị Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng? 


Đường Bạch Đằng 


Nguồn gốc và các quan niệm về vỉa hè 

Trong tác phẩm ‘Cái chết và sự sống của các thành phố lớn nước Mỹ’, bà Jane Jacob quan niệm đường phố như là không gian công cộng (public space). Đường phố ngoài chức năng chính là kênh giao thông cho xe cộ, còn mang những chức năng khác. Tương tự hè phố là không gian phục vụ chính cho người đi bộ, nơi diễn ra các hoạt động đời thường của người dân. Theo bà, đường phố và hè phố là biểu trưng cho thành phố đó: "Nếu con đường trong thành phố đó đẹp đẽ, đó sẽ là một thành phố đẹp đẽ. Nếu chúng u tối, thành phố đó cũng trở nên u tối… Giữ cho đô thị an toàn là một trong những chức năng chính của đường phố và hè phố". Bà còn cho rằng người dân là chủ nhân đương nhiên của hè phố, và cũng chính họ sẽ mang lại các hoạt động phong phú cho hè phố. Vỉa hè được hiểu là nơi giao tiếp (contact), mặc dù quá trình giao tiếp này diễn ra chậm, hoàn toàn ngẫu nhiên và không có chủ đích, nhưng nó tạo cho đời sống cộng đồng đô thị phong phú đa dạng và phát triển. 

Donal Appleyard đưa ra một loạt các quan niệm: phố như là một cộng đồng (the street as a community) là nơi diễn ra một loạt các hoạt động cộng đồng như cư dân quanh đó muốn có; đường phố như là lãnh thổ của các quan hệ láng giềng (the street as neighborly territory), là nơi khơi dậy sự gắn bó xóm giềng, niềm tự hào và trách nhiệm của cư dân đối với khu phố; đường phố là thánh đường an toàn (the street as a safe sanctuary); đường phố là một môi trường có thể sống và đảm bảo sức khỏe (the street as a livable, healthy environment); đường phố là một khoảng xanh dễ chịu (the street as a green and pleasant land)... Nhìn chung, vỉa hè nhìn nhận là không gian giao tiếp cộng đồng, xóm giềng, không gian an toàn và lành mạnh cho cư dân, là thành tố tạo dựng đặc trưng cho môi trường sống đô thị.

Trong đề tài nghiên cứu "Vai trò của đường phố như yếu tố tạo lập đô thị Hà Nội", tác giả Vĩnh Đào cho rằng giao thông đi bộ là giao thông trong nội khu và là giao thông tiếp nối giao thông công cộng. Vỉa hè, theo ông, là không gian đi bộ, nơi giao tiếp cộng đồng. Trong khu hỗn hợp ở - thương mại, vỉa hè giữ vai trò là nơi giao tiếp thương mại đa dạng - đa dụng cả hai lĩnh vực công cộng và tư nhân theo chu kỳ hàng ngày. Ông còn chỉ ra cách thức lợi nhuận tối đa hóa cho không gian thương mại từ các điều kiện môi trường sống vỉa hè tuyến tính. Nó là hợp pháp hoặc bất hợp pháp nếu cùng tham gia năng động hóa kinh tế - xã hội cho đô thị.

Tóm lại, vỉa hè được nhìn nhận từ các góc độ khác nhau, nhưng đồng quy lại đều khẳng định vai trò như là không gian giao tiếp cộng đồng, không gian đa chức năng theo chu kỳ thời gian, và đồng thời là không gian có vai trò năng động hóa kinh tế, xã hội và môi trường.


Đường Hoàng Diệu, không gian vỉa hè trong tuyến phố thương mại tập trung nhiều chức năng


Đường Lê Lai, tuyến đường tập trung chủ yếu là nhà ở, không gian yên tĩnh và tập trung chủ yếu là dân 

Hiện trạng vỉa hè ở Đà Nẵng 

Khi hình thành đô thị, người Pháp đã đặt những nền móng đầu tiên cho Đà Nẵng (lúc bấy giờ có tên Tourane) theo kiểu hiện đại châu Âu với 13 con đường dọc tả ngạn sông Hàn, theo hai khu vực chính: Khu vực dành cho người Pháp, nằm ở trung tâm thành phố với 2 đại lộ chính là Quai de Courbet (đường Bạch Đằng) và Jule de Ferry (đường Trần Phú). Đại lộ được tráng nhựa, vỉa hè rộng có cây xanh. Và khu vực cho người bản xứ với đường nhựa, đường lát đá thậm chí cả đường đất, vỉa hè nhỏ và luôn trong tình trạng bị thu hẹp do lấn chiếm. 

Thời Bảo Đại, tổng số đường phố là 45, hầu hết tập trung ở tả ngạn sông. Thời Mỹ ngụy, thành phố là trung tâm chính trị quân sự, văn hóa cho vùng I và II chiến thuật. Người Mỹ chú trọng xây dựng căn cứ quân sự và hạ tầng như sân bay, cảng, kho bãi, cơ sở thông tin liên lạc, đường sá…


Cảnh quan tuyến phố những năm trước 1975 

Năm 1975, sau hòa bình, nhất là từ 1997 đến 2002, khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hệ thống giao thông mới có tổng cộng 214 con đường. Cho đến nay, nền kinh tế thị trường thúc đẩy nhanh chóng việc ‘phố hóa’ các con đường nhằm vào khả năng sinh lợi, làm thay đổi chức năng và không gian của tuyến phố. Yếu tố bị tác động trực tiếp trong sự chuyển đổi đó là vỉa hè. Hình thái không gian vỉa hè mang đặc trưng chức năng của tuyến phố, cụ thể qua 3 tuyến phố tiêu biểu:

- Khu hành chính tập trung ở tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú với các công trình xây dựng từ thời Pháp. Vỉa hè trong khu này có kích thước lớn, nhiều cây xanh phục vụ đi lại, làm việc, nghỉ ngơi thư giãn. Công trình kiến trúc có khoảng lùi, nên không gian vỉa hè thoáng đãng.

- Khu thương mại trên các tuyến Hùng Vương - Ông Ích Khiêm - Hoàng Diệu - Phan Châu Trinh. Khu vực này tập trung các loại nhà lô phố có chiều ngang từ 3 - 5m với chức năng nhà ở và tầng dưới để kinh doanh, sản xuất. Hình thức kiến trúc các ngôi nhà rất đa dạng. Vỉa hè là không gian đi bộ, mua bán, giao tiếp xóm giềng… Ngoài ra, vỉa hè còn bị chiếm dụng để đỗ xe, thu hẹp khả năng sử dụng của người đi bộ.

- Khu biệt thự - lô phố tập trung các loại nhà ở có chiều ngang rộng khoảng 6 - 9m, mật độ xây dựng thấp, bên trong khuôn viên có sân vườn. Bên cạnh các nhà đơn thuần để ở, còn có nhà khai thác thêm chức năng kinh doanh, hàng quán hay văn phòng làm việc… Nhìn chung, khu vực này khá yên tĩnh và hoạt động thương mại vừa phải. 

Tổ chức không gian vỉa hè trên một số tuyến phố ở Đà Nẵng 

Không gian vỉa hè rõ ràng liên quan với chức năng của tuyến phố: khu thương mại thể hiện tính cởi mở sôi động; khu làm việc cần yên tĩnh nghiêm túc; khu ở gần với không gian an toàn, gần gũi. Tuy nhiên về cơ bản, tổ chức không gian vỉa hè là tạo ra không gian đi bộ, giao tiếp sinh hoạt cộng đồng, nghỉ ngơi, hoạt động dịch vụ, thương mại… lúc thì trong chốc lát, khi lại kéo dài... 

Các yếu tố tác động đến không gian vỉa hè trong đô thị gồm: mặt đứng kiến trúc tuyến phố, cây xanh, các trang thiết bị đô thị, các tiểu cảnh trên vỉa hè, chiều rộng vỉa hè, vật liệu lát...

Kiến trúc tuyến phố là mặt đứng (diện tường giới hạn không gian) vỉa hè được xác định theo chiều cao công trình, đặc điểm kiến trúc, màu sắc, chi tiết, diện đặc rỗng (tường với cửa sổ), trong đó tác động trực tiếp vào không gian vỉa hè là tầng trệt, tức là lối ra vào công trình.

Kiến trúc mặt đứng tuyến phố ngoài một số vị trí cần thu hút tầm nhìn hoặc góc đường, chiều cao mặt nhà quy định tương đối đồng đều, không chênh lệch đột biến quá lớn. Mặt tiền tầng trệt nhà lô phố tạo tuyến liên tục, hài hòa mà vẫn đảm bảo tính khác biệt giữa các công trình. Có thể sử dụng giàn mái che kim loại chất liệu lợp trong hoặc trồng cây treo, cây leo. Mái che nhẹ ngoài tác dụng che nắng mưa còn có tác dụng giới hạn không gian, tập trung sự quan sát của người đi bộ vào các không gian và hoạt động trên vỉa hè. Có thể tham khảo trường hợp mái che vỉa hè như trên đoạn đường Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh, hay đường Tràng Tiền, Hà Nội. Giải pháp mái che vừa hiệu quả để che chắn trong điều kiện thời tiết của Đà Nẵng, vừa có tác dụng giới hạn không gian, tăng tính tập trung của người tham gia các hoạt động trên vỉa hè.

Các trang thiết bị gắn trên mặt đứng đều có quy định độ cao, kích cỡ tối thiểu để không ảnh hưởng đến tầm nhìn người đi bộ và các không gian khác. Các loại đèn quảng cáo quy định độ chói không ảnh hưởng đến người giao thông trên vỉa hè và đường phố.


Hình ảnh vỉa hè một đoạn phố ở Châu Âu, nhịp điệu mặt tiền tầng trệt tạo sự thống nhất, liên tục của không gian đi bộ mà vẫn giữ được sự đa dạng của tuyến phố 


Phố Tràng Tiền (Hà Nội), mái che vừa che chắn vừa có vai trò giới hạn phạm vi cảm thụ không gian của người đi bộ 

Cây xanh trên vỉa hè bao gồm cây xanh, bãi cỏ, vườn hoa, cây trang trí, cây bóng mát. Chúng phải được tổ chức tạo cảnh quan cho đô thị, tạo ra bóng mát, thông thoáng mà không chắn tầm nhìn cho người đi bộ, giao thông và các hoạt động khác trên tuyến phố. Đôi khi trên không gian vỉa hè, vườn hoa xuất hiện mặt nước, dưới dạng đài phun nước, hồ nước... tạo các điểm nhấn cảnh quan đô thị đồng thời tạo vi khí hậu. 

Cây xanh trên vỉa hè phải lựa chọn theo đặc trưng sinh thái và văn hóa của từng vùng. Chọn cây cho tùy theo chiều rộng của vỉa hè, cây tán rộng hay tán hẹp. Đà Nẵng là thành phố nằm cạnh biển, cạnh sông, nên cây cho đường ven biển, ven sông, ven hồ thường trồng loại ít rụng lá, ít bị sâu bệnh. Chọn cây xanh có rễ ăn sâu vào đất hoặc với rễ chùm thì xây hố rồi mới trồng cây, nhằm hạn chế rễ cây phá hỏng mặt đường, vỉa hè và ăn vào nhà. Gốc cây trồng ngang với vỉa hè và hơi dốc vào trong, khuyến khích phủ tấm lưới kim loại, hay vật liệu khác giữ bằng phẳng cho người đi bộ và đảm bảo vệ sinh. Trên các tuyến phố vỉa hè hẹp, có thể trồng cây treo trên tường, hoặc cây treo trên cột cao. Có thể nghiên cứu giải pháp kết hợp với cột đèn đường. 

Trang thiết bị đô thị trên vỉa hè bao gồm hệ thống đèn chiếu sáng, biển báo, biển hiệu, quảng cáo, các điểm đỗ xe bus, các buồng thông tin, vị trí thu gom rác... Đối với từng loại thiết bị có cách tổ chức riêng. Khi tổ chức hệ thống đèn đường, lựa chọn đồng bộ phù hợp với không gian kiến trúc chung của khu phố. Độ sáng đảm bảo cho giao thông trên phố và giao thông đi bộ. Sử dụng ánh sáng vàng. 

Đối với biển hiệu, bảng chỉ dẫn, sử dụng đồng bộ theo quy định về bảng chỉ dẫn của thành phố, đặc biệt chú ý đến cao độ nhìn rõ của người sử dụng. Để khai thác được góc nhìn của người di chuyển, bảng quảng cáo đặt vuông góc với hướng di chuyển. Bảng quảng cáo chỉ được phép treo ở gần khu nghỉ chân chờ xe bus. Điểm chờ đứng cho những vỉa hè hẹp dưới 3m. Điểm chờ ngồi có thể sử dụng đối với vỉa hè rộng trên 3m. 

Thùng rác gồm các loại cho người sử dụng không gian công cộng và cho hộ gia đình. Cabin điện thoại, điểm đặt ATM, lựa chọn các vị trí sáng sủa, dễ quan sát và có người qua lại.

Không gian đỗ xe máy, xe đạp có thể được sử dụng một phần vỉa hè và phải cùng với cốt giao thông để dễ dàng ra vào và không ảnh hưởng người sử dụng vỉa hè. 

Các chi tiết trang trí vỉa hè: Có thể tổ chức các chi tiết trang trí tại một số điểm nghỉ chân, tập trung đông người trên vỉa hè. Các yếu tố trang trí này có thể đóng góp vào xây dựng đặc trưng của tuyến phố.

Vật liệu lát và hình thức thiết kế vỉa hè: Bề rộng vỉa hè quy định tùy theo cấp độ đường. Bó vỉa có thể là bê tông đổ tại chỗ, tạo dốc để xe dễ dàng lên xuống, tiếp cận công trình. Vật liệu lát vỉa hè cần loại bền chắc như block bê tông đúc sẵn, lát cài răng lược tạo hoa văn, màu sắc. Các vỉa hè nhỏ có thể đổ bê tông, nhựa đường, hoặc kết hợp đổ bê tông lát gạch. Khi thiết kế vật liệu lát chú ý tạo ra nhịp điệu sinh động cho người đi bộ, tạo cảm giác không gian không buồn tẻ. 

Kết luận 

Tổ chức không gian vỉa hè là giải quyết mối quan hệ cộng đồng về kinh tế xã hội và cả môi trường trên tuyến phố. Tùy tính chất của tuyến phố mà không gian vỉa hè biểu hiện đặc tính hình thái không gian khác nhau. 

Tại Đà Nẵng, trong quá trình phát triển hiện nay, đã hình thành các khu phố, tuyến phố mang những đặc trưng riêng, trong đó không gian vỉa hè giữ vai trò như yếu tố tạo lập đặc trưng không gian đô thị. Vỉa hè là không gian đi bộ, nơi giao tiếp xã hội, đồng thời tập hợp các hoạt động kinh tế và tạo ra sức sống động của đô thị Đà Nẵng./. 

Tài liệu tham khảo: 

  • ‘Le rôle de la rue comme générateur de l’urbain à Hanoi, Vietnam’, Vinh Đào, luận án Tiến sỹ.
  • ‘The Death and life of Great American Cities’ của Jane Jacobs, NXB Random House, New York, 1961.
  • ‘Lirable Street’, Donald, Sue Getson, Mark Lintell, NXB New York, 1987.


ThS.KTS Lê Thị Thu Hà, ThS.KTS Nguyễn Thị Minh Huy - Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng
(Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 4/2013) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
+1 # Ho Viet Vinh 15/06/2013 10:52
"Phố Tràng Tiền (Hà Nội), mái che vừa che chắn vừa có vai trò giới hạn phạm vi cảm thụ không gian của người đi bộ"
Ban bi nham roi, day la hinh anh cua pho Nguyen Hue -TP.HCM.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo