Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư KTS Mai Thế Nguyên: Viết "thư tình" cho Hà Nội

KTS Mai Thế Nguyên: Viết "thư tình" cho Hà Nội

Viết email In

Cũng nhìn Hà Nội trong sự đổi thay, góc nhìn tuần này là của một người Hà Nội, sinh ra ở phố Hàng Cót, tuổi thơ lớn lên ở Hàng Ngang, nhưng nhiều năm sống, làm việc ở Na Uy và một số nước Bắc Âu khác: KTS Mai Thế Nguyên. Câu chuyện của ông về Hà Nội bắt đầu từ tranh Phố Phái và người họa sĩ của phố phường Hà Nội...

* Ông gặp họa sĩ Bùi Xuân Phái (BXP) trong hoàn cảnh như thế nào, thưa ông?

KTS Mai Thế Nguyên (ảnh bên) : - Năm 1975, tôi về nước lần đầu. Qua một số bạn bè, tôi được giới thiệu làm quen với ông. Chúng tôi chơi với nhau như những người bạn văn nghệ, gắn bó và cảm thông với nhau nhiều. Tôi có tặng anh Phái một số màu sơn dầu và một cuốn sách về Edvard Munch, họa sĩ nổi tiếng của Na Uy.

Năm 1980, tôi nhớ là một buổi tối, hai vợ chồng tôi đạp xe đến nhà ông, thăm và mua của ông một số tranh. Khi đó, Hà Nội tối, vắng, êm ả vô cùng. Ông ấy vui lắm, sai con trai đi mua rượu trắng đãi chúng tôi. Ở căn hộ của chúng tôi bên Oslo, có một góc bảo tàng BXP, mười mấy bức tranh, cả mua, cả được ông tặng.

* Tôi muốn nghe nhận xét của ông từ góc độ kiến trúc về phố trong các bức tranh này?

- (Im lặng một chút)... Tôi thấy nhà trên tranh Phố Phái rất vừa vặn với con người trong đó, vừa với tầm nhìn và tầm vóc của người. Phố cũng không chen chúc người với xe, vì vậy, nhà - phố và người thân thiện với nhau, gần gũi nhau, tạo nên một không gian sống giàu tình cảm, giàu tính người.

Tôi cho rằng Phái không chỉ vẽ cái khung cảnh phố, mà hơn thế nhiều, ông đã vẽ được cả phần phi vật thể của phố Hà Nội, tức là phần tâm hồn của nó...

* Nhớ lại năm 1980 ấy, đạp xe đi đến nhà ông Phái trên khu phố cổ, phố Hà Nội khi đó còn gần với Phố Phái không, thưa ông?

- Gần lắm, cả về phần xác lẫn phần hồn. Tôi còn cảm nhận rõ được cái gì đó như tâm hồn của thành phố này, êm ả, dịu dàng, riêng tư và gần gũi...


Hà Nội trong tranh Bùi Xuân Phái 

* Gần 30 năm trôi qua. Hà Nội đã thay đổi nhiều. Tuy sống và làm việc ở Oslo nhưng ông rất hay về thăm quê hương. Ông nhận thấy sự đổi thay của kiến trúc Hà Nội đã và đang diễn ra theo chiều hướng nào?

- Theo chiều hướng đáng lo ngại đấy... Thứ nhất là về các ngôi nhà: nếu các ngôi nhà để ở trước kia vừa với tầm vóc con người, hay cùng lắm cũng chỉ cao đến 5 tầng như khu Giảng Võ tôi đang ở đây, thì chúng cũng vừa với tầm nhìn của con người. Vì thế, chúng còn thực sự là nhà. Nay, thành phố cũng không tránh được chuyện xây các cao ốc, nhà được đẩy tít lên cao, khác gì cái chuồng chim (!).

Tầm cao nay góp phần quan trọng quy ước lại lối sống giữa người với người, các cánh cửa khép lại, đi lên đi xuống bằng cầu thang máy chật cứng, không giao lưu, không nhờ cậy nhau, không "mở" lòng ra với nhau nữa. Cuộc sống xã hội của con người, giữa con người với nhau bị thu hẹp lại, có khi là biến mất...

Thứ hai là về đường phố, phố bị chật chội, tắc nghẽn, đủ loại xe cộ, giao thông không trật tự, giao thông chiếm lấy không gian sống của con người... Tôi không còn dám đi xe đạp từ khu Giảng Võ lên Bờ Hồ, đơn giản vì không an toàn chút nào.

Thứ ba là về kiến trúc nhà. Nhà cao tầng thì thôi tôi không nói đến nữa nhé; riêng nhà dân thì kiến trúc không có kiến trúc sư thiết kế hay quản lý mà mạnh nhà nào nhà đó làm, không có tiêu chuẩn, dẫn đến tình trạng có thể một cái nhà thì đẹp nhưng cả một khu phố thì không ra sao cả...

Tất cả khiến cho tâm hồn thành phố này bị phai lạt dần những vẻ đẹp nguyên bản. Người Hà Nội gốc cũng ngày một ít đi...


Hà Nội trong ảnh của Ngô Xuân Phú

* Có vẻ như ông đang lo lắng nếu nếu sự phát triển như vậy diễn ra với tốc độ quá nhanh?

- Tôi không giấu giếm là thất vọng ít nhiều... Khi viết cuốn sách Hanoi Architecture, tôi thấy giống hệt như việc mình đang viết thư tình cho thành phố này vậy. Trong lá thư đó, tôi nhắc lại những góc phố đẹp, những địa chỉ kiến trúc đẹp, những không gian sống đậm tình người đem lại cho thành phố này một sự sống đặc biệt...

Nay chúng phần nào vẫn còn đó nhưng có nguy cơ bị chen lấn bởi những gì mà người ta cho là văn minh.

Hàng ngày, chúng ta thấy trên truyền thông đưa tin Hà Nội triển khai các khu đô thị, trung tâm thương mại cao tầng... Tôi đồ rằng, người ta xây dựng đó không phải để cho con người ở, mà đơn thuần là để cho kinh doanh.

Ngay ở khu biệt thự Hồ Tây, đẹp về mọi mặt, vậy nhưng thử hỏi có bao nhiêu người chủ Hà Nội ở, hay chỉ xây thật đẹp rồi để cho người nước ngoài thuê? Chúng ta làm ra nhà đẹp, khu kiến trúc đẹp nhưng không dám ở. Chúng ta làm ra các khu đô thị cao cấp thì con người bị đẩy lên cao tít giữa giời để sống, nhường mặt đất cho các trung tâm thương mại, văn phòng...

Vậy, con người có còn làm chủ được không gian sống của mình nữa không hay đồng tiền đã thay người làm chủ rồi ?

* Sự phát triển của một đô thị từ chưa văn minh đến văn minh có vẻ như là một quy luật bất biến và Hà Nội cũng không thể là ngoại lệ?

- Điều này đúng. Song Hà Nội có thể rút kinh nghiệm từ những thành phố quá văn minh đến mức như thành phố "chết" ở châu Âu để tìm ra cho mình một hướng phát triển hợp lý, hợp tình đối với con người Việt Nam, giúp cho mình vừa văn minh vừa văn hóa, không mất đi vẻ đẹp nguyên bản của mình.

Tôi đơn cử ví dụ, Copenhagen, thủ đô Đan Mạch hiện nay, đã cấm xe cơ giới qua một số tuyến đường để dành cho xe đạp và người đi bộ, tạo không gian cho con người gặp gỡ nhau, trò chuyện với nhau.

Oslo, thủ đô Na Uy, cũng đã thay đổi mục đích của một số khu nhà vườn vốn có từ đầu thế kỷ XX, biến chúng thành nơi để con người ở các khu chung cư trong nội đô được gặp nhau và gặp thiên nhiên.

Tôi nhớ một nhà triết thuyết trẻ tuổi của Pháp hiện nay có nói thế này: "Cái xa xỉ của tương lai là có đủ thời gian thưởng thức một cách chậm rãi sự im lặng". Hà Nội của chúng ta từng có được điều đó, lẽ nào chúng ta làm mất nó rồi lại đi tìm kiếm với một cái giá xa xỉ, phải không?
    
* Một điều an ủi là chúng ta chưa mất hẳn, vẫn còn những góc tâm hồn Hà Nội ở những khu kiến trúc đẹp, những không gian sống thấm đẫm tính người như trong "lá thư tình" cho Hà Nội của ông có đề cập... Ông có hi vọng rằng: những góc đẹp đó rồi sẽ được nhân lên hoặc được biến đổi theo một xu hướng hợp thời đại?

- Hi vọng à? (im lặng một chút)... Ngay khu Giảng Võ tôi đang ở đây, người ta đã, đang và sẽ triển khai việc phá dỡ những khu chung cư cũ, vốn có thiết kế vừa vặn với con người, vốn hợp với lối sống quần tụ cộng đồng, tạo nên một xã hội "sống", thành những tòa cao ốc. Tôi không biết nên hi vọng thế nào...

Tôi nghĩ xây mới để cho thành phố khang trang là tốt, nhưng vấn đề luôn nằm ở chỗ xây như thế nào để vừa giữ được đặc điểm đời sống xã hội ở đó, vừa hợp với đặc điểm thời tiết, khí hậu.

Cứ xây thật cao, dùng thật nhiều kính công nghiệp và lắp điều hòa nhiệt độ, vậy chúng ta còn gì cho một căn nhà ở xứ nhiệt đới? Chưa nói đến là chúng ta sẽ tham gia tăng khí thải lên làm cho biến đổi khí hậu toàn cầu càng trầm trọng hơn nữa.

Tôi quyết định về ở Hà Nội nhiều thời gian trong năm với hi vọng sẽ đóng góp được gì đó với kiến thức và tay nghề của mình cho Thủ đô. Nhưng 3 năm qua tôi chưa làm được việc gì cả...

Cách đây 3 năm, Mai Thế Nguyên cùng vợ (người Na Uy) mua được một căn hộ nhỏ trong khu Tập thể Bộ Y Tế (Giảng Võ, Hà Nội) để làm chốn về ở quê nhà. Ông cũng mới hoàn thành cuốn sách Kiến trúc Hà Nội, viết bằng tiếng Anh (Hanoi Architecture - NXB Khoa học Kỹ thuật). 

Phong Vân 

>> Gặp tác giả cuốn sách nhỏ "HaNoi Architecture": Có một Hà Nội... "thập cẩm" 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo