Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Quê nhà tôi ơi...

Quê nhà tôi ơi...

Viết email In

Những ngày cuối Xuân Kỷ Sửu, tôi lại rong ruổi về xứ Đoài thân thương, băng qua những nẻo đường cát bụi tôi lại về đây, những làng quê ven sông Đáy.

Đình So, nơi linh hồn của làng còn sống động

KTS Lê Văn Lân – tác giả những công trình có giá trị của Hà Nội như Cung Văn hoá Thiếu nhi, Chợ Đồng Xuân, Cổng công viên Thống nhất… Ông cho chúng tôi hay những năm 1960, ước nguyện trở thành sinh viên khoa Kiến trúc của ông trở nên mãnh liệt  sau cuộc du khảo Xứ Đoài, và Đình So là một trong những nơi ông đã dừng chân. Ông vẫn nhớ về cuộc trò chuyện với cụ Khuông, cụ thủ từ, bậc hiền triết của làng Xo Sở xưa, với những vần thơ ngợi ca ngôi đình, về những viên đá bậc thềm ghi dấu chân của muôn kiếp người đã bước qua, những cánh cửa mở ra đón ánh nắng ban mai mỗi ngày và cũng ngần ấy cảnh dâu bể nơi này chứng kiến.


Đình So toàn cảnh, một góc mái, cánh cửa sổ và cụ từ Khuông gần trăm tuổi - vị hiền triết của làng So 

Nửa thế kỷ trôi qua như chớp mắt: “Nhớ thương làng quê, lũy tre, bờ đê/ Ước mơ trở về nghe mẹ hiền ru bên thềm đá cũ” (*). Hiếm thấy nơi đâu còn tồn giữ  nơi cảnh sắc còn trọn vẹn như vậy. Triền đê cong cong ôm lấy hồ bán nguyệt, mặt nước trong trong soi bóng Nghi môn, vòm cây xanh lặng lẽ tỏ bóng lên mái đình rầu dãi. Đôi rồng đá đẹp nhất thế kỷ 19 vẫn bền bỉ canh giữ  bậc tam cấp vào đình. Kỳ lạ chưa, bên ban thờ Thành hoàng nghi ngút khói hương, cụ thủ từ đã gần trăm tuổi vẫn còn ngân nga những tâm sự khôn nguôi nhớ thương quê nhà. Vẫn còn đây ấm trà nóng hổi, tiếng điếu bát giòn tan, lời mời  ấm áp của các bậc trưởng lão, ân tình với khách phương xa bên sập đình vững chãi . Ngoài hiên hoa vẫn nở tuơi tắn bên chú sấu gỗ tủm tỉm  dưói chân hàng cột cổng đình.

Các bậc trưởng lão vẫn cần mẫn làm các thủ tục để đình làng mình được cấp này kia công nhận di tích,và như thế tiếng tăm của một di sản sẽ vang xa. Riêng tôi ước ao : giá mà đừng nổi tiếng hơn, giá mà ít người biết đến hơn, cứ giữ yên quê nhà như thế có lẽ nét xưa còn cơ may giữ lại, để lần sau tôi đến vẫn còn.

Đình làng Mông Phụ - Đường Lâm, băn khoăn trĩu nặng

“Cầu Nam , chùa Bắc, đình Đoài”. Ngôi đình Đoài lẫy lừng bốn phương nằm trong làng Mông Phụ - xã Đường Lâm , nơi đây thờ Phùng Hưng - Bố cái đại Vương làm Thành hoàng. Cái cổng làng cũng nổi tiếng không kém trong phim ảnh, tranh vẽ thơ ca và cả những câu truyện phàn nàn về cái cách bảo tồn thời nay. Phân tích cài hay ho của cụm di tích này  nói ít bao nhiêu cũng bằng thừa , chúng tôi chỉ ghi lại các cảm giác thất vọng và lo âu về một không gian mà trong thâm tâm mình đã quá kỳ vọng.

Bước qua cái cổng làng được dỡ ra rồi lợp lại qua quýt,đập vào mắt du khách là hai cái quán ăn giả cổ lợp mái rạ nhếch nhác bên kia ao. Đường làng đổ bê tông trắng xoá, hai hàng cột điện choá tròn, sơn men xanh - giống y các cột mới lắp các công viên. Trên mái cổng ngôi nhà ven đường chồng chất mấy cái bể nước inox loá mắt.


Quán lá ven đường, đường làng, ngôi đình mới phục dựng và bức tường đá ong mới xây Đình Mông Phụ

Đình Mông Phụ còn thơm mùi vôi mới. Nghe nói ngưòi ta dỡ lanh tanh bành ra rồi chắp lại như hiện nay. Chi ra cả chục tỷ đồng để cột cũ đem đi những đâu, thay vào cả đống cột mới ,chắc  nhập từ nước ngoài về, vì  rừng già ta phá khá  lâu rồi nên  không còn gỗ cây to loại tốt nữa. Mái đình họ leo lên đạp vỡ hết ngói cũ thay vào đó toàn ngói mới đỏ tươi. Ngồi trên cái sập đình gỗ tươi mạch ngót toang hoác, nhìn ra cổng đình chông chênh  mà lòng chán nản. Giữa chốn quê nhà mà đâu thấy “… con đường qua ngõ/ Bóng Mẹ liêu xiêu trong chiều buông gió” (*).

Ngoài sân có tiếng loa léo nhéo như rao bán báo, hoá ra có  cô hướng dẫn viên cao giọng về sự tích đình làng "...đình thờ Thánh Tản Viên giống như đình Tây Đằng…” - ôi thôi, thế này thì hẳn là họ phá đình cổ rồi nay họ còn  “khuyến mãi” phá thêm cả câu câu chuyện về ngôi đình nữa. Nơi xa xôi đã vậy, ngay giữa Thủ đô có vị Tiến sĩ văn hoá vẫn tin rằng nếu giao cho KTS giỏi, họ sẽ vẽ một công trinh mới đặt trong một không gian di sản kiến trúc sẵn có một cách hài hoà và làm như thế thì làm gì có chuyện phá hoại di tích.

Sẽ còn nhiều thứ tiếp tục bị hư hoại, thoái hoá nhanh hơn thời gian, bởi cái cách bảo tồn - quản lý các di tích như kiểu ở Mông Phụ, Đường Lâm. Những câu chuyện mặn mà, duyên dáng  về làng quê, đình làng trở thành nhạt  thếch,cỏ giả như họ đang làm ở nơi này.

Nếu có lời khuyên,tôi khuyên bạn đừng nên ghé qua nơi ấy nữa.

Đình Tây Đằng – còn lại chút gì cho mai sau

Xa tít chân núi Ba Vì, ngoảnh mặt về sông Hồng, đình Tây đằng lừng lững trong nắng chiều mênh mông xứ Đoài xưa. Cho đến 1931, Sơn Tây là một tỉnh riêng. Lúc ấy, tỉnh Hà Đông có diện tích 1250km2, dân số 786.000 người , mật độ 8-10 người / ha ( so với thời đó là dầy đặc). Tập trung ở phía bắc ( vùng Đan Phượng chiếm 21%). Đầu thế kỷ nơi này thưa thớt, còn 3 thế kỷ trước đó chắc còn hoang sơ lắm. Thế mà Tây Đằng đứng đó hiên ngang, kiêu hãnh kể đã mấy trăm năm rồi.


Đình Tây Đằng : Những lời tâm sự thế gian, có con cún nhỏ đang đùa bỡn râu Rồng

Tây Đằng linh thiêng với những lời nhắn gửi của quá khứ đến hôm nay : rằng ngày xưa ấy, cần tới bao nhiêu nhân tài vật lực để giữa chốn lâm sơn này làm nên sự diệu kỳ đến thế; Rằng năng lượng ở đâu để phát toả ra cái trí tuệ siêu phàm đến thế : chỉ vài bức chạm khắc mà cho ta hay cả chuỗi thời gian dai dẳng dần trôi. Hỏi vậy vì thấy ngay trong đình,còn đó cục gỗ vô hồn, nhát đục vụng về, ngô nghê - Sản phẩm của  giai đoạn ưa vật chất  với rầm rập  tầu xe ngược xuôi khắp nẻo đường bộ , đường sông. Máy cưa máy đục chạy rào rào, phong trào làm mới di tích hối hả để kịp khánh thành nhân dịp này kia. Cái gì cũng làm, để làm ra những thứ không ra gì.

Cũng may còn vương lại nơi đây những hình hài, dẫu có mòn mỏi với thời gian vẫn giữ nguyên nụ cười với hậu thế :  kể rằng nơi này đã có lúc tươi vui. Ghi dấu nơi đây đã từng có người nghệ sĩ gửi nỗi nhớ thưong quê nhà xa lắc, vào hình khắc  tràn trề sinh lực kề bên những hình tượng quyền uy nghiêm trang. Giữa mênh mông hoang vắng, khói hưong trầm bay, ngưòi xưa đã thả hồn phiêu lãng, để đùa chơi, cưòi nhạo cái bức bối của thể chế phong kiến hà khắc đương thời. Nơi đây khác lạ, nơi đây còn đấy câu hỏi không dễ ai trả lời.

Để lại sau lưng "xứ Đoài xa vắng / Khói chiều mênh mông, sông Đà buông nắng ... " (*). Tự nhủ với lòng mình hãy sớm quay trở lại nơi đây, vì mai này liệu có còn những gì, Xứ Đoài của tôi ơi...

  • Ghi chú : (*) Trích dẫn lời thơ , bài hát "Quê nhà tôi ơi" của nhạc sĩ Trần Tiến

KTS Trần Huy Ánh

>> Về xứ Đoài... 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo