Ashui.com

Wednesday
Nov 13th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo "Trong nghệ thuật, kỳ quặc và khó hiểu là bịp bợm"

"Trong nghệ thuật, kỳ quặc và khó hiểu là bịp bợm"

Viết email In

Xin được nhắc lại câu nói trên của điêu khắc gia Nguyễn Như Ý (hỗn danh là Ý điên) khi bình luận về những màn nhảy múa của một “nghệ sĩ trình diễn nổi tiếng trên báo chí”. Nhưng xin được ứng dụng sang lĩnh vực hoạt động của các curator.

Ngộ chữ

Có thể phác ra chân dung bằng ngôn ngữ rất dễ nhận dạng của những tay “giám tuyển” kiểu này. Cách nói của họ rất kỳ quặc. Trong các bài viết hoặc lời nói của họ, ngoài ba câu mà chưa thấy trích dẫn một ông mũi lõ nào đó thì là điều rất lạ. Mẫu câu của những “giám tuyển” này dùng khá đơn giản. Họ tiến hành cách nói của mình bằng cách trước hết phủ định tất cả những người có uy tín về nghệ thuật mà công chúng đang biết. Mẫu câu của họ là: “Ông X (một học giả, hay một nghệ sĩ trong nước) nói về vấn đề này thế này. Nhưng tôi không đồng ý. Tôi (và đứng sau tôi là một cụ Âu - Tàu - Mỹ - Nhật nào đó) cho rằng thế này cơ”. Mốt ngày xưa của những người học mót tư tưởng cũ thì dẫn lời các ông Ốp - Ép - Xki nào đó. Mốt ngày nay của các kẻ học mót tư tưởng mới thì dẫn các ông Âu - Tàu - Mỹ - Nhật nọ kia, tuy nhiên không những không đơn giản hóa đi mà thường thì hay làm phức tạp thêm.


Tác phẩm điêu khắc khỏe khoắn của nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý - người từng nhận xét "Trong nghệ thuật, kỳ quặc và khó hiểu là bịp bợm"

Không thể phủ nhận những người tự nhận mình là “giám tuyển” này có nỗ lực rất nhiều trong việc học ngoại ngữ và đọc các sách nghệ thuật thế giới. Nhưng học và đọc nhiều mà không hiểu, không tiêu hóa nổi thì sẽ dẫn đến “tẩu hỏa nhập ma”, các cụ xưa gọi trạng thái này đơn giản là “cái thằng ngộ chữ”.

Một nét chân dung nữa của các “curator” tự phong này là cư xử và cách “chơi” của họ với nghệ sĩ cái gì cũng có vẻ rất... giống nghệ sĩ thực. Cũng uống rượu, cũng phản đối, cũng khinh khỉnh, cũng phê bình quán bia quán nước và thi thoảng cũng có những biểu hiện giả vờ bất thường. Họ tìm cách tụ tập và nhắm đến những nghệ sĩ trẻ thiếu bản lĩnh hoặc các sinh viên yêu thích nghệ thuật nhưng chưa am hiểu mấy về bản chất nghệ thuật (am hiểu bằng nội tâm và trải nghiệm cá nhân thì phải mất rất nhiều thời gian, vốn vô hình, tiền bạc và có khi là còn cả xương máu), hoặc một số công chúng ít tuổi ham nhảy múa là chính. Họ luôn có xu hướng quy nghệ thuật về những trò giải trí bậc thấp, nhưng lại dán mác cho các trò đó như một sự đảm bảo bằng những tên gọi hay những thuật ngữ mỹ miều. Họ không tiếc lời khen với các bạn trẻ này, gọi các bạn trẻ ấy bằng các danh vị kỳ khôi gắn đến cái mới, hiện đại và khác người nghe rất mơn man bùi tai. Nếu họ có buột miệng chê các bạn trẻ đó thì chê một cách nghiêm trọng kinh khủng những điều rất... vặt. Họ tỉ tê “xui” các nghệ sĩ trẻ làm những điều buồn cười trước đám đông để đám đông giải trí, đặt cho đó là nghệ thuật hành vi, nghệ thuật ý niệm, hành động nghệ thuật tiền phong, v.v... và v.v... Tỷ dụ như có kẻ xui một bạn trẻ cởi trần, mặc mỗi cái quần đùi rồi cầm cái chổi ra “viết chữ” giữa trời mưa to, trước sự chứng kiến đông người. Gọi đó là “nghệ thuật hành vi”, rồi quay phim chụp ảnh lia lịa. Báo hại cho tờ giấy hỏng và cái sân loe loét mực.

Đám đông thì được giải trí, còn họ quay phim chụp ảnh lại phục vụ mục đích làm “tác phẩm” của riêng họ. Sự “nhập nhằng đánh lận con đen” này rất nguy hiểm. Có thể làm nghệ thuật để giải trí, và giải trí cũng có nhiều tầng bậc, nhưng đánh lộn sòng giải trí mua vui là nghệ thuật tiền phong thì không ổn. Vì thế thì dễ quá, làm chơi mà lại muốn ăn thật, ai làm giải trí để quay chụp (phải trước đám đông nhé, và nhất là không được ngượng) cũng ngộ nhận mình là “nghệ sĩ tiền phong” thì chết dở...

Bảo Ngọc ơi, đâu là Chân - Giả?

Đại văn hào Tào Tuyết Cần, người viết ra áng văn chương diễm lệ Hồng Lâu Mộng để dành rất nhiều chữ trong tác phẩm này cho câu chuyện Chân - Giả. Ngoài những lời phi lộ về hai nhân vật mở đầu cuốn sách là Chân Sĩ Ẩn - Giả Vũ Thôn và chuyện về cái thực - ảo, thì nhân vật chính của truyện là chàng thanh niên Bảo Ngọc mang họ Giả. Trong pho kim cổ tiểu thuyết này, ai đọc kỹ sẽ nhớ đến vài trăm chữ (rất ngắn) kể về chuyện Giả Bảo Ngọc gặp Chân Bảo Ngọc. Chân Bảo Ngọc cái gì cũng giống Giả Bảo Ngọc, từ cái tên đến viên đá đeo trên người, nhưng là một kẻ nhạt nhẽo rất chán, rất giả.

Nghệ thuật thì cũng có muôn mặt như cuộc đời, có chân, có giả, có gian hàng bày ngọc ngà và cũng có vô số các trò múa gậy bán cao giải trí tầm phào, quay lô tô, ném vòng ống bơ trúng thưởng chó bông gấu giấy. Hiệu quả cuối cùng của nghệ thuật, những gì được lưu giữ lại trong trí nhớ, trong các bảo tàng, trong các bộ sưu tập cá nhân tốn kém tiền của nhiều như “muỗi đốt inox” thì ít có chuyện tác phẩm, tác giả “ú ớ Việt gian” lẫn vào.

Nếu là trí tuệ thật, tiên phong thật, sáng suốt trước thời đại thật, thì không thể thu hút người khác bằng quyền lực, áp đặt, lừa mỵ, ảo thuật láo lếu... mà bằng lòng bác ái giản dị, trí tuệ khỏe khoắn và cách sống vui tươi sinh động. Nhưng những thứ gia giả, giả trí tuệ, giả bác ái, giả vui tươi sinh động nó cũng bắt chước học đòi cứ như thật, và tôi kinh ngạc nhất là nó sờ sờ ra đấy mà nhiều bạn trẻ không nhận ra. Hay là thời đại này đúng là thời đại thích ăn của giả, nói đúng theo kiểu báo chí là: Hàng giả lên ngôi?
 
Vũ Lâm

>> Từ curator đến...“cò” dự án nghệ thuật 

>> Từ các “nghệ sĩ thất bại” đến các curator “ba cùng”

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 1944 khách Trực tuyến

Quảng cáo