Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Về những người đặc biệt trong một gia đình họ Mai - Phần 2

Về những người đặc biệt trong một gia đình họ Mai - Phần 2

Viết email In
Chỉ mục bài viết
Về những người đặc biệt trong một gia đình họ Mai
Phần 2
Tất cả các trang

 

Tôi muốn kể về một trong những người con dâu của dòng họ Mai. Bà là vợ của ông Mai Thế Nguyên, là con dâu cụ Vương Thị Lai. Tên của bà là Liv Heidrun, người gốc Nauy. Lần đầu tiên gặp mẹ chồng, bà đã xưng tên mình với mẹ chồng. Cụ Vương Thị Lai nghe thấy âm Hei giống với âm Hai trong tiếng Việt thì đặt tên cho cô con dâu người Nauy là Hải cho dễ gọi. Và từ đó, mọi người họi bà là Hải.


Bà Hải trong căn hộ của mình ở Oslo

Tôi gặp bà lần gần đây nhất là năm 2003. Bà bảo với tôi lần này về Việt Nam là để cùng chồng tìm mua một căn hộ ở Hà Nội. Xin đừng nghĩ bà là người giàu có về Việt nam đầu tư vào bất động sản. Bà chỉ muốn ước vọng của chồng mình lâu nay được thực hiện. Ông Mai Thế Nguyên chỉ mơ có một căn nhà nhỏ ở Hà Nội để được trở về sinh sống ở nơi mà ông đã sinh ra và lớn lên suốt những năm tháng ấu thơ của mình. Nhưng thiêng liêng hơn là ông và các anh em ông muốn có một nơi để thờ cúng tổ tiên cha mẹ. Bởi cụ Vương Thị Lai đã sống, lao động và cống hiến tiền, vàng và nhiều ngôi nhà, đất đai cho Cách mạng nhưng sau này những đứa con của cụ lại không có một nơi chốn đàng hoàng để thờ cúng.

Tôi đã từng ngồi uống cà phê và hút thuốc với bà trên ban công nhiều cây xanh ở một chung cư thủ đô Oslo. Bằng một giọng tiếng Anh giản dị và xúc động, bà kể cho tôi nghe về cuộc đời làm dâu một xứ sở xa lạ. Làm dâu mấy chục năm trời nhưng bà không nói được tiếng Việt. Bà có vẻ ngượng ngùng khi nói đến chuyện này. Bà đã cố học. Nhưng bà thấy tiếng Việt khó quá. Hơn nữa, gia đình chồng bà rất nhiều người giỏi ngoại ngữ. Có lẽ vì thế mà bà dùng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để nói chuyện.

Bà Hải đã sinh ra, lớn lên và sống gần 60 năm ở Nauy. Và những người già thường tìm về nơi nào gần gũi nhất với cuộc đời mình để sống trong những năm cuối đời. Nhưng bà lại là người hiểu rõ câu nói của người Việt “ lấy chồng thời phải theo chồng”. Việc lấy chồng Việt Nam đã mang đến cuộc đời bà một thay đổi lớn lao. Thay đổi này đòi hỏi bà phải sống như một nhà hoạt động xã hội, một người đấu tranh cho hòa bình chứ không chỉ là một kiến trúc sư. Trong những năm chiến tranh, bà thấy bom nổ trong giấc ngủ của mình. Bà nói với tôi có lúc bà tưởng Mỹ đã ném bom xuống Oslo thanh bình của bà. Nơi mà hàng năm, người Nauy đọc tên những người được Giải thưởng Nobel Hòa bình.

Hơn 20 mươi năm trước, cô con dâu Nauy này đã thực hiện chuyến trở về quê chồng đầu tiên. Bà đã kể cho tôi chuyến đi ấy. Tôi nghe giọng bà mà cứ nghĩ chuyến đi ấy mới diễn ra ngày hôm qua. Mặt bà hạnh phúc. Giọng bà run rẩy vì xúc động. Trong nhiều tháng trước khi trở về quê chồng, bà luôn luôn nghĩ xem mình sẽ nói câu gì với mẹ chồng khi gặp mặt. Và bà trở nên mệt mỏi và thất vọng khi không một câu nói nào mà bà đã chuẩn bị làm bà yên tâm. Mình sẽ ăn mặc như thế nào? Câu hỏi này đã làm bà khốn khổ.


Vợ chồng ông Mai Thế Nguyên ở Hà Nội

Nhiều lúc ở nhà một mình, bà đã thử hết các loại quần áo mà bà có nhưng bà thất vọng. Cuối cùng bà quyết định mặc một bộ áo dài truyền thống Việt Nam. Thế là trước khi một tháng về quê chồng, bà đã bí mật đi may một bộ áo dài. Ngày ấy ở Nauy, thật vô cùng khó khăn cho bà có thể tìm được một hiệu may Việt Nam. Thế là bà tự vẽ mẫu bộ áo dài đó và hướng dẫn tỉ mỉ cho một hiệu may ở Oslo. Bà sẽ mặc bộ áo dài khi bước xuống sân bay. Bà muốn mượn bộ áo dài đó để nói một điều quan trọng với mẹ chồng mình và với những người thân bên nhà chồng.

Khi máy bay chuẩn bị đáp xuống sân bay, bà run lên cầm cập. Bà ôm bộ áo dài vào phòng vệ sinh của máy bay để thay. Khi bà trở về ghế ngồi của mình thì mọi người trên máy bay đều ngạc nhiên nhìn bà. Bà mỉm cười hạnh phúc và ngượng ngùng. Người ngạc nhiên nhất chính là chồng bà. Bà ngồi xuống ghế và cố nhắm mắt để lấy lại bình tĩnh.

Nhưng bà quá căng thẳng. Bà gọi một ly cà phê với hy vọng cà phê sẽ giúp bà trấn an thần kinh. Khi bưng ly cà phê lên, tay bay run bần bật và cả ly cà phê đổ ụp xuống chiếc áo dài bà đang mặc. Gần hết phần trước chiếc áo dài thẫm một màu cà phê. Bà nhìn chiếc áo và lúc đó tâm trí bà không còn biết gì nữa. Bao nhiêu công sức chuẩn bị, bao nhiêu hồi hộp chờ đợi đã phản bội bà. Nước mắt bà giàn dụa. Chồng bà không biết làm gì để giúp bà. Và ông chỉ biết nổi cáu vô cớ với vợ. Ông bắt bà thay ngay chiếc áo dài thẫm màu cà phê.

Nhưng bà quyết định không thay. Bà mặc nguyên chiếc áo đó và đặt bước chân đầu tiên xuống mảnh đất quê chồng. Bà bước đến trước mẹ chồng. Bà không nói được câu nào. Bà chỉ biết cầm tay mẹ chồng và khóc.

Tôi đã có cuộc phỏng vấn mẹ chồng tôi có ghi âm”. Bà Hải nói và cười. Đó là chuyến đi đầu tiên về nhà chồng của bà. Và cô con dâu đã đặt máy ghi âm trước mẹ chồng mình và tiến hành cuộc phỏng vấn. “ Bà phỏng vấn mẹ chồng mình những gì ?” Tôi hỏi. Bà cười ngượng ngùng và nói bà chẳng còn nhớ nữa. Sau này nhiều lúc bà cứ tự hỏi vì sao mình lại đi phỏng vấn mẹ chồng mà người phiên dịch cho bà lại chính chồng bà. “ Đấy là một phụ nữ vĩ đại, một bà mẹ chồng vĩ đại”, bà xúc động nói.

Những ngày ở Nauy tôi có đến thăm vợ chồng bà. Ông Mai Thế Nguyên mặc tạp dề hì hụi nấu phở đãi khách. Bà tíu tít giúp chồng lấy bát đũa, hành ớt… Lúc đó tôi thấy bà giống như một người giúp việc lành nghề trong những hiệu phở ở Hà Nội. Một lần bà ghé tai tôi và nói: “ Tôi không quen ăn phở, nhưng tôi biết làm gì để giúp chồng tôi nấu món này”. Chẳng ai bắt một cô dâu người Châu Âu phải ăn mắm tôm, cà pháo …thế mới là nhập gia tùy tục. Cũng như chẳng ai bắt bà về Việt nam sống khi tuổi già. Bà tự nguyện bởi bà yêu chồng. Tuy bà là người Nauy nhưng bà là con dâu của dòng họ Mai ở Việt Nam. Và như vậy bà thuộc về dòng họ ấy.

Trong nhưng năm chiến tranh và trong hòa bình, bà là một trong nhiều người Nauy đã làm hết sức mình để nói với dân tộc Nauy và những dân tộc khác về dân tộc Việt nam. Bà nói về Việt Nam say đắm đến mức có người đến nhìn sát mặt bà và hỏi: “Cộng sản à?”. Bà trả lời: “Tôi không phải Cộng sản”. Người kia lại hỏi: “Thế sao bà yêu Việt Nam đến như vậy ?”. Bà trả lời: “Vì đó là quê chồng tôi”. Trả lời xong bà khóc.

Một trong những niềm vui của ông Mai Thế Nguyên là được đi bộ trên một đường phố Hà Nội trong một buổi sáng mùa đông, ăn một bát phở bò nóng rẫy và suýt xoa với nước dùng, với tương ớt, với hành hoa, với gầu, với nạm… Những lúc như thế, bà ngồi hút thuốc và lặng lẽ nhìn chồng. Bất chợt lúc nào đấy, bà quay sang một người bên cạnh và nói nhỏ: “ Tôi không quen ăn phở. Nhưng chồng tôi không thể nào bỏ được. Hãy nhìn chồng tôi ăn kìa. Thật tuyệt vời làm sao”. Và tôi là một người đã từng nghe câu nói ấy.

Bây giờ vợ chồng bà đã có được một căn hộ nhỏ trong một chung cư ở Hà Nội. Ông Mai Thế Nguyên trở về Việt Nam không chỉ để nghỉ. Ông đã và đang giúp một số tổ chức của Nauy xúc tiến nhiều chương trình nhân đạo giúp Việt Nam. Ông nói với tôi lương của ông bà cũng đủ sống. Kiếm được thêm đồng nào họ chỉ để làm từ thiện. Trong một chiều ngồi uống cà phê, ông nói với tôi ông đang soạn thư để gửi Nhà nước xin lại phần đất đai mà mẹ ông đã giao cho Nhà nước quản lý. Anh em ông ao ước khi xin lại được một phần đất đai đúng như quy định của Nhà nước thì họ sẽ xây một ngôi nhà chung để thờ cúng tổ tiên, cha mẹ. Tôi đã xem hồ sơ giao nhà và đất cho Nhà nước quản lý và lợi ích mà gia đình ông được hưởng theo quy chế của luật pháp thì tôi tin họ sẽ xây được ngôi nhà thờ như họ hằng mong muốn.

Năm nay, ông Mai Thế Nguyên ở lại Hà Nội đón Tết. Bà Hải đang chữa bệnh nên không thể về cùng ông. Trong thời gian này, ông đang làm bản thảo cuốn sách Kiến trúc Hà Nội xưa và nay để giới thiệu cho bạn bè quốc tế những nét kiến trúc độc đáo của Hà Nội. Luận án tốt nghiệp đại học kiến trúc của ông ở Nauy cũng là một công trình nghiên cứu về kiến trúc Việt Nam. Tôi lại nhớ đến căn hộ của ông ở Oslo. Kiến trúc bên ngoài là kiến trúc Châu Âu. Nhưng bên trong căn hộ đó ngập tràn văn hóa Việt.



 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo