Ashui.com

Monday
Jan 20th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư KTS Nguyễn Văn Tất: “Tôi luôn mong muốn được đổ đầy”

KTS Nguyễn Văn Tất: “Tôi luôn mong muốn được đổ đầy”

Viết email In

Anh là một trong những kiến trúc sư hiếm hoi của Việt Nam đã tạo được một “bầu khí quyển” riêng biệt, đầy xúc cảm, thấm đẫm hương vị nhiệt đới cho tác phẩm của mình. Đã có lần anh đặt câu hỏi: “Sự lãng mạn có mòn theo thời gian?”… và rồi chính anh lại tự động viên, nhắc nhở, nuôi dưỡng sự lãng mạn cho mình, như một dòng sống mãnh liệt giúp anh có thể hài hoà giữa kỹ thuật và nghệ thuật, tìm tới những giá trị tinh thần cho từng không gian sống.

Là uỷ viên ban chấp hành hội Kiến trúc sư Việt Nam, anh có thấy sốt ruột không khi thành phố mình ngày càng bị cắt nát và… xấu tệ?

KTS Nguyễn Văn Tất (ảnh bên): Không gian đô thị làm ra phải vì con người sử dụng nó. Chất lượng không chỉ nằm ở tiện nghi hạ tầng đô thị mà còn ở sự cân bằng cuộc sống nói chung trong điều kiện đặc thù đó. Đâu phải thành phố nào cũng cần có xe buýt hai tầng, metro, nhà cao tầng, những trung tâm mua sắm sang trọng… mới kéo được khách du lịch đến đây? Người dân Sài Gòn vẫn cực kỳ thích thú khi lọt vào một không gian mộc mạc, đơn sơ, chân tình, với những người nông dân thư thái bên vườn cây trái dọc sông nước mênh mang, hoặc thả bộ trên những con đường nhỏ ven núi hoang sơ… Sự an lành hạnh phúc trong không gian đó đã là một giá trị. Có thể có người cho tôi là hoài cổ, và liệu điều đó có mâu thuẫn với sự phát triển? Ngay cả Liên hiệp quốc khi nhận định về mức sống và sự phát triển của một quốc gia, một thành phố, người ta bắt đầu nghiêng về chỉ số hạnh phúc chứ không chỉ là GDP. Đôi khi chúng ta quá nóng ruột về sự phát triển, khi có điều kiện đi đây đi đó lại càng nóng ruột. Phải biết mình có cái mà nước khác không có, đừng khắc phục sự thiếu thốn một cách vội vàng sẽ lợi bất cập hại, làm cho tình trạng xã hội luôn ở thế bất ổn. Nhìn lại 20 năm qua, chúng ta xây dựng rất nhiều công trình, nhưng tác phẩm kiến trúc rất ít. Tốc độ đô thị hoá diễn ra rất nhanh, nhưng giá trị đồng bộ hướng về hạnh phúc lại ít.

Bản sắc của Sài Gòn bây giờ chính là quả ngọt lẫn lầm lỗi của chặng đường dài 300 năm. Ở góc độ đó, bao nhiêu tiền bỏ ra làm bê tông bó vỉa hè đường, mới một hai năm đã lở lói xác xơ, làm sao sánh với những viên đá xanh trăm năm tuổi, mà đành đoạn vứt đi khá nhiều. Vẫn chưa có một quy chế sử dụng vỉa hè cho ra hồn đô thị, những cấm đoán kiểu bắt cóc bỏ đĩa khiến mỗi lần xe công an tới là chạy táo tác, làm sao có đô thị yên lành. Vỉa hè là kinh tế thật, tiền thật. Những gánh xôi, gánh bắp vỉa hè của những người mẹ, người chị đã nuôi biết bao người trở thành tiến sĩ, kỹ sư. Nhưng một vài con đường làm ăn bây giờ được chính giới xã hội đen kiểm soát… Cứ hào hứng với nhà cao tầng đi, nhưng hãy nhớ những ngôi nhà cũ hai tầng vẫn hái ra tiền ở quận 5, làm nên nét lãng mạn hương xưa… Rồi những con hẻm ngoằn ngoèo, những quán cà phê nổi tiếng, một góc chợ trời, một phố trái cây… Chỉ khi nào cảm hết những mạch đời quý giá trong lòng cái vỏ hỗn độn (và lạc hậu!) hàng ngày mới đủ sức ước mơ về một đô thị mới phát triển đậm chất Sài Gòn. Không có bản sắc nào không bắt đầu từ con người, nhất là kiến trúc đô thị.

Quy hoạch chi tiết không gian đô thị đâu chỉ là con số cộng của luật lệ, nó cần xúc cảm sáng tạo của kiến trúc sư quy hoạch và kiến trúc.

Với tốc độ xây dựng chóng mặt như hiện nay, nghề kiến trúc sư hẳn là… hốt bạc? Anh có suy nghĩ nhiều về chuyện giàu nghèo, liên quan đến chuyện xấu, đẹp của kiến trúc hôm nay?

Lâm Ngữ Đường từng nói đại ý bất cứ một ngành nghệ thuật nào mà người ta kỳ vọng vào đó sự thành công về tiền bạc thì những tác phẩm ấy chẳng thể gọi là nghệ thuật. Mỗi người có một hoàn cảnh, một đời sống rất khác nhau, nhưng tôi hiểu, nói theo Lâm Ngữ Đường, đi đến tận cùng nghệ thuật thì không giàu được.

Nhưng thế nào là giàu có? Theo cách hiểu thông thường, giàu là có nhiều tiền. Nhưng cũng có những thứ không thể quy ra tiền được. Với tôi, cuộc sống thực sự có ý nghĩa khi mình có được một công việc yêu thích để làm mỗi ngày, có những ray rứt và mong ước đem lại những điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng bằng những đóng góp thiết thực.


Sài Gòn Mũi Né Resort - Công trình nằm trong Top 20 công trình Kiến trúc Việt Nam tiêu biểu thời kỳ đổi mới và được trao giải Nhất - Giải thưởng Kiến trúc Việt Nam năm 2000

Bức xúc nhất của anh là gì?

Là cái mình nghĩ có thể làm được, mang lại lợi ích rõ ràng, nhưng lộ trình của nó, tốc độ của nó còn quá chậm so với cái lẽ ra phải có. Đáng buồn nhất là khi người ta tự dằn vặt để tìm kiếm điều gì đó hay ho, thì việc thực hiện điều hay ho có thực đó lại gặp phải bao trắc trở. Nhưng tôi cũng hiểu rằng bất kỳ công việc gì liên quan đến những giá trị xã hội, đa chiều, cũng đòi hỏi điều kiện chín muồi. Đó cũng là mâu thuẫn lớn nhất giữa cái mình bức xúc và sự kiên nhẫn cần có. Con người mà, biết làm sao được!

Nhìn rộng ra hơn, anh có thấy đây cũng là “vấn đề” của trí thức nói chung?

Trí thức bao giờ cũng mong muốn được cống hiến, nhưng quyền đó còn rất hạn hẹp. Khi có quyền rồi thì hiệu quả, hiệu suất lại bị hạn chế. Bất cứ thời đại nào cũng có những người xuất sắc, và bản thân chuyện đóng góp là một nhu cầu tinh thần của trí thức. “Vấn đề” là xã hội phải biết sử dụng họ càng sớm thì càng tốt cho cộng đồng, để nâng cao chất lượng sống cho con người.

Không ít người đã xây vài ba ngôi nhà rồi mà vẫn băn khoăn đâu mới thực sự là ngôi nhà của mình. Anh có tư vấn gì cho việc thiết kế “ngôi nhà của chính mình”?

An là mục đích cuối cùng của không gian sống, vì “an cư mới lạc nghiệp”. An là sự cân bằng giữa một chút vật chất, một chút tinh thần, một chút mối quan hệ, niềm hy vọng… Khi bạn quyết liệt đi tìm một nơi chốn cho riêng mình, gia đình mình, phù hợp với cá tính và văn hoá của mình thì triển vọng để có một ngôi nhà đẹp là rất lớn. Ngược lại, tỷ lệ thất bại cũng rất lớn nếu bạn bỏ ra rất nhiều tiền để làm một căn nhà với tất cả sự hãnh tiến chỉ để khoe khoang với người khác. Suy cho cùng, xấu đẹp là chuyện của chính mình. Một căn nhà xấu sẽ gây phản cảm lớn không chỉ cho chủ nhân mà ảnh hưởng đến cả cộng đồng, trách nhiệm thuộc về bạn, về kiến trúc sư, và cả nhà quản lý. Do vậy, phải đặt ra vấn đề văn hoá ứng xử. Mua một cái nhà thì dễ, mua hàng xóm mới khó.

Bên cạnh những khu đô thị mới hiếm hoi như Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền, phải chăng đang hình thành ở thành phố ta những khu ổ chuột mới?

Phú Mỹ Hưng là một trong 20 công trình được bầu chọn là công trình ấn tượng trong 20 năm đổi mới nhờ chất lượng về môi trường sống. Nhưng cùng lúc, số lượng lớn hơn rất nhiều là những khu đô thị, dân cư mới mà chỉ cần có chỉ số quản lý khác một chút là thấy rõ nó chẳng khác mấy so với những khu nhà phố liền kề, ổ chuột cũ. Nhìn vào việc phân lô, tỷ lệ cây xanh, có thể thấy chất lượng sống chỉ được nhích lên một bước khiêm tốn.


Trụ sở UBND và Khối QLNN Thị xã Châu Đốc - Công trình được trao giải thưởng Kiến trúc Việt Nam và giải thưởng Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh năm 2006

Anh nghĩ gì khi khá nhiều công trình lớn hiện nay của thành phố đều lọt vào tay nhà thầu ngoại, kiến trúc sư ngoại?

Nhiều chủ đầu tư và cả các quan chức hiện nay đều thích có tên nước ngoài trong thiết kế kiến trúc. Bụt chùa nhà không thiêng! Có những quan điểm và tâm lý mang tính chất “tước vũ khí” ngay trên sân nhà. Quan điểm của riêng tôi, hội nhập không phải là một cuộc giác đấu, một mất một còn để khẳng định mình là vô địch, mà là một cuộc đại hợp tác các bên cùng thắng. Vì nó là con số cộng của sở trường, sở đoản. Tôi từng làm đồ án quy hoạch chung với kiến trúc sư Singapore, tôi thấy họ có cái hay của họ, mình có cái mạnh của mình, nếu không tạo điều kiện để hai cái hay hợp nhất lại, mà phải thi đấu thì cũng đừng bị “tước vũ khí” một cách oan uổng. Đau hơn là khi nhà đầu tư nước ngoài được giao những công trình lớn, họ chỉ trích một phần chi phí đó thôi để đến thương lượng với mình làm từng phần trong dự án đó. Việc này chỉ có thể xảy ra và đã xảy ra khi bản thân giới kiến trúc sư Việt Nam chưa có luật kiến trúc sư, trong đó người thi hành không chỉ là kiến trúc sư, mà toàn xã hội. Vài tháng gần đây, bộ Nội vụ mới đồng thuận cho hội Kiến trúc sư cùng các bộ, ngành liên quan chuẩn bị dự thảo luật.

Anh suy nghĩ thế nào về cách ứng xử với các khu đất vàng hiện nay?

Cái gì cũng phải được giải quyết bằng sự cân bằng về quyền lợi giữa cá nhân và xã hội, nhóm lợi ích và cả cộng đồng, ngắn hạn và dài hạn… Đừng ăn trước mắt, đóng cửa tương lai, hoặc chỉ ngồi nói chuyện vĩ mô trên một thực tại bi đát. Về những khu đất vàng, quan điểm của tôi là không đấu giá, mà đấu thầu những dự án mang lại giá trị lớn cho đô thị, trong đó ngoài tiện nghi, ngoài hạ tầng xã hội, ngoài hứa hẹn về kinh doanh còn là những đóng góp rất cụ thể về thuế má…

Anh vừa ra mắt cuốn Hơi thở nhiệt đới. Là phó tổng biên tập tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp, có phải làm báo và viết sách là cách để anh thoát khỏi những suy tư, dằn vặt về những bộn bề của đời sống hôm nay?

Hơn 15 năm nay theo đuổi việc xây dựng luật kiến trúc sư, nhiều lúc nản chí lắm, cũng có những bức xúc, căng thẳng, nhưng giờ tôi nhận ra để làm bất cứ cái gì cũng cần có sự chia sẻ, hợp tác, mới có đủ sức lực cho những điều tốt đẹp. Trên bước đường làm nghề nhọc nhằn và hạnh phúc, không ít lần tôi cảm thấy gánh nặng trách nhiệm của sự nghiêm túc, với nghề và với người, thấy bản thân mình cũng có lỗi. Tôi lại cảm thấy nhu cầu và niềm vui của sự chia sẻ và được chia sẻ, đó là lý do tôi cầm bút. Viết cũng là để tiếp tục sống với nó, có những suy nghĩ hướng thượng hơn, ứng xử một cách tích cực hơn. Qua những bài viết tản mạn, tôi nhận ra tri thức và văn hoá ứng xử là cực kỳ cần thiết với kiến trúc sư để mỗi tác phẩm làm ra có được giá trị thực sự.

Hạnh phúc lớn nhất của anh là gì?

Mang lại cho con người một không gian sống nghệ thuật, nhiều liên tưởng, nhiều rung động, nhiều cảm xúc hơn, trong đó có cảm xúc thẩm mỹ.

Với những tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế như Nhà ở nông thôn (1979), và các loại hình kiến trúc thư giãn như resort, nhà ở… luôn mở ra với thiên nhiên, sự hài hoà giữa triết lý phương Tây và phương Đông dường như đã mang lại “mùi vị” riêng cho những tác phẩm của anh?

Kiến trúc là nghệ thuật liên quan đến văn hoá, nhân văn nhiều nhất, để tạo không gian sống cho con người đủ mọi thành phần với những mục đích sử dụng, thói quen ứng xử khác nhau. Nói đến con người, là đụng đến quá khứ, gia đình, tôn giáo, đặc điểm dân tộc… Với công việc tạo phần hồn cho những sản phẩm xây dựng, nếu không có được những hiểu biết tinh tế thì không thể tạo ra những tác phẩm kiến trúc.

Một số thầy phong thuỷ uy tín khi xem các công trình của tôi cho rằng tôi là người… rất cứng về phong thuỷ. Đúng là có sự gặp nhau. Tôi phát hiện ra thuật phong thuỷ là một khoa học, kể cả tâm lý học trong xây dựng của người Á Đông, được chuyển tải bằng ngôn ngữ còn nhiều bí ẩn của vũ trụ luận mang đặc thù Trung Hoa: âm dương, ngũ hành, 12 con giáp, các sao… Bằng kiến thức được đào tạo trên sự duy lý phương Tây, tôi thấy thuật phong thuỷ hoàn toàn có thể hiểu và kiểm chứng theo logic tây học trong kiến trúc.

Với Nhà ở nông thôn, yêu cầu bản sắc và né tránh sự hiện diện thô bạo của kỹ thuật và vật liệu công nghiệp giúp tôi chiêm nghiệm về giá trị của sự hết lòng và chân thật với những cảm xúc của mình trong kiến trúc. Tôi cho rằng kiến trúc là thiên nhiên thứ hai của con người. Một kiến trúc thành công sẽ ra đời thật tự nhiên nhưng mạnh mẽ, thân thiện, đúng như một thiên nhiên thứ hai, toả sáng lâu dài và nâng đỡ cuộc sống con người.


KTS Nguyễn Văn Tất chia sẻ kinh nghiệm với giới kiến trúc sư trẻ tại Trại KTS Trẻ toàn quốc - Đắk Lắk 2009
(ảnh : Ashui.com)

Điều gì giúp anh có thể trụ vững trong cuộc sống đầy bất trắc này?

Bất kỳ ai, sống kiểu gì cũng đều luôn có người yêu kẻ ghét, người cảm thông, kẻ phản đối. Hãy sống trung thực, để người khác không ngộ nhận về mình, để mình không làm cho ai thiệt hại, hụt hẫng. Sự cắn rứt sẽ ập đến nếu như ai đó sống, làm việc, đối xử không trung thực. Trung thực là điều kiện trước nhất về tâm trí để làm tốt nhiều việc hữu ích khác. Còn để thể hiện sự trung thực một cách tốt nhất, cần một văn hoá ứng xử phù hợp, để cho mình có thể yên tâm với chính mình, và không làm tổn thương đến người khác.

Người thầy lớn nhất trong cuộc đời của anh là những ai?

Tôi có rất nhiều người thầy, mỗi người thầy như một cội nguồn để mình đi đến mọi thứ. Tuổi thơ của tôi lớn lên trong chiến tranh, ở một làng quê nghèo Nam bộ. Người cho tôi nhiều nhất chính là ba tôi, dù ông chỉ là một người nông dân. Tôi hay nghĩ về ông như một người nông dân nghệ sĩ. Những luống ruộng của ông rất đẹp. Ông lên liếp, đào mương thẳng tắp. Còn nhiều lắm những người thầy trong trường kiến trúc và cả những lĩnh vực khác đã “vỡ lòng” cho tôi về tính nhân văn, giá trị mơ ước của mọi tác phẩm kiến trúc. Tôi cảm thấy mình luôn còn thiếu, luôn mong muốn được đổ đầy. Một anh bạn học của tôi đã chép tay hơn 400 trang ca dao tục ngữ, anh khiến tôi hiểu rằng một công việc dù nhỏ, nếu làm đến nơi đến chốn vẫn mang lại những giá trị đóng góp đáng nể phục.

Kim Yến (thực hiện) / chân dung hội họa : Hoàng Tường

KTS Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM:

“Một người năng nổ, tham gia rất tâm huyết vào những vấn đề của đô thị, có những giải pháp ứng dụng sắc sảo. Sống với anh em chan hoà, cởi mở, với học trò tử tế, hết lòng. Cùng với hội Kiến trúc sư hoàn thiện bộ luật kiến trúc sư, anh đấu tranh quyết liệt cho quyền lợi của anh em trong nước, để thoát khỏi thực tế làm thuê cho nước ngoài kéo dài nhiều năm nay”.

KTS Khương Văn Mười, chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM:

“Một kiến trúc sư năm nào cũng có tác phẩm đoạt giải thưởng, với những sáng tạo rất phong phú, thấm đẫm hơi thở thiên nhiên. Mê nghề, ham vui, làm hết mình, mà chơi với anh em cũng hết sức”.

KTS Nguyễn Trường Lưu:

“Tôi thường nói với bạn bè trong cuộc đời làm kiến trúc, chỉ ước sao được làm chuyên môn để có những tác phẩm tốt cho xã hội, và đóng góp cho cộng đồng trên lĩnh vực làm công tác quản lý về nghề nghiệp. Được một trong hai điều trên đã là hạnh phúc, anh Tất làm được cả hai, đó cũng là hiếm”. 

>> Cộng đồng Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...