Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Kiến trúc Hà Nội: loay hoay cân bằng đất và nước

Kiến trúc Hà Nội: loay hoay cân bằng đất và nước

Viết email In
Kiểm lại kiến trúc Hà Nội trong vài chục  năm trở lại đây, đúng là có nhiều điều chỉ biết rõ sau khi nếm trải những quả đắng vì đã lãng quên sự cân bằng giữa đất và mặt nước...

Vùng đất sinh ra từ nước

Từ xưa, ven sông Hồng đã có cư dân sinh sống. Mãi đến năm 1831, vua Minh Mạng đặt tên mới cho Kinh đô bị quên lãng này là Hà Nội - vùng đất nằm bên trong các dòng sông.

Đúng một trăm năm sau (1931), người Pháp sau 50 năm có mặt tại Hà Nội đã xây dựng thành phố theo mô hình đô thị phương Tây. Hà Nội giữ nguyên là vùng đất nổi lên giữa hệ thống sông hồ, mặt nước với bản sắc làng xóm nông nghiệp. 
  • Ảnh bên : Đường Cổ Ngư đầu thế kỷ XX

Trong “Thăng Long: Vùng đất sinh ra từ nước", Piere Clément viết: “Hà Nội trước hết là kết quả của sự cân bằng mong manh và không ổn định giữa đất và nước. Điều đó được minh hoạ qua huyền thoại từ thuở lập nước về cuộc chiến không ngừng nghỉ giữa hai yếu tố này vì sự tồn tại của con người”.

Hơn 100 năm trở lại đây, địa giới hành chính HN không ngừng thay đổi. Số lượng và chiều dài các con sông cũng thay đổi nhiều. Hà Nội có 9 sông lớn nhỏ chảy quanh: sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Cầu, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích với tổng chiều dài hơn 600 km, trên diện tích đất tự nhiên khoảng 3.350Km2.

Mặt nước và không gian văn hóa Hà Nội

Sông hồ HN là những yếu tố xuất hiện trước cả TP, vì thế nó giúp ta duy trì ký ức về nguồn cội. Là khoảng không gian phản chiếu tinh thần, tôn giáo, thần bí và giàu chất thơ...” (Christian Pédelahere de Loddis)

Đình chùa là trung tâm văn hoá tín ngưỡng của làng, là không gian sinh hoạt cộng đồng, nơi chuyển tải yếu tố tâm linh mà thiên nhiên xung quanh đóng góp phần quan trọng, xây dựng theo chuẩn phương Đông, luật “Phong thủy”.

Đình chùa trong làng cơ bản có mặt chính quay hướng Nam, lưng có thế tựa (Hậu Chẩm), có thể là đồi núi hay vòm cây lớn. Hai bên có thế tỳ (tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ). Trước mặt phải thoáng đãng và mặt nước là giá trị nhất (Minh Đường).

Mặt phẳng của nước còn là thành phần âm, công trình chùa/tháp có chiều cao là thành phần dương. Nơi nước có dòng chảy từ phải qua trái thì rất đắc địa - tạo nguồn phúc đức bền vững, sinh sôi (trường lưu thuỷ). Những nơi không có, người ta đào giếng hay xây hồ bán nguyệt trước mặt đình chùa (tụ thuỷ tích đức). Mặt nước gắn liền với không gian lễ hội, cuộc sống tinh thần.

Dựa vào vị trí sông hồ, người Hà Nội xưa định vị và định hướng cho không gian xây dựng cung điện, thành trì, đình chùa, nhà ở cư dân…

  • Ảnh bên : Chùa Trấn Quốc năm 1940

Một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất còn lại là chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây. Kiến trúc chùa Trần Quốc thể hiện thẩm mỹ kiến trúc gắn bó cảnh quan trời - nước xung quanh. Uy nghiêm ở bên trong nhưng giản dị, khiêm nhường nếu nhìn từ bên ngoài, thể hiện sự cân bằng tuyệt đối giữa công trình kiến trúc với cảnh quan hồ nước, cây xanh với quan niệm mỹ học phương Đông.

Tuy nhiên, việc tu sửa, cơi nới khoảng mươi năm lại đây đã làm biến đổi cảnh quan chùa Trấn Quốc khá nhiều. Lối đi được mở rộng thêm đến mấy lần, kè bờ cứng hoá, sân lát gạch thay cho nền đất với cỏ cây, những bức tường đắp sơn màu loè loẹt. Đầu những năm 2000 thêm ngôi bảo tháp màu đỏ sẫm vươn cao…

Có vẻ những xôn xao, ồn ào của phố phường đang từng bước lấn sâu vào không khí tĩnh lặng, u ẩn, sang trọng.

  • Ảnh bên : Tháp mới xây ở chùa Trấn Quốc lừng lững vươn cao, những năm 2000

Chùa Kim Liên gần đó vốn nổi tiếng công trình đặc sắc là cổng. Bỏ qua sự tương đồng hình thức kiến trúc Trung Hoa, cổng chùa Kim Liên có giá trị biểu đạt quan niệm Việt xưa: bên trong/bên ngoài - giới hạn vật chất ngôi chùa với không giới hạn bầu trời, mặt nước bên ngoài. 
 
Giờ đây, người ta xây khách sạn chắn ngang không gian mặt nước chùa Kim Liên. Công trình này đã góp phần phá vỡ cảnh quan và làm giảm  giá trị tinh thần của chùa với mặt nước Hồ Tây.
 
Sông Hồng và Hà Nội

Sông Hồng với HN cho đến nay vẫn là ranh giới hiện hữu. Xuất hiện năm 1902, cầu Long Biên là vạch nối đầu tiên cho sự gắn kết đôi bờ của TP. Tuy vậy sự gắn kết ấy chậm chạp hơn như mong đợi. 80 năm sau thêm 2 cái cầu, 30 năm tiếp theo thêm 2 cây cầu nữa.

Sự chênh lệch mực nước quá lớn 2 mùa lũ/cạn ( từ 6 - 14 m) nên vẫn còn đó ẩn số trị thuỷ và đôi bờ các kế hoạch đô thị được gác lại, mặc cho tình trạng xây dựng tự phát tràn lan.

Dự án sông Hồng do Hàn Quốc lập 2007 như một ý tưởng còn nhiều  tranh cãi. Một câu hỏi rằng nên để nguyên khoảng giãn cách đóng vai trò sắp đặt đô thị HN - tạo ra những vùng đô thị đặc trưng bên này khác với bên kia, hay là chèn vào giữa rừng cao ốc bê tông để thu hẹp cái khoảng giãn cách ấy lại. Nếu là như vậy thì lời giải trị thuỷ sông Hồng không gói đủ vào 40 km sông qua TP, mà phải mở rộng ra hơn nhiều. Thế là câu hỏi cũ chưa được trả lời thì lại có thêm một câu hỏi mới.


Chùa Trấn Quốc đã bị bê tông hóa và... "điểm trang" lòe loẹt

Hà Nội đang chuẩn bị  bước sang Thiên  niên kỷ thứ hai lịch sử hình thành. Nếu chỉ kiểm lại kiến trúc HN trong giới hạn vài chục năm trở lại đây, có nhiều điều HN chỉ biết rõ sau khi nếm trải những quả đắng vì đã lãng quên sự cân bằng giữa đất và nước. Một cuộc tìm kiếm sự cân bằng với những thách thức mới mẻ lại bắt đầu.

Giống như nghệ sĩ đi trên dây, liệu các kiến trúc sư với cây bút của mình có thể thay thế được cái sào điều chỉnh thăng bằng, cùng với tài năng và can đảm để có thể đi tới đích bên kia an toàn hay không?

Trần Huy Ánh - Nguồn ảnh : HanoiData 

>> 50 năm qua, Hà Nội san lấp 80% diện tích mặt nước để xây dựng? 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo