Ashui.com

Monday
Jan 06th
Home Tương tác Phản biện Luật Kiến trúc sư: mong mỏi điều gì?

Luật Kiến trúc sư: mong mỏi điều gì?

Viết email In

Luật Kiến trúc sư - giới kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đang mong mỏi sự ra đời của bộ luật được ví như cây đũa thần này, tuy nhiên, điều quan trọng và đáng quan tâm hơn nữa chính là sự tác động và hiệu quả thật sự mà Luật KTS đem lại, đáp ứng được kỳ vọng của không chỉ KTS hành nghề tại Việt Nam, mà còn là sự mong mỏi của xã hội, của yêu cầu hội nhập và phát triển. 

Hành nghề cá nhân, một xu hướng tương lai

Luật KTS cần tăng cường trách nhiệm, phạm vi hoạt động cho việc hành nghề cá nhân của KTS với tư cách độc lập. Dù muốn hay không, trong tương lai, việc hành nghề theo dạng tư vấn, cố vấn chuyên môn hay cộng tác theo từng dự án sẽ là phổ biến tại Việt Nam. Sẽ đến lúc các công ty khó khăn trong việc chi trả phí quá cao để giữ chân các tài năng của họ, và vì vậy, một mạng lưới hành nghề tự do, tất yếu sẽ hình thành. 

Việc hợp pháp hóa tư cách hành nghề cá nhân với một phạm vi công việc đủ rộng và đa dạng để thực hiện, sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho KTS trong quá trình tác nghiệp của mình, đồng thời, có trách nhiệm rõ ràng hơn với chất lượng sản phẩm do mình thực hiện. Không thế phủ nhận, KTS vốn có cái tôi lớn, đa số là vậy, chỉ trừ một số trường hợp không nhiều. Càng giỏi, cái tôi của họ càng cao, việc tạo điều kiện hành nghề độc lập, là một cơ hội cho những cá nhân xuất sắc này được đóng góp nhiều hơn, thiết thực hơn. 

Một vấn đề nữa, cần phải làm rõ chính là phạm vi công việc và nội dung dự án mà cá nhân hành nghề được phép tham gia. Thực tế cho thấy, luôn có khoảng cách rất lớn về năng lực giữa các KTS với nhau, những cá nhân xuất sắc có thể giải quyết vấn đề bằng cả tháng trời của một tập thể lu mờ. Luật KTS một mặt vừa tạo điều kiện để hành nghề rộng hơn, mặt khác, cần xây dựng những cơ chế để khuyến khích họ hợp tác hiệu quả với các tập thể khác.

Đa dạng hóa quy trình tác nghiệp

Hành nghề kiến trúc là một quá trình tư duy để cung ứng các giải pháp cho các vấn đề theo khía cạnh của thiết kế, mà đã là tư duy thì có rất nhiều mô hình, phương pháp và cách tiếp cận khác nhau. Luật KTS cũng cần thiết nêu rõ quan điểm với từng cách tiếp cận khác nhau, thừa nhận trên cơ sơ đáp ứng đa dạng nhu cầu của xã hội, không gò ép vào các sản phẩm và quy trình cứng nhắc hiện tại, làm giảm sức sáng tạo và tính linh động trong việc giái quyết vấn đề. Vì vậy, việc làm rõ quy trình và các nội dung thiết kế/ mục đích thiết kế từng bước và chi phí ước tính dự kiến / định mức như thế nào để hợp pháp hóa các đề xuất đa dạng của dịch vụ thiết kế, mà không mâu thuẫn với các nghị định / thông tư hiện hành về dự án đầu tư xây dựng mà hạng mục thiết kế vốn được đề cập hết sức hời hợt và cứng nhắc.

Vai trò của thiết kế ý tưởng rất mờ nhạt trong những nội dung văn bản hiện hành, nên thị trường có thể tùy hiểu và đánh giá, nội dung nghiên cứu cũng chưa thực sự bám sát nhu cầu của từng dự án, có khi quá ít, cũng có khi quá nhiều, và có khi không cần thiết phải có, mặc dù rất quan trọng. Cần bổ sung nội dung thiết kế ý tưởng, xây dựng tầm nhìn dự án là một thành phần của hồ sơ thiết kế, làm cơ sở cho việc quản lý từng nội dung và đáp ứng đa dạng, linh động hơn cho từng mục đích cụ thể, từng bối cảnh khác nhau của dự án.

 
Giá trị của ý tưởng, của tầm nhìn, của khát vọng và của sự đổi mới cần một chỗ đứng, một giá trị và được thừa nhận hợp pháp. 

Động lực để tạo sự thay đổi

Trong tình hình khó khăn, mảng dự án đầu tư công chưa thể cắt giảm trong khi có quá nhiều điều cần phải điều chỉnh trong cơ cấu huy động vốn đầu tư, kêu gọi thu hút FDI, vậy trong viễn cảnh từ nay đến năm 2020, đảm bảo hiện đại hóa, mảng dự án vốn ngân sách cần phải có những định hướng rõ nét và hiệu quả hơn. Vấn đề không phải là cắt giảm mà là đầu tư có hiệu quả hơn.

Trong tình trạng của VN hiện nay, phải xác định mảng dự án vốn ngân sách là đòn bẩy, là sức bật và là nguồn dự án cực kỳ quan trọng trong việc giúp một bộ phận KTS có thể đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sáng tác và tạo nên những dự án có điểm mốc quan trọng. Đây là các dự án công cộng có giá trị thẩm mỹ cao, xác định đươc những xu hướng, định hướng có giá trị và tạo nên những suy nghĩ lành mạnh cho xã hội trong tương lai, trở thành hình mẫu. Định hướng tăng giá trị công trình và tổ chức thi tuyển nghiêm túc, lành mạnh với việc tạo nhiều cơ hội cho KTS thực hiện các dự án này. Cơ chế tuyển rộng rãi, toàn quốc hoặc quốc tế, chi phí hợp lý, hiệu quả đảm bảo được công việc cho KTS, đây cũng là bộ mặt của việc đầu tư công và các dự án nhà nước. Vấn đề thứ hai, Luật KTS cần phải loại bỏ trong các dự án này, chính là việc cơ chế xin cho, nhất thân nhì thế, dẫn đến việc hợp thức hóa việc chỉ định thầu, ăn chia tỷ lệ với nhau. Có thể thấy hiện tượng này hầu hết tại các tỉnh thành của VN, luôn có các công ty “chân rết” với sân sau là các sở ban ngành, cơ quan thẩm định, ủy ban tỉnh và các cơ quan công quyền khác. Sự cạnh tranh thiếu bình đẳng và không dựa trên năng lực, dẫn đến cơ chế làm việc “chộp giật”, chỉ biết lấy tiền mà không quan tâm đến hậu quả lâu dài, hoặc loại bỏ các công ty kinh doanh dựa trên những nền tảng thiếu lành mạnh.

Xác định được vai trò của Hội KTS trong công tác lựa chọn thầu và thi tuyển, đồng thời có trách nhiệm đảm bảo được chất lượng thiết kế, nên giao toàn bộ việc lựa chọn đơn vị tư vấn và thẩm định năng lực tư vấn, giám sát tư vấn thiết kế cho Hội KTS, mà cụ thể là Đoàn KTS.

Tách bạch tất cả các mảng dự án vốn ngân sách ra làm hai phần riêng biệt: quản lý hành chính và giấy tờ hồ sơ là do cơ quan nhà nước, sở xây dựng, sở quy hoạch – kiến trúc; việc lựa chọn đơn vị thực hiện nghiên cứu, thiết kế và thi tuyển giao cho Hội KTS. Tránh tình trạng các sở ban ngành “vừa đánh trống, vừa thổi kèn” tạo nên một bộ phận các công ty làm nhũng nhiễu thị trường, lãng phí và thất thoát đầu tư, trong khi không đủ năng lực chuyên môn để thẩm định thiết kế. Không ai giám sát KTS tốt bằng KTS, vì hơn ai hết, họ hiểu được các vấn đề khúc mắc và đồng quan điểm, tạo nên sự nhất trí cao hơn cho việc gia tăng chất lượng các phương án, thay vì giao cho các sở ban ngành như hiện nay, rất dễ xảy ra tiêu cực và gây ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của thị trường tư vấn.


Các dự án vốn đầu tư nhà nước, nếu được thực hiện một cách minh bạch, sẽ là động lực để tạo nên sự đổi mới, dẫn đầu xu hướng. 

Dự án vốn ngân sách là cơ hội và nguồn động viên sự sáng tạo, cách tân, đổi mới và đi tiên phong trong các xu hướng bảo vệ môi trường, xây dựng bền vững và hiệu quả kinh tế, cho thế hệ trẻ, các công ty và văn phòng thiết kế nhỏ về quy mô. Cần hạn chế các yêu cầu về năng lực, tài chính và các yêu cầu khác, khuyến khích các cuộc thi mở rộng, quốc tế thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các KTS và tầng lớp khác, qua đó, tạo nên kênh giao tiếp đa chiều và phản biện có hiệu quả cho các dự án quan trọng của nhà nước. Vốn cần phát triển về chất lượng hơn là hư danh. Riêng các dự án vốn ngân sách, quyền lực và giám sát nội dung thực thi sản phẩm phải được đặt lên trên hết, tránh các lỗi lầm do cơ quan nhà nước gây ra.

Hạn chế sự cạnh tranh về giá, khuyến khích tập trung vào chất lượng dịch vụ thiết kế

Một vấn đề khá nổi cộm hiện nay, trong lĩnh vực tư vấn là sự tham gia cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa các công ty tư vấn với nhau. Trong đó, có không ít các công ty được xem là sân sau của các cơ quan chức năng, các sở ban ngành, thậm chí là Bộ. Điều này vô hình trung, tạo ra một mạng lưới cục bộ để cùng nhau thực hiện các dự án vốn ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh thiếu bình đẳng và hiệu quả. Trên cả nước hiện nay, hầu như mỗi tỉnh, địa phương, quận huyện đều có mạng lưới chân rết này. Những công ty loại này chủ yếu sống dựa vào mối quan hệ, chứ không dựa trên thực lực và năng lực thật sự, điều này tạo nên một sự lãng phí khủng khiếp. Đồng thời, cũng cần phải nhận định chính cơ chế đấu thầu và tuyển chọn tư vấn khép kín như hiện nay, vô hình trung tạo nên một sự bất công lớn trong xã hội mà xét cho cùng, người chịu thiệt thòi chính là nhân dân, những người còng lưng đóng thuế. Điều này, một phần do sự thiếu nhận thức vai trò quan trọng của tư vấn thiết kế trong các dự án đầu tư xây dựng và một phần cơ chế chuyển giao quyền lực, vừa đá banh vừa thổi còi của các cơ quan nhà nước. Vai trò tham mưu, thực hiện và quản lý nhập nhằng là cơ chế miếng mồi để không ít người lợi dụng, tạo nên sân nhà cho chính mình thực hiện dự án một cách bất bình đẳng, tạo nên sự bất công và thiếu lành mạnh trong môi trường phát triển. Nếu làm triệt để, sẽ đụng chạm đến quyền lợi và lợi ích của nhiều đối tượng.


Tại Việt Nam, KTS thường cạnh tranh với nhau về giá, hơn là về chất lượng dịch vụ thiết kế. Chủ đầu tư thì ham rẻ, thiếu hiểu biết và tầm nhìn. Thế nên, đôi bên cùng chịu thiệt. 

Công tác xác định trách nhiệm của Hội KTS / Đoàn KTS phải quyết đoán và có ảnh hưởng hơn bao giờ hết. Hội KTS / Đoàn KTS nên là cơ quan tham mưu được luật pháp thừa nhận cho chính quyền định phương, có quyền hạn trong việc quyết định các lựa chọn liên quan đến công tác nghề nghiệp của mình, và chịu trách nhiệm cho việc lựa chọn đó. Các dự án vốn ngân sách và các dự án có liên quan đến trách nhiệm nghề nghiệp của KTS và sử dụng đơn vị tư vấn thiết kế, Hội KTS có trách nhiệm tổ chức thi tuyển, tuyển chọn công khai minh bạch và chịu trách nhiệm cho việc lựa chọn đó của mình. Việc này, lợi ích về mặt lâu dài, không chỉ giúp làm trong sạch hóa môi trường hành nghề mà còn làm tạo điều kiện khuyến khích tài năng phát triển, tạo nên sự cạnh tranh tích cực giúp lực lượng KTS có thể cống hiến nhiều hơn.

Luật KTS cũng phải quy định các nội dung hành nghề của KTS không nên bó buộc KTS vào các phạm vi công việc và nội dung cứng nhắc theo quy định nhà nước. Các nội dung liên quan đến công việc và cách thức hành nghề do Hội KTS quy định và đa dạng hóa trong khi đảm bảo được hiệu quả công việc và đáp ứng mục tiêu đề ra. Tạo ra các khoản mở và giá trị pháp lý của thành phần hồ sơ. Đây là cơ sở để xây dựng các chương trình nghiên cứu đa dạng và có chất lượng, nằm ngoài khuôn khổ quy định hiện hành, nhưng hết sức cần thiết cho việc phát triển trong tương lai. Ví dụ, trên thế giới, có hàng chục loại dịch vụ hành nghề mà KTS cung cấp, phục vụ cho việc nghiên cứu, thiết kế ví dụ như dịch vụ nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu tầm nhìn dự án, các hội thảo phác thảo, workshop hay các dịch vụ cùng thiết kế có sự tham gia của cộng đồng, chính quyền và chủ đầu tư… Đa dạng hóa như vậy để đáp ứng được sự phức tạp và nhiều mục đích trong việc thực hiện dự án. Thế nhưng tại Việt Nam, loay hoay chỉ có vài loại đồ án quy hoạch, quy hoạch chung, phân khu, quy hoạch 1/500 mà mục tiêu các bản vẽ quy hoạch là điểm đến hơn là một lộ trình, là thực thi hơn là việc nghiên cứu, nên dẫn đến nội dung không sử dụng được, quản lý dựa vào nội dung đó cũng không hiệu quả. Luật KTS nên can thiệp cụ thể và sâu sát hơn nội dung chất lượng nghiên cứu để tạo điều kiện nhiều hơn cho KTS được đóng góp để giải quyết các vấn đề thực chất, hơn là chạy theo các loại quy trình, thủ tục vốn mất thời gian.


Những quy trình phức tạp, thông minh cho ra kết quả nghiên cứu đáp ứng được từng mục tiêu cụ thể, giá trị không phải nằm ở sản phẩm, mà là quy trình tư duy để tạo ra sản phẩm

Vấn đề nhạy cảm với khách hàng, nhưng cần phải làm…

Thêm vào đó, một khía cạnh nhạy cảm nhưng cần phải bàn, Luật KTS cũng cần cương quyết trong nội dung này, đó là: các hợp đồng trong hoạt động tư vấn thiết kế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, cần phải được bảo lãnh thông qua ngân hàng, căn cứ trên tiến độ và nội dung chi trả thống nhất đã nêu trong hợp đồng. Thực tế hành nghề cho thấy, việc chủ đầu tư tư nhân chậm trễ hoặc thậm chí là không chi trả, xù hợp đồng là chuyện “như cơm bữa”, điều này làm nản lòng các KTS tâm huyết với nghề nghiệp và phát sinh nhiều tư tưởng tiêu cực trong việc đối phó với tình huống, hơn là việc cùng nhau giải quyết các vấn đề phát sinh. Ngân hàng là tổ chức có uy tín và chịu trách nhiệm chính cho việc thanh toán, dựa trên sự thống nhất trong nội dung từng công việc và hợp đồng kèm theo.

Cần một tầm nhìn rộng hơn để hòa nhập

Một mặt, Luật KTS sẽ tạo được khung pháp lý để KTS hành nghề tốt hơn, mặt khác cũng cần hỗ trợ KTS trong nước trong việc tìm kiếm và phát triển nguồn dự án tại các nước khác, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, châu Á; tạo điều kiện nhiều hơn cho các thế hệ trẻ khẳng định mình và thể hiện hình ảnh của Việt Nam với thế giới, tăng cường giao lưu chia sẻ văn hóa và trao đổi kinh nghiệm. Luật KTS tạo ra cầu nối và là cơ sở pháp lý trong việc thương thảo hành nghề chung trong khu vực và chia sẻ công việc đa quốc gia.

Xác định tầm nhìn của Luật không chỉ là giúp định hình lại cấu trúc bộ mặt đô thị, vì đô thị hiện hữu đang bị băm nát từng ngày, mà còn xác định hướng phát triển và tạo ra nhiều cơ hội, tạo nên động lực, xu hướng để giới KTS có khả năng đóng góp tốt hơn và hành nghề trong môi trường toàn cầu, một tầm nhìn xa và dài hạn hơn cần được xây dựng vào lúc này. Tái cấu trúc lại công việc hành nghề là điều quan trọng, trong đó xây dựng được một mạng lưới phân bổ hiệu quả và bình đẳng, xác định rõ trách nhiệm của KTS với chủ đầu tư, và trách nhiệm của KTS với các sở ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước.

Hầu hết các doanh nghiệp VN nhỏ lẻ, vốn yếu, hạn chế về nguồn lực, công nghệ, làm ăn thiếu bài bản, nên dẫn đến khó khăn cho lực lượng KTS trong quá trình hành nghề. Đầu ra còn khó khăn chừng nào, còn thiếu bền vững và minh bạch thì sẽ dẫn đến tình trạng đấu đá, chộp giật và cạnh tranh không bình đẳng. Cấu trúc nền kinh tế còn quá bất ổn và đang trong quá trình phát triển về lượng hơn là về chất. Thế nên, các dự án nhà nước vẫn trong tình trạng quan hệ chung chi, quen biết để thực hiện, hoặc nếu có áp dụng luật, quy định sẽ dẫn đến tìm cách luồn lách, quân xanh quân đỏ. Không quá kỳ vọng vào Luật KTS như một chiếc đũa thần, nhưng trong phạm vi của Luật, việc tái cấu trúc và định hình lại các dự án công, với cách tổ chức và thực hiện bình đẳng, hướng đến các chuẩn mực mới, sẽ là động lực to lớn tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ nhất, sâu sắc nhất cho bộ mặt kiến trúc Việt Nam.

KTS Trương Nam Thuận 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
+2 # Dragon 02/10/2012 19:38
Tác giả bài viết này đã nói lên hầu hết thực trạng hành nghề của KTS VN hiện nay. Luật KTS phải hưởng đến từng KTS, tạo hành lang pháp lý vừa rộng mở vừa chặt chẽ, khuyến khích sự sáng tạo trong hành nghề, đột phá trong việc áp dụng công nghệ, vật liệu xây dựng tiên tiến. Đồng thời đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa chủ đầu tư và KTS.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # LongKT 06/10/2012 00:17
Chắc hẳn cũng có rất nhiều KTS yêu nghề đang trăn trở như tôi về vấn đề khá phổ biến và có thể mang tính lây lan để lại hậu họa nghiêm trọng.
Đó là làm sao để thanh lọc, loại thải những cá nhân-tổ chức hành nghề thiết kế có năng lực yếu kém; loại thải dần những công trình méo mó về kiến trúc, những công trình kiến trúc "đen"... điều này khá trớ trêu vì liên quan trực tiếp đến ý thức chủ quan về nhận thức thẩm mỹ và tính kinh tế của chủ đầu tư. Vấn đề này đang làm cho kiến trúc VN đi xuống, hạ tầng vụn nát. Hậu họa là sao? Hậu họa cho con em chúng ta là phải gánh chịu một cơ sở hạ tầng "rác rưởi", thế hệ KTS trẻ về sau phải đi lượm nhặt học hỏi từ cha anh trong mớ hỗn độn đó và nếu như có đầy bản lĩnh thì lại lên tiếng, lại định hướng...thật đáng thương.
Vậy, theo tôi tiếng chuông đầu tiên ở đây là "lương tâm nghề nghiệp" của mỗi KTS, đừng như "văn sỹ Hộ" tron tác phẩm "đời thừa". Và muốn làm dc điều này thì ắt hẳn cần có sự can thiệp cứng tay hơn nữa của các cơ quan nhà nước có liên quan.
Đã chơi thì phải có luật, phái có thưởng và phải có phạt.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...