Ashui.com

Monday
Jan 20th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Gặp gỡ Côn Sơn

Gặp gỡ Côn Sơn

Viết email In

Gặp gỡ mùa thu - Một sinh hoạt nghề thường niên do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức. Cuộc gặp năm nay của giới Kiến trúc sư Việt Nam diễn ra tại Côn Sơn thuộc xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Một địa danh không những nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên mà còn gắn liền với cuộc đời các danh tài của đất nước như Nguyễn Trãi, Chu Văn An. Chính vì vậy Côn Sơn đã và đang được đầu tư tu tạo và gìn giữ để trở thành Khu di tích- lịch sử- văn hoá và du lịch ngày một hấp dẫn. Nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng - Kỳ Lân, gồm có núi non, chùa, tháp, rừng thông, khe suối, ngay từ thời Trần, Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm (Côn Sơn- Yên Tử- Quỳnh Lâm).



Ngày nay, Côn Sơn còn lưu giữ được những dấu tích văn hoá thời Trần và các giai đoạn lịch sử kế tiếp. Tiêu biểu là: Chùa Côn Sơn có tên chữ là Thiên Tư Phúc tự, hay còn gọi là chùa Hun, toạ lạc ở ngay dưới chân núi Côn Sơn, có từ trước thời Trần. Vào đời Lê, chùa được trùng tu và mở rộng rất nguy nga đồ sộ. Trải qua biến thiên về lịch sử và thời gian, chùa Côn Sơn ngày nay chỉ còn là một ngôi chùa nhỏ ẩn mình dưới tán lá xanh của các cây cổ thụ. Chùa được kiến trúc theo kiểu chữ công gồm Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện. Thượng điện thờ Phật, có những tượng Phật từ thời Lê cao 3m. Phía sau chùa là nhà Tổ, có tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông- Pháp Loa- Huyền Quang), sân chùa có cây đại 600 tuổi, có 4 nhà bia; Giếng Ngọc nằm ở sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, phía dưới chân Ðăng Minh Bảo Tháp. Tương truyền đây là giếng nước do Thiền sư Huyền Quang được thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quí. Nước giếng trong vắt, xanh mát quanh năm, uống vào thấy khoan khoái dễ chịu, do đó có tên là Giếng Ngọc và nước ở giếng được các sư dùng làm nước cúng lễ của chùa; Từ chùa Côn Sơn leo khoảng 600 bậc đá là đến đỉnh núi Côn Sơn cao 200m. Ðỉnh Côn Sơn là một khu đất bằng phẳng, tại đây có một phiến đá khá rộng, tục gọi là Bàn Cờ Tiên. Hiện nay Bàn Cờ Tiên có dựng nhà bia theo kiểu Vọng Lâu đình, hai tầng cổ các tám mái. Ðứng từ đây, du khách có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn.



Chúng tôi làm lễ dâng hương Nguyễn Trãi. Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình trọng điểm nằm trong quần thể khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc, khuôn viên đất rộng gần 10.000m2, tại chân núi Ngũ Nhạc, khu vực Thanh Hư Động, kiến trúc theo truyền thống rất độc đáo. Mỗi chúng ta khi đến dâng lễ, thắp hương tưởng nhớ Nguyễn Trãi, đứng trước ông, trong giây phút ta tĩnh tâm, suy  ngẫm, soi lại và tự biết mình. Người đến thắp hương tưởng nhớ Nguyễn Trãi xong, tâm sẽ sáng thêm.

Chúng tôi thăm đền Chu Văn An được thiết kế, xây dựng mang đậm nét truyền thống dân tộc. Ngôi đền chính được chồng diêm tám mái thể hiện sự tôn vinh đẳng cấp và tầm vóc của danh nhân theo tập quán người Việt. Ngay cổng có hàng chữ "Vạn thế sư biểu" để thể hiện tấm lòng của bao thế hệ người Việt với Chu Văn An. Nhà gỗ lim lợp ngói liệt, bậc thềm đá, đồ thờ sơn son thiếp vàng... trông thật khiêm nhường, ấm áp mà thành kính, trang trọng. Nhà bia cũ và cây trạng nguyên bên cổng đang nở hoa đỏ mang ý nghĩa tôn vinh sự học và đạo làm thầy. Tất cả hòa vào quần thể di tích tạo cảm giác gần gũi ấm áp cho mỗi người hành hương.

Chúng tôi đến thăm làng nông nghiệp nông thôn. Xem triển lãm các đồ án đoạt giải cuộc thi KIẾN TRÚC NHÀ Ở NÔNG THÔN trưng bày tại làng. Một đêm giao lưu các Kiến trúc sư toàn quốc với Sở Xây dựng và Hội Kiến trúc sư Hải Dương tại Nhà hàng Việt Tiên Sơn ấm tình đồng nghiệp.



Một hội thảo khoa học với chủ đề: "Kiến trúc nông thôn Việt Nam- hiện trạng và đề xuất phát triển". Sau đó hội nghị Ban chấp hành Hội KTSVN lần thứ 7 họp. Kết thúc chương trình chúng tôi đến với Kiếp Bạc cách Côn Sơn 5km, thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh. Kiếp Bạc là tên ghép của hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Nơi đây là thung lũng trù phú, xung quanh có dãy núi Rồng bao bọc tạo cho Kiếp Bạc có một vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa thơ mộng. Vào thế kỷ 13, đây là nơi đóng quân và là phủ đệ của Trần Hưng Ðạo, người anh hùng dân tộc, người chỉ huy quân sự tối cao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.



Gặp gỡ mùa thu tại Côn Sơn khi gió đông đã về. Âu cũng là dịp để các kiến trúc sư gặp nhau nghĩ về một thời dựng nước và giữ nước của cha ông. Ngẫm ngợi những hưng vong và khúc bi tráng lịch sử. Một hội thảo về nhà ở nông thôn Việt Nam nhằm gìn giữ bản sắc dân tộc cũng như những ứng dụng thực tế trong điều kiện sống hiện nay. Cảm nhận Côn Sơn, bao xao xuyến sang mùa.

KTS Minh Trí

[ FORUM : Gặp gỡ Mùa thu 2009

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...