Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Về những người đặc biệt trong một gia đình họ Mai

Về những người đặc biệt trong một gia đình họ Mai

Viết email In
Chỉ mục bài viết
Về những người đặc biệt trong một gia đình họ Mai
Phần 2
Tất cả các trang

Năm 2003, tôi đến Na Uy lần đầu tiên. Lý do mà tôi có chuyến đi này thật đơn giản nhưng cũng là một bất ngờ thú vị. Một phụ nữ Nauy biết tiếng Việt đã đọc được truyện ngắn "Tiếng đập cánh của chim thần" của tôi ở trên một trang báo điện tử nào đó. Chị ứa nước mắt khi đọc truyện ngắn này. Thế rồi chị dịch truyện ngắn đó và in trong một tuyển tập.

Đó là tuyển truyện ngắn bằng tiếng Na Uy bao gồm tác phẩm của các tác giả ở những nước có người định cư ở Na Uy. Và người ta quyết định mời một số tác giả có tác phẩm trong tuyển tập đến Na Uy trong ngày khai trương tuyển tập để giao lưu với độc giả. Có 12 tác giả trong tuyển tập. Sau khi tìm hiểu thì Ban tổ chức nhận ra rằng 10 tác giả đã mất. Chỉ hai tác giả còn sống. Một tác giả là người Iran và một là người Việt Nam. Người Việt Nam đó là tôi. Vậy là họ mời cả hai người còn sống. Chuyện chỉ đơn giản là thế và cũng bất ngờ là thế. Chẳng có gì to tát cả.


Bà Vương Thị Lai

Trong chuyến đi lần thứ hai đến Na Uy năm 2004, tôi đã được tiếp kiến Đức Vua và Hoàng hậu Na Uy tại Hoàng cung. Tôi đã ký tặng Đức Vua và Hoàng hậu tập tuyển truyện ngắn bằng tiếng Na Uy và nói Đức Vua và Hoàng hậu nên đọc truyện ngắn của tôi trước khi đến Việt Nam. Bởi trong câu chuyện tôi kể về những người Việt Nam bình dị và vô danh ở một làng quê nhỏ bé và nghèo nàn đã hiện lên giấc mơ lớn về Tự do từ trong máu và nước mắt của một dân tộc. Hoàng hậu hứa là sẽ đọc. Và tôi tin bà đã đọc câu chuyện nhỏ bé ấy trước khi Đức Vua và Hoàng hậu Na Uy sang thăm Việt Nam năm 2004.

Tôi đến Oslo, thủ đô Na Uy, với một trong những mong muốn là được gặp người đã đọc và dịch truyện ngắn của mình. Qua trao đổi thư từ, tôi được biết tên chị là Mai Thị Minh Khai, quốc tịch Na Uy, năm nay chị 30 tuổi. Nhưng khi gặp chị tôi hoàn toàn bất ngờ. Một người phụ nữ đầy dáng vẻ Châu Âu rất đẹp hiện ra trước mắt tôi. Sau này nhìn kỹ, tôi mới nhận ra những nét Á Đông ẩn chứa dịu dàng trên gương mặt chị. Cho đến lúc đó tôi mới biết rằng cha chị là một người Việt và mẹ chị là người Na Uy. Cha chị là ông Mai Thế Nguyên. Ông là người Việt Nam thứ hai định cư ở Na Uy từ nửa thế kỷ trước. Ông sẽ là một trong những nhân vật chính trong bài viết này của tôi. Còn cụ bà thân sinh ra ông Mai Thế Nguyên là một người phụ nữ Việt Nam đặc biệt. Nhưng trước khi kể cho bạn đọc nghe câu chuyện về gia đình đặc biệt này, tôi xin nói thêm một chút về người đã dịch truyện ngắn của tôi - cô con gái của gia đình họ Mai ở Hà Nội.

Trong những ngày ở Oslo, tôi đã ở trong nhà của vợ chồng chị. Lúc đó họ mới có một cháu gái. Mới đây họ có thêm một bé trai. Ngày tôi đến Oslo, chồng chị, anh Trần Quang Đông, đã ra sân bay đón tôi. Hồi bé, chị đã được cha mẹ dạy vẽ. Ông Mai Thế Nguyên và người vợ Na Uy đều là kiến trúc sư. Rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng ở thủ đô Oslo có sự tham gia của ông. Một trong những công trình đó là khu bếp, phòng trà và phòng ăn của Đức Vua và Hoàng hậu Na Uy trong Hoàng cung. Tôi đã được xem một vài bức ký họa của Mai Thị Minh Khai khi chị lên tám tuổi. Thật xuất sắc và rung động. Nhưng sau một thời gian học hội họa, chị đã giã từ nó. Chị nói rằng chị biết khả năng của chị đến đâu và hơn nữa trước mặt chị có biết bao họa sỹ Na Uy danh tiếng. Chị tin rằng chị sẽ không bao giờ có thể đứng bên cạnh họ được.

Chính thế mà chị không tiếp tục theo học hội họa. Chị học châm cứu. Chị trở về Việt Nam học tiếng Việt và học châm cứu. Trong những ngày học ở Việt Nam, chị trọ trong một căn phòng nhỏ ở tầng trên của hiệu phở gà Đỗ Hành. Và ở Hà Nội, chị đã gặp anh Đông. Hai người yêu nhau và đi đến hôn nhân. Anh Đông theo vợ sang sinh sống và làm việc ở Oslo. Bây giờ chị là chuyên gia châm cứu ở một Trung tâm y tế ở Oslo.


Chị Mai Thị Minh Khai và gia đình ở Oslo

Một ngày nghỉ, vợ chồng chị đưa tôi đến thăm cha mẹ chị. Ông Mai Thế Nguyên đã nấu phở bò để đãi khách. Vợ chồng ông sống căn hộ xinh xắn trong một chung cư ở thủ đô Oslo. Căn hộ có rất nhiều tranh Phái. Đã có những người sưu tập và buôn tranh hỏi mua nhiều lần. Nhưng ông bà không bao giờ bán những bức tranh đó. Những bức tranh đó luôn luôn gợi lên trong ông Mai Thế Nguyên những ký ức về Hà Nội xưa và những lần ông gặp họa sỹ Bùi Xuân Phái. Trong căn hộ của họ có hai chiếc ban thờ. Một chiếc thờ cha mẹ và một chiếc thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Nguyên nói: “Trừ tôi ra còn tất cả những người trong gia đình tôi đều đã gặp Cụ Hồ”.

Tôi đã hỏi ông Mai Thế Nguyên việc ông đặt tên con gái ông có liên quan chút gì với nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai không? Ông trả lời đó là lý do chính. Ông muốn con gái mình lớn lên phải có một khát vọng sống mạnh mẽ và biết hy sinh cho lý tưởng mà mình chọn lựa. Ông cũng muốn các con ông dù sống xa Tổ quốc nhưng phải gắn bó một điều gì đó với mảnh đất mà cha chúng đã sinh ra và lớn lên. Khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm Na Uy, Mai Thị Minh Khai đã được bế ra sân bay đón cố Thủ tướng. Năm đó, Mai Thị Minh Khai mới hơn một tuổi.

Ông Mai Thế Nguyên rời Hà Nội sang Pháp năm 1953 cùng với một người anh trai. Khi ấy ông 14 tuổi và anh trai ông 16. Mẹ ông sợ hai anh em ông bị Pháp bắt đi lính lên đã gửi cả hai sang Pháp học. Lúc đó, người anh cả của ông đang học ở Paris. Đó là Tiến sỹ, Giáo sư bác sỹ Mai Thế Trạch. Sau này, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Mai Thế Trạch đã trở về giúp Tổ quốc như bao trí thức người Việt yêu nước khác.

Ông Mai Thế Nguyên mồ côi cha từ năm một tuổi. Ông kể với tôi rằng trong ký ức ông hình ảnh rõ nhất và cũng buồn đau nhất về người cha là một cái hộp sọ có một chiếc răng vàng. Đó là ngày gia đình ông thay áo cho cha ông. Mẹ ông, cụ bà Vương Thị Lai, góa chồng từ năm 28 tuổi. Từ ngày đó, một mình cụ phải nuôi năm đứa con ăn học. Cụ có một cửa hàng bán tơ lụa tên là Lợi Quyền ở 27 phố Hàng Ngang. Năm 1945, Chính phủ lâm thời  kêu gọi toàn dân quyên góp tài chính ủng hộ Quỹ Độc lập. Cụ Vương Thị Lai là một trong những người đầu tiên đã mang tài sản mà cụ đã lao động với mồ hôi, nước mắt để ủng hộ Cách mạng. Bởi ngày ấy, ai cũng khát khao Tổ quốc được độc lập tự do. Và họ đã làm tất cả cho khát vọng lớn lao nhất ấy. Và cũng từ sau ngày đó, anh em ông Mai Thế Nguyên không còn nhận được tiền của mẹ gửi sang Pháp để ăn học nữa. Họ vừa học vừa phải đi làm thuê để sống.


Ông Mai Thế Nguyên

Ngày 10 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn chiếc huy hiệu hình ngôi sao bằng vàng cho cụ Vương Thị Lai vì những đóng góp của cụ trong Tuần lễ vàng đầu tiên ở Hà Nội. Cụ đã hiến cho Cách mạng 109 lạng vàng. Trong một bài báo viết về cụ Vương Thị Lai in trên Báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1991, tác giả Phạm Việt Anh (Viện Hồ Chí Minh) viết:

Đó là tấm huy chương đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho một công dân của nước Việt Nam mới, một phụ nữ ái quốc. Đó cũng là tấm huy chương độc nhất vô nhị, vì lẽ tấm huy chương đó là món quà của một Việt kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi về biếu Bác. Người nói: Với tấm huy chương này, bà Vương Thị Lai là đại biểu cho lòng hăng hái và hy sinh cho phụ nữ Việt Nam.

Bà Vương Thị Lai đã xứng đáng với tấm huy chương quí và lời khen ngợi của Bác Hồ. Bà đã lặng lẽ tiếp tục đem vàng, tiền mua thóc ủng hộ quỹ cứu đói, ủng hộ bộ đội, giúp tự về thành trong những ngày khó khăn cuối năm 1946. Sau này, bà tiếp tục ủng hộ tiền xây dựng Nhà máy Da Thụy Khê, Nhà máy dệt khăn mặt. Bà tham gia Hội đồng nhân dân thành phố, là ủy viên Hội đồng Hoà bình Thế giới của Việt Nam và là ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam
”.

Sau này, cụ Vương Thị Lai còn ủng hộ Cách mạng một khối tài sản khổng lồ. Đó là hai ngôi nhà 156A và 156B, phố Quán Thánh, Hà Nội (tổng cộng diện tích hai ngôi nhà này là 1.105 m2), rồi đến ngôi nhà số 1, phố Lê Hồng Phong, Hà Nội (1.108 m2) và hai lô đất ở bến xe Kim Liên là 1.035 m2.

Viết đến đây, tôi cảm thấy như có ai đó giật mạnh tay mình. Từ đâu đó có một lời nhắc tôi hãy nhớ lại những vụ tham nhũng của những người đội danh Cách mạng trong thời kỳ đất nước đổi mới. Có bao nhiêu người dân đã hiến tiền, hiến vàng, hiến nhà cửa đất đai mà họ có được bằng mồ hôi nước mắt và hiến cả máu xương của họ và của những người thân cho Cách mạng. Và cũng có những cán bộ Cách mạng đã và đang lấy của công để gửi vào tài khoản cá nhân họ, để mua hết nhà này đất khác, để mua sắm những chiếc xe bằng tiền bán hàng trăm con trâu, để chơi bạc cả triệu đô la… Những sự thật ấy đã một phần được đưa ra công luận. và lúc này đây, một cảm giác xấu hổ và bị phản bội xâm chiếm lòng tôi. Chúng ta sẽ phải trả lời trước hương hồn của cụ Vương Thị Lai và hương hồn của hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh cho Tổ quốc này như thế nào bây giờ???


 

Tôi muốn kể về một trong những người con dâu của dòng họ Mai. Bà là vợ của ông Mai Thế Nguyên, là con dâu cụ Vương Thị Lai. Tên của bà là Liv Heidrun, người gốc Nauy. Lần đầu tiên gặp mẹ chồng, bà đã xưng tên mình với mẹ chồng. Cụ Vương Thị Lai nghe thấy âm Hei giống với âm Hai trong tiếng Việt thì đặt tên cho cô con dâu người Nauy là Hải cho dễ gọi. Và từ đó, mọi người họi bà là Hải.


Bà Hải trong căn hộ của mình ở Oslo

Tôi gặp bà lần gần đây nhất là năm 2003. Bà bảo với tôi lần này về Việt Nam là để cùng chồng tìm mua một căn hộ ở Hà Nội. Xin đừng nghĩ bà là người giàu có về Việt nam đầu tư vào bất động sản. Bà chỉ muốn ước vọng của chồng mình lâu nay được thực hiện. Ông Mai Thế Nguyên chỉ mơ có một căn nhà nhỏ ở Hà Nội để được trở về sinh sống ở nơi mà ông đã sinh ra và lớn lên suốt những năm tháng ấu thơ của mình. Nhưng thiêng liêng hơn là ông và các anh em ông muốn có một nơi để thờ cúng tổ tiên cha mẹ. Bởi cụ Vương Thị Lai đã sống, lao động và cống hiến tiền, vàng và nhiều ngôi nhà, đất đai cho Cách mạng nhưng sau này những đứa con của cụ lại không có một nơi chốn đàng hoàng để thờ cúng.

Tôi đã từng ngồi uống cà phê và hút thuốc với bà trên ban công nhiều cây xanh ở một chung cư thủ đô Oslo. Bằng một giọng tiếng Anh giản dị và xúc động, bà kể cho tôi nghe về cuộc đời làm dâu một xứ sở xa lạ. Làm dâu mấy chục năm trời nhưng bà không nói được tiếng Việt. Bà có vẻ ngượng ngùng khi nói đến chuyện này. Bà đã cố học. Nhưng bà thấy tiếng Việt khó quá. Hơn nữa, gia đình chồng bà rất nhiều người giỏi ngoại ngữ. Có lẽ vì thế mà bà dùng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để nói chuyện.

Bà Hải đã sinh ra, lớn lên và sống gần 60 năm ở Nauy. Và những người già thường tìm về nơi nào gần gũi nhất với cuộc đời mình để sống trong những năm cuối đời. Nhưng bà lại là người hiểu rõ câu nói của người Việt “ lấy chồng thời phải theo chồng”. Việc lấy chồng Việt Nam đã mang đến cuộc đời bà một thay đổi lớn lao. Thay đổi này đòi hỏi bà phải sống như một nhà hoạt động xã hội, một người đấu tranh cho hòa bình chứ không chỉ là một kiến trúc sư. Trong những năm chiến tranh, bà thấy bom nổ trong giấc ngủ của mình. Bà nói với tôi có lúc bà tưởng Mỹ đã ném bom xuống Oslo thanh bình của bà. Nơi mà hàng năm, người Nauy đọc tên những người được Giải thưởng Nobel Hòa bình.

Hơn 20 mươi năm trước, cô con dâu Nauy này đã thực hiện chuyến trở về quê chồng đầu tiên. Bà đã kể cho tôi chuyến đi ấy. Tôi nghe giọng bà mà cứ nghĩ chuyến đi ấy mới diễn ra ngày hôm qua. Mặt bà hạnh phúc. Giọng bà run rẩy vì xúc động. Trong nhiều tháng trước khi trở về quê chồng, bà luôn luôn nghĩ xem mình sẽ nói câu gì với mẹ chồng khi gặp mặt. Và bà trở nên mệt mỏi và thất vọng khi không một câu nói nào mà bà đã chuẩn bị làm bà yên tâm. Mình sẽ ăn mặc như thế nào? Câu hỏi này đã làm bà khốn khổ.


Vợ chồng ông Mai Thế Nguyên ở Hà Nội

Nhiều lúc ở nhà một mình, bà đã thử hết các loại quần áo mà bà có nhưng bà thất vọng. Cuối cùng bà quyết định mặc một bộ áo dài truyền thống Việt Nam. Thế là trước khi một tháng về quê chồng, bà đã bí mật đi may một bộ áo dài. Ngày ấy ở Nauy, thật vô cùng khó khăn cho bà có thể tìm được một hiệu may Việt Nam. Thế là bà tự vẽ mẫu bộ áo dài đó và hướng dẫn tỉ mỉ cho một hiệu may ở Oslo. Bà sẽ mặc bộ áo dài khi bước xuống sân bay. Bà muốn mượn bộ áo dài đó để nói một điều quan trọng với mẹ chồng mình và với những người thân bên nhà chồng.

Khi máy bay chuẩn bị đáp xuống sân bay, bà run lên cầm cập. Bà ôm bộ áo dài vào phòng vệ sinh của máy bay để thay. Khi bà trở về ghế ngồi của mình thì mọi người trên máy bay đều ngạc nhiên nhìn bà. Bà mỉm cười hạnh phúc và ngượng ngùng. Người ngạc nhiên nhất chính là chồng bà. Bà ngồi xuống ghế và cố nhắm mắt để lấy lại bình tĩnh.

Nhưng bà quá căng thẳng. Bà gọi một ly cà phê với hy vọng cà phê sẽ giúp bà trấn an thần kinh. Khi bưng ly cà phê lên, tay bay run bần bật và cả ly cà phê đổ ụp xuống chiếc áo dài bà đang mặc. Gần hết phần trước chiếc áo dài thẫm một màu cà phê. Bà nhìn chiếc áo và lúc đó tâm trí bà không còn biết gì nữa. Bao nhiêu công sức chuẩn bị, bao nhiêu hồi hộp chờ đợi đã phản bội bà. Nước mắt bà giàn dụa. Chồng bà không biết làm gì để giúp bà. Và ông chỉ biết nổi cáu vô cớ với vợ. Ông bắt bà thay ngay chiếc áo dài thẫm màu cà phê.

Nhưng bà quyết định không thay. Bà mặc nguyên chiếc áo đó và đặt bước chân đầu tiên xuống mảnh đất quê chồng. Bà bước đến trước mẹ chồng. Bà không nói được câu nào. Bà chỉ biết cầm tay mẹ chồng và khóc.

Tôi đã có cuộc phỏng vấn mẹ chồng tôi có ghi âm”. Bà Hải nói và cười. Đó là chuyến đi đầu tiên về nhà chồng của bà. Và cô con dâu đã đặt máy ghi âm trước mẹ chồng mình và tiến hành cuộc phỏng vấn. “ Bà phỏng vấn mẹ chồng mình những gì ?” Tôi hỏi. Bà cười ngượng ngùng và nói bà chẳng còn nhớ nữa. Sau này nhiều lúc bà cứ tự hỏi vì sao mình lại đi phỏng vấn mẹ chồng mà người phiên dịch cho bà lại chính chồng bà. “ Đấy là một phụ nữ vĩ đại, một bà mẹ chồng vĩ đại”, bà xúc động nói.

Những ngày ở Nauy tôi có đến thăm vợ chồng bà. Ông Mai Thế Nguyên mặc tạp dề hì hụi nấu phở đãi khách. Bà tíu tít giúp chồng lấy bát đũa, hành ớt… Lúc đó tôi thấy bà giống như một người giúp việc lành nghề trong những hiệu phở ở Hà Nội. Một lần bà ghé tai tôi và nói: “ Tôi không quen ăn phở, nhưng tôi biết làm gì để giúp chồng tôi nấu món này”. Chẳng ai bắt một cô dâu người Châu Âu phải ăn mắm tôm, cà pháo …thế mới là nhập gia tùy tục. Cũng như chẳng ai bắt bà về Việt nam sống khi tuổi già. Bà tự nguyện bởi bà yêu chồng. Tuy bà là người Nauy nhưng bà là con dâu của dòng họ Mai ở Việt Nam. Và như vậy bà thuộc về dòng họ ấy.

Trong nhưng năm chiến tranh và trong hòa bình, bà là một trong nhiều người Nauy đã làm hết sức mình để nói với dân tộc Nauy và những dân tộc khác về dân tộc Việt nam. Bà nói về Việt Nam say đắm đến mức có người đến nhìn sát mặt bà và hỏi: “Cộng sản à?”. Bà trả lời: “Tôi không phải Cộng sản”. Người kia lại hỏi: “Thế sao bà yêu Việt Nam đến như vậy ?”. Bà trả lời: “Vì đó là quê chồng tôi”. Trả lời xong bà khóc.

Một trong những niềm vui của ông Mai Thế Nguyên là được đi bộ trên một đường phố Hà Nội trong một buổi sáng mùa đông, ăn một bát phở bò nóng rẫy và suýt xoa với nước dùng, với tương ớt, với hành hoa, với gầu, với nạm… Những lúc như thế, bà ngồi hút thuốc và lặng lẽ nhìn chồng. Bất chợt lúc nào đấy, bà quay sang một người bên cạnh và nói nhỏ: “ Tôi không quen ăn phở. Nhưng chồng tôi không thể nào bỏ được. Hãy nhìn chồng tôi ăn kìa. Thật tuyệt vời làm sao”. Và tôi là một người đã từng nghe câu nói ấy.

Bây giờ vợ chồng bà đã có được một căn hộ nhỏ trong một chung cư ở Hà Nội. Ông Mai Thế Nguyên trở về Việt Nam không chỉ để nghỉ. Ông đã và đang giúp một số tổ chức của Nauy xúc tiến nhiều chương trình nhân đạo giúp Việt Nam. Ông nói với tôi lương của ông bà cũng đủ sống. Kiếm được thêm đồng nào họ chỉ để làm từ thiện. Trong một chiều ngồi uống cà phê, ông nói với tôi ông đang soạn thư để gửi Nhà nước xin lại phần đất đai mà mẹ ông đã giao cho Nhà nước quản lý. Anh em ông ao ước khi xin lại được một phần đất đai đúng như quy định của Nhà nước thì họ sẽ xây một ngôi nhà chung để thờ cúng tổ tiên, cha mẹ. Tôi đã xem hồ sơ giao nhà và đất cho Nhà nước quản lý và lợi ích mà gia đình ông được hưởng theo quy chế của luật pháp thì tôi tin họ sẽ xây được ngôi nhà thờ như họ hằng mong muốn.

Năm nay, ông Mai Thế Nguyên ở lại Hà Nội đón Tết. Bà Hải đang chữa bệnh nên không thể về cùng ông. Trong thời gian này, ông đang làm bản thảo cuốn sách Kiến trúc Hà Nội xưa và nay để giới thiệu cho bạn bè quốc tế những nét kiến trúc độc đáo của Hà Nội. Luận án tốt nghiệp đại học kiến trúc của ông ở Nauy cũng là một công trình nghiên cứu về kiến trúc Việt Nam. Tôi lại nhớ đến căn hộ của ông ở Oslo. Kiến trúc bên ngoài là kiến trúc Châu Âu. Nhưng bên trong căn hộ đó ngập tràn văn hóa Việt.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo