Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Thương xót Hồ Gươm!

Thương xót Hồ Gươm!

Viết email In

Người Hà Nội đã đến lúc phải trả lời việc chấp nhận hay không chấp nhận bức tường kiến trúc giữa Hồ Gươm và sông Hồng? Nếu muốn những tia nắng ban mai vẫn còn đọng lại được trên cầu Thê Húc, thì các cấp chính quyền hẳn cần rất nhiều sự cố gắng và khẩn trương lắm lắm.

Bị ép dưới những tòa bê tông

Chẳng nơi đâu sự theo dõi và lên tiếng kịp thời về những hoạt động xây dựng lại được công luận quan tâm như ở Hồ Gươm- nơi lắng hồn non nước, thắng cảnh bậc nhất được tô đắp qua nhiều thế hệ.

  • Ảnh bên : Hồ Gươm nhỏ bé đã gồng mình thật ái ngại và ít công bằng (nguồn: thanglong-hanoi.blogspot.com)

Có lẽ vì mến yêu mà mọi người như muốn Hồ Gươm phải hiện diện theo đúng mong muốn của mình. Khu vực quanh Hồ Gươm được coi là đất "ngàn vàng", các chủ bất động sản luôn muốn các tòa nhà được xây dựng thế nào cho xứng với giá trị vàng.

Những ngôi nhà xây gần đây, dừng như cố gắng phình rộng và vươn cao, bất chấp phản đối của công luận, để lại những day dứt nhức nhối. Cùng với đó, các điều kiện về giao thông, ô nhiễm ngày càng bức xúc.

Bên Hồ Gươm, một chiếc đồng hồ đếm ngày tới đại lễ 1000 năm Thăng Long, thông điệp trọng đại thế lại được đặt lên một cái giá thô kệch.

Người ta lên án bọn trẻ sau mỗi đêm tụ tập tại vườn hoa thường để lại đủ thứ rác rưởi nhưng lại chấp nhận những kiến trúc kệch cỡm như cặp rồng, vách liếp bám mãi chỗ tượng đài Vua Lý. Hà Nội như đang thể nghiệm một loại hình nghệ thuật tổng hợp.

Hồ Gươm nhỏ bé đang phải gồng mình thật ái ngại và xót xa!  


Hoài cổ

Hà Nội đã từng đề xuất, nghiên cứu quy hoạch tổng thể về Hồ Gươm. Có lẽ điều mà trước đây còn thiếu là chưa nhận thức được sức mạnh của đồng tiền đã làm thui chột các ý tưởng, cũng như chưa ngờ được tác hại của những tầm nhìn hạn hẹp, cục bộ, mơ hồ về những thứ mà Hồ Gươm cần có. Giữa dự án và thực thi có khoảng cách quá xa, cơ chế cho khâu thực thi quy hoạch vẫn bất cập và mơ hồ.

Trong tâm thức người Việt, nơi đây như vẫn còn vọng mái chèo diễn tập của thủy binh, tiếng thu gươm của rùa vàng, tiếng học bài từ lớp học của những ông nghè tài ba, tiếng thét căm hờn của nghĩa sĩ Cần Vương, có hương thơm từ điện thờ Thần Văn, Thần Võ, đức Thánh Trần, Vua Lê… Có lòng bác ái của Phật, của Chúa, hình ảnh những ngày trở về chiến thắng, ngày chủ nhật gặp gỡ của những người con miền Nam ra Bắc tập kết, những lễ hội và những đêm pháo hoa tưng bừng…

Hơn trăm năm trước, người Pháp đã phá bỏ tàn bạo những kiến trúc cổ ở mạn Đông Nam Hồ Hoàn Kiếm để xây dựng một số công trình đầu tiên của bộ máy cai trị. Nhưng với Hồ Gươm, người Pháp đã tiến hành từng bước thận trọng, cố gắng bám theo tính thời đại của của kiến trúc như ở chính quốc.
Ở phía Đông, từ nhà Gô-đa (vị trí Tràng Tiền Plaza hiện nay) ngược lên phía trên phố Hàng Bông kiến trúc tân cổ điển nhưng đường nét mới mẻ hơn. Bưu điện quốc tế được thiết kế xinh xắn, hấp dẫn với phong cách hiện đại...

Phía Tây, mạn phố Tràng Thi, một dãy nhà với tầng cao khiêm tốn trải theo hồ. Tới ngã ba Hàng Trống, người Pháp cho xây ngôi nhà của Hội Khai trí tiến đức theo phong cách kiến trúc phương đông. Tiếp đó, Thủy tạ được xây dựng với kiến trúc dân tộc đặc sắc, đối thoại thú vị với cụm di tích Ngọc Sơn.

Tất cả là một sự chuyển tiếp đáng yêu, hợp lý, giờ đây, đã bị phá vỡ. 

Cứu lấy không gian Hồ Gươm

Mọi người từng bày tỏ không hài lòng với những công trình như Nhà Bưu điện Hà Nội, Tràng Tiền Plaza, Báo Nhân Dân, tòa nhà Hàm Cá Mập, trụ sở ủy ban Thành phố, trụ sở Bảo Việt, chủ yếu vì kích cỡ quá khổ và đường nét vật liệu thiếu phù hợp.

Hồ Gươm đang bị vây chắn bởi những nhà ngân hàng cao tầng từ phía Đông.

Vẫn có khả năng nghiên cứu cải tạo và nâng cấp để hòa tốt hơn với tổng thể. Sự hoán đổi chức năng sử dụng giữa các công trình ở những khu bảo tồn xưa nay là chuyện thường tình ở nhiều quốc gia. Một xưởng máy trở thành bảo tàng, một lâu đài cổ thành nhà văn hóa, có thể chẳng kém đi sự hấp dẫn. Đến như trụ sở ủy ban hiện nay, khi không cần sử dụng nữa, có thể dành cho một mục đích khác, hoặc tốt hơn là để tăng thêm chỗ sinh hoạt và vui chơi cho các cháu, bên cạnh Cung thiếu nhi, vốn trước đây là của quận Hoàn Kiếm…

Tổng thể Hồ Gươm là một di tích lớn, viên ngọc quý giá ấy vẫn cần hoàn thiện và trau chuốt, càng thận trọng, càng bình tĩnh nhẹ nhàng, ngọc càng ngời sáng, không trầy xước đổ vỡ.

Người Hà Nội đã đến lúc phải trả lời việc chấp nhận hay không chấp nhận bức tường kiến trúc giữa Hồ Gươm và sông Hồng? Nếu muốn những tia nắng ban mai vẫn còn đọng lại được trên cầu Thê Húc, thì các cấp chính quyền hẳn cần rất nhiều sự cố gắng và khẩn trương lắm lắm.

Rồi có nên làm một biểu tượng gì thật nổi bật để ghi dấu 1000 năm Thăng Long nơi đây? Một ngàn năm là dài lắm, nhiều thứ lắm, mà chúng ta thực sự chưa biết được là bao. Gắng tìm hiểu, tri ân quá khứ, giúp con em chúng ta biết yêu quý và gìn giữ những thứ đã có để không vất vả, không lập cập như chúng ta đang trải qua, hẳn là điều cần trước hết.

Với vài năm, những nỗ lực mà ta xây dựng được cũng chỉ là sự bày tỏ niềm hân hoan trước thời khắc thiêng liêng sắp tới mà thôi. Để Hồ Gươm không lún thêm vào những mất mát khó cứu vãn, chẳng phải đã là một tượng đài kì vĩ đó sao? Mà quanh Hồ Gươm, đâu còn chỗ mà ngắm nhìn?

KTS Lê Văn Lân

>> Quy hoạch hồ Gươm - việc đại sự không thể xem thường 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo