Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Đi tìm sự khác biệt ở triển lãm kiến trúc

Đi tìm sự khác biệt ở triển lãm kiến trúc

Viết email In

Trong hai ngày mở cửa cho quần chúng tham quan là 6 và 7.6.2009 của triển lãm kiến trúc Việt Nam 2009, người tiêu dùng sẽ thu nhận được gì? Xin giới thiệu ý kiến của KTS Dương Hồng Hiến, người đã từng tham dự nhiều triển lãm kiến trúc như một sự chia sẻ với bạn đọc.

Theo tôi đây chính là nơi để tìm đến của tất cả mọi thành phần trong xã hội chứ không phải của riêng một giới nào. Nhà đầu tư tìm ra người thiết kế phù hợp cho những dự án của mình, nhà xây dựng tìm ra cho mình những cách tiếp cận mới với giới kiến trúc sư đầy duyên nợ, người dân hiểu hơn công việc của người thiết kế, đồng nghiệp kiến trúc sư tìm sự đồng điệu hoặc định vị lại vị trí của mình trong thị trường.



Xác lập một cá tính cho một cuộc trình diễn

Các gian hàng sẽ trình diễn cho thấy giới kiến trúc sư đem đến cho người xem khả năng sáng tạo độc đáo mang tính nghề nghiệp. Không phải chỉ là sự phô diễn hình ảnh những công trình mà còn thể hiện được sự khác biệt của mình trong giới kiến trúc sư, và của giới kiến trúc sư trong các cộng đồng xây dựng khác.



Xác lập một chủ đề mang tính cộng đồng

Người tham gia triển lãm sẽ đem đến cho người xem sự đóng góp cho xã hội bằng những quan niệm thiết kế đúng đắn, phù hợp môi trường sống. Các gian hàng của các công ty không chỉ triển lãm công trình mình thiết kế mà cần nói lên quan niệm của mình đối với những chủ đề đang nóng bỏng hiện nay như vấn đề nhà ở cho số đông, môi trường đang bị huỷ hoại, cảnh quan đô thị cần thay đổi v.v...



Xác lập một đẳng cấp tiến bộ cho giới kiến trúc sư

Sẽ có những gian hàng cho quần chúng thấy việc áp dụng công nghệ cao trong thiết kế. Ngoài ra sự khích lệ trong sử dụng phần mềm có bản quyền trong giới kiến trúc sư cũng cần được nêu ra như một chủ đề về sự hoà nhập với thế giới của các công ty kiến trúc nội địa. Sách và phần mềm trong triển lãm sẽ là sự hấp dẫn trong sân chơi này.

Xác lập tính văn hoá và truyền thống trong nghề nghiệp

Những sinh hoạt mang tính văn nghệ, hội thảo của các kiến trúc sư trong nước và nước ngoài, thi kiến trúc, diễn đàn v.v… sẽ được xem là hoạt động không thể thiếu. Đêm Gala kiến trúc sư, hai ngày dành riêng cho kiến trúc sư, và những hình ảnh tôn vinh thế hệ đi trước của giới kiến trúc sư là nét duyên cần được duy trì trong những lần tổ chức.

VIETARC’09 sẽ giúp người xem định hình lại cái nhìn của mình đối với giới kiến trúc sư. Khách đến triển lãm sẽ tìm thấy đằng sau những nét vẽ của giới kiến trúc sư là những sự nỗ lực, sự đầu tư, và cả những quan niệm khác nhau trong thiết kế, và cả  tính đa dạng về nghề nghiệp của ngành kiến trúc. Sự cảm thông này sẽ giúp cải thiện môi trường hành nghề của giới kiến trúc sư. Dĩ nhiên đó cũng là lợi ích cho chính các khách hàng của kiến trúc sư.

VIETARC hàn lâm mà cũng rất đời thường!

(KT&ĐS) Căn cứ vào chương trình hoạt động của VIETARC 2009 (diễn ra từ 4 - 7.6.2009 tại Trung tâm hội chợ triển lãm Sài Gòn, Phú Mỹ Hưng, Q.7), bạn đọc V.L.P (quận 3 – TP.HCM) thắc mắc: “Những vấn đề mà các diễn giả – kiến trúc sư tên tuổi sẽ đăng đàn trong các hội thảo tại VIETARC liệu có ảnh hưởng gì đến... chuyện xây nhà, tổ chức chỗ ở của những người dân như chúng tôi”. KT&ĐS đã có cuộc trao đổi ngắn với KTS Nguyễn Văn Tất, thành viên hội đồng chuyên gia VIETARC’09 quanh vấn đề này. KTS Tất nói:

Có những vấn đề tưởng như rất hàn lâm, rất xa vời với đời thường. Mà thật ra nó cũng thật gần gũi. Kiến trúc là một phạm vi nghề nghiệp ẩn chứa nhiều những vấn đề như thế. Vì nó được liệt kê vào loại sản phẩm nghệ thuật phức tạp, có tính tổng hợp cao. Mặt khác tính thích dụng của kiến trúc có thể đặt trong sự phê phán của mọi người sử dụng. Vì không thích dụng thì còn lâu một công trình xây dựng mới được công nhận là kiến trúc chứ nói chi đến tác phẩm kiến trúc. Do vậy, cuộc triển lãm quốc tế kiến trúc VIETARC’09 lần đầu tiên tổ chức có một nội dung hội thảo chuyên ngành quốc tế về kiến trúc, chắc vẫn có nhiều điều không hẳn là xa lạ với độc giả KT&ĐS.

Nhưng với “trào lưu kiến trúc xanh” chẳng hạn, nên hiểu thế nào là đơn giản và dễ ứng dụng nhất?

Chúng ta cứ hiểu một cách đơn giản và nôm na một chút là kiến trúc có nhiều cây xanh gần gũi với thiên nhiên thì cũng… không trật vào đâu. Chỉ là không đủ và không… hàn lâm lắm! Khái niệm xanh dùng cho các cố gắng phấn đấu để cải thiện và gìn giữ môi trường, trong đó có môi trường nhân tạo khổng lồ là kiến trúc đô thị. Các nhà chuyên môn có bao nhiêu là vấn nạn nghề nghiệp cần mổ xẻ trong các hội thảo. Thực tế “xanh” của ngôi nhà gần gũi với độc giả chúng ta là thêm sáng tự nhiên, thoáng gió tự nhiên, vật liệu gần gũi thân thiện, tiết kiệm năng lượng, vận hành tốt về điện, nước, chống nóng,… Vậy đã là vừa sống thoải mái, vừa là chiến sĩ góp phần cho nền kiến trúc xanh rồi còn gì!



Còn chuyện “quy hoạch bền vững – kiến trúc bền vững”, phải chăng người tiêu dùng sẽ đứng ngoài những vấn đề này?

Đây cũng là một nội dung lớn trong hội thảo nói riêng, và thời sự chuyên môn nói chung của giới kiến trúc.

Những vấn đề gì để đảm bảo một cơ thể đô thị cho đến từng quần thể kiến trúc có thể tồn tại tốt đẹp, lâu dài cả vật thể lẫn giá trị phi vật thể? Từng ngôi nhà ở của chúng ta cũng không đứng ngoài cuộc luận bàn. Ngôi nhà với những vật liệu và kỹ thuật hiện đại nào đó có thể trở nên xa lạ và bất tiện với khí hậu nhiệt đới: nắng – chói, mưa – ẩm; tránh mưa nhưng lại cần gió mát – ngôi nhà nào đó được xây lên vừa mắt nhưng rối tinh lên khi chỉ có thêm một hai nhân khẩu. Và đơn giản thôi, hiểu theo nghĩa thông thường, nhà đẹp, nhưng không thật sự sống thư thái, an lành thì không sớm thì muộn, nhu cầu sửa đổi hoặc thay mới sẽ xảy ra, làm sao mà bền vững.

Bản sắc  – truyền thống bao giờ cũng là chuyện khó nói, khó cảm của người tiêu dùng?

“Bản sắc – truyền thống và sự đột phá” là tên gọi một hội thảo tại triển lãm này. Một kiến trúc sư bắt được phần nào cảm xúc về truyền thống trong công trình kiến trúc mới của mình, luôn được chúc mừng như một thành tích. Theo tôi, truyền thống tự nó mang tính bản sắc. Bản sắc văn hoá, lịch sử, địa phương... nhưng nói cho cùng ra, truyền thống luôn luôn được viết tiếp bởi các thế hệ. Giữ gìn truyền thống và khẳng định bản sắc thời đại mình sống là một công việc đồng thời: vì đến những thế hệ sau nữa, điều đột phá hôm nay sẽ góp thêm vào giá trị truyền thống cho lúc đó – trong từng ngôi nhà ở hiện tại cũng thế. Nhà cổ để ở có thể là một thú chơi cho một nhu cầu đặc biệt nào đó, nhưng nếu xem như một giá trị đời sống kiến trúc thì sẽ trở thành khiên cưỡng. Vì vậy, đột phá trong ngôi nhà ở không nên là một thái độ lập dị mà chỉ là chân thành khẳng định chân dung (kiến trúc) của chủ nhân, nhu cầu nghề nghiệp, cá tính, văn hoá giao tiếp… của chủ nhân sẽ khẳng định nhiều điều rất riêng (đột phá). Nhưng để tròn trịa, tránh ngô nghê lập dị, thì cần sự chia sẻ của một kiến trúc sư cũng chân thành như thế. 

( Hình ảnh trong bài do Ashui.com chụp tại Triển lãm Kiến trúc Việt Nam - VIETARC 2009.)  

>> Khai mạc Triển lãm Kiến trúc Việt Nam - VIETARC'09 

>> Chuyến tham quan Triển lãm Kiến trúc Thái Lan 2008 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo