Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Luật kiến trúc sư, tại sao và như thế nào?

Luật kiến trúc sư, tại sao và như thế nào?

Viết email In

Bài viết của KTS Nguyễn Trường Lưu (ảnh), Phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TP.HCM, xung quanh việc cần thiết phải có bộ luật này và cách thức cũng như dự kiến quá trình soạn thảo và thông qua bộ luật.

Hai câu chuyện xung quanh danh xưng kiến trúc sư

Xin bắt đầu bằng một câu chuyện thực tế của một người trong gia đình tôi. Trong gia đình họ, có con trai lớn tốt nghiệp đại học ngành kiến trúc ở Mỹ đã mười năm và hiện chưa đủ điều kiện để có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, nghĩa là chưa được tham gia thiết kế, sáng tác một cách độc lập với tư cách cá nhân. Con trai nhỏ của họ tốt nghiệp đại học Kiến trúc TP.HCM 5 năm và hiện đã là “kiến trúc sư”, hành nghề như rất nhiều đồng nghiệp có tuổi bằng hoặc ít hơn. Ở Việt Nam, cứ tốt nghiệp đại học kiến trúc và sau 5 năm ra trường là có thể hành nghề kiến trúc sư, có đủ tư cách pháp nhân để đứng tên, chủ trì thiết kế các công trình còn nếu làm nhà ở tư nhân các loại thì không cần!?

Điểm khác nhau duy nhất trong trường hợp trên là ở Mỹ, có luật kiến trúc sư còn ở Việt Nam thì chưa có luật. Ở Mỹ, tuỳ từng tiểu bang, tuỳ từng trường đại học, thời gian học kiến trúc có thể là từ 4 – 5 năm. Sau khi học xong, thi tốt nghiệp đạt yêu cầu, người tốt nghiệp sẽ có bằng cử nhân kiến trúc. Cử nhân kiến trúc phải có quá trình thiết kế từ 3.800 – 4.500 giờ trong văn phòng của một kiến trúc sư nào đó, sau đó phải vượt qua kỳ thi sát hạch mới được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư. Đến lúc đó mới được công nhận là kiến trúc sư. Việc giành được chứng chỉ hành nghề này không đơn giản. Và người được hành nghề kiến trúc sư, cũng như bác sĩ, luật sư thường giành được sự trọng vọng của xã hội.

Viết đến đây tôi lại nhớ, có lần đi thăm Nhật. Người phiên dịch cho tôi vốn đã tốt nghiệp đại học Kiến trúc TP.HCM và lúc đó đã có bằng tiến sĩ kiến trúc ở Nhật. Buổi gặp có đông đảo các tiến sĩ, thạc sĩ nhiều ngành nghề. Khi người phiên dịch giới thiệu tôi là kiến trúc sư, tôi thấy đối tác bày tỏ, thể hiện sự trọng vọng cá nhân tôi, mà tôi cho là có phần hơn cả các tiến sĩ. Hẳn nhiên là tôi thắc mắc về điều này và trao đổi với người phiên dịch. Người phiên dịch giải thích rằng học vị tiến sĩ tuy là học vị cao nhưng đối với một số người, đó vẫn là công việc học tập, nghiên cứu. Còn kiến trúc sư, đó là kết quả của một quá trình học và hành. Mà việc có công trình được xã hội thừa nhận để trở thành kiến trúc sư không hề dễ dàng. Chính vì lẽ đó, nhiều người rất coi trọng các kiến trúc sư.

Có luật kiến trúc sư, ai hưởng lợi đầu tiên?

Qua hai thí dụ trên, ta thấy rằng luật kiến trúc sư ra đời chính là để đặt ra quy trình kiểm soát, chuẩn hoá quá trình hành nghề sau khi học. Thông thường, trên thế giới, các ngành có luật để hành nghề là bác sĩ, luật sư và kiến trúc sư. Theo tôi, đây là những ngành nghề có ảnh hưởng rất lớn đến con người và xã hội nên phải có luật. Với kiến trúc sư chẳng hạn, khi tham gia thiết kế, sáng tác một công trình cho chủ đầu tư, anh ta đã sử dụng cả khối tài sản lớn, có khi là của cải cả đời người và việc xây dựng một công trình do mình chủ trì. Nếu không thành công, công trình đó không chỉ làm mất của cải của nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Ví dụ như kiến trúc sư thiết kế công trình cấp 2 có thời hạn sử dụng 75 năm, song nếu mới 20 năm đã hư hỏng, lạc hậu hoặc bất hợp lý dẫn tới không sử dụng được, phải sửa chữa hoặc bỏ đi thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Ở Việt Nam ta, tại miền bắc, khoảng trước những năm 1960 có đoàn kiến trúc sư hoạt động theo luật. Sau đó, đoàn luật sư phát triển theo mô hình hội đoàn thể nghề nghiệp và trở thành hội kiến trúc sư ngày nay. Ở miền Nam, trước năm 1975 cũng có đoàn kiến trúc sư hoạt động theo luật. Sau đó cũng phát triển theo mô hình hội nghề nghiệp như hiện nay.

Hiện nay, kiến trúc sư, sau khi ra trường 5 năm cũng được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng do bộ Xây dựng uỷ quyền cho các sở Xây dựng cấp, nhưng đó chỉ là tờ khai thủ tục còn thực tế các công trình thực hiện có đủ tư cách cho kiến trúc sư hành nghề không (???) thì chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hội ngành nghề chưa thực chất có đủ cơ sở để thẩm định chất lượng. Việc cập nhật kiến thức để bổ sung cho giấy chứng chỉ hành nghề hàng năm cũng chưa có. Ở một số nước có luật kiến trúc sư, quy trình này được thực hiện rất chặt chẽ. Ví dụ, kiến trúc sư của nước A có luật kiến trúc sư, khi sang Việt Nam hành nghề, hàng năm phải về nước sở tại bổ sung chứng chỉ, cập nhật kiến thức mới. Một kiến trúc sư của nước có luật kiến trúc sư, khi sang Việt Nam cũng phải có một thời gian sống tại Việt Nam, ví dụ tối thiểu là trên sáu tháng, mới được tham gia thiết kế nhà ở dân dụng. Còn nếu chủ trì thiết kế công trình lớn như bệnh viện, trường học thì điều kiện còn khắc nghiệt hơn. Tóm lại, nếu không có luật kiến trúc sư thì sẽ có một khoảng trống trong việc kiểm soát chất lượng hành nghề của các kiến trúc sư.

Chính điều này tạo nên sự khác nhau về số lượng. Chẳng hạn như toàn nước Malaysia chỉ có khoảng 1.000 kiến trúc sư trong khi ở Việt Nam, con số này hiện là khoảng 30.000 người. Với sự chênh lệch về số lượng như vậy, có lẽ không cần giải thích thêm vì sao có sự khác nhau về chất lượng.

Từ những phân tích trên, dễ thấy, nếu có luật kiến trúc sư, người hưởng lợi đầu tiên là toàn xã hội. Còn bản thân kiến trúc sư, nhất là các kiến trúc sư trẻ, phải có quá trình hành nghề, học tập phấn đấu thì mới có chứng chỉ hành nghề và mới được gọi là kiến trúc sư.

Luật kiến trúc sư sẽ ra đời như thế nào?

Có thể nói, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có quá trình 17 năm theo đuổi việc làm luật này. Nhiệm kỳ này của Quốc hội đã đồng ý đưa Luật kiến trúc sư vào kế hoạch. Hiện nay, Bộ chủ quản của Hội, ở đây là Bộ xây dựng đang chuẩn bị soạn thảo để dự kiến tháng 6/2013 trình chính phủ. Đến tháng 10/2013, chính phủ trình quốc hội xem xét và đến tháng 6/2014 thì trình quốc hội phê chuẩn.

Bộ luật này đang được các cấp hội ngành và các cơ quan liên quan bàn thảo, xây dựng. Buổi thảo luận vừa qua tổ chức ở TP.HCM là một bước như vậy. Ở đây, trên diễn đàn là tạp chí của Hội, tôi muốn nhấn mạnh một điều: Luật ra đời không chỉ chi phối giới kiến trúc sư và những người hành nghề kiến trúc mà còn cả của cải của các chủ đầu tư nữa. Nghề kiến trúc có đặc thù là muốn rung động, sáng tác thì trước hết phải có hợp đồng. Lâu nay vẫn tồn tại tình trạng chủ đầu tư tham gia bóp méo công trình. Nếu có luật, chủ đầu tư sẽ bị ràng buộc giới hạn can thiệp. Còn cụ thể như thế nào phải chờ quá trình xây dựng luật.

Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bàn thảo của các anh chị em trong hội, của đông đảo các nhà đầu tư và bạn đọc xung quanh vấn đề này./.

KTS Nguyễn Trường Lưu


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
+1 # Minh Binh Do 22/07/2012 15:48
Mình lại nghĩ khác nhiều người. ra luật KTS riêng sẽ đẩy các KTS tách ra mình ra khỏi xã hội. Thay vì ra luật KTS hãy hoàn thiện các bộ luật về Kiến trúc, Xây dựng...
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # Hong Hungohong 22/07/2012 15:52
O Au Chau, nhu la Duc, la ra truong hoc kho hon nhung nuoc khac. Trong nhung nam hoc phai di thuc tap it nhat la 18 thang. Trung binh hoc o day la 7 nam. Ra truong thi co the hanh nghe tu do, neu co than chu. Nhung tren thuc te thi ho phai di lam mot thoi gian cho nhung cong ty de lay kinh nghiem va nhung moi quan he (Customer Relation Ship). O moi tieu bang ben nay deu co luat xay dung va nhung kien truc phai tuyet doi tuan theo. Vua qua san bay cua Berlin la do mot cong ty xay dung cua nuoc ngoai dau tu, nen co rat nhieu chuyen xay ra, vi ho ko hieu duoc luat xay dung cua Duc, tre di ca nam.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+1 # Dragon 22/07/2012 17:16
Tôi nghĩ, luật Kts ra đời là tất yếu theo xu hướng chung. Nhưng với tình trang dùng luật rưng như ở VN thì nó sẽ khó phát huy hiệu quả. Tôihy vong, thơi điểm luật được thông qua, ý thức chấp hanh luật ơ VN tốt hơn. Cac KTS đàn anh phải làm gương, ko chèn ép đan em đê ho có cơ hôi vươn lên.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+1 # DONG 12/08/2012 01:32
CHI CẦN LẤY BẰNG HỌA VIÊN. LÀM VÀI NĂM TICH LUY IT KINH NGHIỆM. BIÊT SỬ DỤNG 3DMAX, RENDER VRAY ,....RỒI TỰ PHONG MÌNH LÀ KTS.....HẦU NHƯ BÂY GIỜ LÀ THẾ.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo